Văn hóa 13:07:56 Ngày 04/10/2024 GMT+7
Giọt lệ lịch sử
Mùa xuân này, nếu bước vào khu tập thể Kim Liên, ghé qua ngôi nhà 4 tầng D6, ta thấy mọi lối ngõ, con đường đều sáng sủa khang trang. Nhưng có thể rất ít chàng trai cô gái ngày nay hình dung được rằng, những con đường, chân tường này ngày xưa rợp cỏ, rằng đây chính là “Tòa nhà giáo sư” nổi tiếng một thời. Nhà B6 hôm nay hoàn toàn có thể gắn bên chân tường tấm biển kỷ niệm ghi tên các nhà giáo lão thành của nước Việt Nam thế kỷ XX. Nhà B6 chính là nơi ra đời hàng chục công trình khoa học, hàng chục giáo trình đại học chuẩn mực đến độ kinh điển của các giáo sư Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Nhị, Trần Quốc Vượng, Phan Cự Đệ, Võ Quý, Hoàng Tụy…

 

Với riêng tôi, mỗi lần đi qua ngôi nhà lịch sử này, tôi vẫn như nghe thấy tiếng xe Mobylette cũ kỹ nổ dòn dòn cùng dáng người cao lớn của giáo sư Hoàng Xuân Nhị.

Tên thầy Hoàng Xuân Nhị đã trở thành tên phố ở hai thành phố lớn. Thầy Nhị đã về với thế giới người hiền. Nhưng sau ngày thầy ra đi, theo thời gian, cuộc đời và sự nghiệp khoa học, giáo dục của thầy mỗi ngày một rõ ràng, tỏa sáng như một ngôi sao nhỏ lặng lẽ, đã định vị từ lâu, đâu đó phía chân trời.

Đã có một thời đám sinh viên Văn khoa tinh nghịch của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội cứ truyền đi một giai thoại rằng: khi giảng thơ Hồ Chủ tịch, thầy Nhị thường bật khóc, rút khăn chấm nước mắt, vì trong giáo trình thầy soạn, cứ vài trang lại có có một chỗ mở ngoặc đơn: chỗ này khóc! Vì vậy, mỗi năm thầy giảng cho mỗi khóa đều khóc chính xác đúng chỗ chỉ dẫn lúc soạn bài.

Giai thoại tai quái ấy loang dần, khóa này sang khóa khác, khiến nhiều người tin là thật, thậm chí có người hoài nghi, cho rằng đó là không phải là tiếng khóc cơ hội, mà là tiếng khóc của lý trí, rằng nước mắt của thầy là nước mắt nghiệp vụ, chảy ra từ óc, của nghề nghiệp ông thầy. Chỉ những bậc sư biểu, cao thủ của giảng đường đại học mới đủ tài diễn viên như vậy. Chỉ tới gần đây, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, đám cựu sinh viên chúng tôi mới biết giọt nước mắt của Thầy chứa vị mặn mòi của lịch sử dân tộc và cả vị mặn huyết thống.

Số là, năm 1936, khi đang học khoa Luật, Đại học Đông dương, Thầy được chia một học bổng du học của chính phủ Bảo hộ Pháp. Hiềm một nỗi, cạnh tranh với Thầy khi đó là một sinh viên nữa, điểm cao không bằng thầy nhưng lại là con quan. Thầy chỉ là con côi của một gia đình có truyền thống thi thư khoa bảng, không phải con ông cháu bà gì cả… Thầy bàn với nhà trường là nên để cho cả hai cùng sang Pháp du học, mỗi người nhận một nửa học bổng. Như vậy sẽ đỡ lãng phí nhân tài. Để tránh kiện cáo phiền toái, nhà trường nghe theo phương án đó.

 Sang Pháp, do tiền học bổng nửa suất ngặt nghèo, Thầy lao vào vừa học vừa dịch văn học Việt Nam sang tiếng Pháp. Nhiều tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam như Lưu Bình Dương Lễ, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều... do dịch giả trẻ Hoàng Xuân Nhị đã giúp độc giả Pháp hiểu thêm về văn hóa, văn học Việt Nam, và điều quan trọng nhất là giúp dịch giả… có tiền. Chỉ sau bốn năm từ năm 1936 đến 1939, Thầy đã tốt nghiệp ba ngành, lấy được ba bằng cử nhân và một bằng thạc sỹ. Năm 1940 đến 1942 Thầy sang Đức tu nghiệp. Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Thầy về nước tham gia kháng chiến. Con tàu chở Thầy lẽ ra cập cảng Hải Phòng và Thầy sẽ lên chiến khu Việt Bắc, nhưng vì xung đột trên biển, tàu phải cập bến Sài Gòn. Lập tức, Thầy được đưa vào vùng bưng biền, nhận phụ trách công việc văn hóa của Nam Bộ. Năm 1947, Thầy được Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ giao phụ trách tờ La Voix Du Maquis (Tiếng nói kháng chiến), là tờ báo ngoại ngữ đầu tiên ở chiến khu cách mạng. Cùng với tờ La Voix Du Maquis, Thầy còn làm công tác địch vận của chính phủ kháng chiến, vận động binh lính Âu, Phi trong quân đội Pháp bỏ hàng ngũ quân đội Pháp vào chiến khu theo kháng chiến. Do giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, Thầy được Ủy ban giao làm nhiệm vụ chính ủy của Binh đoàn Quốc tế hợp thành. Năm 1947, chính phủ kháng chiến lại thuyên chuyển Thầy, tạm dừng công việc nhà binh, bổ nhiệm Thầy làm giám đốc Viện Văn hóa kháng chiến. Khi ngành văn hóa thống nhất với ngành giáo dục, Thầy được bổ nhiệm làm giám đốc Nha giáo dục Nam bộ. Năm 1949, Hoàng Xuân Nhị tham gia mở lớp sư phạm đặc biệt mang tên Phan Chu Trinh đào tạo văn hóa cho lực lượng kháng chiến.

Sau Hiệp định Genève, Thầy tập kết ra Bắc, được phong giáo sư, giảng dạy các trường: Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1956 đến 1982. Thầy giữ chức chủ nhiệm khoa Ngữ văn Tổng hợp đồng thời là Hội viên sáng lập của Hội Nhà Văn và Hội Văn nghệ Việt Nam.

Nhiều người cho rằng, Thầy Nhị thuộc đội ngũ những trí thức “sinh bất phùng thời”. Đó là những nhà khoa học Việt Nam phải sống và làm việc trong một hoàn cảnh chưa cần nhiều khoa học. Người ta kể rằng, khi thấy nhà triết học trẻ tuổi Trần Đức Thảo lặn lội từ Pháp về chiến khu, hăng hái nhận nhiệm vụ kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã nói vui: chú Thảo triết gia nổi tiếng sẽ “không có đất cắm dùi…”. Trần Đức Thảo đi làm thư ký, cạo giấy. Trần Đại Nghĩa được giao chế súng đạn là đúng sở trường, Ngụy Như Kontum giỏi vật lý hạt nhân thì tạm thời đi làm quản lý giáo dục cũng là để cho đỡ phí. Kháng chiến chưa cần triết học lẫn vũ khí hạt nhân. Mỗi trí thức đều phải vì lợi ch kháng chiến mà hy sinh cái sở trường của mình, lao động trong sở đoản. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị cũng rơi vào tình thế đó, trong những năm kháng chiến, và cho suốt cả cuộc đời. Giỏi văn chương, triết học nhưng Thầy phải làm công việc tổ chức đào tạo cán bộ văn hóa và làm chính ủy quân đội. Không thích làm công việc lãnh đạo nhưng thầy lại được đặc cử về “ổn định” tình hình đổ vỡ của khoa Ngữ Văn sau “vụ án Nhân văn - Giai phẩm”, với trọng trách Chủ nhiệm khoa. Ở cương vị này, Thầy trong những năm đất nước chiến tranh đã sống và làm việc căng mình, với nỗ lực của một nhà khoa học, một người thầy, và một nghệ sỹ…. Giỏi tiếng Pháp, tiếng Đức, chữ Hán, Thầy có thể tung hoành cây bút trong các lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm, văn học phương Tây, nhưng vì nhu cầu xây dựng nền tảng văn hóa tư tưởng, Thầy lại phải tự học Tiếng Nga để mở bộ môn văn học Nga xô viết và giảng dạy các chuyên đề văn chương Hồ Chí Minh. Trong những năm Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên chiến khu Việt Bắc, người dân nơi đây đã quen với hình ảnh giáo sư Nhị không đợi nước lũ rút, một mình cưỡi trâu qua suối cho kịp giờ đến lán trại giảng bài. Họ cũng quen với hình ảnh ngọn đèn dầu nhà Thầy khi tỏ khi mờ, có lúc gần như tắt trong những đêm thâu. Thầy có một kinh nghiệm dùng đèn Hoa kỳ rất quý, thường truyền lại cho các đồng nghiệp và học trò: để tránh máy bay Mỹ phát hiện và để tiết kiệm dầu hoả, cứ khi nào đặt bút viết thì để đèn sáng, nếu phải ngẫm nghĩ điều gì chưa sáng tỏ thì hãy vặn cho đèn nhỏ lại, chỉ cần ngọn đèn xanh hạt đỗ.

 Suốt thời kỳ chống Mỹ, Thầy đã phải làm Chủ nhiệm khoa liên tục 18 năm liền, một kỷ lục thế giới, ngang với Giáo sư Ngụy Như Kontum – hai chục năm Hiệu trưởng. Ít có thủ trưởng nào họp toàn đơn vị, chủ trì cuộc họp nhưng chính mình lại nói chuyện riêng. Tuy nhiên, cuối buổi, Thầy Nhị dừng nói chuyện riêng, lên tiếng tổng kết, quyết định rất sáng suốt. Hóa ra Thầy vừa nói chuyện, vừa nghe thấu mọi tiếng bàn tán rào rào, chả để sót điều gì. Thầy để mặc anh em tự do tư tưởng, phát huy sáng kiến cá nhân và “tinh thần làm chủ” mọi điều… Mất khi chưa tròn tuổi 80 ( 1914 – 1991), mất khi chưa được ghi nhận, vinh danh bằng những huân huy chương cao quý và danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Giải thưởng này nọ… nhưng Giáo sư Hoàng Xuân Nhị vẫn kịp để lại một sự nghiệp khoa học đồ sộ và một tấm gương hy sinh cống hiến.

Gần đây, sau hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoàng Xuân Nhị, mọi người mới vỡ lẽ cái điều vì sao Thầy Nhị khóc khi bình thơ Bác: Một lần, Tiến sỹ Hoàng Xuân Quốc (thứ nam) tỏ ý khó chịu với Thầy vì những lời đồn đại nói trên, Thầy đã tin tưởng thổ lộ một tâm sự thật: “Con không thể hiểu được thế nào là “vong quốc nô”. Cái quan trọng nhất mà Bác Hồ cho ba và các trí thức khác chính là được làm người dân một nước có tên tuổi, quốc tịch đàng hoàng, không còn là indochinois hay anamit nữa…” Và họ Hoàng Xuân ta thuộc dòng họ ngoại của Bác, cùng họ với Hoàng Xuân Đường – ông ngoại Bác, sinh ra cụ Hoàng Thị Loan trong gia phả thuộc Trung chi 2. Nhưng chỉ biết thế, đừng nói lung tung kẻo mang tiếng “người sang bắt quàng làm họ”.

Vậy là hôm nay, những đám học trò “nhất quỷ nhì ma” của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi đã giải mã được giọt nước mắt của Thầy Nhị khi bình thơ Bác: giọt nước mắt đó dung chứa ba tố chất: nỗi cảm thương cho một thời văn thơ phải tự chuyển hóa thành vũ khí đấu tranh, vị mặn mòi của niềm tiếc thương, biết ơn lãnh tụ và vị mặn của… “một giọt máu đào”.

 VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 393) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC