“Đội sinh viên tình nguyện Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN lên Yên Bái” - đoàn chúng tôi gồm 34 con người tiếp nhận điều này với bao háo hức, say mê. Văn Chấn - địa danh Tây Bắc đã được nghe nhắc nhiều nhưng mấy ai trong số những kẻ suốt ngày giương mục kỉnh bên quyển từ điển đã được đặt chân tới? Đó là ước mơ của không chỉ 34 con người trẻ tuổi mang trong mình dòng máu khát khao được cống hiến sức trẻ, cũng như muốn khám phá những gì chưa biết. Chúng tôi chờ đợi được tới đó, được làm việc cống hiến với một tâm trạng háo hức pha chút lo âu, hồi hộp. Và 1 tháng trời ở nơi xa xôi này, chúng tôi đã cùng nhau sống, làm việc, chia sẻ những niềm vui, nụ cười, nước mắt, những bữa ăn, giờ dạy, và quãng thời gian đó đã để lại trong chúng tôi đầy ắp kỷ niệm.
Không kể quãng đường hơn 300km từ Hà Nội đến Văn Chấn, quãng đường mà bạn sẽ phải trầm trồ nhìn trời, ngắm thác và cùng oà lên khi xe lên dốc xuống đèo - hệt như đua xe công thức 1, Nghĩa Sơn tiếp đón chúng tôi sau hơn 1 tiếng đi bộ ngược từ thị xã Nghĩa Lộ. Là lần đi đường núi đầu tiên, trời nắng, chưa quen nên ai cũng hoa hết cả mắt, thậm chí còn khóc, nhưng khi nhìn thấy những đồng đội đang đứng chờ mình ở cổng trường tiểu học Noong Khoang, chúng tôi hiểu mọi việc nằm trong tay mình.
Ngay sau khi ổn định chỗ tại 2 phòng học tầng 2, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc. Cả đội phân làm 5 nhóm, cứ 4 nhóm đi làm và 1 nhóm ở nhà trực nhật nấu cơm. Đã bao giờ bạn phải nấu cơm cho 34 người chưa? Và 2 ngày mới được đi chợ một lần? Cho nên những ngày đầu, mọi người đều bỡ ngỡ với công việc. Thế nên mới có chuyện khi nhóm 1 cho cả đội ăn sáng bằng nồi cháo khê đã có hình thức “khuyến mãi” rùng rợn rằng ai ăn hết 3 bát sẽ được tặng không 1 cô em xinh tươi. Không hiểu do sợ cháo hay do lý do nào khác mà đến tận trưa hôm đó, nồi cháo mới vơi một nửa, hay khi hết ngày nấu của mình, nhóm 3 dở khóc dở cười thương lượng với trưởng nhóm 4 vì gạo hết, dầu ăn hết, thức ăn hết, không biết ngày mai “team 4” cho anh em ăn gì. Lại thêm chuyện tắm giặt, nước nôi cũng phải đi nhờ đồng bào, mà không phải lúc nào cũng được đầy đủ. Những cô cậu vốn quen sống ở Hà Nội mùa hè trung bình ngày tắm 2 lần mà lên trên này làm việc suốt ngày, tối lại phải nơm nớp lo hết nước tắm. Nhưng vượt qua tất cả những khó khăn đó, chúng tôi lao vào hoạt động, dạy học là chủ đạo, chúng tôi dạy từ bậc xoá mù cho người lớn, cho trẻ em vào lớp 1 đến học sinh cấp 3 muốn ôn thi đại học.
Cùng với đó là những hoạt động tuyên truyền sức khoẻ sinh sản và vệ sinh răng miệng. Địa điểm hoạt động của chúng tôi có 3 nơi: Noong Khoang, Nậm Tộc và bản Loọng. Mỗi khi đến Nậm Tộc, chúng tôi phải vượt qua 5 quả đồi trong vòng 30 phút và thêm 1 km đường núi nữa để đến bản Loọng dưới trời nắng tháng 7. Trong suốt thời gian đó, chúng tôi phải đánh vật với… chính mình để giúp các em lớp 1 viết được chữ O, A sao cho đúng, giúp các em lớp 4 giải được dạng toán tìm x biết 18 - x = 12, hay là phải luyện cho các em lớp 5 nói và viết được câu có đầy đủ chủ ngữ ,vị ngữ… Còn trong lĩnh vực tuyên truyền, bạn Nguyễn Ngọc Ninh được bầu là chiến sĩ thi đua với câu nói trứ danh ”Có nhẽ thế thôi nhỉ!” sau khi được đồng bào trả lời là “Có 3 con rồi”. Buổi tối, cả đội lại cùng kéo nhau đi lần nữa để cùng sinh hoạt với thanh niên và thiếu nhi, để đến đêm về nhà kêu với nhau là nóng quá... Nhưng đối với chúng tôi, nắng Văn Chấn còn đỡ sợ hơn nhưng cơn mưa rào dữ dội nơi này, cả đội còn lưu truyền câu chuyện về bạn Hải Pháp cầm ô ra đến cổng rồi lại quay lại vì sấm to quá khi mà cả đội phân công sang nhà hàng xóm đón 2 bạn nữ đi giặt quần áo về ăn cơm. Nhưng nếu là đi dạy hoặc đi chợ thì chúng tôi không dám bỏ ngang như vậy, đơn giản vì chắc chắn rằng dù trời mưa đến mấy thì các em học sinh vẫn đang chờ mình tại bể nước ở con đèo thứ 3, cũng như nếu không đi chợ thì biết lấy gì mà nuôi cả đội?
Công việc thường nhật sôi động là vậy, nhưng cuộc sống của chúng tôi sẽ thiếu đi rất nhiều những kỷ niệm đáng nhớ nếu không nhắc đến những sinh hoạt trong đội. Đó là những bữa trưa cả đội quây quần bên nhau, cao giọng khoái chí: “Ê! Bồi! Truyền dâng cơm, dâng canh!” và giật mình khi nghĩ tới việc ngày mai đến lượt mình trở thành “Bồi”, là những buổi chiều muộn rủ nhau đi tắm suối và hái rau rừng về xào, tranh nhau gắp rồi kêu rau rừng gì mà đắng vậy, thì ra là hái nhầm mấy cọng… dương xỉ, là những khi cả đội cùng nhau đi tắm nhờ và chí choé từ lúc đi, lúc đợi, lúc tắm, lúc về... Là những buổi tối, cả đội ngồi bên nhau bên cây ghita bập bùng, cùng ngắm sao trời và ước nguyện rồi lại bị đột ngột cắt ngang khi có tiếng gọi: “Có điện thoại này”. Nhưng nhớ nhất là những lễ sinh nhật đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa, xúc động đến phát khóc cho cả chủ nhân buổi lễ và cả ban tổ chức khi được đánh dấu sự trưởng thành ở nơi này, thấy rằng mình đã lớn, hay là những giây phút văn nghệ ngẫu hứng của những chàng trai cô gái dù mạnh mẽ đến mấy cũng không thoát khỏi nỗi nhớ nhà, nhớ người thương... khi vừa khóc vừa hát “Don’t cry” hay “Let it be”... sau những giây phút hết mình cho những bài hát tập thể, bớt “hoành tráng” hơn là những cuộc tâm sự nửa đêm của những “Đôi bạn cùng tiến” với vô vàn nội dung như “Lớp này, em nào học khá nhất. Mai đi chợ mua cho mình một áo thổ cẩm”, an ủi nhau khi bạn mình có chuyện buồn, hay xa hơn là năm nay sẽ làm NCKH về đề tài nào, khi nào về nhuộm tóc màu nâu ánh tím... Cứ như vậy, 28 ngày tình nguyện trôi qua, chúng tôi đã để lại ở nơi này, cho các em học sinh, cho đồng bào, trong tim nhau bao nhiêu kỷ niệm và khát vọng... Đến ngày chia tay, đọng lại ở những giọt nước mắt lăn trên má đồng bào, các em học sinh, của toàn đội sinh viên tình nguyện, đọng lại ở câu hứa gả con gái của một đồng bào người Thái, ở câu “Tai chư đê hem” của Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại ngữ chuyên ngành Lê Văn Tuynh. Đọng lại trong câu hát nghẹn bởi nước mắt của cả đội: “Bạn ơi, cháy lên trong tim tình yêu thiết tha, dù mai, những cánh chim bay về muôn phương cách xa...”.
Một mùa tình nguyện nữa lại bắt đầu! |