TIN TỨC & SỰ KIỆN
GS.NGND Nguyễn Đình Tứ - Nhân cách lớn của trí thức yêu nước
GS.NGND Nguyễn Đình Tứ sinh ngày 1/10/1932, trong một gia đình nhà giáo giàu truyền thống hiếu học, yêu nước tại làng Nguyên Xá, xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ nhỏ, GS.NGND Nguyễn Đình Tứ đã bộc lộ tư chất thông minh, cốt cách đặc biệt: Học giỏi, học vượt cấp, học vượt thời gian với một sự say mê tìm tòi, khám phá cao độ. Từ khi vào học ở trường làng, ở huyện, ở tỉnh cho đến khi học ở nước ngoài, ông luôn luôn đứng vị trí đầu bảng. Ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 17 tuổi, khi còn là học sinh phổ thông. Được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, GS. Nguyễn Đình Tứ đã từng bước trưởng thành và trở thành người cộng sản trung kiên, một nhà khoa học đầu ngành Vật lí hạt nhân, một nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, Nhà nước.
Nhà vật lí tài năng
Nguyễn Đình Tứ bước vào con đường nghiên cứu trong lĩnh vực vật lí hạt cơ bản từ tháng 8/1957 với vị trí cộng tác viên khoa học của Phòng Thí nghiệm Năng lượng cao thuộc Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân (JINR) ở thành phố Đúpna, nước Nga (Liên xô trước đây).
Tại đây, dưới sự lãnh đạo của Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô Vesler, người đề xuất nguyên lí và chỉ đạo xây dựng thành công ở Đúpna máy gia tốc Synchrophasotron tiên tiến nhất thời bấy giờ, nhà khoa học Nguyễn Đình Tứ đã cùng với các nhà khoa học khác đến từ các nước hội viên của JINR tiến hành nhiều nghiên cứu có giá trị về vật lí hạt cơ bản.
Ai cũng biết, từ đầu thế kỉ 20, con người đã biết nguyên tử (thành phần nhỏ nhất đặc trưng cho các nguyên tố hoá học) bao gồm hạt nhân nằm ở giữa và các electron quay xung quanh. Đến những năm 1930 lại biết thêm: hạt nhân cũng là một hệ phức tạp tạo bởi nhiều hạt bé hơn gọi là các hạt cơ bản.
Từ đấy, việc phát hiện các hạt cơ bản trở nên hấp dẫn và thu hút nhiều trí tuệ và tiến bộ công nghệ cao của thế giới. Các kết quả thu được làm cho bức tranh của thế giới vi mô thêm phong phú, khẳng định hoặc phủ định các mẫu lí thuyết, tạo tiền đề cho những phát hiện mới. Vì thế, giới khoa học đánh giá rất cao những công trình phát hiện thêm một hạt cơ bản. Và đã có một số giải thưởng Nobel vật lí trao cho những phát minh trong lĩnh vực này.
Bước vào con đường khoa học này, nhà khoa học trẻ Nguyễn Đinh Tứ với vốn liếng chủ yếu về kiến thức thuộc ngành Thuỷ lợi - Thuỷ điện (tốt nghiệp Trường Đại học Thuỷ lợi Vũ Hán, Trung Quốc), nhưng bằng con đường tự học, trong thời gian ngắn đã trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về chuyên môn và cả về tiếng Nga.
Trong hơn 10 năm với hai thời kỳ (8/1957 - 6/1963 và 6/1966 - 6/1971), ông nhanh chóng trưởng thành và nổi bật lên trong đồng nghiệp là nhà vật lí thực nghiệm am hiểu sâu vật lí lí thuyết và phương pháp tính toán, sử dụng thành thạo 4 ngôn ngữ Nga, Pháp, Hoa, Anh, đóng vai trò đề xuất, định hướng nghiên cứu và xử lí kết quả các thí nghiệm phức tạp và hiện đại.
Ông đã đóng góp xuất sắc trong những thành tựu nghiên cứu của tập thể khoa học quốc tế và trên 50 công trình khoa học đã công bố. Viện sĩ, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Năng lượng cao, GS Baldin đã đánh giá: "Ngay từ những năm 1958-1962 với sự tham gia tích cực của Nguyễn Đình Tứ, Viện Nghiên cứu Đubna đã thu được những kết quả vật lí rất quan trọng. Ngay lúc đó anh đã chứng tỏ khả năng xuất sắc... là một trong những nhà vật lí hàng đầu".
Đặc biệt ông là một trong những tác giả chủ chốt của công trình phát minh một hạt cơ bản mới, gọi là “phản hạt sigma âm”. Năm 1960, từ trung tâm Đubna phát ra thông báo: Đã phát hiện bằng thực nghiệm hiện tượng chưa biết trước đây về sự tạo thành “phản hạt của hạt sigma âm”. Phát hiện được phản hạt sigma âm là một sự kiện khoa học hấp dẫn vì nó khó khăn và hiếm hoi vô cùng do ở thế giới quanh ta số phản hạt rất hiếm và tồn tại rất ít so với số hạt. Mặc dù có thể ở một phản thế giới đâu đó trong vũ trụ bức tranh có thể ngược lại, tức số phản hạt nhiều hơn số hạt. Phát minh hạt mới này một lần nữa khẳng định luận thuyết về phản hạt đã được nhà lí thuyết lỗi lạc Dirac đề xuất năm 1928 và cùng với những phản hạt tìm thấy trước đó minh chứng thêm cho sự tồn tại của phản vật chất trong thế giới tự nhiên, trong vũ trụ bao la.
Nhà quản lí xuất sắc
Tháng 7/1971, GS. Nguyễn Đình Tứ về nước và được cử đảm nhận trách nhiệm Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông đã đặc biệt quan tâm phát triển cơ cấu ngành học, chương trình, giáo trình cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, xây dựng điều kiện cơ sở vật chất để phát triển nhà trường. Ông cũng là người chủ trì đề án trình Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp mở thêm một số ngành học mới, thành lập một số khoa mới đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế - xã hội.
Từ năm 1976 đến năm 1986, GS. Nguyễn Đình Tứ lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp – đây cũng là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc, Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trên cương vị của mình, GS. Nguyễn Đình Tứ và các cộng sự đã đưa ngành giáo dục đào tạo đi những bước táo bạo như: sắp xếp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp miền Nam theo mô hình nhà trường xã hội chủ nghĩa thống nhất trong cả nước; mở 3 trường dự bị đại học để tạo nguồn cán bộ có trình độ cao cho các đối tượng chính sách, dân tộc miền núi; thành lập tại các tỉnh trong cả nước 5 trường trung học chuyên nghiệp (nông nghiệp, công nghiệp, y tế, sư phạm, văn hoá) để đào tạo lực lượng lao động tại chỗ cho địa phương; hệ thống đào tạo tại chức - tiền thân của các trung tâm giáo dục thường xuyên ra đời.
Bằng việc triển khai hàng loạt các chủ trương lớn, ngành đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp Việt Nam đã có một diện mạo mới như tiến hành đào tạo sau đại học, phong học hàm giáo sư, phó giáo sư ở trong nước; áp dụng công nghệ thông tin và công cụ hiện đại để tổ chức tuyển sinh; cử chuyên gia Việt Nam ra nước ngoài làm việc; chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống... Ngoài ra, ông cũng rất chú trọng đến chất lượng đào tạo với việc phát động các phong trào dạy tốt - học tốt; cải tiến chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy; thi đua xây dựng mô hình trường tiên tiến...
Cùng với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, GS. Nguyễn Đình Tứ còn là một nhà chính trị có uy tín, một cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước. Gần 40 năm công tác (từ 1957-1996), GS. Nguyễn Đình Tứ đã được Đảng, Nhà nước giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Trưởng Đoàn cán bộ khoa học Việt Nam công tác tại Viện nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên Xô; Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia; Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp; Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Kỹ thuật của Quốc hội; Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII.... Trên tất cả các cương vị lãnh đạo, GS. Nguyễn Đình Tứ đã tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục-đào tạo, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà.
 PV (tổng hợp) - Bản tin số 260 - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ