Khi xưa, ngoại ngữ chỉ bó hẹp là tiếng Nga, rồi khi đất nước chuyển mình phát triển, tiếng Anh thay thế vị trí của nó. Suốt một thời gian dài ở cấp 2, cấp 3, sau này lên đại học, tiếng Anh đã trở thành ngoại ngữ chính được giảng dạy. Có lẽ vì vậy, học tiếng Anh đối với giới trẻ đôi khi cũng chán lắm thay! Bây giờ, đi kèm với tiếng Anh thông dụng là tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Tây Ban Nha… Vẫn biết tiếng Anh là công cụ, phương tiện chính giúp đỡ cho công việc sau này nhưng sinh giờ năng động, họ cũng cần thay đổi, cần thêm những cái mới.
Lượn quanh một số diễn đàn của “dân du học” thì thấy sinh viên cả Ta lẫn Tây, ở trong nước lẫn ngoài nước, trao đổi về các chủ đề học ngoại ngữ không có gì mới mẻ. Nhưng có thể thấy số sinh viên biết nhiều ngoại ngữ đang ngày một đông và họ đang đi đầu cho xu thế mới của thời đại “chỉ song ngữ thôi vẫn chưa đủ”. Hay như trên TTVNOL, một mạng diễn đàn khá rộng, các box về tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật Bản, tiếng Đức… luôn có các chủ đề “hot” nhất cho mọi người cùng tham khảo. Thông qua “net”, sinh viên sẽ tự tìm cho mình cơ hội riêng để có phương pháp học ngoại ngữ sao cho phù hợp, sao cho tốt nhất.
“Học vì tương lai, học để hội nhập”, nó như một slogan cho bất kỳ người học ngoại ngữ nào. Thực ra, sinh viên học ngoại ngữ không phải để khoe khoang tầm hiểu biết của mình trước bạn bè mà sâu xa bên trong, chính họ đang chuẩn bị những bước đệm vững chắc để vào đời. Thư (năm thứ nhất HVQHQT) tâm sự: “Mình học ngoại ngữ là tiếng Pháp ngay từ nhỏ, thi đại học cũng bằng tiếng Pháp, nhưng tiếng Anh của mình cũng đạt được bằng B rồi, mình thấy biết nhiều ngoại ngữ rất tốt cho công việc của mình sau này và nó khiến mình thêm tự tin mỗi khi nói chuyện với một người ngoại quốc nào đó…”.
Hàng ngày lên giảng đường, buổi chiều xong, tối tối Thư vẫn gò mình học thêm một ngoại ngữ nữa là tiếng Tây Ban Nha. Cô cũng cho biết thêm, các anh chị khoá trước khi ra trường cùng tấm bằng cử nhân và một chứng chỉ ngoại ngữ khác là một ví dụ minh hoạ rõ nhất. Họ cũng xin được việc làm, nhưng rất khó khăn, và chỉ mang lại thu nhập “tầm tầm” cho cuộc sống thôi. Vì lẽ đó, mình phải có khả năng vượt trội hơn, biết thêm ngoại ngữ không có gì không tốt, trái lại, với khả năng “tam ngữ” thì chắc chắn không bị thất nghiệp khi ra trường.
Hầu như các trường đại học chỉ dạy ngoại ngữ tiếng Anh là chủ yếu cho sinh viên. Với những sinh viên muốn có tương lai tốt, họ luôn tự tìm cho mình một hướng đi mới, “phải biết ít nhất 2 ngoại ngữ”. Một số trường đại học tuy không phải chuyên về ngoại ngữ nhưng họ đã tiến hành dạy bổ trợ song ngữ bắt buộc đối với giờ ngoại ngữ. Đơn cử như ĐHDL Thăng Long, trong thời gian học ở trường, sinh viên bắt buộc phải học hai ngoại ngữ, hoặc Anh - Pháp, Anh - Nhật, Pháp - Nhật, mới đây nghe đâu họ còn học thêm cả tiếng Italia. Còn ĐHKHXH&NV cũng có những giờ ngoại ngữ tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc… cùng với tiếng Anh cho sinh viên. Đó là giải pháp hữu ích cho chính họ sau này.
Xu thế mới luôn được những người trẻ đón đầu, chắc hẳn họ sẽ không bỏ qua câu nói rất hay “Nếu song ngữ là bạc thì tam ngữ là vàng” (The Seoul Times).
* Trần Bảo Linh - cựu SV Universidad de Mantanzas “Camilo Cienfuegos” (CuBa):
Theo tôi, việc biết nhiều ngoại ngữ rất tốt. Biết hai hay ba ngoại ngữ trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên không còn lạ nữa. Tôi đã học tại Cu Ba 7 năm, có thể nói viết và nghe thành thạo tiếng Tây Ban Nha, thêm nữa là tiếng Bồ Đào Nha. Còn tiếng Anh tôi cũng có khả năng nghe nói tốt. Vì vậy, tôi cho rằng không khó để có thể học được nhiều ngoại ngữ, cái chính là sự nhận thức đúng đắn của mỗi cá nhân khi học ngoại ngữ mà thôi. Phải tự đặt câu hỏi cho mình, học ngoại ngữ nhiều sẽ có ích như thế nào? Khi đó, nó là động lực tốt để giỏi ngoại ngữ. Tôi nhận thấy, tiếng Anh đã quá thông dụng ở Việt Nam do trong quá trình đào tạo chúng ta dạy chủ yếu là ngoại ngữ này. Sẽ rất khó cho ai đó khi tốt nghiệp đại học mà không có khả năng ngoại ngữ. Là một người đã từng học ở nước ngoài (Cu Ba), tôi có một nhận xét, sinh viên ta khả năng thu nhận kiến thức ngữ pháp, đọc viết ngoại ngữ rất khá, chỉ có cái là thiếu tự tin và nhút nhát trong giao tiếp. Trái lại, sinh viên Cu Ba hầu hết họ đều biết 2 ngoại ngữ nhưng họ rất bạo dạn trong giao tiếp. Điều đó vô cùng cần thiết cho những ai học ngoại ngữ.”
* Phạm Huỳnh Cương - T14A ĐHDL Thăng Long:
Người ta cứ nói dân khối A bọn tôi là khó tiếp thu được ngoại ngữ. Tôi thấy điều đó không đúng. Tôi là dân khối A nhưng khả năng học ngoại ngữ cũng đâu đến nỗi tệ, tôi có thể nghe nói, đọc viết thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, giờ tôi còn dành ra 3 buổi tối trong tuần để học tiếng Trung Quốc. Học ngoại ngữ là rất tốt, biết nhiều ngoại ngữ vô cùng thuận lợi cho công việc cũng như cho cuộc sống sau này. Khi đất nước đã mở cửa hội nhập quốc tế thì việc biết nhiều ngoại ngữ không còn là chuyện hiếm nữa, nó sẽ trở nên thông dụng đối với xã hội thôi.
*Bạch Thu Trang - Lớp Nhật, Khoa Ngôn ngữ Văn hoá phương Đông, ĐHNN, ĐHQGHN: Tôi vừa du học Nhật Bản một năm về. ở bên đó tôi thấy giới trẻ Nhật Bản rất năng động trong việc học ngoại ngữ. Đối với họ, tiếng Anh bây giờ quá thông dụng rồi và hầu như sinh viên nào cũng tự học thêm cho mình một hoặc hai ngoại ngữ khác. Theo tôi, sinh viên ta cũng không nằm ngoài xu hướng mới, đó là ngày càng biết nhiều ngoại ngữ. Điều đó vô cùng thuận lợi và càng khiến cho bạn bè quốc tế vị nể ta hơn. Tôi rất tâm đắc với một câu của bạn sinh viên đã sống cùng tôi bên Nhật nói, “Kiến thức là cơm còn ngoại ngữ là bát, là thìa”.
*Phạm Quỳnh Trang - K49 Báo chí, ĐHKHXH&NV: Tôi không ngạc nhiên lắm về xu hướng biết nhiều ngoại ngữ bây giờ của giới trẻ Việt Nam. Bởi lẽ tôi biết rằng điều đó sớm muộn gì cũng đến. Quê tôi ở Thái Bình không có nhiều điều kiện học ngoại ngữ như các bạn trên này, nhưng ngay từ nhỏ bố mẹ đã hướng tôi phải học giỏi ngoại ngữ do tầm quan trọng của nó. Tôi biết tiếng Pháp, hiện giờ đang học thêm tiếng Anh. Nó rất cần thiết cho công việc của tôi sau này, tôi học Báo chí không thể đi xin việc với tấm bằng cử nhân không mà cần phải có thêm ngoại ngữ làm phương tiện.
Tôi thấy nhiều người cho rằng một ai đó biết nhiều ngoại ngữ là để khoe mẽ, nhưng không phải. Bởi lẽ người biết nhiều ngoại ngữ là người thật sự giỏi về các kỹ năng của ngoại ngữ đó, và sinh viên ta hầu hết đang tiếp cận với tri thức mới thì biết nhiều hơn 2 ngoại ngữ không có gì đáng chê mà cần phải khen ngợi. Chỉ có ai đó nói được vài câu học lỏm mà đã khoe khoang thì mới đáng cười.
*Nguyễn Anh Thư - Lớp E32 Học viện Quan hệ Quốc tế: Biết ngoại ngữ là một điều rất cần thiết. Biết càng nhiều ngoại ngữ càng tốt. Đó là một công cụ hữu hiệu cho công việc tương lai của mỗi người. Khi biết ngoại ngữ, bạn có thể dịch tài liệu nước ngoài, học thêm ngoại ngữ là biết thêm một nền văn hoá mới nó cũng giúp cho mình trở nên văn minh hơn. Những ai quan tâm đến việc học nhiều ngoại ngữ là người rất khôn ngoan và có tầm nhìn xa.
Lấy một ví dụ cụ thể đó là trong Học viện Quan hệ Quốc tế, một đơn vị chuyên về ngoại ngữ, môi trường học ngoại ngữ rất tốt, thêm nữa sinh viên rất tự giác trong việc học và thực hành ngoại ngữ, vì lẽ đó mà sinh viên cạnh tranh lành mạnh trong việc học thêm một số ngoại ngữ cũng như giúp đỡ nhau trong quá trình học tập. Nói chung, bây giờ mọi người nên giỏi một ngoại ngữ, sau đó hãy học thêm một số ngoại ngữ khác, nếu không có ngoại ngữ đồng nghĩa với việc thất nghiệp trong thời đại mới này... |