TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 23/07/2020 GMT+7
Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Bình – UV Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Phát triển bền vững vùng Tây Bắc
Ngày 23/7/2020, đồng chí Nguyễn Văn Bình - UV Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước "KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc". Cổng Thông tin Điện tử ĐHQGHN xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị.

Kính thưa các đồng chí tham dự Hội nghị!

Với diện tích tự nhiên khoảng 109.245 km2, chiếm 33% diện tích cả nước; dân số trên 14,5 triệu người, chiếm 15,4% dân số cả nước (năm 2018), vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, gọi tắt là vùng Tây Bắc luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là vùng có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng, là vùng “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc với tư cách là vùng đảm bảo an ninh sinh thái, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước và quốc phòng an ninh. Vùng Tây Bắc còn là “cội nguồn” của dân tộc; là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam; là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá đặc sắc; là căn cứ địa cách mạng, an toàn khu của cuộc kháng chiến giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Nằm trên hành lang kinh tế Bắc - Nam thuộc hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng; là một trong những cửa ngõ thông ra biển và kết nối với ASEAN của các tỉnh miền Tây Trung Quốc; nhiều cửa khẩu với nước láng giềng có thị trường lớn; tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; có nhiều di sản văn hoá đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, Tây Bắc cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển các ngành kinh tế như nông, lâm nghiệp; thủy điện; khoáng sản; du lịch và kinh tế cửa khẩu.

Tuy nhiên, vùng Tây Bắc vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước; là vùng có địa hình núi non hiểm trở, chia cắt; đường biên giới dài, khó kiểm soát; thời tiết diễn biến thất thường, tai biến thiên nhiên thường xuyên xảy ra cùng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Quy mô của nền kinh tế và thị trường của Vùng còn nhỏ, lại bị chia cắt bởi địa giới hành chính và sự quy hoạch chưa đồng bộ; năng lực cạnh tranh thấp; nguồn nhân lực thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; trình độ quản lý của các địa phương còn nhiều yếu kém trong khi thiếu một cơ chế thống nhất điều tiết và kết nối toàn Vùng; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp;... Đặc biệt, nhiều nguồn lực phát triển bền vững của Vùng chưa thực sự được khơi dậy và phát huy đúng mức, có hiệu quả, trong đó có nguồn lực khoa học và công nghệ  (KH&CN).

Đồng chí Nguyễn Văn Bình - UV Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị

Trong bối cảnh đó, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn y và Bộ KH&CN đã giao Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020 với yêu cầu Triển khai nghiên cứu một cách tổng hợp để cung cấp các luận cứ và giải pháp khoa học liên ngành, liên vùng và chuyển giao tri thức góp phần phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. Đây là một trong những giải pháp thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/07/2004 của Bộ Chính trị khóa IX “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 Kết luận số 26-KL/TW tháng 8/2012 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm  quốc phòng, an ninh Vùng đến năm 2020”.

Kính thưa các đồng chí!

Qua nghe báo cáo ngày hôm nay và qua các hoạt động mà ĐHQGHN đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trong thời gian vừa qua, tôi ghi nhận và đánh giá cao một số kết quả mà Chương trình đã đạt được từ 55 đề tài và 3 dự án thử nghiệm sản xuất như: 42 mô hình trình diễn, thử nghiệm; 26 công nghệ, mô hình được chuyển giao ứng dụng; 31 đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp và địa phương; bộ cơ sở dữ liệu liên ngành số hóa của 14 lĩnh vực; các luận cứ khoa học, các khuyến nghị,… phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; các mô hình sinh kế, nuôi trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực,… đã được nghiên cứu và kịp thời chuyển giao tới một số Ban, Bộ, ngành, Uỷ Ban Nhân dân (UBND) 14 tỉnh và các doanh nghiệp trong vùng Tây Bắc.

Tôi cũng đánh giá cao việc ĐHQGHN đã kịp thời tổng hợp, chọn lọc các kết quả đạt được từ Chương trình để tham gia góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng bộ 14 tỉnh vùng Tây Bắc nhiệm kỳ 2015-2020; góp ý tư vấn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 cho các tỉnh vùng Tây Bắc; đặc biệt, Chương trình đã đưa ra một số đề xuất vềQuan điểm và giải pháp phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phục vụ Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010 do Ban Kinh tế Trung ương Chủ trì thực hiện.

Kính thưa các đồng chí!

Với định hướng “khoa học vị nhân sinh”, ĐHQGHN đã tập hợp và kết nối hiệu quả đội ngũ 600 nhà khoa học thuộc hơn 40 cơ quan nghiên cứu trong cả nước, trong số này có hơn 420 nhà khoa học đến từ đại học, viện nghiên cứu bên ngoài ĐHQGHN để trực tiếp tham gia vào việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn phát triển, giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, khai thác các nguồn lực, góp phần tạo nên những xung lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững của vùng Tây Bắc, góp phần cải thiện cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Có thể thấy rằng trải qua gần bảy năm triển khai, Chương trình Tây Bắc đã góp phần vào việc thực hiện một số nội dung của Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020” dưới góc độ đóng góp của ngành KH&CN.

Xin chúc mừng ĐHQGHN với những kết quả đạt được. Tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ KH&CN và một số Ban, Bộ, ngành trong phối hợp với ĐHQGHN để quản lý, điều hành chương trình; đặc biệt sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi từ lãnh đạo UBND, các sở ngành và nhân dân các địa phương vùng Tây Bắc, đã đồng hành với các nhà khoa học để triển khai thành công các nhiệm vụ.

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban Kinh tế Trung ương, tôi cũng xin gửi lời chúc mừng đến Đại học Quốc gia Hà Nội với thành tích kép đạt được trong thời gian gần đây, cụ thể:

i) Lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng QS dành cho các trường đại học có thời gian thành lập dưới 50 năm, với vị trí trong nhóm 101-150 các trường đại học trẻ tuổi có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới; và

ii) Lần đầu tiên Việt Nam có Tạp chí Khoa học: Vật liệu và Linh kiện tiên tiến của ĐHQGHN, mới được xây dựng trong thời gian 4 năm, song đã được SCImago xếp vào nhóm những tạp chí khoa học uy tín nhất-nhóm Q1, với chỉ số ảnh hưởng=3.783 top 25% thế giới.

Xin được biểu dương và đánh giá cao ĐHQGHN với tư cách là cơ sở giáo dục hàng đầu Việt Nam, trong những năm gần đây đã có nhiều chủ trương mới, tạo các bước đột phá trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, quản lý và triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN lớn của quốc gia, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đại học uy tín trên thế giới.

Kính thưa các đồng chí!

Tổng kết Chương trình là cơ hội để các đồng chí đánh giá toàn diện về những mặt đã đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế bộc lộ trong giai đoạn vừa qua. Với tinh thần đó, tôi xin lưu ý với các đồng chí một số điểm sau:

Một là, mặc dù có sự đầu tư khá tốt cho nghiên cứu ở giai đoạn 2013-2020, nhưng một số nghiên cứu vẫn còn mang tính hàn lâm; hiểu biết về Vùng chưa hoàn toàn sâu sắc; các mô hình được xây dựng và triển khai tại Vùng chưa có đủ thời gian để phát huy hết các giá trị; chưa đủ thời gian và nguồn lực tài chính để triển khai xây dựng các dự án chuyển giao có sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp theo hướng Vùng và liên kết Vùng. Những nhiệm vụ trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp đã và đang triển khai cần có thêm thời gian để tiếp tục phát triển và mở rộng, phát huy giá trị của các đóng góp KH&CN.

Hai là, kết quả đạt được của Chương trình trong giai đoạn vừa qua cũng cho thấy Tây Bắc là một trong những vùng mà thực tiễn phát triển đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp. Đó là hiện tượng suy thoái và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường do khai thác, sử dụng không hiệu quả tài nguyên, nhất là khoáng sản; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao nhất cả nước; chất lượng nguồn nhân lực còn ở mức thấp; nơi các tệ nạn xã hội và tội phạm buôn lậu ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn lậu qua biên giới,… gia tăng nhanh chóng. Địa bàn cũng luôn ẩn chứa những nguy cơ dẫn đến sự kỳ thị, chia rẽ, xung đột để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ và an ninh quốc gia, …Điều này hàm ý việc tiếp tục tổ chức, triển khai nghiên cứu là xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của Vùng và sự phát triển bền vững của Tây Bắc cũng chính là sự phát triển bền vững của cả nước.

Ba là, trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học, công nghệ và văn hóa đã trở thành những nguồn lực trực tiếp và quan trọng bậc nhất của sự phát triển nhanh và bền vững của tất cả các quốc gia, dân tộc, vùng và địa phương. Tương tự như vậy đối với nước ta, nhất là đối với vùng Tây Bắc, để tìm ra lời giải tối ưu, hài hòa cho các bài toán phát triển trước mắt và lâu dài; để phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới thì lựa chọn duy nhất là phát huy nguồn lực trí tuệ và nguồn lực con người, tức là dựa vào sức mạnh của khoa học, công nghệ và văn hóa.

Bốn  là, thời gian triển khai Chương trình giai đoạn vừa qua còn ngắn, trong khi địa bàn triển khai lớn, nhiều khó khăn phức tạp. Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Tài chính cần xem xét tiếp tục ưu tiên đầu tư kinh phí cho Chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là cho các đề tài, dự án triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc và các cơ quan, doanh nghiệp vùng Tây Bắc. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần huy động đa dạng các nguồn lực, cả trong nước và quốc tế;  cần phải xác định rõ cơ chế phối hợp đề lồng ghép các đề tài, dự án của Chương trình Tây Bắc với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, đặc biệt từ nguồn lực hợp tác quốc tế.

Năm là, tháng 8/2019 Ban KTTW có ký Biên bản hợp tác với 2 ĐHQG. Trong khuôn khổ đó, ĐHQGHN đã rất tích cực tham gia nhiều nhiệm vụ, đề án do Ban KTTW chủ trì. Trong thời gian tới, ĐHQGHN cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, cụ thể hóa các chương trình hợp tác một cách chặt chẽ hơn, thiết thực hơn, thu hút nhiều hơn sự tham gia của các chuyên gia và nhà khoa học có uy tín cả trong và ngoài ĐHQGHN; phối hợp với Ban KTTW đề xuất các chủ trương, chính sách mới, đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung trong bối cảnh mới.

Kính thưa các đồng chí!

Thay mặt Đảng Nhà nước, tôi đánh giá cao và chân thành cảm ơn các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN đã có nhiều đóng góp tâm huyết trí tuệ cho sự thành công của Chương trình và sự phát triển bền vững của vùng Tây Bắc.

Xin chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

Trân trọng cảm ơn các đồng chí!

 Mạnh Xuân
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ