TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Thông báo   Sau đại học 14:23:47 Ngày 14/01/2021 GMT+7
Thông tin LATS của NCS Nguyễn Vân Khánh
Tên đề tài: Đối chiếu hành động yêu cầu Anh – Việt (dưới góc độ lịch sự)

1. Họ và tên: Nguyễn Vân Khánh                                    2. Giới tính: nữ

3. Ngày sinh: 30/04/1983                                                4. Nơi sinh: Hải Dương

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 2416/2015/QĐ-XHNV; ngày13/10/2015 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: không có

7. Tên đề tài luận án: Đối chiếu hành động yêu cầu Anh – Việt (dưới góc độ lịch sự)

8. Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh – đối chiếu      9. Mã số: 62 22 02 41

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Văn Độ

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

Chương 1 trình bày những kiến thức và khái niệm cơ bản về hành động ngôn từ và hành động ngôn từ yêu cầu; khái niệm lịch sự của G. Leech; các cách thức và phương tiện biểu đạt lịch sự trong hành động yêu cầu theo lý thuyết của G. Leech.

Chương 2 trình bày hai vấn đề: Các chiến lược yêu cầu trong tiếng Anh và tiếng Việt và các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn các chiến lược yêu cầu gồm: vị thế, độ thân quen và mức độ lợi-thiệt giữa người nói (S) và người nghe (H).

Vấn đề thứ nhất, luận án phân loại và khái quát được 6 kiểu loại chiến lược trong việc thực hiện hành động ngôn từ yêu cầu trong tiếng Anh và tiếng Việt: Chiến lược trực tiếp, chiến lược gián tiếp phát ngôn trần thuật, chiến lược gián tiếp phát ngôn hỏi; chiến lược gián tiếp lời bóng gió và các chiến lược khác.

Sau khi so sánh – đối chiếu các phân loại, luận án đưa ra nhận xét khoa học về sự giống nhau và khác nhau trong thực hành các hành động yêu cầu, trong đó sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ là đáng chú ý:

Trong tiếng Việt, gần như bắt buộc dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ 2 đứng đầu câu mệnh lệnh, trong khi người nói tiếng Anh không dùng.

Nhìn chung người nói tiếng Anh ưa dùng chiến lược gián tiếp hơn người Việt.

Người nói tiếng Anh dùng nhiều chiến lược phi câu trong khi người Việt hầu như không sử dụng.

Vấn đề thứ hai, luận án khảo sát các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn chiến lược yêu cầu trong tiếng Anh và tiếng Việt: Vị thế, mức độ thân quen và mức độ lợi – thiệt.

Sau khi so sánh – đối chiếu các kết quả phân tích, luận án đưa ra nhận xét khoa học về sự giống nhau và khác nhau trong thực hành các hành động yêu cầu, trong đó sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ là đáng chú ý:

Xét về nhân tố vị thế, người Việt dù ở vị thế nào cũng lựa chọn chiến lược trực tiếp nhiều vượt trội so với chiến lược gián tiếp.

Xét về nhân tố độ thân quen, người Việt vẫn lựa chọn chiến lược gián tiếp cao hơn, trong khi người nói tiếng Anh lựa chọn ngược lại.

Về mức độ gây thiệt hại, người nói tiếng Anh lựa chọn chiến lược gián tiếp cao hơn đáng kể so với người nói tiếng Việt.

Chương 3 trình bày 2 vấn đề: Các cách thức và phương tiện biểu đạt lịch sự; và mức độ lịch sự trong các chiến lược yêu cầu tiếng Anh và tiếng Việt.

Luận án chia các cách thức và phương tiện biểu đạt lịch sự trong chiến lược yêu cầu thành 2 phần: Các yêu tố ngôn ngữ bên trong và các yếu tố bên ngoài phần nội dung yêu cầu.

Luận án đã tổng kết được 10 yếu tố ngôn ngữ bên trong phổ biến trong tiếng Anh trong khi tiếng Việt chỉ sử dụng 3 yếu tố: Yếu tố ngôn ngữ giảm nhẹ, chỉ tố lịch sự và các câu có tiểu từ tình thái đứng cuối. Luận án cũng bước đầu tìm lời giải thích cho sự không tương thích giữa tiếng Anh và tiếng Việt do sự khác nhau về loại hình ngôn ngữ.

Luận án đã tổng kết được 6 yếu tố ngôn ngữ bên ngoài phổ biến cả trong tiếng Anh và tiếng Việt. Trong số các yếu tố này, hình thức hô gọi nói cách khác là sử dụng hệ thống đại từ nhân xưng, các danh từ thân tộc trong phạm vi gia đình và các từ gọi tên trong phạm vi xã hội rất đa dạng, phong phú của tiếng Việt. Hình thức này được coi là yếu tố quan trọng để nâng cao tính lịch sự trong giao tiếp.

12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn: luận án có giá trị ứng dụng thiết thực trong việc dạy và học, dịch thuật hay đối chiếu ngôn ngữ giữa tiếng Anh và tiếng Việt.

13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo: nghiên cứu các hành động ngôn từ khác hoặc nghiên cứu hành động ngôn từ yêu cầu với ngữ liệu là hành động yêu cầu trong hội thoại tình huống dưới ánh sáng lịch sự của Leech.

14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:

1. Nguyễn Vân Khánh (2018), “Lịch sự nhìn từ quan điểm của Leech”, Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ Quân sự (14), tr.3-11.

2. Nguyễn Vân Khánh (2018), “Hành động yêu cầu nhìn từ góc độ Lợi – Thiệt”, Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ Quân sự (15), tr.90-96

 Phương Thảo
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ