TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Chân dung 18:41:56 Ngày 09/12/2010 GMT+7
Đô thị tri thức
(ANTĐ) - Trong quy hoạch phát triển hai đô thị lớn nhất cả nước, Hà Nội và TP.HCM, có một điểm nhấn rất được dư luận quan tâm. Đó là việc, di dời các trường đại học, các bệnh viện ra ngoại thành. Hầu hết các trường đại học có đẳng cấp trên thế giới đều phát triển theo hướng đô thị đại học.

Do vậy, việc di chuyển các trường đại học tại Hà Nội ra vùng ngoại ô, chắc chắn phải gắn với việc xây dựng các đô thị đại học, nhất là khi quỹ đất của Hà Nội mở rộng không còn phải so đo tính toán như trước đây.

Tin liên quan:
Góp ý hoàn thiện Đồ án quy hoạch ĐHQGHN tại Hòa Lạc tỷ lệ 1:2000

Kinh nghiệm của các nước đi trước chỉ rõ, đối với hoàn cảnh như Việt Nam, việc di dời và hình thành mô hình đô thị đại học chỉ có thể thành công khi có đầu tư công và sự tham gia trực tiếp của Nhà nước. Người ta gọi đây là cách “đầu tư một lần cho trăm năm”. Số tiền đổ ra xây dựng các “thành phố” đại học có thể là “khổng lồ”, nhưng lợi ích đem lại thì lớn hơn rất nhiều trên nhiều phương diện như nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục đào tạo cũng như kinh tế và an ninh xã hội.

Ở TP.HCM đã dự kiến hình thành hai khu đô thị đại học, một ở phía đông bắc thành phố mà hạt nhân là Đại học Quốc gia, hai là ở khu đô thị mới phía tây bắc quy tụ hơn mười trường. Còn Hà Nội chỉ mới hình thành ý tưởng. Dù vậy, việc hàng chục trường đại học, cao đẳng đang “đóng đô” trong nội thành có thể “vui vẻ” chấp nhận “dời đô” ra khỏi trung tâm là không dễ dàng. Bởi vì cần phải tập trung đầu tư để hình thành các thành phố đại học thực sự, chứ không phải chỉ đơn thuần là thu gom các trường đại học rồi “bốc” về một mối cho dễ quản lý như quan niệm của Bộ Xây dựng.

Mô hình đô thị đại học trên thế giới là gì? Đó là một “thành phố tri thức” tọa lạc trên một diện tích rộng lớn, có thể có một trường đại học đa ngành là trung tâm hoặc quy tụ nhiều trường đại học đơn ngành, các trường này là những bộ phần cấu thành một thành phố đại học. Đó là một không gian hoàn chỉnh đa chức năng bao gồm không gian học thuật, nghiên cứu - phát triển; không gian dịch vụ và không gian văn hóa - thể thao - nghệ thuật. Giữa các trường đại học không tồn tại quan niệm đất của trường này hay trường kia, không có ranh giới cứng tường xây, hàng rào kín cổng cao tường, mà là không gian mở. Đặc biệt trong đô thị đại học, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường sá, xe buýt nội bộ, cấp thoát nước, hệ thống điện, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường liên thông với nhau.

Tương tự, hệ thống dịch vụ như ký túc xá, nhà ăn, nhà hát, câu lạc bộ, siêu thị, bệnh viện, sân thể thao, hệ thống phục vụ đào tạo như phòng thí nghiệm, thư viện, hội trường… cũng như không gian công cộng như công viên, rừng sinh thái, khu vui chơi giải trí là của chung, không có chuyện phân biệt “công dân” trường này hay trường kia được sử dụng. Với cách tổ chức như thế, rõ ràng Nhà nước có thể đầu tư tập trung lớn và khai thác hiệu quả cao, đồng thời cũng hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn vào theo chủ trương xã hội hóa. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước là chủ đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng kĩ thuật và vật chất cơ bản, còn kêu gọi đầu tư tư nhân vào các loại dịch vụ. Một khi các trường liên thông với nhau thì đương nhiên nhà đầu tư có thể yên tâm đổ tiền vào các dịch vụ chất lượng cao có khả năng sinh lời như nhà ăn, ký túc xá sinh viên, siêu thị, bệnh viện, xe buýt…

Việc di dời các trường đại học ra ngoại thành và xây dựng các đô thị đại học, không nên nghĩ đơn giản chỉ để giảm áp lực lên trung tâm mà phải coi đây là cơ hội để đạt được nền giáo dục đào tạo chất lượng cao. Viễn cảnh đô thị tri thức thật là lý tưởng, vấn đề là cần một sự đồng thuận của xã hội, sự hỗ trợ pháp lý và tài chính của Chính phủ. Phải tránh rơi vào tình trạng mỗi trường có một mảnh đất vài héc ta, rồi “phân lô, giao nền” manh mún, trường nào tự lo trường nấy.

Đan Thanh

>>> http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=88436&ChannelID=3

 

  • Không bàn lùi việc di dời các trường đại học

(ANTĐ) - Chất lượng giáo dục ĐH bị hạn chế bởi quỹ đất trường ĐH nội đô không có khả năng cải thiện, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, việc di dời một phần hay toàn bộ trường ĐH trong thành phố là bắt buộc, không bàn lùi. Tuy nhiên, việc xây dựng đô thị đại học đang đối mặt với khó khăn thực tế chưa có lời giải.

Tắc ngay ở dự án quy mô nhất

Một trong những dự án di dời đầu tiên với quy mô lớn là dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc. Chủ trương đưa 4 vạn SV của ĐH Quốc gia Hà Nội lên Hòa Lạc cách Hà Nội 30km đã được phê duyệt gần 10 năm nay. Theo đó, ĐHQG Hà Nội sẽ có diện tích sử dụng hơn 1.000ha với 8 khu chức năng bao gồm khu trung tâm, khu các trường thành viên, khu nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ, khu hướng nghiệp thực hành, khu ký túc xá sinh viên, khu giáo dục quốc phòng, khu thể dục - thể thao, khu nhà ở công vụ, khu phục vụ công cộng và cây xanh. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng cao, ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực và tiến tới đạt trình độ quốc tế.

Nhà Công vụ số 1 của ĐHQGHN tại Hòa Lạc đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhiều năm nay.

Tuy nhiên, thực tế tiến độ thực hiện dự án xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc sau gần 10 năm mới chỉ hình thành được khu nhà công vụ do khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng và các khâu chuẩn bị đầu tư bị kéo dài. Cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định chuyển chủ đầu tư Dự án Xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hoà Lạc từ ĐHQG Hà Nội sang Bộ Xây dựng.

Với việc bàn giao từ đó đến nay, Bộ Xây dựng đã phải kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh lại quy hoạch chung dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội trên cơ sở định hướng phát triển trong tương lai của ĐHQG Hà Nội, xác định rõ các khu chức năng và sử dụng hiệu quả diện tích đất được cấp cũng như phải phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, Bộ Xây dựng dự kiến sẽ phải đề xuất các cơ chế đặc thù trong việc quản lý dự án này để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chưa tính hết bài toán sau di dời

Một mô hình khác đã được triển khai thí điểm là việc thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bán đấu giá một khu đất có giá trị tương đương khu đất cũ của trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh để tạo vốn cơ bản cho trường đầu tư xây dựng cơ sở mới. Sau khi xây dựng các hạng mục đủ bảo đảm cho đào tạo tại cơ sở mới thì trường bàn giao cơ sở cũ cho thành phố. Tuy nhiên, khu đất dự kiến dùng để tạo vốn cho trường qua 4 năm vẫn chưa bán được.

Ngoài ra, việc sử dụng khu đất cũ của các trường ĐH sau di dời cũng khiến nhiều chuyên gia băn khoăn khi thấy rõ biện pháp đổi đất nhanh nhất và có giá nhất hiện nay là đổi đất để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, nếu bán chỗ cũ của các trường đi để đầu tư vào dịch vụ chung cư để giảm tắc đường thì khó khả thi và tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội nhiều hơn đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Còn Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Viết Thịnh thì băn khoăn ở vấn đề trường ĐH Sư phạm Hà Nội được xây dựng trên khu vực Cầu Giấy. Trước đây khu vực này dân khá thưa vắng nhưng đến giờ thường xuyên tắc đường. “Vậy chúng ta đầu tư vào một khu nào đó, không giải tỏa hết các vấn đề thì tương lai cũng sẽ như Cầu Giấy bây giờ”.

PGS.TS Nguyễn Văn Lê - Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Trung ương cũng nêu ý kiến rằng, việc bàn đến vấn đề di dời, chia đất, phân lô sớm quá. Trong khi đó, điều quan trọng là Bộ phải tổ chức một đoàn khảo sát tổng thể xem các trường ĐH, CĐ để biết nhu cầu và tương lai phát triển như thế nào?

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng, việc tách ra thành các “ốc đảo” ĐH cần tính kỹ tới các yếu tố xã hội. Nếu quy hoạch sai, hậu quả sẽ rất nặng nề. Cần trả lời được các câu hỏi liệu các trường ĐH có thể tồn tại theo mô hình các đô thị độc lập hay không và quan hệ của đô thị này với các địa phương hay các đô thị khác như thế nào. Ông Nguyễn Văn Hùng cũng nhắc nhở việc cần xem lại những mô hình di dời trước đây như Xuân Mai hay Hương Canh đã thất bại vì không thu hút được giảng viên và sinh viên. Ngoài ra, các yếu tố về an ninh, trật tự chính trị, văn hóa lối sống trong một đô thị đặc thù như đô thị đại học cũng cần tính toán kỹ chứ không đơn giản chỉ tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng.

Xây dựng đô thị tri thức:
Cần xác định rõ tầm nhìn chiến lược

Đối với một đại học, đặc biệt là đại học lớn như ĐHQGHN phát triển theo định hướng nghiên cứu, đẳng cấp quốc tế thì công việc đầu tiên của những người lãnh đạo là xác định rõ sứ mạng, tầm nhìn chiến lược, sau đó chỉ đạo tổ chức xây dựng kế hoạch, tìm các nguồn lực thực hiện và đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra. Với ĐHQGHN, sứ mạng, tầm nhìn đã được xác định rõ hướng tới đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trình độ cao theo các chuẩn mực của các đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới. ĐHQGHN phấn đấu lọt vào “top 200” các đại học hàng đầu khu vực châu Á vào năm 2020. Đây là mục tiêu đầy tham vọng nhưng theo tôi có cơ sở để đạt được.

Để đạt được mục tiêu chiến lược đặt ra, theo tôi có nhiều việc cần phải làm. Trước hết là công tác lập kế hoạch (5 năm và từng năm), tìm các nguồn lực để thực hiện kế hoạch, sau đó đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch theo các chỉ tiêu đã đề ra và có các chế tài thưởng phạt rõ ràng gắn liền với hiệu quả thực hiện kế hoạch. Đây thực chất là các công việc của quản trị đại học hiện đại.

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

 Đan Thanh - Báo An ninh Thủ đô, ngày 09/12/2010.
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ