TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Chân dung 00:00:00 Ngày 20/04/2012 GMT+7
Đại học Quốc gia - một thương hiệu đại học có giá trị lịch sử
(Dân trí) - Vừa qua, báo Dân trí và một số báo khác đưa tin phiên họp ngày 23/3/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Giáo dục đại học, trong đó có trích đăng một số ý kiến tiêu biểu khảng định vai trò lịch sử của ĐHQG Hà Nội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các vị lãnh đạo khác của Quốc hội, nêu rõ ý kiến cần giữ gìn tên Đại học Quốc gia và phải đưa ĐHQG vào Luật Giáo dục đại học, bởi ĐHQG là một thương hiệu đại học đã khẳng định được những giá trị lịch sử. Đây là một ý kiến hoàn toàn xác đáng của những người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất nước ta. Chúng tôi xin nói rõ thêm về điều này.
Phải nói ngay rằng trên thế giới không phải nước nào cũng có ĐHQG, nhưng ở những nước có ĐHQG thì đó luôn luôn là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lớn nhất, có vị thế và uy tín cao nhất, tiêu biểu cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học và khoa học-công nghệ của nước đó. Có thể kể ra đây một số ví dụ, như ĐHQG Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp (MGU - Liên Bang Nga), ĐHQG Singapore (NUS - Singapore), ĐHQG Seoul (SNU - Hàn Quốc), ĐHQG Australia (ANU - Australia), ĐHQG Philippines (UP - Philippines...
Ở Việt Nam tên gọi Trường Đại học Quốc gia Việt Nam chính thức xuất hiện vào ngày 15/11/1945 khi ngôi trường này long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học đầu tiên tại khuôn viên cũ của Đại học Đông Dương ở số 19 phố Lê Thánh Tông, Hà Nội. Buổi lễ đó do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa. 
Đi sâu nghiên cứu những tài liệu lịch sử hiện còn lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, chúng tôi thấy rằng sự ra đời của Trường ĐHQG Việt Nam hoàn toàn không phải là một sự kiện ngẫu nhiên, mà trái lại là kết quả của một quá trình chuẩn bị tuy hết sức khẩn trương nhưng rất cẩn trọng, bài bản của Chính phủ, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo.
Trong phiên họp ngày 22/9/1945, tức là chỉ vừa tròn 20 ngày sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, Hội đồng Chính phủ đã thảo luận về vệc “mở cửa” trường đại học. Những dòng sau đây được chúng tôi sao lục nguyên văn từ biên bản cuộc họp: “Cụ Hồ nói: nên thông cáo rằng Chính phủ sắp mở cửa lại Trường Đại học. Hội đồng quyết nghị: đến 15/11/1945, Trường Đại học sẽ mở cửa”.
Theo biên bản của họp tiếp theo vào ngày 4/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng và quyết định nhiều vấn đề cụ thể và quan trọng về cơ cấu tổ chức, lĩnh vực và bậc đào tạo và về các điều kiện đảm bảo khác để Trường ĐHQG Việt Nam sớm có thể khai giảng và đi vào hoạt động. Theo đó, Trường sẽ bao gồm các ban đại học là: Y Khoa, Bào chế, Nha khoa, Mỹ thuật, Công chính, Khoa học và ban Văn chương. Hội đồng Chính phủ cũng quyết định: “Trường Đại học sẽ có một quỹ tự trị có Chính phủ, đoàn thể và tư nhân giúp đỡ”. Tại phiên họp này Hội đồng Chính phủ cũng tán thành đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe cho phép mời giáo sư ngoại quốc tham gia giảng dạy tại Trường, tuy nhiên trong năm 1945 thì chưa nên mời giáo sư là người Pháp.
Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 43/SL thiết lập Quỹ tự trị cho Trường Đại học và Sắc lệnh số 45/SL thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội. Bộ trưởng Vũ Đình Hòe cũng ký ban hành các nghị định về việc khai giảng Trường vào ngày 15/11/1945 và ban hành cụ thể nội dung, khung chương trình đào tạo của các ngành đào tạo, công bố công khai trên Việt Nam Dân quốc Công báo tại các số 4 (ngày 20/10/1945) và số 9 (ngày 17/11/1945). Theo đó, bên cạnh các giáo sư, các nhà khoa học nổi tiếng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng được “phân công” giảng dạy khoa Hiến pháp, đồng chí Võ Nguyên Giáp dạy Khoa Kinh tế…
Nhờ sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính Phủ, ngay sau Lễ khai giảng, thầy và trò Trường Đại học Quốc gia Việt Nam đã hăng hái bước vào năm học đầu tiên dưới chế độ mới. Tại phiên họp ngày 21/11/1945 của Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe báo cáo: “Tất cả Trường Đại học có 1149 sinh viên và 270 bàng thính viên” (sinh viên dự thính). Hồ Chủ tịch nhận định: “Ta đã làm được nhiều việc về giáo dục, làm hơn hẳn người Pháp”.
Rõ ràng là sự ra đời của một trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực đầu tiên với tên gọi Trường Đại học Quốc gia Việt Nam là kết quả của một chủ trương nhất quán với tầm nhìn chiến lược xa rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Chính phủ triển khai thực hiện khẩn trương, cẩn trọng và có hiệu quả. Đây chính là nền tảng đầu tiên của toàn bộ nền giáo đại học nước nhà.
Từ sau khi hòa bình lập lại (1954), trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, nền giáo dục đại học Việt Nam đã tiến những bước dài và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong kỷ nguyên của văn minh trí tuệ và toàn cầu hóa thì hệ thống giáo dục đại học đó còn xa mới đáp ứng được và tỏ rõ một số bất cập lớn, cơ bản. Để tập trung các nguồn lực đầu tư, tạo nên một số trung tâm đại học đóng vai trò nòng cốt và đầu tàu đổi mới cho hệ thống giáo dục đại học nước nhà, ngày 10/12/1993 Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Nghị định số 97/CP thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội và tiếp đó, ngày 27/1/1995 Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ra đời theo Nghị định số 16/CP của Chính phủ.
Thực tiễn phát triển gần 20 năm qua của hai ĐHQG, đặc biệt là của ĐHQGHN là những minh chứng hùng hồn cho thấy đây là những quyết định hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Chính phủ, vừa kế tục tư duy, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa phù hợp với yêu cầu khách quan của đất nước và thời đại. Hiện nay ĐHQG TP. Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đỉnh cao lớn nhất, vừa là điểm tựa, vừa là đầu kéo mạnh mẽ cho việc phát triển kinh tế tri thức của toàn bộ miền Nam, Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Trong khi đó, ĐHQG Hà Nội là trung tâm đào tạo và NCKH đỉnh cao lớn nhất của cả nước, luôn dẫn đầu về số lượng các sản phẩm khoa học đỉnh cao (số bài báo quốc tế, số các công trình khoa học được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng quốc tế có uy tín về khoa học – công nghệ). ĐHQGHN cũng đã thực sự trở thành một đầu mối giao lưu học thuật quốc tế lớn nhất của cả nước, là nơi tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế lớn (Hội thảo quốc tế về Việt Nam học, Diễn đàn giáo dục đại học thế kỷ 21, Hội nghị Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu - IPCC vv…) và là địa chỉ được nhiều nguyên thủ, chính khách lớn và học giả nổi tiếng chọn đến thăm và làm việc (tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak vv…).
Như vậy, từ 1945 đến nay, ngôi trường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, chủ tọa lễ khai giảng, được Chính phủ gửi gắm kỳ vọng lớn lao đã thực sự đang khẳng định được thương hiệu của mình với những giá trị, thành tựu và tầm vóc lịch sử. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giữ gìn, củng cố và nâng cao vị thế của ĐHQG trong bộ Luật Giáo dục đại học sắp tới là một quyết định đúng đắn, thể chế hóa chủ trương mang tầm chiến lược sáng suốt của Đảng, tạo thêm cơ sở pháp lý chắc chắn cho những nỗ lực tạo bước phát triển đột phá của nền giáo dục đại học và khoa học - công nghệ của đất nước.
GS.NGND. Đinh Xuân Lâm
LTS Dân trí -Bài viết trên đây của một Giáo sư sử học có uy tín hàng đầu và đã từng làm công tác quản lý và giảng dạy lâu năm tại Đại học Tổng hợp Hà Nội khi xưa và Đại học quốc Hà Nội ngày nay đã nêu rất rõ những căn cứ lịch sử cũng như vai trò trong thực tiễn phát triển nền giáo dục đại học nước nhà của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Sự thật hiển nhiên đó cần thể chế hóa trong bộ Luật Giáo dục Đại học. Đấy chính là căn cú pháp lý và điều kiện quan trọng để hai ĐHQG phát triển mạnh mẽ hơn, xứng đáng với vai trò “đầu tầu” của nền Đại học Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nước nhà và hội nhập ngày càng sâu rộng với nền văn minh hiện đại.
>>> Các bài liên quan:
 
 GS.NGND. Đinh Xuân Lâm - Báo điện tử Dân trí
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ