BÙI THU GIANG, CÔ NỮ SINH ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Ngay sau lễ trao giải được tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 8/1/2005, tôi tìm gặp Thu Giang và hẹn gặp em. Nhưng quả thực, gặp được Thu Giang quả là khó, bởi Thu Giang khá bận rộn. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thu Giang được giữ lại làm giảng viên Khoa NN&VH Pháp, trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, vừa học tiếp sau đại học, vừa tham gia công tác giảng dạy của Khoa nên “công việc ngập đầu” (lời Thu Giang).
Với đề tài “Bài tập luyện nghe hiểu với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin” chuyên ngành Giáo học pháp, Thu Giang đã đoạt giải nhất trong phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2003-2004 do Bộ Giáo dục & Đào tạo phát động. Đề tài nhằm góp phần vận dụng những khả năng hỗ trợ của công nghệ để nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ ở trường ĐHNN- ĐHQGHN.
Đây là một đề tài có tính thực tiễn cao đối với cả người dạy và người học. Về phía giáo viên, chỉ cần biết các kiến thức về soạn thảo văn bản thông thường, giáo viên ngoại ngữ đã có thể tự mình tạo ra được một phần mềm giúp sinh viên có được những điều kiện thuận lợi nhất trong học tập, cụ thể ở đây là biên soạn một hệ thống bài tập luyện kỹ năng nghe hiểu. Về phía sinh viên, với những phương tiện như máy tính, phòng tự học của trường ĐHNN có 15 máy tính multimedia... sinh viên hoàn toàn có thể tự học, tự sử dụng hệ thống bài tập luyện nghe một cách hiệu quả.
Với sự hướng dẫn tận tình của TS. Nguyễn Vân Dung, Thu Giang đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học này trong 4 tháng. Khi tôi hỏi: “Điều gì ở đề tài khiến em tâm đắc nhất?”, Giang tâm sự: “Điều khiến em tâm đắc nhất trong quá trình thực hiện đề tài này chính là tính hiệu quả của việc sử dụng công nghệ trong việc nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ. Là một giáo viên tương lai, em rất vui vì được góp một phần công sức, dù là rất nhỏ, vào công tác giảng dạy ngoại ngữ. Đối tượng mà đề tài nghiên cứu khoa học này hướng tới là việc phát triển kỹ năng nghe hiểu của sinh viên năm thứ nhất trường ĐHNN - ĐHQGHN. Nếu có sự quan tâm động viên về tinh thần cũng như về vật chất của các thầy cô giáo, của trường cũng như của Bộ Giáo dục & Đào tạo, em rất mong muốn được phát triển đề tài này lên một mức cao hơn nhằm tận dụng được những thế mạnh của công nghệ thông tin không chỉ trong việc phát triển kỹ năng nghe hiểu mà cả trong dạy - học ngoại ngữ nói chung”.
Có lẽ do ảnh hưởng rất lớn của ba nên dù là con gái nhưng Thu Giang lại rất thích công nghệ thông tin. Hiện nay, ba của Thu Giang đang công tác tại Trung tâm Multimedia trường ĐHNN. Những lúc rảnh rỗi Thu Giang thường cùng ba nghiên cứu các phần mềm ứng dụng trong dạy - học ngoại ngữ trong và ngoài nước. Sau đó hai ba con ngồi phân tích rút ra những ưu việt cần phải học tập cũng như những điểm yếu cần khắc phục. Những lúc trao đổi đó chính là những lúc Thu Giang học được rất nhiều từ ba và có lẽ đây là bí quyết lớn nhất giúp Thu Giang có được thành tích như ngày hôm nay.
Đây không phải là đề tài nghiên cứu khoa học duy nhất mà Thu Giang thực hiện. Trong suốt quá trình học tập, năm học nào Thu Giang cũng cố gắng hoàn thành 1 hoặc 2 công trình NCKH. Bằng niềm say mê học tập, được sự hướng dẫn, động viên kịp thời từ phía thầy cô, gia đình, bạn bè Thu Giang đã đạt được nhiều thành tích trong học tập khi còn là cô sinh viên Khoa NN&VH Pháp. Ba năm học liền (2000-2001, 2001-2002, 2002-2003) được Hiệu trưởng trường ĐHNN tặng giấy khen do ôạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường, được Hiệu trưởng Nhà trường trao tặng danh hiệu Sinh viên ưu tú và được Giám đốc ĐHQGHN trao tặng danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN; tốt nghiệp loại Giỏi, Thu Giang đã nhận được Giấy khen của Hiệu trưởng trường ĐHNN và được giữ lại công tác tại Khoa NN&VH Pháp.
Giang tâm sự: “Giây phút đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo có lẽ là giây phút mà em sẽ nhớ mãi. Em rất vui, rất tự hào và để có được như ngày hôm nay em phải cảm ơn ba mẹ, cảm ơn TS. Nguyễn Vân Dung, cảm ơn các thầy cô giáo trường ĐHNN - ĐHQGHN đã luôn động viên, giúp đỡ em…”.
Khi nói về phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học hiện nay Thu Giang cho rằng: “Bên cạnh rất nhiều những thuận lợi như thầy cô nhiệt tình hướng dẫn, có sự hỗ trợ kinh phí từ phía nhà trường... thì sinh viên nói chung và bản thân em nói riêng gặp một khó khăn lớn nhất: tài liệu tham khảo chưa phong phú. Hiện nay, thư viện nhà trường tuy đã được đầu tư đáng kể nhưng em nghĩ nên chăng còn cần được trang bị thêm để nguồn tài liệu thêm phong phú hơn”.
Nếu muốn làm quen với Thu Giang, bạn có thể đến địa chỉ:
Bùi Thu Giang
15 ngách 175 ngõ Thịnh Quang - Hà Nội
E-mail: tpthugiang@yahoo.fr
BÙI THANH TÙNG & CHU PHƯƠNG DUNG VỚI CÔNG TRÌNH NCKH XÂY DỰNG HỆ ĐO HUYẾT ÁP, NHỊP TIM VÀ NHIỆT ĐỘ BỆNH NHÂN TỪ XA
Đề tài “Ứng dụng cảm biến MEMS xây dựng hệ đo huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ bệnh nhân từ xa” chuyên ngành Điện tử - Viễn thông đã mang đến cho Bùi Thanh Tùng & Chu Thị Phương Dung một bất ngờ, giải nhất phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục & Đào tạo trao tặng.
Thanh Tùng và Phương Dung đã thực hiện đề tài này khi đang học năm thứ tư đại học, dưới sự hướng dẫn của GS. TSKH Nguyễn Phú Thùy và ThS. Chử Đức Trình và đã thu được một số kết quả khả quan. Đề tài trình bày các kết quả xây dựng một hệ thống đo từ xa, có thể thu thập đồng thời các thông số huyết áp, nhiệt độ, nhịp tim của bệnh nhân mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp trong thời gian định trước. Hệ đo này có thể thu thập dữ liệu cùng một lúc thông qua mạng truyền không dây cho nhiều bệnh nhân đang ở giai đoạn hậu phẫu hay đang điều trị các bệnh lây nhiễm nguy hiểm… Hệ đo đã được thử nghiệm sơ bộ tại khoa 1C Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), được các bác sĩ của bệnh viện hoan nghênh và hết lòng giúp đỡ.
ý tưởng của đề tài này xuất phát từ một chuyến đi “thực tế” của GS. TSKH Nguyễn Phú Thuỳ sau một thời gian phải điều trị tại Khoa 1C, Bệnh viện Việt - Đức, Giáo sư đã nhận thấy nhu cầu cần thiết của việc xây dựng một hệ đo giúp các bác sĩ có thể kiểm tra từ xa các thông số cùng một lúc của nhiều bệnh nhân sau khi mổ (đang ở giai đoạn hậu phẫu). Khi về nhà Giáo sư đã đề xuất ý kiến với các thành viên của nhóm. Lúc đó cả Tùng và Dung đang tìm đề tài để tham gia phong trào nghiên cứu khoa học ở trường. Nhận thấy đây là một đề tài khoa học rất hấp dẫn, hai bạn đã quyết tâm thực hiện. Công trình khoa học của hai bạn sau này đã được triển khai thành hai đề tài nhánh để bảo vệ khoá luận tốt nghiệp đại học: một nhánh đo nhiệt độ bệnh nhân, còn một nhánh đo huyết áp, nhịp tim.
Rất xúc động khi được trao tặng giải nhất đề tài nghiên cứu khoa học này, Phương Dung bộc bạch: “Khi được trao giải thưởng này, em cảm thấy rất vui mừng và vinh dự. Niềm vui ấy càng nhân lên khi đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên (9/1/1950 - 9/1/2005). Đây là niềm vui không chỉ đối với cá nhân em mà còn là niềm vui của toàn thể sinh viên trường Đại học Công nghệ nói riêng và ĐHQGHN nói chung...”.
Phương Dung được sinh ra và lớn lên tại thành phố Hải Dương, hồi nhỏ đã tham gia vào nhiều cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi toàn quốc và quốc tế và đã đạt được một số giải thưởng (2 huy chương đồng quốc tế, 3 giải nhất toàn quốc và nhiều giải khuyến khích khác). Do yêu thích ngành Điện tử Viễn thông nên Dung đã quyết tâm theo học ngành học này và đến bây giờ, Dung đã thực hiện được một phần ước mơ của mình: “được học tập tại Khoa Công nghệ (nay là Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN) và khi ra trường em muốn làm việc tại đây để có thể học hỏi và trau dồi thêm kiến thức của mình”. Hiện nay Dung đang theo học cao học tại trường và làm việc tại Khoa Điện tử - Viễn thông, trường Đại học Công nghệ.
Còn Tùng, chàng trai Hà Nội chọn học Khoa Điện tử Viễn thông cũng hết sức ngẫu nhiên, “Hồi cấp 3 em cũng ngây thơ lắm. Chả biết gì cả. Chơi thân với một bạn, rồi hai đứa rủ nhau thi vào Khoa. Thế là học!”. Đây không phải là lần đầu tiên Tùng tham gia nghiên cứu khoa học vì Tùng thấy “Nghiên cứu khoa học là một hoạt động vô cùng bổ ích, đặc biệt là đối với sinh viên. Qua hoạt động này, sinh viên sẽ trưởng thành lên rất nhiều về mọi mặt...”.
Khi tôi hỏi Tùng về công việc hiện nay và dự định cho tương lai Tùng cười và nói: “Sau khi tốt nghiệp em thấy hướng phát triển của bộ môn Vi cơ điện tử và Vi hệ thống (bộ môn do GS.TSKH. Nguyễn Phú Thuỳ làm Chủ nhiệm) hay quá, mặt khác bộ môn cũng “mở rộng cửa” cho em, đồng thời cũng muốn được hoàn thiện nốt công trình thế là em thi vào. Hiện nay em đang là giảng viên thực hành của Khoa Điện tử Viễn thông, sinh hoạt chuyên môn tại bộ môn Vi cơ điện tử và Vi hệ thống. Còn dự định cho tương lai ư?... Tương lai gần là phải sớm hoàn thành hệ đo huyết áp nhịp tim và nhiệt độ, còn xa hơn thì... bí mật!”.
Nếu muốn, bạn có thể liên hệ với Thanh Tùng và Phương Dung qua địa chỉ này nhé:
Chu Thị Phương Dung
106 Lê Hồng Phong, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương
Email: dungmems307@yahoo.com
Bùi Thanh Tùng
52 Nguyễn Văn Tố, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Email: tungbt1981@yahoo.com
*
Tạm biệt ba em Thu Giang, Thanh Tùng, Phương Dung tôi thầm mong rằng các em, những sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ phát huy tích cực khả năng của mình trong môi trường công tác mới, biến mơ ước của mình thành hiện thực và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng ĐHQGHN nói riêng cũng như cho sự nghiệp xây dựng nước nhà nói chung. |