TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Đào tạo 00:00:00 Ngày 29/08/2016 GMT+7
Thực hiện các giải pháp đồng bộ đổi mới tuyển sinh, tăng cường năng lực tổ chức quản lý đào tạo theo mô hình quản trị đại học tiên tiến
Ngày 24/8/2016, tại Hòa Lạc, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo năm học 2015 – 2016 và triển khai nhiệm vụ đào tạo năm học 2016 – 2017.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức đồng chủ trì Hội nghị.

Tới dự Hội nghị có Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức, đại diện lãnh đạo Văn phòng, các Ban chức năng ĐHQGHN cùng toàn thể lãnh đạo và cán bộ viên chức làm công tác quản lý đào tạo đại học và sau đại học của các đơn vị thuộc ĐHQGHN.

Tại Hội nghị, Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức đã trình bày báo cáo tổng kết công tác đào tạo năm học 2015 – 2016 và triển khai nhiệm vụ đào tạo năm học 2016 – 2017.

Năm học 2015 - 2016, ĐHQGHN tuyển sinh đại học chính quy theo phương thức đánh giá năng lực. Kỳ thi đã thu hút được 62.255 thí sinh đăng ký dự thi, số thí sinh dự thi là 54.200, đạt 87%, tăng gấp đôi so với năm 2014. Điều này chứng tỏ phương thức tuyển sinh mới của ĐHQGHN đã tạo sức hút với thí sinh và xã hội.

Kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2015 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành, ra đề, coi thi, chấm thi, lên điểm thi, giám sát, thanh tra đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Các công tác an ninh, y tế, hậu cần, cơ sở vật chất được thực hiện chu đáo, nghiêm túc.

Năm học vừa qua, ĐHQGHN đã bổ sung 02 ngành đào tạo đại học, 02 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, và 01 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Các ngành/ chuyên ngành được quy hoạch theo hướng phát triển tính liên ngành, có nhu cầu xã hội cao, tiếp cận theo chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu đào tạo toàn diện phẩm chất, tầm nhìn, năng lực và kỹ năng cho người học. Cũng trong năm học 2015-2016, tiếp nối việc ban hành 2 Quy chế đào tạo ĐH và thạc sĩ tại ĐHQGHN, các đơn vị đào tạo đã triển khai công tác điều chỉnh 130 chương trình đào tạo (CTĐT) ĐH, 120 CTĐT thạc sĩ để phù hợp với 2 Quy chế mới.

Đồng thời, trên cơ sở các CTĐT hiện có, các đơn vị đào tạo đã phát triển nhiều CTĐT, trong đó có các CTĐT thạc sĩ định hướng ứng dụng và các đề án triển khai các chương trình thu học phí tương ứng với chất lượng và nguồn kinh phí đầu tư cho đào tạo, nâng cao khả năng tự chủ tài chính của đơn vị, 6 chương trình thạc sĩ đầu tiên của Trường ĐH Việt Nhật cũng đã được ban hành và tuyển sinh.

Quy mô đào tạo bậc đại học của ĐHQGHN được duy trì ổn định. Công tác xét tốt nghiệp, cấp phát văn bằng diễn ra đúng kế hoạch, đúng quy định.

Các đơn vị đào tạo tiếp tục chú trọng việc phát triển các CTĐT tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, chuẩn quốc tế trong năm 2015 nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại ĐHQGHN. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp các chương trình này đạt gần 90%.

Công tác đào tạo sau đại học được được triển khai theo hướng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tham gia công bố các nghiên cứu trên các tạp chí chuyên môn trong và ngoài nước. ĐHQGHN cũng thường xuyên tạo điều kiện cho các giảng viên, học viên tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học cấp quốc gia, quốc tế nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu.

Công tác giáo trình luôn được ĐHQGHN xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. ĐHQGHN đã xây dựng Tủ sách khoa học mang thương hiệu của ĐHQGHN, ưu tiên xuất bản những sách về đào tạo tài năng, những công trình khoa học đạt giải thưởng cấp Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh do các tác giả là cán bộ của ĐHQGHN biên soạn.

Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý điều hành công tác đào tạo, ĐHQGHN tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin thực hiện chức năng quản lý đào tạo thống nhất và hoàn chỉnh từ khâu đăng ký tuyển sinh, thi tuyển, xét tuyển, nhập học, tổ chức đào tạo, xét tốt nghiệp ở bậc đại học và triển khai phần mềm quản lý đào tạo ở bậc SĐH.

Báo cáo cũng chỉ ra mục tiêu năm học mới 2016 – 2017 đó là: Bám sát giá trị cốt lõi “Chất lượng cao; Sáng tạo; Tiên phong; Tích hợp; Trách nhiệm; Phát triển bền vững” để thực hiện các giải pháp đồng bộ đổi mới tuyển sinh, tăng cường năng lực tổ chức quản lý đào tạo theo mô hình quản trị đại học tiên tiến, nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đào tạo, tuyển sinh của các đơn vị ở ĐHQGHN.

Để thực hiện mục tiêu trên, năm học 2016 – 2017, ĐHQGHN thực hiện 02 nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Triển khai hiệu quả các CTĐT ở ĐHQGHN theo kết quả phân tầng chất lượng đã được thông qua, (2) Đổi mới công tác tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ theo mô hình đại học nghiên cứu.

Hội nghị đã nghe các ý kiến thảo luận về báo cáo tổng kết công tác đào tạo, kế hoạch nhiệm vụ trong năm học tới, đồng thời nghe các tham luận: Phát triển các chương trình đào tạo bằng kép của Trường ĐH Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ), Xây dựng chương trình xã hội hóa thu học phí theo chất lượng đào tạo (Trường ĐH Kinh tế), Kinh nghiệm tổ chức đào tạo tiến sĩ ở một số trường tiên tiến (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên), 10 năm áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) và Đào tạo kỹ năng bổ trợ cho sinh viên và học viên sau đại học hiện nay (Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực).

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao và ghi nhận những thành tích trong công tác đào tạo, đồng thời khẳng định những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của ĐHQGHN. Giám đốc Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, để xây dựng One-VNU theo định hướng đại học nghiên cứu, phát triển toàn diện, mỗi cá nhân, đơn vị trong ĐHQGHN bên cạnh việc hoàn thành công việc của mình theo đúng chức năng, trách nhiệm, nhiệm vụ cần đồng thuận, đoàn kết vì mục tiêu chung – xây dựng ĐHQGHN chất lượng cao.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn nêu ra các nhiệm vụ chính trong công tác đào tạo của ĐHQGHN trong năm học 2016 – 2017:

Thứ nhất, để khắc phục những khó khăn về tuyển sinh của một số chương trình đào tạo, đặc biệt là các ngành khoa học cơ bản, các đơn vị cần tính toán nhu cầu xã hội với các ngành này, sau đó tiến hành phân bổ lại chỉ tiêu cho phù hợp. Cần tăng cường học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản. Bên cạnh việc tăng sức hấp dẫn của các chương trình đã có, cần thiết kế mới các chương trình đào tạo thiên về ứng dụng, giải quyết các vấn đề xã hội.

Thứ hai, tập trung phát triển các chương trình chất lượng cao thu học phí cao tương xứng với chất lượng đào tạo, góp phần tạo thêm nguồn lực cũng như tăng cường tính tự chủ của các cơ sở đào tạo.

Thứ ba, cần tổ chức tổng kết công tác đào tạo theo tín chỉ để có được những đánh giá toàn diện và có hệ thống về tính hiệu quả của phương thức này cũng như chỉ ra những thực trạng, khó khăn, từ đó đưa ra các giải pháp để thúc đẩy chất lượng mô hình đào tạo theo tín chỉ của đơn vị trong năm học tới.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong quản trị đại học, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành các hoạt động đào tạo, góp phần xây dựng đại học số hóa.

Thứ năm, thực hiện thí điểm đào tạo tiến sĩ theo mô hình mới, đảm bảo chất lượng đào tạo trong toàn bộ quá trình (từ tuyển sinh, quản lý và tổ chức hoạt động đào tạo đến chuẩn đầu ra), gia tăng quyền quyết định về chuyên môn của cán bộ hướng dẫn và bộ môn chuyên môn, gắn quá trình đào tạo trình độ tiến sĩ với các đề tài và dự án nghiên cứu.

Bên cạnh các nhiệm vụ trên, Giám đốc ĐHQGHN cũng đề nghị: Trường ĐH ngoại ngữ tổ chức hội nghị về đào tạo ngoại ngữ trong ĐHQGHN trong tháng 9/2016; các đơn vị lên phương án đổi mới việc thực tập, thực tế của sinh viên, hàng năm báo cáo ĐHQGHN về số lượng sinh viên tốt nghiệp và có việc làm sau tốt nghiệp; cần tiếp tục đổi mới việc trang bị kỹ năng bổ trợ cho sinh viên và học viên sau đại học, phát triển phẩm chất, tầm nhìn của người học; tăng cường và khai thác hiệu quả các nguồn học liệu, hỗ trợ giảng viên xuất bản giáo trình; nghiên cứu bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cấp chương trình và đơn vị của Mạng lưới các trường Đại học ASEAN (gọi tắt là AUN) để định hướng cho các hoạt động trong tương lai...

Năm 2016, ĐHQGHN tiếp tục áp dụng phương thi ĐGNL phục vụ tuyển sinh đại học chính quy. Gần 70.000 lượt thí sinh đã đăng ký tham gia kỳ thi ĐGNL đợt 1 năm 2016, tổng số thí sinh có mặt dự thi ĐGNL ngoại ngữ chiếm 97,4%, tổng số thí sinh có mặt dự thi ĐGNL chung chiếm tỷ lệ 97,1%. Trong đợt 2, có 10.720 lượt thí sinh đăng ký dự thi bài thi ĐGNL và 3.525 lượt thí sinh đăng ký dự thi bài thi ĐGNL ngoại ngữ. Năm nay, có thêm 08 trường ngoài ĐHQGHN cùng tham gia tổ chức thi và sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển gồm: Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Nguyễn Trãi, Trường ĐH Thủ Đô, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng và Trường ĐH Hòa Bình.

Năm học 2015-2016, 2 Trường THPT Chuyên của ĐHQGHN tiếp tục gặt hái được những kết quả cao. Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã giành 46 giải học sinh giỏi quốc gia; giành 2 huy chương và 1 bằng khen các cuộc thi Olympic quốc tế và khu vực (trong đó đội tuyển Olympic Tin học châu Á Thái Bình Dương giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương đồng; đội tuyển Olympic Vật lý châu Á giành 1 bằng khen; đầu tháng 8/2016 thêm  01 huy chương vàng Olympic Sinh học, 01 huy chương vàng Olympic Hóa học); 01 giải nhất và 01 giải nhì chung cuộc, 02 giải nhất 02 giải nhì và 03 giải 3 lĩnh vực tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia, 01 giải ba chung cuộc tại cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế Intel ISEF tổ chức tại Mỹ...

Trường THPT chuyên Ngoại ngữ đạt được 21 giải Học sinh giỏi Quốc gia (6 giải Nhì, 7 giải Ba, 8 giải Khuyến khích); 5 học sinh tham gia kỳ thi Olympic Toán bằng tiếng Anh Hà Nội mở rộng đạt 4 giải (2 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích); 26  học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi khu vực Duyên hải Đồng bằng Bắc bộ đạt 25 giải (3 huy chương vàng, 9 huy chương bạc, 10 huy chương đồng, 3 giải Khuyến khích); tổ chức thành công kỳ thi HSG cấp ĐHQG. Đặc biệt,  đây là lần đầu tiên có sự tham gia của học sinh chuyên tiếng Đức và tiếng Nhật. Trong số 77 học sinh tham gia có 62 học sinh đạt giải với 11 giải Nhất, 27 giải Nhì và 24 giải Ba…

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

 

 

 

 

 

 

 

>>> Tin tức liên quan:

- ĐHQGHN rà soát các công việc cho kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2016

- Ngày thi đầu tiên của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2016 của ĐHQGHN diễn ra an toàn, nghiêm túc

- Kết thúc đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm 2016: minh bạch, thuận tiện, an toàn

- ĐHQGHN sẵn sàng cho kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2016

- Kết thúc đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực năm 2016

- Tổng kết chương trình đào tạo tiên tiến giai đoạn 2006 – 2015: phát huy năng lực sáng tạo, kỹ năng làm việc và nghiên cứu

 Sinh Vũ - Ảnh Quốc Toản - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ