TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Dự án Hòa Lạc 08:51:40 Ngày 21/11/2005 GMT+7
Đôi điều ghi nhận sau hai năm triển khai dự án QG-HN-01
"Đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư" (QG - HN - 01) là một trong 13 dự án thành phần thuộc Tổng dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc. Đây là dự án thành phần được ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 1 (2003 - 2007) nhằm tạo bước đệm và là cơ sở để xúc tiến các dự án tiếp theo.

Có diện tích đất sử dụng là 1000 ha trong đó chủ yếu là đất của Nông trường 1A, một phần đất của trường Sĩ quan lục quân và của Bộ tư lệnh pháo binh (khoảng 100 ha) với tổng kinh phí đầu tư cho Tổng dự án ước tính là 500 tỉ đồng (khoảng 30 triệu USD), dự án QG - HN - 01 đã và đang được tập trung triển khai đúng tiến độ nhằm thực hiện mục tiêu sau khi kết thúc giai đoạn một phải xác lập được cơ sở vật chất tương đối đồng bộ tại Hoà Lạc để đến niên học 2007 – 2008 di chuyển một số bộ phận của ba đơn vị là trường ĐHKHTN, ĐHCN và Khoa (Trường) SP, với điều kiện là các KTX khi ấy đã được xây dựng xong để đảm bảo 100% sinh viên được ở nội trú.

ĐHQGHN phối hợp với chính quyền địa phương đình chỉ nhiều nhà xây dựng trái phép trên đất đã được quy hoạch

Có thể nói rằng, trong xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng và tái định cư là hạng mục quan trọng, là bước đi đầu tiên có tính chất quyết định. Để có được kết quả tốt đòi hỏi hai công việc này phải được tiến hành song song đồng thời. Tuy nhiên, thực hiện công tác "Đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư” luôn tạo nên những điểm nóng và đã gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Trước hết, đó là khó khăn trong việc di dời các hộ dân đang sinh sống trên đất thuộc khu vực quy hoạch của dự án. Vấn đề được đặt ra là giá cả đền bù như thế nào? Đất đai sau khi bị thu hồi thì cơ quan chủ quản là ĐHQGHN sẽ quản lý theo phương thức nào? Chất lượng tái định cư ra sao? Tương lai một cuộc sống mới của người dân có tốt đẹp hơn không?… Điều đó thực sự trở thành vấn đề nan giải và phức tạp. Cán bộ giải phóng mặt bằng (GPMB) làm việc vất vả nhưng kết quả không được như ý muốn, công việc bị đình trệ, thậm chí có nơi chỉ vì dăm hộ dân cá biệt chưa thực sự hiểu nên chống đối mà phải dừng dự án lại một thời gian dài. Giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo không phải là công việc của "một sớm, một chiều". Để giải tỏa được những bức xúc của người dân, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, điều quan trọng là cần phải có sự phối kết hợp của các cơ quan hữu quan, các ban ngành chức năng trong quá trình thực thi cũng như công tác tuyên truyền tới từng hộ dân để họ hiểu và hợp tác.

Một khó khăn gặp phải khi tiến hành thu hồi đất để giải phóng mặt bằng và đền bù cho người dân là lịch sử đất đai của các hộ dân địa phương ở đây rất phức tạp. Việc xác định hồ sơ giấy tờ có liên quan đến diện tích đất ở, diện tích đất canh tác cũng như chủ sở hữu là hết sức khó khăn. Hơn nữa, sự chưa thống nhất về mặt địa giới hành chính giữa hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây cũng là một nhân tố gây trở ngại đến tiến độ giải phóng mặt bằng nói riêng và tiến độ thực hiện dự án nói chung. Tuy đã có chủ trương tái định cư cho các hộ dân cư trú hợp pháp trong đất quy hoạch nhưng đến nay công tác này vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Khó khăn vẫn chồng chất khó khăn. Một yêu cầu đặt ra cho các nhà quản lý dự án, các nhà kế hoạch là phải nhanh chóng tìm cách tháo gỡ những khó khăn để việc triển khai dự án đạt chất lượng tốt và đảm bảo thực hiện đúng tiến độ. Tính đến thời điểm hiện tại, bằng một số biện pháp thiết thực, dự án đã vượt qua được chặng khó khăn đầu tiên. Công tác theo dõi và chỉ đạo quá trình giải phóng mặt bằng đã được kết hợp chặt chẽ từ Ban Quản lý dự án, Ban lãnh đạo nông trường, cấp xã, cấp huyện rồi đến cấp tỉnh bằng những tổ chức cụ thể như: Hội đồng giải phóng mặt bằng, Ban giải phóng mặt bằng, Ban chỉ đạo thực hiện dự án,...

Núi Bà (nơi có khu du lịch Suối Ngọc - Vua Bà) nhìn từ vùng đất của ĐHQGHN

Nhìn một cách tổng thể, cho đến thời điểm hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đã thu được những kết quả khả quan sau: Tỉnh Hà Tây đã phê duyệt dự án đền bù (lần thứ nhất) trên diện tích là 159 ha, trị giá trên 58 tỉ đồng, dự kiến trong thời gian tới có khả năng đền bù thêm 100 ha; Quỹ đất tạm thời đã định hình và có thể xác định được. Tổng dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ (làm tròn) là 46.175.744.000 đồng trong đó bồi thường, hỗ trợ về đất (bao gồm đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất giao thầu có hợp đồng cho hộ sản xuất, đất ngoài diện tích được giao) là 12.290.580.158 đồng, về nhà, vật kiến trúc là 3.760.667.008 đồng, về cây và hoa màu là 22.451.113.950 đồng, về các khoản hỗ trợ: 6.767.976.452 đ?ng và chi phí phục vụ công tác GPMB là 905.406.000.

Việc bảo vệ đất đai luôn được Ban Dự án Hoà Lạc quan tâm. Trong ảnh là cán bộ Ban Dự án bên một cột mốc phân định ranh giới giữa ĐHQGHN với địa bàn xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Trong thời gian tới song song với việc thực hiện các dự án thành phần khác, công tác GPMB vẫn là một nhiệm vụ còn lại rất nặng nề, cần triển khai gấp. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Ban GPMB (ĐHQGHN) đã chỉ đạo phải tăng cường phối hợp liên ngành, tập trung các điều kiện cần thiết về vốn, quỹ nhà tái định cư. Tuy nhiên quan trọng hơn cả là cán bộ phải bám sát tình hình thực tế, đi sâu sát với đời sống của người dân, tháo gỡ ngay những vướng mắc tại cơ sở. Vẫn biết để làm được thấu đáo, công bằng trong GPMB và thuyết phục từng người dân chấp hành là cả một hành trình vô cùng khó khăn. Nhưng nếu phó mặc công tác này cho từng đơn vị thi công hoặc các doanh nghiệp thực hiện dự án thì chắc chắn người dân sẽ không ủng hộ nhiệt tình. Vì lợi ích của sự nghiệp chung (để có một trung tâm ĐH rộng rãi, tiện nghi và hiện đại) và cao hơn nữa là lợi ích của quốc gia, công tác GPMB đang đòi hỏi những cán bộ ở các đơn vị, các cấp, ngành, quận huyện phải nỗ lực hơn nữa.

Trước khi triển khai các dự án khác việc rà phá bom mìn của thời kỳ chiến tranh còn sót lại đã được triển khai hoàn tất.

 Vũ - Minh - Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ