Sinh viên  Nhịp cầu bè bạn 02:27:36 Ngày 15/12/2024 GMT+7
Người lính, người thầy, người bạn
Đấy là cái 3 trong 1 của những người thầy dạy môn Giáo dục Quốc phòng (GDQP). Vừa nghiêm khắc kiểu nhà binh, vừa hóm hỉnh chất lính và có sự gần gũi của người thầy đúng nghĩa mà nhiều khi có cảm giác như là những người bạn thật sự...

Khi chất lính vào giảng đường

Những ai đã từng qua chương trình Giáo dục Quốc phòng ở bậc đại học thì đã đều hiểu rõ những lợi ích mà môn này đem lại cũng như cái tâm, cái tài của những người thầy. Không những thế, các thầy còn đem chất lính vào những bài giảng, tức là hóm hỉnh kiểu lính, nghiêm khắc, kiên quyết mà đầy tình thương…

Không ít người có một tâm lý là sợ môn Giáo dục Quốc phòng, nhất là phần thực hành. Tâm lý này thường thấy ở những lớp học đông sinh viên nữ. Thế nhưng họ đã không ngừng được động viên, an ủi bởi những người thầy dạy. Không những vậy, khi thấy chính thầy còn lăn lê bò toài vất vả gấp bội thì làm sao họ không được tiếp thêm sức mạnh? Sinh viên các lớp còn được nghe các thầy kể về thời sinh viên của chính các thầy, cũng đầy nhọc nhằn mà vinh quang. Và đấy cũng chính là bài học để sinh viên hôm nay noi theo.

Không chỉ có những câu chuyện đời thường ấy, trong những bài giảng chính trị có tiếng là khô khan trên các giảng đường, sinh viên còn được nghe kể nhiều câu chuyện hấp dẫn khác. Có rất nhiều chuyện, thật có, đùa có. Chuyện về những trận đánh, những vị tướng, cả những người đồng đội; chuyện anh Khoai, chú Quậy cũng không thiếu. Tất cả đều hóm hỉnh đậm chất lính mà mục đích là để làm cho bài giảng không quá khô, để học trò dễ tiếp thu và các trò cũng đã thấy mến người thầy mình hơn.

Bạn đã từng đi học muộn trong giờ học Giáo dục Quốc phòng? Chắc chắn bạn biết rõ mình đã gặp khó khăn như thế nào. Nhưng cũng không hẳn vậy, những ai đủ can đảm tiến đến trước mặt những người lính có cấp bậc khá cao kia mà trình bày những lý do xác đáng thì cũng không đến nỗi quá khó. Và hãy thử nói chuyện với các thầy mà xem, chuyện gì các thầy cũng có thể giảng giải cho bạn hiểu về quan điểm của một người lính của nhân dân, một người thầy của bạn. Nếu cần tâm sự, thầy còn có thể là một người bạn chân thành. Thầy từng là lính, đã trải qua bao nhiêu khó khăn thử thách của người lính. Thật đáng khâm phục hơn nữa là có thầy đã từng tham gia những cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Đến cả chuyện thi lại hay học lại vốn là một trong những vấn đề ngán ngẩm nhất của sinh viên thì đối với môn Giáo dục Quốc phòng nó cũng không quá căng thẳng. Dù đậm chất chính trị nhưng môn học này cũng không hề quá khó thuộc. Nhưng đáng quan tâm hơn, không bao giờ có bạn sinh viên nào lại oán thán cái môn học mà những người thầy - người lính đáng mến, đáng trọng của chúng ta giảng dạy…

Và những “sự cố để đời”

Tôi có tham gia một diễn đàn mới xuất hiện trên mạng của một nhóm sinh viên năm thứ 3và bắt gặp một bức ảnh đẹp ông thầy Giáo dục Quốc phòng ở giữa và một bó hoa to đùng mà chung quanh là lũ sinh viên nghịch ngợm. Thật không khỏi tò mò. Và tôi đã được nghe một câu chuyện đậm tình thầy trò qua bức ảnh chụp nhân ngày Valentin 14/2 đó. Một bó hoa tặng thầy để… thầy tặng lại vợ. Người lính vốn giản dị mà tình cảm thì luôn chan chứa. Thật ý nghĩa và thật sáng tạo cho một ngày học Giáo dục Quốc phòng trùng với ngày Valentin của nhóm sinh viên nọ.

Hay như câu chuyện mới đây với Đại tá Hoàng Minh Việt (Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng ĐHQGHN) tại nơi làm việc. Thầy có kể cho tôi nghe câu chuyện cách đây gần 20 năm. Đó là vào thời điểm những năm 80, khi sinh viên còn phải bắn đạn thật trong Giáo dục Quốc phòng, thầy bắt gặp một bạn sinh viên nữ người nhỏ bé lại nhút nhát. Lần đầu tiếp xúc với đạn thật, lại trong lúc thi, nghe tiếng đạn nổ bạn đã lao vào thầy ôm chặt sợ hãi rồi bật khóc nức nở. May sao lúc ấy trong túi có cái khăn, thầy đã an ủi bạn và bảo nhẹ nhàng: “Em hãy bình tĩnh và quay lại bắn tiếp. Nhưng hãy nhớ khi đạn nổ thì cũng là lúc đạn đã trúng tâm, nghĩa là bài thi đã hoàn thành”. Thế là bạn nữ ấy đã tự tin vượt qua kì thi với kết quả khá. Đấy là những kỷ niệm hết sức đáng quí của những người lính - người thầy Giáo dục Quốc phòng.

Có nhiều thầy đã gắn bó với nghề giảng dạy Giáo dục Quốc phòng nhiều năm, có thầy trải qua kháng chiến, về giảng dạy tại các trường quân sự rồi lại về giảng dạy môn Giáo dục Quốc phòng trong các trường dân sự. Tôi có hỏi Đại tá Hoàng Minh Việt, một người đã được biệt phái giảng dạy môn Giáo dục Quốc phòng hơn 20 năm rằng: “Nếu được chọn giảng dạy tại một trường quân sự hoặc một trường dân sự, thầy thích dạy ở đâu hơn?”. Thầy cười tươi khẳng định đây là một câu hỏi khó nhưng đã thẳng thắn trả lời với tôi như thế này: “Tôi đã có nhiều đồng đội giảng dạy trong các trường quân sự và quân sự cấp cao. Tôi tin rằng nơi đây cần chúng tôi hơn vì tôi hiểu rõ vai trò của Giáo dục Quốc phòng trong giáo dục đại học. Và tôi cũng thích giảng dạy ở đây vì tôi rất quí và có rất nhiều kỷ niệm với các bạn sinh viên”.

Hỏi vui vậy thôi vì tôi hiểu các thầy còn là người lính, mà người lính thì phải tuân theo mệnh lệnh. Chỉ biết rằng khi có lệnh là khi khi nhiệm vụ cần các thầy như một người lính. Còn khi nào sinh viên cần thì các thầy sẽ là người thầy đáng quý và hơn thế có thể là một người bạn chân thành nếu cần chia sẻ.

 Phạm Lê Nguyên - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 178, tháng 12/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 393) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC