TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 11/02/2016 GMT+7
Người mang nhiều hoài bão
PGS.TS. Hà Quang Thụy - Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ tri thức, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đã nhận được Huân chương lao động hạng Ba năm 2015 và là 1 trong 14 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2014.

- Xin chúc mừng PGS nhân dịp có nhiều niềm vui mới. Xin PGS cho biết cảm xúc của mình trong những ngày này?

Khi được nhận danh hiệu NGƯT, cảm nhận đầu tiên của tôi là vui mừng vì đây là thành quả một quá trình cộng tác, hỗ trợ, tạo điều kiện của tập thể các thầy, cô, các cán bộ của Bộ môn Hệ thống thông tin, của Khoa Công nghệ thông tin (CNTT), của Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) dành cho tôi. Tình cảm chân tình và sâu đậm của tập thể Bộ môn - tập thể Khoa CNTT - tập thể Trường ĐHCN, của bạn bè đồng nghiệp và của các lớp sinh viên luôn luôn là nguồn động lực lớn giúp tôi tích cực giảng dạy - nghiên cứu để góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển Nhà trường. Tôi cho rằng danh hiệu NGƯT là niềm vinh dự đối với cá nhân tôi và cũng đóng góp một phần vào danh tiếng của Bộ môn Hệ thống thông tin, của Khoa CNTT, và của Trường ĐHCN. Tôi có suy nghĩ là chúng ta không chỉ làm tốt việc giữ gìn danh tiếng mà còn cần suy nghĩ và hành động để danh tiếng đó thực sự nâng cao thương hiệu của Nhà trường, thiết thực tạo thêm được nguồn tài nguyên mới cho sự phát triển Trường ĐHCN, ĐHQGHN. Làm được như thế thì các danh hiệu cao quý mới phát huy được đầy đủ ý nghĩa.

- Những ngày đầu tiên đến với nghề giảng viên thầy đã có những kỷ niệm khó quên như thế nào?

Vào các năm cuối 1970 đầu 1980, do đa phần các thầy, cô, các anh chị lớn hơn một vài tuổi phải tập trung cho việc chuẩn bị và làm Nghiên cứu sinh ở nước ngoài, cho nên các cán bộ ít tuổi hơn (thầy Nguyễn Cảnh Hoàng, thầy Đào Kiến Quốc và tôi) được giảng dạy ngay khi bắt đầu làm việc tại Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN). Chúng tôi giảng dạy các môn học về Ngôn ngữ lập trình (ngôn ngữ máy, FORTRAN, BASIC, sau này là PASCAL), một số môn chuyên ngành, chẳng hạn như "Phân tích cú pháp và chương trình dịch". Đồng thời, chúng tôi tham gia lập trình giải quyết các bài toán trong các đề tài nghiên cứu - triển khai do GS. TS. Nguyễn Quý Hỷ chủ trì. Thông qua việc tham gia thực hiện các đề tài đó, chúng tôi thu nhận được một số kinh nghiệm quý báu cho hoạt động nghiên cứu - triển khai sau này.

Ngay khi mới nhận cộng tác, tôi được giảng dạy môn ngôn ngữ lập trình cho toàn lớp Khóa 22 (1977-1981), Khoa Toán, Trường ĐHTHHN và môn chuyên đề cho Ban máy tính của khóa này. Dù đã chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, song do bỡ ngỡ cho nên tôi đã tỏ ra lúng túng và đôi lúc còn đỏ mặt khi sinh viên hỏi. Được sự khuyến khích của các thầy lãnh đạo Bộ môn Điều khiển – Máy tính (thầy Nguyễn Hữu Ngự, thầy Đặng Huy Ruận) và lãnh đạo nhóm Máy tính (thầy Nguyễn Tuệ), tôi dần khắc phục được nhược điểm đó và tự tin hơn để hình thành từng bước bản lĩnh của người giảng viên trong giờ giảng.

- Để vừa nuôi dưỡng được niềm đam mê nghiên cứu lại vừa làm tốt vai trò của người giảng viên, theo thầy cần phải làm như thế nào?

Đa phần các anh chị em cùng trang lứa với tôi đều có một hoài bão và bản thân tôi theo đuổi hoài bão “làm Toán” ngay từ khi còn học phổ thông. Được trở lại học tập tại Trường ĐHTHHN sau hơn ba năm tham gia quân đội chống Mỹ cứu nước, hoài bão trên thêm thôi thúc tôi học tập tốt để trở thành người thầy giáo - nhà khoa học. Tôi cũng rất may mắn được các thầy trong Ban Chủ nhiệm khoa Toán (GS. Phan Văn Hạp, cố PGS. Hoàng Hữu Như, GS. TSKH. Đào Huy Bích) chọn định hướng làn nhân lực tham gia phát triển nhóm Máy tính của Khoa vì vậy hoài bão của tôi có thêm điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa. Có thể nói là việc có hoài bão và được Khoa Toán, Trường ĐHTHHN tạo điều kiện là những động lực chính giúp tôi gắn bó với sự nghiệp đào tạo - nghiên cứu của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (trước đây) và Trường ĐHCN (ngày nay). Người giảng viên đại học lứa tuổi chúng tôi trải qua các cung bậc khác nhau của cuộc đời trong 35 năm vừa qua, song hoài bão của tuổi trẻhiếm khi bị phai mờ mà hoài bão đó được chuyển hóa thành niềm say mê nghiên cứu khoa học. Dù cho lúc này, lúc khác, niềm say mê đó có thể sâu đậm nhạt nhòa khác nhau song về cơ bản niềm say mê nghiên cứu khoa học đã trở thành một “cái nghiệp của người giảng viên” (như cách nói của các bậc tiền bối). Mà đã là một cái nghiệp rồi thì mỗi một người giảng viên sẽ có cách dung hòa riêng trong cuộc sống. Bản thân tôi suy nghĩ rằng trong cuộc sống tồn tại rất phong phú các niềm đam mê lành mạnh song cũng rất khó có ai theo đuổi được hết thảy niềm đam mê đó cho nên bớt đi một vài niềm đam mê tiềm năng để dành thời gian và công sức cho niềm say mê nghiên cứu.

- Trong suốt những năm nghiên cứu và giảng dạy, những sản phẩm nào thầy tâm huyết nhất?

Theo nhiệm vụ giảng dạy, như tôi từng trao đổi vào tháng 10/2009, hạnh phúc lớn nhất của người thầy là thành công của lớp lớp học trò. Càng nhiều học trò cũ thành công trong sự nghiệp và cuộc sống thì hạnh phúc của người thầy càng lớn hơn. Tôi rất may mắn và hạnh phúc vì có nhiều anh chị em học trò cũ đã thành đạt trong các lĩnh vực hàn lâm và công nghiệp.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho PGS.TS NGƯT Hà Quang Thụy

Về góc độ đào tạo chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài, một thành công lớn của Khoa CNTT cũng như của Trường ĐHCN trong đó có cá nhân tôi là thành công trong hoạt động bồi dưỡng nhân tài. Với lĩnh vực Máy tính và CNTT, hoạt động bồi dưỡng nhân tài gặp được cơ duyên để hình thành và khởi sắc. Khoảng các năm 1988-1989, GS. Lâm Quang Thiệp (lúc đó là Vụ trưởng Vụ đại học) giới thiệu Bộ môn Tin học, Khoa Toán-Cơ-Tin học, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng và tuyển chọn đội tuyển học sinh phổ thông của Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Tin học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Bungary. Dưới sự lãnh đạo của thầy Hồ Sỹ Đàm, các anh em chúng tôi (thầy Đào Kiến Quốc, thầy Đỗ Trung Tuấn và tôi) cùng với một nhóm học sinh khối chuyên Toán của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội miệt mài (nhiều ngày làm việc tới 22 giờ) cùng với máy tính để giải các loại bài toán được định hướng tại kỳ thi Olympic Tin học quốc tế. Ngay kỳ thi Olympic Tin học Quốc tế lần thứ nhất, em Nguyễn Anh Linh đã đạt được Huy chương đồng (PGS. TSKH. Nguyễn Anh Linh hiện công tác tại Viện Tin học, Đại học Warsawa, Ba Lan và là giảng viên kiêm nhiệm của Trường ĐHCN). Đại đa số các thành viên đội tuyển quốc gia về Tin học đã trở thành các nhà khoa học tài năng, đang công tác tại các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế. Một số người đã trở thành cán bộ khoa học chủ chốt tại Trường ĐHCN. Hoạt động bồi dưỡng nhân tài của Trường ĐHCN đối với học sinh phổ thông cũng tạo thêm độ hấp dẫn cao đối với một nguồn tuyển sinh đầu vào đại học rất chất lượng.

Về góc độ triển khai, từ năm 1986, tôi được cùng PGS.TS. Đỗ Đức Giáo, PGS.TS. Lê Đức Ngọc và anh Nguyễn Văn Mạo triển khai việc ứng dụng Tin học vào hoạt động quản lý đào tạo tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Một công việc điển hình ngày đó là quản lý công tác tuyển sinh đại học trên máy tính. Dù kinh phí dành cho phần Tin học rất khiêm tốn, song chúng tôi có một vài sáng kiến nho nhỏ đảm bảo công tác tuyển sinh đại học trên máy tính an toàn, đồng thời, vừa tạo ra các ấn phẩm (phiếu báo thi, phiếu báo điểm, các báo cáo tổng hợp) có tính mỹ thuật cao vừa có được kinh phí phù hợp dành cho các anh chị em làm việc trực tiếp. Vào các dịp thông báo kết quả tuyển sinh, các anh chị em chúng  tôi  (trong  đó    chị  Hoàng  Tố Linh) rất được các cán bộ trong trường ĐH Tổng hợp Hà Nội coi trọng vì tinh thần phục vụ khi cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết cho Nhà trường và cho các cán bộ có nhu cầu.

- Theo thầy, những đức tính và điều kiện cần có của người giảng viên - nhà khoa học và một nhà quản lý trong thời đại ngày nay là gì?

Nét chung nhất là các vai trò này đều thực hiện hoạt động quản lý, trong đó người giảng viên - nhà khoa học tiến hành công tác quản lý đối với lớp sinh viên và nhóm nghiên cứu của mình còn nhà quản lý tiến hành công tác quản lý đối với tổ chức - mảng công tác mà mình phụ trách. Đức tính chung cần có của người thực hiện hoạt động quản lý là có năng lực tổ chức, có tính kiên định, có tính linh hoạt, và làm việc hiệu quả. Đặc thù của mỗi hình thức hoạt động của người giảng viên - nhà khoa học với nhà quản lý sẽ quy định các nội dung cụ thể khác nhau của bốn đức tính chung nói trên. Chẳng hạn, năng lực tổ chức trong việc giảng dạy một lớp sinh viên là khác với năng lực tổ chức đối với một đơn vị.

PGS. Hà Quang Thụy nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2014

Trong một số trường hợp, nhà khoa học và nhà quản lý cũng cần có các đức tính của người lãnh đạo, đó là có tầm nhìn, năng lực thúc đẩy, năng lực truyền cảm hứng đối với tập thể.

Xin cảm ơn thầy!

 

 Tuyết Nga - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ