TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Sinh viên 00:00:00 Ngày 29/03/2016 GMT+7
Câu lạc bộ học thuật đưa ước mơ bay xa
Cùng với hoạt động Đoàn – Hội, các câu lạc bộ học thuật ở ĐHQGHN đang là môi trường hỗ trợ thiết thực, giúp học sinh - sinh viên hoàn thiện nhân cách và kỹ năng sống, góp phần đào tạo nguồn lực chất lượng cao, trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Sinh viên đa năng

Cử nhân khoa Toán hiện thực hóa ước mơ thành ông chủ, sinh viên khoa Vật lý lại đa tài với các hoạt động tổ chức sự kiện… Những điều tưởng như rất phi lý ấy lại trở nên đơn giản khi môi trường học tập năng động giúp sinh viên có cơ hội bộc lộ khả năng của mình.

Anh Phan Giang Nam tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã 2 năm. Anh đồng thời trở thành ông chủ của cơ sở sản xuất tăm tre nghệ thuật. Dự kiến trong năm 2016, Nam sẽ thành lập được công ty riêng chuyên về lĩnh vực này.

Nam cho biết: “Nhiều người nghĩ, mình tốt nghiệp khoa Toán thì chỉ có thể làm công việc nghiên cứu hoặc dạy học nhưng thực tế, bản thân mỗi người sẽ có những lối đi riêng đầy bất ngờ khi mình có tri thức, có kĩ năng và mục tiêu đúng đắn. Mình cho rằng, những kĩ năng ấy có được khi trong thời gian sinh viên, mình đã không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để được giao lưu, cọ xát”.

Thời gian học ở trường, Nam có hơn một năm tham gia câu lạc bộ Giai điệu Toán (trực thuộc Đoàn Trường Đại học Khoa học Tự nhiên). Với những hoạt động thiết thực của câu lạc bộ, ngoài kiến thức chuyên môn, nghiên cứu khoa học, sinh viên còn được giao lưu trong các nhóm âm nhạc. Những sinh viên vốn chỉ biết đến công thức Toán học khô khan, những đề tài nghiên cứu hóc búa… có thể trở thành cây văn nghệ xung kích phục vụ các chương trình, sự kiện của khoa, của Trường.

“Thời gian đầu câu lạc bộ của mình tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện nên chúng mình phải phân chia nhau đi xin tài trợ. Việc va vấp với thực tế khiến các thành viên thu nạp cho mình rất nhiều kỹ năng mềm. Chúng mình trở nên năng động hơn, không chỉ biết nghiên cứu mà còn biết tạo ra những hoạt động có ích cho xã hội, liên kết với các công ty, doanh nghiệp thành lập Câu lạc bộ Thắp sáng ước mơ doanh nhân, giúp sinh viên hiểu được họ cần phải học hỏi thêm điều gì để ra trường có thể xin được việc làm” - Nam chia sẻ.

Cũng giống như Câu lạc bộ Giai điệu toán, Câu lạc bộ Vật lý hay còn được gọi là Câu lạc bộ Các nhóm nghiên cứu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng đa năng không kém. Hoạt động thường niên của câu lạc bộ là mở cửa phòng thí nghiệm cho học sinh cấp ba và sinh viên tham quan. 

Điều đặc biết nhất của câu lạc bộ, chính là các thành viên được phân về các nhóm nghiên cứu của các thầy cô để được rèn luyện. “Chủ nhiệm của câu lạc bộ chính là giảng viên của khoa Vật lý. Các thành viên tham gia câu lạc bộ có thể đề xuất trực tiếp với chủ nhiệm về việc em đang nghiên cứu vấn đề này thì có thể vào nhóm nghiên cứu của giảng viên nào? Ban chủ nhiệm sẽ căn cứ vào yêu cầu đó đưa các em vào các nhóm nghiên cứu để được các giảng viên phân công làm việc ngay từ năm thứ nhất” - anh Lưu Mạnh Quỳnh, giảng viên khoa Vật lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chia sẻ.

Không chỉ được rèn giũa kiến thức chuyên môn từ rất sớm, các thành viên trong câu lạc bộ còn tham gia tổ chức các sự kiện với giáo viên. Vì thế, anh Quỳnh vui mừng nhận ra rằng nhiều sinh viên từng rất nhút nhát trở nên nhanh nhẹn hơn. “Có sinh viên trở nên nổi bật khi bộc lộ khả năng tổ chức tốt hơn cả thầy. Nhiều em lại đứng ra thành lập các câu lạc bộ nhỏ khác thu hút các bạn sinh viên trong trường như: Câu lạc bộ Guitar, câu lạc bộ Những người yêu sách…” - anh Quỳnh tâm sự.

Trải nghiệm để trưởng thành

Là người có công khởi xướng thành lập Câu lạc bộ Tiếng Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN từ khi còn là sinh viên năm thứ hai đại học, giờ đây Nguyễn Anh Tú đã tốt nghiệp và trở thành giảng viên chính thức ngay tại khoa mà mình đã theo học. Cũng chính vì thế, những kỉ niệm với Câu lạc bộ Tiếng Pháp vẫn luôn là dấu ấn đẹp với Anh Tú.

Cô chia sẻ: “Khó khăn của nhiều sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp khi đó là rất nhiều bạn không học tiếng Pháp từ thời THPT. Việc tiếp cận với môn học vì thế cũng gặp nhiều trắc trở. Từ đó, mình có ý tưởng thành lập câu lạc bộ để các sinh viên trong khoa có cơ hội học tập, chia sẻ cùng nhau, tổ chức hoạt động để mở rộng vốn từ và khả năng đối thoại”.

Nhớ về những năm tháng sinh viên, Anh Tú chia sẻ: “Trong năm học, câu lạc bộ của chúng mình tổ chức nhiều hoạt động: Chiếu phim cho sinh viên, trong đó lồng phụ đề tiếng Pháp để các bạn làm quen với ngôn ngữ, bán vé với giá từ 3.000 – 5.000 đồng để gây quỹ cho các hoạt động của câu lạc bộ; Tổ chức hoạt động dẫn tour cho khách du lịch tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh; Các hoạt động không dùng kinh phí như thuyết trình…”.

Anh Tú cho rằng, câu lạc bộ là môi trường rất tốt để sinh viên được học tập miễn phí và học hỏi trực tiếp từ giảng viên bằng hoạt động ngoại khóa. Muốn học tốt, hình thành kĩ năng chuyên nghiệp thì cần phải có sự kiên trì, đầu tư. “Hoạt động ở câu lạc bộ giúp mình rất nhiều trong quá trình phát triển các kĩ năng, đặc biệt là kĩ năng giao tiếp. Sau nhiều năm tham gia hoạt động ở câu lạc bộ, kĩ năng nói trước đám đông của mình rất tốt. Với mình, việc nói trước nhiều người hay tổ chức các hoạt động tập thể không còn là vấn đề đáng ngại. Chính vì thế, nhiều giảng viên trẻ có thể sẽ mất thời gian để làm quen với việc đứng lớp trước học trò chỉ kém mình vài tuổi hoặc có khi hơn cả tuổi thầy nhưng với mình, đó không phải là vấn đề đáng ngại” – Anh Tú nói.

Còn đối với anh Trương Hồng Quang, cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc tham gia vào câu lạc bộ Kinh tế trẻ - một trong những câu lạc bộ có tuổi đời lớn nhất của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN là trải nghiệm tuyệt vời để anh có được những kĩ năng tư duy, tổng hợp, phân tích, đánh giá về kinh tế như hiện nay.

Anh Quang chia sẻ: “Khi mới nhập học, mình cũng khá nhút nhát và ít tham gia các hoạt động cộng đồng nhưng sang năm thứ hai, suy nghĩ đó đã hoàn toàn thay đổi khi mình có dịp tiếp xúc với nhiều anh chị khóa trên rất năng động và ham học hỏi. Điều đó đã thôi thúc mình đăng kí tham gia các hoạt động ở câu lạc bộ Kinh tế trẻ của trường”.

Là câu lạc bộ học thuật với việc định hướng, giúp sinh viên nâng cao kĩ năng nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ Kinh tế trẻ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo khoa học, mời chuyên gia đến giảng bài cho sinh viên, góp ý cho các đề tài nghiên cứu khoa học… Nếu những buổi lên giảng đường cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản thì những hoạt động ngoài giờ ấy có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp các bạn mở mang kiến thức, trau dồi kĩ năng mềm.

Trước khi công tác tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, anh Hồng Quang đã có 1 năm làm việc cho công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Khá hài lòng với công việc hiện tại, Quang cho rằng: “Nếu không có những trải nghiệm từ trên ghế nhà trường, năng nổ với những hoạt động ở câu lạc bộ, chắc chắn mình chưa thể có được công việc như hôm nay. Để tìm tòi được khả năng của chính mình, bản thân mỗi người phải đấu tranh chống lại sự ỳ, hòa mình vào hoạt động tập thể, mạnh dạn thể hiện mà không đâu khác, chính những câu lạc bộ chuyên ngành là môi trường học tập lý tưởng để bạn có cả lý thuyết lẫn thực hành và va vấp, cọ xát trong thực tiễn”.

 Thiên Bình - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ