Tin tức  Tin tức chung 15:24:32 Ngày 10/12/2024 GMT+7
Tư duy tiếp cận đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam
Ngày 31/10/2024, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam”.

 

Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường dự và phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường và PGS. TS. Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN.

Hội thảo nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, đồng thời tập trung thảo luận về các yêu cầu mới đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo cũng hướng đến việc đóng góp vào xây dựng các chính sách mới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh mẽ, bao gồm các yếu tố như địa chính trị, công nghệ và môi trường.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, ngày 15/01/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm nguồn nhân lực, vật lực và tài lực, trong đó có nguồn lực FDI. Đồng thời, cũng trong năm 2019 vào ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị quyết số 50-NQ/TW, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã liên tục tăng, tạo ra nhiều giá trị tích cực cho nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù năm 2023 là một năm đầy thách thức nhưng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD (tăng 32,1% so với năm 2022, trong khi vốn FDI toàn cầu chỉ tăng 3%); vốn giải ngân đạt trên 23 tỷ USD (chiểm 16,1% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội). Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư , năm 2023 khu vực FDI nộp ngân sách nhà nước 18,3 tỉ USD (chiếm khoảng 25,4% tổng thu ngân sách) và xuất khẩu khoảng 259,1 tỉ USD (tương đương 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước), bình quân mỗi năm thu hút thêm hơn 360.000 lao động.

Bước sang năm 2024, xu hướng tích cực của vốn FDI tiếp tục được ghi nhận. Số liệu 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy, tổng vốn FDI đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023; vốn giải ngân khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. “Dự kiến Việt Nam có thể kỳ vọng thu hút vốn FDI khoảng 39-40 tỷ USD cho cả năm 2024. Dòng vốn FDI vào nước ta cao kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bền ngoài cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư và đối tác thương mại”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn thông tin thêm.

 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường cho biết, với vai trò là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam và được xếp trong nhóm 401-600 đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của Times Higher Education, ĐHQGHN luôn coi trọng sứ mệnh thực hiện trách nhiệm quốc gia, phục vụ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua những đóng góp trong việc đào tạo nhân lực, nhân tài; thực hiện các nghiên cứu, tư vấn chiến lược, chính sách quan trọng về phát triển và hội nhập của Việt Nam trong bối cảnh mới mang tính thời đại. ĐHQGHN khẳng định cam kết đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước, đặc biệt trong việc thu hút và tối ưu hóa hiệu quả vốn FDI qua các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tri thức.

Trong đó, Trường ĐH Kinh tế đóng vai trò là đơn vị nòng cốt thuộc ĐHQGHN trong việc xây dựng các định hướng nghiên cứu, triển khai các tư vấn chính sách quan trọng những lĩnh vực nghiên cứu về kinh doanh, kinh tế và hội nhập quốc tế. Năm 2023, theo Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới của Times Higher Education, lĩnh vực Kinh doanh và Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế, thuộc ĐHQGHN được xếp vào nhóm 501-600 thế giới. Theo xếp hạng tại QS WUR by subject 2024, lĩnh vực Kinh tế và Kinh tế lượng (Economics & Econometrics) đã vào top 451-500.

Phó Giám đốc Đào Thanh Trường tin rằng Hội thảo “Tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam” là một diễn đàn khoa học, một sự kiện học thuật tiêu biểu và vô cùng ý nghĩa, khẳng định những đóng góp của Trường ĐH Kinh tế nói riêng và của ĐHQGHN nói chung trong việc triển khai một hướng nghiên cứu mới, mang tính thời sự nhằm tìm kiếm những tiếp cận mới, giải pháp mới trong việc phát triển khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam hòa nhập chung vào dòng chảy của nền kinh tế khu vực và thế giới.

Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Trúc Lê đã trình bày một số gợi mở của Trường ĐH Kinh tế để các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách có thể trao đổi sâu hơn tại hội thảo gồm: Niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động; Khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao và đổi mới sáng tạo; Phát triển năng lượng tái tạo và kinh tế xanh; Tăng cường chuyển giao công nghệ và liên kết doanh nghiệp FDI và trong nước; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Giảm thiểu tình trạng chuyển giá và tăng cường giám sát; Phát triển các khu vực kém phát triển và cân bằng vùng miền…

Tại Hội thảo, cũng đánh giá cao về dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đánh giá: Kết quả thu hút FDI 9 tháng cho thấy, năm 2024 có thể là một năm thành công của dòng vốn FDI đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, bên cạnh mục tiêu thu hút khoảng 39 - 40 tỷ USD vốn FDI, năm 2024 Việt Nam có thể đạt mức giải ngân vốn FDI kỷ lục với 25 tỷ USD, đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW về vốn FDI giải ngân khoảng 25 tỷ USD.

Thừa nhận những đóng góp tích cực của khu vực FDI đối với nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, tuy nhiên nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian qua cũng bộc lộ những tồn tại nhất định. Theo đó, một trong những tồn tại được các chuyên gia đề cập tại hội thảo đó là tình trạng chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI thời gian qua vẫn là vấn đề “nhức nhối”. Bên cạnh đó, mức độ lan tỏa của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế trong nước còn hạn chế, một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và các chính sách ưu đãi đầu tư.

Liên quan đến nội dung này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Dòng vốn FDI vào Việt Nam bên cạnh nhiều dự án tốt, thực sự mang lại sức sống mới cho nền kinh tế thì cũng có những dự án của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà doanh nghiệp trong nước có thể làm được. Theo đó, để nâng cao dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Đã đến lúc Việt Nam được quyền lựa chọn, được quyền nói không với những dự án FDI không mong muốn, không đạt được tiêu chí mà Việt Nam đưa ra. Việt Nam cũng cần có các tiêu chí về môi trường và yêu cầu các doanh nghiệp FDI phải đáp ứng khi đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, về dài hạn, theo PSG, TS Nguyễn Mại, để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, có cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tham gia vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng kết nối với khu vực doanh nghiệp trong nước và tăng sự đóng góp vào nền kinh tế.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam cần xây dựng có lộ trình, có chương trình cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bởi để nâng cao được dòng vốn FDI, Việt Nam cần tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên muốn thu hút được dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ thì cần phải có đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp FDI.

SDG16: HÒA BÌNH, CÔNG LÝ VÀ CÁC THỂ CHẾ VỮNG MẠNH (PEACE, JUSTICE AND STRONG INSTITUTIONS)

Mục tiêu phát triển bền vững số 16 được lập ra nhằm thúc đẩy các xã hội hòa bình và hòa nhập để phát triển bền vững, cung cấp quyền tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và bao trùm ở tất cả các cấp.

 

 Vũ Sinh - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 393) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC