Tiến sĩ Jacques Deprat (1880-1935) là một nhà địa chất người Pháp tài năng đầu thế kỷ XX. Ông từng là Giám đốc Sở Địa chất Đông Dương (Service Géologique de l'Indochine), là một trong những người đầu tiên đặt nền móng và có những cống hiến xuất sắc trong nghiên cứu địa chất ở khu vực này của thế giới. Năm 1909, khi đến Hà Nội, Jacques Deprat mới 29 tuổi và đã là một nhà địa chất danh tiếng. Luận án tiến sĩ về địa chất đảo Euboa (Hy Lạp) cũng như các công trình nghiên cứu của ông về địa chất các đảo Cooc, Sacdin vẫn được đánh giá là các công trình xuất sắc. Sau khi nhậm chức Giám đốc Sở Địa chất Đông Dương ông đã tiến hành nhiều việc có ý nghĩa lớn đối với nghiên cứu địa chất khu vực: Thành lập Bảo tàng địa chất, xuất bản kỷ yếu của Sở (Mémoire du Service Géologique de l'Indochine) để công bố có hệ thống các công trình nghiên cứu của Sở Địa chất Đông Dương. Ông cũng tuyển dụng một số người bản xứ làm việc tại Sở Địa chất Đông Dương. Cùng với việc lãnh đạo Sở Địa chất Đông Dương, J. Deprat còn tiến hành nhiều công trình nghiên cứu địa chất tại Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc). Ông đã cho công bố hàng chục công trình nghiên cứu, trong đó có những công trình cho đến nay còn giữ nguyên giá trị khoa học. Ở tuổi 33 ông đã là người có uy tín khoa học cao trên thế giới, được bầu làm phó chủ tịch Hội nghị Địa chất quốc tế lần thứ 12 họp ở Toronto - Canada năm 1913. Với tài năng và uy tín khoa học cao, J. Deprat đã tạo điều kiện giúp đỡ các cộng sự ở Sở Địa chất Đông Dương trong nghiên cứu. Đặc biệt ông hết lòng giúp đỡ Henry Mansuy, một nhà cổ sinh vật học đã luống tuổi. Ông này nguyên là thợ may rồi trở thành nhà cổ sinh nghiệp dư trước khi sang Đông Dương. Mặc dù có sự khởi đầu tốt đẹp, nhưng sự nghiệp khoa học của J. Deprat không chút suôn sẻ. Năm 1917, H. Mansuy và H. Lantenois (Kỹ sư địa chất, Giám đốc Sở Mỏ Đông Dương) đã tố cáo Deprat có sự man trá trong khoa học. Vụ việc này làm xôn xao dư luận trong giới địa chất Pháp và giới cầm quyền ở Đông Dương thời bấy giờ. Cuối cùng chiến thắng đã thuộc về kẻ mạnh, đó là Lantenois - do có nhiều mối quan hệ với giới chức lãnh đạo chính quyền và khoa học ở Đông Dương cũng như ở chính quốc. J. Deprat bị khai trừ khỏi Hội Địa chất Pháp, bị loại khỏi biên chế ở Sở Địa chất Đông Dương. Buộc phải giải nghệ, trở về Pháp J. Deprat bắt đầu hoạt động trong một lĩnh vực mới. Ông trở thành nhà văn với bút danh Herbert Wild, chuyên viết tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Trong số các tiểu thuyết của ông, cuốn "Chó cứ sủa..." (Les chiens aboient..., 1926) là tiểu thuyết tự sự, mô tả chi tiết "vụ Deprat" và tư chất của những người liên quan như Latenois, Mansuy, Colani v.v. Các cuốn nổi tiếng khác là "Người khổng lồ ngủ quên" (Le colosse endormi, 1927) viết về cách mạng dân quyền ở Trung Quốc (Giải thưởng văn học Pháp – Á, Prix littéraire de l'Asie-Francaise), "Chủng tộc khác" (L'Autre race, 1930) viết với mối thiện cảm đối với các dân tộc miền núi ở Việt Nam (được đưa vào danh sách một số ít tác phẩm đề nghị tặng giải thưởng Goncourt - giải thưởng văn học lớn nhất của pháp), "Thuyền trưởng Bái Tử Long" (Le capitaine Fai-Tsi-Long, 1935), "Trong những khúc cuộn của con rồng" (Dans les replis du Dragon, 1926) v.v. J. Deprat còn là một nhà thể thao leo núi. Cũng vì ham mê môn thể thao này mà ông qua đời năm 1935 ở tuổi 55, trong một tai nạn leo núi trên dãy núi Pyrênê. Mãi đến năm 1990 Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Pháp M. Durand-Delga mới sưu tầm lại được đầy đủ tài liệu về "vụ Deprat" và các nhân sự liên quan trong kho lưu trữ Toàn Pháp ở Aix-en-Provence, Viện Hàn lâm khoa học Pháp, Hội Địa chất Pháp và các nguồn thư từ của gia đình mà con gái J. Deprat khi đó còn sống (bà Alice Tissier) cung cấp. Công trình nghiên cứu dày 100 trang "Vụ Deprat" (L'affaire de Deprat) của Viện sĩ thông tấn M. Durand-Delga (Travaux du Comité d'Histoire de la Géologie, 1990) đã chứng minh được sự vô tội của Deprat. Trên cơ sở đó, trong phiên họp toàn thể ngày 10/6/1991, Hội Địa chất Pháp đã long trọng làm lễ khôi phục danh dự Hội viên cho nhà địa chất lỗi lạc J. Deprat sau khi ông đã qua đời 55 năm!
|