Văn bản liên quan
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >   Văn bản liên quan  >  
Đặc điểm tình hình và kế hoạch nhiệm vụ

Đặc điểm tình hình và kế hoạch nhiệm vụ

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH VÀ KẾ HOẠCH NHIỆM VỤ

 

   Năm 2007 là năm quan trọng triển khai những nội dung của Kế hoạch  KHCN 2006-2010, Nghị quyết Đại hội Đảng X và Nghị quyết BCH Đảng bộ khoá III với những chủ trương, quyết sách mới nhằm tạo bước phát triển đột phá và chuyển biến mạnh về chất lượng của sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở ĐHQGHN, nhằm góp phần thiết thực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng gia tăng. Đây cũng là Chính phủ thực hiện sơ kết và là năm đầu tiên trong giai đọan II thực hiện “Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2010” của Chính phủ.

  Năm 2007 cũng là năm đầu tiên ĐHQGHN khởi động thực hiện chuyển đổi phương thức đào tạo từ “niên chế” sang “học chế tín chỉ”, đồng thời cũng là năm đầu tiên ĐHQGHN chuẩn bị, xây dựng Đề án phát triển một số ngành đào tạo ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ đạt trình độ quốc tế vào năm 2015 (thường gọi là Đề án 16 + 23).

 Cũng trong năm 2007, ĐHQGHN đã tiếp tục phát triển và củng cố thêm một bước mô hình của một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Cụ thể là một trường đại học thành viên mới được thành lập là Trường Đại học Kinh tế trên cơ sở nâng cấp và phát triển từ Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN trước đây. Đồng thời thêm một viện nghiên cứu mới cũng được thành lập, đó là Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, trên cơ sở phát triển và nâng cấp từ Trung tâm Công nghệ sinh học trực thuộc ĐHQGHN. Những yếu tố trên đây chính là những cơ sở để ĐHQGHN căn cứ vào đó xác định kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ KHCN của mình trong năm 2007. Bên cạnh đó, việc ĐHQGHN được Trung ương Đảng và Nhà nước cho phép tổ chức long trọng lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương, tiền thân của ĐHQGHN và nhân dịp đó, ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học đầu tiên của cả nước được vinh dự đón nhận Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước đã thực sự tiếp thêm một nguồn xung lực mạnh mẽ cho ĐHQGHN trong bước đường xây dựng và trưởng thành tiếp theo.

 Trong bối cảnh đó, họat động KH&CN năm 2007 được ĐHQGHN xác định như sau:

1.      Tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả cao “Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2010” của Chính phủ và ““Kết luận của Đảng uỷ ĐHQGHN về đẩy mạnh hoạt động KHCN góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ xã hội của ĐHQGHN” (27/01/2003) và Nghị quyết BCH Đảng bộ Khoá III của ĐHQGHN, nhằm góp phần xây dựng và phát triển ĐHQGHN theo định hướng đại học nghiên cứu, tiếp tục đẩy mạnh việc gắn kết và tích hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học. Mục tiêu trọng tâm của năm 2007 là tập trung chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô của các hoạt động KHCN, tích cực và thiết thực chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện “Đề án 16-23”, nhằm đưa một số ngành đào tạo SĐH đạt trình độ quốc tế vào năm 2015, góp phần nhanh chóng đưa hoạt động KHCN và đào tạo của ĐHQGHN đạt trình độ đẳng cấp khu vực và quốc tế.

2.      Tích cực hoàn thiện và hiện đại hoá cơ sở vật chất của ĐHQGHN.

3.       Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng quản lý KH&CN. Trên cơ sở những quy định về quản lý trang thiết bị đã được ĐHQGHN ban hành trong năm 2006, sẽ tập huấn và quán triệt và nghiêm túc triển khai đồng bộ trong tất cả các đơn vị trực thuộc; triển khai rà soát lại hoạt động của các trung tâm nghiên cứu và thực hiện Nghị định 115 đối với các tổ chức nghiên cứu và dịch vụ khoa học và công nghệ.

4.      Xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu lớn, đặc biệt ưu tiên cho  những NCKH đỉnh cao, công nghệ lưỡng dụng để tạo ra những sản phẩm KHCN mang tính đột phá của ĐHQGHN.

5.      Tăng cường nghiên cứu cơ bản có định hướng trong KHTN và KHXH&NV, hướng tới giải quyết thành công những nhiệm vụ có tầm chiến lược; ưu tiên cho những nghiên cứu về xác lập cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu, tạo lập nền tảng căn bản cho việc phát triển bền vững của các hoạt động KHCN khác; ưu tiên các nghiên cứu liên ngành; củng cố và phát triển việc hình thành các trường phái học thuật trong các ngành và các nhóm ngành khoa học; đặc biệt ưu tiên cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới.

6.      Đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh, chú trọng đầu tư xây dựng một số nhóm nghiên cứu mới, liên ngành, thu hút được nhiều thế hệ nhà khoa học. Đặc biệt chú trọng tạo điều kiện cho cán bộ khoa học trẻ, các tiến sĩ trẻ tham gia thực hiện các đề tài KHCN ở tầm và quy mô hợp lý.

7.      Tiếp tục triển khai, tổ chức một số Hội nghị, Hội thảo quốc gia, quốc tế và diễn đàn KH&CN tại ĐHQGHN và tại các đơn vị đào tạo trực thuộc. Đẩy mạnh trao đổi hợp tác KHCN với các cơ sở khoa học có uy tín ở trong và ngoài nước, đặc biệt là với ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội; tạo điều kiện để các đơn vị trực thuộc thúc đẩy hơn nữa hợp tác về KH&CN với các địa phương nhằm thiết thực gắn kết nghiên cứu, đào tạo với phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và văn hóa, con người của đất nước.

     Để thực hiện được những chủ trương nói trên về KHCN, ĐHQGHN tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sát sao và ủng hộ mạnh mẽ của Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp nhất là của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Văn Ninh đã về làm việc với ĐHQGHN, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đến thăm và làm việc với ĐHQG TPHCM, khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước với 2 ĐHQG. Bên cạnh đó, ĐHQGHN tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác có hiệu quả của Thủ đô Hà Nội, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm KHCN Quân sự, Bộ Quốc phòng và một số cơ quan và địa phương khác. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận, đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ của các đơn vị trực thuộc, các nhà giáo, nhà khoa học, của hơn 30 nghìn học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên, cộng với sự nỗ lực, quyết tâm và cố gắng của các cán bộ quản lý và lãnh đạo trong toàn ĐHQGHN.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :