TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Đào tạo   Đại học 00:00:00 Ngày 03/04/2014 GMT+7
Khẳng định uy tín bằng chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), ngay từ năm 2002, đã thành lập Khoa Quốc tế Việt Nga, nay là Khoa Quốc tế, ĐHQGHN.

>>> Ông Nguyễn Trung Hiền, Audi Việt Nam: Sinh viên Khoa Quốc tế là người năng động, ham học hỏi 

Trải qua hơn 10 năm phát triển, Khoa đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của  Lãnh đạo ĐHQGHN. Trong đó đặc biệt phải kể đến sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong công tác đào tạo, để dảm bảo mục tiêu của các chương trình đào tạo của Khoa đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Ở bậc đại học, Khoa Quốc tế có các chương trình đào tạo: Kinh doanh quốc tế; Kế toán, Phân tích và Kiểm toán (Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng); Kế toán chất lượng cao (liên kết với Trường Đại học HELP, Malaysia); Kế toán – Tài chính (liên kết với Trường Đại học East London, Vương Quốc Anh); Quản lý (liên kết với Trường Đại học Keuka, Hoa Kỳ) (đào tạo bằng tiếng Anh); Kế toán, Phân tích và Kiểm toán (đào tạo bằng tiếng Nga); Kinh tế và Quản lý (liên kết với Trường Đại học Paris Sud, CH. Pháp) (đào tạo bằng tiếng Pháp); các chương trình du học bán phần bằng tiếng Trung Quốc. Ở bậc sau đại học, Khoa Quốc tế đào tạo chuyên ngành truyền thống là Quản trị kinh doanh (MBA (liên kết với Trường Đại học HELP, Malaysia; 3 chuyên ngành và liên ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam bao gồm: Tài chính - Ngân hàng – Bảo hiểm (Việt Nam và Đông Nam Á) (FBA), Marketing & Dự báo (MKT) (liên kết với Trường Đại học Nantes, CH. Pháp); Khoa học Quản lý thông tin (MIM) (liên kết với Trường Đại học Long Hoa, Đài Loan).

Khoa Quốc tế đã sử dụng 4 ngoại ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc trong việc thiết kế các chương trình đào tạo. Đối với Việt Nam đây là những công cụ ngôn ngữ quan trọng nhất trong giao lưu quốc tế. Ngôn ngữ, văn hoá và tư duy là một thể thống nhất. Thể thống nhất này lại hòa quyện nhuần nhuyễn với hệ thống kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế được cải biến một cách cẩn trọng, có cơ sở khoa học cho phù hợp với đặc thù của Việt Nam trong sản phẩm giáo dục của Khoa Quốc tế.

Khoa Quốc tế thụ hưởng những lợi thế của ĐHQGHN, một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học hàng đầu, có uy tín và được xã hội đánh giá cao. Khoa Quốc tế được sử dụng nguồn lực dồi dào và tài năng của ĐHQGHN – là những giảng viên có trình độ chuyên môn, năng lực giỏi và tâm huyết. 

Sau hơn chục năm xây dựng và phát triển, có thể khằng định, Khoa Quốc tế đã và đang thực hiện thành công mô hình đào tạo đại học theo chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam. Sinh viên của Khoa được học tập trong một môi trường hiện đại, năng động, nơi sinh viên luôn được coi là trung tâm của quá trình đào tạo, được đội ngũ giảng viên trong nước và nước ngoài có trình độ cao, say mê nghề nghiệp, như những con ong dày công làm mật để truyền tặng kiến thức đến các thế hệ học viên, sinh viên. Người học là trung tâm của quá trình giáo dục, nhưng người thầy là bí quyết thành công của hệ thống này.

Bên cạnh việc tiếp nhận những kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn được tham gia vào các hoạt động vì xã hội, vì cộng đồng. Những bài học không có trong sách vở, trên giảng đường này thực sự giúp sinh viên gần gũi hơn với cuộc sống, với xã hội và có thêm được những trải nghiệm thực tế, tự hình thành các kỹ năng mềm. Và cũng từ  đây các em đã tự rèn cho mình cách tư duy sáng tạo, cách xây dựng, tổ chức một chương trình, cách phối hợp làm việc theo nhóm và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách. Khi tốt nghiệp, sinh viên không chỉ đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường đào tạo trong và ngoài nước, mà còn là những chủ thể tư duy sáng tạo, có thể ứng phó được những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Sản phẩm đầu ra 3 trong 1 của Khoa Quốc tế thể hiện ở việc người tốt nghiệp có kiến thức, kỹ năng theo chuẩn giáo dục quốc tế, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác. Nhờ được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết nên 90% sinh viên, học viên có việc làm ổn định, đúng ngành nghề đào tạo với thu nhập cao hoặc được tiếp nhận vào học ở bậc cao hơn ngay sau khi tốt nghiệp. Sinh viên, học viên Khoa Quốc tế ngày nay đang tích cực đóng góp tri thức của mình ở các cơ quan, đơn vị khác nhau, như Bộ Kế hoạch - đầu tư, Thanh tra Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Bộ Công an, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, các ngân hàng, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp nước ngoài… Dù làm việc trên cương vị nào, ở nơi đâu, sinh viên Khoa Quốc tế đều nhận được những đánh giá tích cực từ các nhà tuyển dụng. Thành công của sinh viên đã thực sự mang lại nguồn cổ vũ tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, và như vậy, đóng vai trò tạo xung lực cho sự phát triển của Khoa.

Khoa Quốc tế - ĐHQGHN được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao thông qua chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, với đòi hỏi của xã hội và nhu cầu phát triển nội tại, chiếc áo “Khoa Quốc tế” đã trở nên quá chật hẹp, không còn phù hợp với nội dung, chất lượng, quy mô hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Khoa; và bởi vậy, ĐHQGHN đã trình Bộ Giáo dục – Đào tạo “Dự án nâng cấp Khoa Quốc tế thành Trường Đại học Quốc tế thuộc ĐHQGHN”, tạo điều kiện cho Khoa “lột xác” trở thành một cơ sở giáo dục quốc tế tương đồng Trường Đại học Quốc tế thuộc ĐHQG Tp Hồ Chí Minh, nhằm hiện thực hóa kế hoạch chiến lược của ĐHQGHN và phục vụ cộng đồng hiệu quả hơn nữa.






 QT - Ảnh: BT - VNU - IS
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ