TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Đào tạo 00:00:00 Ngày 11/02/2014 GMT+7
Tính ưu việt của tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực
Tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực toàn diện là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn trên thế giới. Đây là phương thức đảm bảo lựa chọn được những ứng viên có năng lực học tập, tư duy logic, khả năng lập luận, phân tích kiến thức tổng hợp,...

>>> Thông tin tuyển sinh năm 2014

Phương thức tuyển sinh này đã được ĐHQGHN thí điểm trong một số chuyên ngành sau đại học từ năm 2011 đến nay. Tiếp thu những thành tựu của giáo dục thế giới, trên cơ sở những kết quả đạt được trong các đợt thí điểm vừa qua, kì thi tuyển sinh đại học năm 2014, ĐHQGHN sẽ thí điểm tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực ở một số chương trình đào tạo. Bản tin ĐHQGHN đã có dịp trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Quý Thanh - Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục về vấn đề này.

Thầy có thể giới thiệu đôi nét về phương thức tuyển sinh đánh giá năng lực hiện nay trên thế giới?
Tuyển sinh theo năng lực là tuyển chọn người học dựa trên việc đo lường, nhận định và đánh giá về các năng lực và phẩm chất cốt lõi của ứng viên cần có để học tốt ở bậc học tương ứng, thông qua các hình thức đánh giá như bài thi chuẩn hóa, đánh giá hồ sơ và phỏng vấn. Các phương pháp đo lường và đánh giá các năng lực và phẩm chất của ứng viên tập trung vào việc xác định khả năng họ sẽ áp dụng, phân tích, tổng hợp, sáng tạo được gì từ những kiến thức đã học, từ những năng lực, phẩm chất đã được rèn luyện ở bậc phổ thông để giải quyết các vấn đề một cách tốt nhất, chứ không nhằm kiểm tra xem ứng viên nhớ được những gì từ những kiến thức đó.
Tuyển sinh theo năng lực là phương thức tuyển sinh phổ biến ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và Úc. Thí dụ, hầu hết các trường ĐH ở Hoa Kì, kể cả những trường danh tiếng ở Hoa Kì đã áp dụng tuyển sinh Đại học theo phương thức đánh giá năng lực từ rất lâu. Họ đánh giá năng lực của các ứng viên thông qua kết quả bài thi chuẩn hóa (mà ở Việt Nam hay gọi là thi SAT), bài luận cá nhân, kết quả học phổ thông, thư giới thiệu của giáo viên, các thành tích về hoạt động ngoại khoá, tình nguyện, kết quả phỏng vấn,… Đối với xét tuyển SĐH, các ứng viên được đánh giá qua kết quả bài thi chuẩn hóa GRE, kết quả học ở bậc đại học, thư giới thiệu, các công trình khoa học, bài luận/đề cương nghiên cứu, kết quả phỏng vấn,… và các chứng chỉ liên quan khác. 
Các bài thi chuẩn hóa (standardized test) được thiết kế hết sức công phu và đảm bảo tính khoa học cao, theo mô hình Lí thuyết Khảo thí hiện đại (hay còn gọi là Lí thuyết Ứng đáp câu hỏi - Item Response Theory), đảm bảo độ giá trị và độ tin cậy cao. Cần lưu ý là, cho dù điểm các bài thi chuẩn hóa là quan trọng, nhưng xu thế chung của các trường đại học ở các nước phát triển hiện nay là tiếp cận tuyển sinh theo hướng đánh giá toàn diện (holistic admission) năng lực, chứ không chỉ thuần túy dựa vào điểm bài thi chuẩn hóa.
Được biết, trong các kì thi tuyển sinh SĐH từ năm 2011 đến nay, ĐHQGHN đã thí điểm tuyển sinh theo phương thức này. Thầy có thể cho biết những kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra từ các lần thí điểm vừa qua?
Có thể nói một số yếu tố của phương thức tuyển sinh theo năng lực đã được triển khai tại các đơn vị trong ĐHQGHN từ rất lâu rồi. Ngay từ giữa thập niên 90, với sự trợ giúp của các chuyên gia Australia và Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều giảng viên của ĐHQGHN được đào tạo, tập huấn về thiết kế bài thi chuẩn hóa theo Lý thuyết Khảo thí hiện đại. Đồng thời, trong các đơn vị của ĐHQGHN như Viện ĐBCLGD, Trường ĐHKHXH&NV, Trường ĐHGD đã tiến hành nhiều nghiên cứu tâm trắc học liên quan đến năng lực người học (đo về IQ, CQ, EQ…), những căn cứ khoa học quan trọng để ĐHQGHN vững tin triển khai theo theo hướng này. Các chuyên gia của Cơ quan Khảo thí Hoa Kì ETS cũng đã sang tập huấn tăng cường năng lực cho cán bộ, giảng viên của ĐHQGHN trong xây dựng hệ thống đánh giá chuẩn hóa.
Từ năm 2011, ĐHQGHN đã thận trọng triển khai từng bước thí điểm phương thức tuyển sinh mới này ở bậc sau đại học tại Trường ĐHKT và Khoa SĐH với một số chương trình đào tạo có tính liên ngành như Quản trị công nghệ và Phát triển doanh nghiệp, Biến đổi khí hậu, Phát triển bền vững. Kết quả cho thấy, các ứng viên trúng tuyển đã thích ứng tốt với các chương trình đào tạo. Điều này chứng tỏ, mặc dù mới ở phạm vi thí điểm, nhưng phương thức này phù hợp cho việc tuyển lựa được những ứng viên phù hợp, có chất lượng tốt.
Nội dung và hình thức tuyển sinh đánh giá năng lực ở bậc đại học có gì khác so với tuyển sinh ở bậc sau đại học? Cụ thể?
Tiếp cận chung của ĐHQGHN với cả tuyển sinh bậc ĐH và SĐH là “đánh giá toàn diện năng lực, phẩm chất” của ứng viên cần thiết chợ thành công của bậc học tiếp theo tương ứng. ĐHQGHN đã tham khảo chuyên gia của ETS, College Board cũng như các nghiên cứu về tuyển sinh trên thế giới về các năng lực cốt lõi và phẩm chất của các ứng viên. Trên cơ sở đó, ĐHQGHN đề xuất 7 năng lực và 3 phẩm chất được xác định là cốt lõi để người học có thể thành công trong bậc học đại học và SĐH. Đó là các năng lực tư duy logic, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực làm việc nhóm, năng lực làm việc độc lập, năng lực ngoại ngữ. Các phẩm chất cá nhân được đánh giá gồm ý thức cộng đồng, ý thức bản thân và sự đam mê. Cho dù tên của các năng lực và phẩm chất cần có của các ứng viên là giống nhau, nhưng yêu cầu mức độ năng lực thể hiện khác nhau ở bậc ĐH so với bậc SĐH. Chính vì vậy, cấu trúc của bài thi chuẩn hóa để tuyển vào 2 bậc này là khác nhau; các loại hồ sơ minh chứng cũng có sự khác biệt.
Bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực không thiết kế theo các môn thi riêng rẽ. Ngược lại, nó tích hợp các nội dung kiến thức của các môn Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và Toán học, với trọng tâm là những nội dung rất cơ bản về Ngữ văn và Toán học tương đương bậc phổ thông. Cách thiết kế này tương tự như cấu trúc và nội dung của các bài thi chuẩn hóa SAT (bậc ĐH), hay GRE (bậc SĐH) tại Hoa Kỳ. Bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực để tuyển sinh ĐH có thời gian làm bài là 195 phút (không tính thời gian nghỉ 20 phút giữa phần thi viết luận 1 và 2). Trong khi đó, bài thi chuẩn hóa tuyển sinh SĐH có thời gian làm bài là 210 phút (không tính thời gian nghỉ giữa các phần thi).
Thầy có thể cho biết lộ trình và các giải pháp cơ bản khi chuyển từ phương thức thi truyền thống (kiểm tra kiến thức) sang phương thức đánh giá năng lực?
Giám đốc ĐHQGHN đã có chỉ đạo năm 2014 áp dụng thí điểm phương thức này nhằm chọn sinh viên vào hệ tài năng, chất lượng cao, nhiệm vụ chiến lược,… ở bậc Đại học (sau khi thí sinh đã thi 3 chung và trung tuyển vào ĐHQGHN); mở rộng thí điểm ở bậc sau ĐH tuyển sinh. Mỗi đơn vị đào tạo triển khai thí điểm ít nhất 1 chương trình ở bậc SĐH. Đến năm 2015 áp dụng tuyển sinh ĐH và SĐH nói chung ở phạm vị rộng hơn và tiến tới áp dụng triệt để.
Để thực hiện lộ trình này, ĐHQGHN đặc biệt quan tâm tới các giải pháp sau: Thứ nhất, đào tạo đội ngũ cán bộ vận hành phương thức tuyển sinh theo năng lực, bao gồm các cán bộ đủ năng lực phát triển các tiểu mục (item) đánh giá; các cán bộ có kỹ năng đánh giá hồ sơ của ứng viên; và, các cán cán bộ có kỹ năng phỏng vấn ứng viên. Thứ hai, Phát triển ngân hàng tiểu mục chuẩn hóa (standardized item bank) đảm bảo độ giá trị, độ tin cậy để làm cơ sở chiết xuất các đề thi tốt; Xây dựng các phòng thi chuẩn hóa, các phần mềm hỗ trợ đúng theo quy chuẩn. Thứ ba, xây dựng quy chế đào tạo, hướng dẫn tuyển sinh theo phương thức mới để phổ biến cho tất cả các bên liên quan (thí sinh, xã hội, cán bộ tuyển sinh,…).
Thầy có lời khuyên gì đối với những ứng viên dự thi theo phương thức này?
Đây là một phương thức tuyển sinh tiên tiến, đánh giá toàn diện năng lực của ứng viên. Vì vậy, các ứng viên tránh học tủ, học lệch. Bên cạnh đó, phương thức tuyển sinh mới này sẽ không đánh giá nhiều về năng lực ghi nhớ/tái hiện, mà về khả năng áp dụng kiến thức. Cho nên, các ứng viên cần lưu ý về khả năng vận dụng, phân tích, tổng hợp, sáng tạo.
Các ứng viên cũng nên rèn luyện phẩm chất, năng lực một cách toàn diện như tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, nghiên cứu khoa học, hoạt động nhóm, đồng thời rèn luyện tính tự chủ, lựa chọn lĩnh vực mình đam mê để theo đuổi chứ không theo phong trào,… Không nên chỉ chú trọng đến kết quả học tập thuần túy, bởi dù kết quả học tập rất quan trọng nhưng nó cũng chỉ là một trong các tiêu chí để tuyển sinh.
Bên cạnh đó, do đây là phương thức đánh giá toàn diện, những nội dung kiến thức là cơ bản, nhưng độ bao phủ rất rộng, cho nên việc ôn thi, luyện thi về nội dung cũng không cần thiết và cũng không khả thi. Tuy vậy, việc ứng viên được hướng dẫn phương pháp làm bài thi chuẩn hóa là hữu ích. Cho nên, khi bắt đầu triển khai thí điểm, ĐHQGHN sẽ công bố các hướng dẫn cần thiết trên Internet để ứng viên tham khảo.
Xin cảm ơn Phó Giáo sư!
 Việt Hà - Ảnh: BT - Bản tin ĐHQGHN số 274 - 275
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ