TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Sách và học liệu 00:00:00 Ngày 08/06/2018 GMT+7
Giáo trình: Địa Tin học ứng dụng
Ngày nay, nhu cầu về bảo vệ phát triển tài nguyên thiên nhiên và quản lý diễn biến môi trường ngày càng trở nên cấp thiết không chỉ trên phạm vi một quốc gia mà đã trở thành vấn đề trên mỗi châu lục và ở phạm vi toàn cầu. Những tiến bộ lớn lao của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ và tin học đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự ra đời của một phương pháp nghiên cứu hiện đại - đó là Địa tin học (Geoinformatics) hay công nghệ 3S, bao gồm 3 lĩnh vực: Viễn thám (Remote sensing), Hệ thông tin Địa lý (Geographic Information System), Hệ thống định vị toàn cầu (Global Position System - GPS) (hay Hệ thống dẫn đường vệ tinh toàn cầu - Global Navigation Satellite System - GNSS). Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu ấn phẩm do tác giả PGS.TS Nguyễn Ngọc Thạch sáng tác, NXB ĐHQGHN phát hành, ấn phẩm thuộcTủ sách Khoa học.

 Bằng những ưu thế của mình, Địa tin học đã nhanh chóng phổ cập trên toàn thế giới, trở thành công cụ đắc lực, hết sức hiệu quả và không thể thay thế được trong điều tra quản lý tài nguyên thiên nhiên môi trường mà những nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu truyền thống không thể đáp ứng được.

Những ưu thế của công nghệ Địa tin học được thể hiện ở những tính chất cơ bản sau:

   Tính chất cập nhật thông tin của một vùng hay toàn lãnh thổ trong cùng một thời gian.

   Tính chất đa thời kỳ của cùng một loại tư liệu.

   Tính chất phong phú của thông tin đa phổ, siêu phổ với các dải phổ ngày càng được mở rộng.

   Tính chất đa dạng của nhiều tầng thông tin, nhiều dạng thông tin khác nhau như dạng hình ảnh, dạng tín hiệu phi hình ảnh.

   Tính chất đa dạng của hai dạng tư liệu cơ bản là dạng analoge và dạng số.

   Sự phát triển của các kỹ thuật và phương tiện xử lý thông tin viễn thám (kể cả cho xử lý bằng mắt và xử lý số ảnh số) với sự kết hợp của nhiều công nghệ: cơ học, quang học, điện tử, tin học...

   Sự phát triển của công nghệ trong việc cải tiến và nâng cao chất lượng, tính năng và tạo sản phẩm của từng công đoạn xử lý thông tin.

   Sự kết hợp của xử lý thông tin viễn thám với xử lý hệ thống thông tin địa lý (GIS), định vị vệ tinh (GPS hay GNSS), mạng Internet… cho phép xử lý thông tin một cách hết sức đa dạng, phong phú, chính xác và cập nhật theo thời gian thực.

Những tiến bộ và sự phát triển của khoa học Trái đất cho phép mở ra những hướng áp dụng mới của viễn thám và ngày càng thể hiện tính hiệu quả khi vận dụng trong thực tiễn của nhiều lĩnh vực khác nhau của địa lý như: nghiên cứu, đánh giá các loại tài nguyên, nghiên cứu môi trường và biến động môi trường, nghiên cứu các hệ sinh thái, tổ chức lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Ngoài ra, Địa tin học còn là cơ sở quan trọng để hỗ trợ, giúp đưa ra những quyết định một cách nhanh chóng và đây là hướng đang được GIS tập trung phát triển dưới dạng các mô hình dự báo và ra quyết định (Decision Support System - DSS).

Ưu thế của phương pháp viễn thám (RS) là khai thác được nhiều thông tin mới từ nguồn tư liệu viễn thám đa dạng, phong phú bằng nhiều phương pháp xử lý khác nhau. Đó là tư liệu đa độ phân giải, đa phổ và đa thời gian mà nguồn tư liệu thu được bằng những phương pháp khác không thể có được.

Ưu thế của Hệ thông tin Địa lý (GIS) là có thể xử lý nhiều dạng thông tin với nhiều phương thức khác nhau, từ đó đưa ra nhiều lớp thông tin mới.

Ưu thế của Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và Hệ thống dẫn đường vệ tinh toàn cầu  (GNSS) - tên dùng chung cho các hệ thống định vị toàn cầu sử dụng vệ tinh như GPS (Hoa Kỳ), Hệ thống định vị Galileo (Liên minh châu Âu), GLONASS (Liên bang Nga)và Hệ thống định vị Bắc Đẩu (Trung Quốc) có khả năng định vị các vị trí và dẫn đường chính xác cho các vật thể chuyển động trên Trái đất.

Khi kết hợp cả viễn thám, GIS và GPS (hay GNSS) có thể tạo nên cơ sở dữ liệu hết sức phong phú, chính xác, đồng thời có thể xử lý các lớp thông tin tích hợp theo nhiều mô hình lý thuyết, đưa ra kết quả với nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng mọi nhu cầu của các vấn đề cần giải quyết.

Tại Việt Nam công nghệ Địa tin học cũng được nghiên cứu từ nhiều năm nay và đã được ứng dụng trong khá nhiều ngành như quy hoạch nông lâm nghiệp, quản lý rừng, quản lý tư liệu địa chất, đo đạc bản đồ, địa chính, quản lý đô thị, quản lý môi trường biển... Tuy nhiên các ứng dụng còn rất hạn chế. Các ứng dụng Địa tin học thuộc lĩnh vực quản lý, điều hành, trợ giúp quyết định hầu như mới dừng ở mức thử nghiệm, còn cần thời gian và đầu tư mới có thể đưa vào ứng dụng chính thức.

Để triển khai ứng dụng Địa tin học một cách có hiệu quả, yêu cầu đầu tiên đối với người sử dụng là phải nắm vững các kiến thức cơ bản về viễn thám, Hệ thông tin Địa lý - GIS và Hệ thống định vị toàn cầu (nay phát triển thành Hệ thống dẫn đường vệ tinh toàn cầu - GNSS). Các kiến thức này đã được giới thiệu trong quyển giáo trình “Địa thông tin - những nguyên lý cơ bản của viễn thám, Hệ thông tin Địa lý và Hệ thống định vị toàn cầu” và được giảng dạy trong từng môn học riêng biệt của chương trình đào tạo chính quy tại khoa Địa lý. Ngoài ra, để ứng dụng có hiệu quả, người sử dụng cần có đầy đủ kiến thức cơ bản về các khoa học Trái đất như: địa chất đại cương, địa lý tự nhiên, sinh thái, thổ nhưỡng, quản lý đất đai… 

Với mục tiêu trao đổi và phổ biến kiến thức, cuốn sách có thể được sử dụng làm tài liệu giảng dạy cho môn học: “Viễn thám - GIS ứng dụng”  hoặc cho môn “Viễn thám -GIS nâng cao’’ trong chương trình cao học của khoa Địa lý - Đại học khoa học tự nhiên”, đồng thời có thể phục vụ cho công tác giảng dạy trong lĩnh vực các khoa học về Trái đất, tài nguyên môi trường. Ngoài ra, cuốn sách này có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu trong những lĩnh vực có liên quan tới quản lý tài nguyên môi trường.

Với 13 chương, cuốn sách được biên soạn trên cơ sở tổng hợp các công trình nghiên cứu đã công bố, có cập nhật nhiều kiến thức mới. Nội dung của từng chương có tham khảo những kết quả của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thuộc 13 lĩnh vực khác nhau, do nhiều nhà khoa học thuộc nhiều cơ quan khác nhau thực hiện như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Địa lý, Viện Tài nguyên môi trường biển, Viện Địa chất Địa vật lý biển - Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khí tượng thủy văn, Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Trung ương - Bộ Y tế, Cục Đo đạc bản đồ Quân đội - Bộ Quốc phòng, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội… Tác giả xin phép được sử dụng các tài liệu đó trong quá trình biên soạn cuốn sách này.

Những nội dung đề cập tới là khá rộng nên chắc chắn cuốn sách sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết. Tác giả rất mong nhận được sự đóng góp bổ sung của các chuyên gia, các đồng nghiệp để cuốn sách có thể hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau.

Liên hệ mua sách: Phòng Thông tin và Quản trị Thương hiệu - ĐHQGHN

Emai: media@vnu.edu.vn

Hotline: 0936 283 308

Giá bán: 379.000 VNĐ

                                                                                        

                                                                            

 

 VNU Media - NXB ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ