Sáng thứ Hai, đường phố vắng ngơ vắng ngắt. Gần đến văn phòng, tôi thấy anh hàng bánh cuốn quen lướt vèo xe máy qua trước mặt tôi, trời ơi phi thường, một tay anh lái xe, tay kia bưng một cái khay trên đó có một đĩa bánh cuốn, một bát nước chấm, một đĩa rau sống con con, combo mà tôi thỉnh thoảng vẫn ăn. Sau chỉ thị của Chính phủ hôm cuối tuần, tất cả các cửa hàng ăn uống tại chỗ và các cửa hàng không thiết yếu đều phải đóng cửa để ngăn chặn dịch Covid-19 bùng lên ở Hà Nội. Hiệu bánh cuốn đã phải đóng cửa, nên chắc anh mang bữa sáng cho ai đó gần đấy. Tôi thấy lo lắng quá chừng, không phải lo anh ngã, mà lo đám rau sống lật bật trên đĩa sẽ bị bay hết mất trước khi đến được tay người ăn.
Tôi bước vào công ty theo lối cửa sau. Hiệu sách ở tầng một phía cửa trước đóng im lìm, tối om, ánh sáng hắt qua những song sắt từ bên ngoài vào tạo thành những vệt sáng thật đẹp. Đẹp và buồn - như tên một cuốn sách của Kawabata Yasunari mà chúng tôi xuất bản. Hôm nay tôi đến lấy những tài liệu cần thiết, những đồng nghiệp là thiết kế viên phải tháo máy tính đem về nhà, chúng tôi bắt đầu thời kỳ làm việc từ xa. Không còn sốc nữa, suốt từ mùa xuân 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát đến mùa thu 2021 này đã mấy lần thế này rồi. Nhưng điều đau khổ hơn là, từ đây việc đưa sách vào những vùng đang giãn cách vì dịch sẽ vô cùng khó khăn. Ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam, ngay cả trong điều kiện bình thường, vấn đề sức khỏe tinh thần vẫn chưa được xem trọng, và khi xã hội có khó khăn thì nhu cầu văn hóa và tri thức là thứ bị bỏ qua đầu tiên. Sách chưa khi nào được coi là mặt hàng thiết yếu tại Việt Nam, như nhiều quốc gia trên thế giới đã thừa nhận. Những ngày này đoàn di dân lếch thếch từ Sài Gòn về các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khiến tôi bị ám ảnh, đau nhói. Sài Gòn là thành phố lớn và sôi động ở miền Nam Việt Nam nên có rất đông người dân ngoại tỉnh đến kiếm sống, nhưng thành phố đang bị tổn thương nặng nề và không thể bao bọc nổi họ. Vậy là họ lũ lượt về quê trên những chiếc xe máy chất đầy đồ đạc, ban đêm người lớn, trẻ con, đàn ông, đàn bà ngủ ngay trên đường nhựa, màn trời chiếu đất. Một em bé 9 ngày tuổi đi 1000 cây số bằng xe máy về quê. Có những người cuốc bộ. Một người đàn ông nằm lại vĩnh viễn trên cung đường. Hà Nội nơi tôi sống may mắn hơn, nhưng rất nhiều lao động ngoại tỉnh cũng đang lay lắt. Facebook của tôi lâu nay chủ yếu nói về sách, các câu chuyện chữ nghĩa và đời sống. Nhưng lúc này, việc đọc một cuốn sách cũng mang lại cảm giác bất an, chênh vênh: dường như tôi đang đọc những thứ vô nghĩa, vô dụng giữa một hiện thực choáng ngợp. Tôi không dám post hình sách hay đăng một vài cảm nhận về cuốn sách vừa đọc như mọi khi, điều ấy khiến tôi cảm thấy mình vô duyên, thậm chí vô đạo đức. Nhưng tôi có thể làm được gì? Tôi cũng muốn nấu những bữa cơm thiện nguyện phát cho người nghèo, nhưng tôi không ở vùng dịch nặng. Tôi muốn tổ chức những cuộc quyên góp, đấu giá lấy tiền ủng hộ người thất nghiệp, nhưng tôi không phải một KOL. Ngoài việc góp một chút tiền cho các quỹ của bạn bè mình, tôi chẳng làm được gì hơn. Điều ấy cứ làm tôi suy nghĩ. Đi chợ mùa dịch là một trải nghiệm không thể nào quên. Xe máy phải gửi bên ngoài để đi bộ vào trong chợ. Dù đi bộ tôi vẫn đội nguyên chiếc “nồi cơm điện” màu đen hầm hố, loại dùng đi đường trường, vì nó có kính che mặt; khẩu trang đen, quần short bò, giày thể thao đen: bộ đồ tiện lợi nhất vì chắc chắn phải xách rất nặng. Chợ chiều chỉ còn duy nhất một hàng cá tươi, bình thường thì cả chục hàng. Năm bảy người đang xúm quanh đó. Tôi xáp vào trỏ vào một chú cá trắm to nói với bà chủ: "Cho em con này". Bà chị không hề ngước lên và gật đầu, không rõ có nghe thấy không. Tôi ngoan ngoãn né ra một chỗ xa đứng đợi đến lượt. Hàng cá kỳ này chỉ buôn thứ khủng, và chỉ hai loại, cá chép 4-5 cân, cá trắm 5-7 cân. Ai cũng mua nguyên con hết, không mua từng khúc hay mua nửa con như thường thấy. Chị hàng cá đang nạo vẩy sồn sột một con cá trắm, rồi cầm con dao cong cong chuyên dụng chặt khúc, lẩy bẩy chặt mãi không thể làm nên cuộc phân ly giữa đầu và thân con cá. Khách hàng không giục giã không mặc cả, kiên nhẫn đợi. Nhìn tay chị thì biết chị đã mệt lắm rồi, không biết từ lúc đầu buổi chợ đã làm bao nhiêu con. Đến lượt người tiếp theo, bác này mua hẳn hai con cá chép, tổng số 9 cân! Tôi thấy chờ đợi nản quá bèn bỏ đi mua các thứ khác. Lúc quay ra thấy chậu cá trống trơn, chỉ có chị hàng cá ngồi dựa tường không động đậy, ruồi bay vo ve qua mặt không thèm đuổi, cái miệng ngáp ngáp y như con cá mắc cạn, nhìn vừa buồn cười vừa thương. Bán được hàng mà cũng không sung sướng gì! Tay tôi trĩu nặng vì xách đồ, không thể ra chợ nhiều nên phải mua cố. Mồ hôi tuôn như tắm và cái khẩu trang làm tôi muốn tắc thở Lúc ra phía cổng sau của chợ, tôi chợt nhìn thấy một hàng hoa tươi. Hoa lúc này ư? Ngạc nhiên, thảng thốt, và một cảm giác gì đó như là hạnh phúc. Lúc này ai cũng nghĩ chỉ đồ ăn mới sánh được với “thiết yếu”. Nhưng mấy bông hồng phơn phớt và đám cúc rực vàng cứ lấp lánh lên, rõ ràng xa xỉ vì không ăn được, đang ở đó như một niềm an ủi, như một chỉ dấu êm dịu rằng cuộc sống vẫn cần những điều đẹp đẽ. Vậy thì thứ xa xỉ này cũng đáng là thiết yếu phải không? Chợt nhớ đến bộ phim Cuộc sống tươi đẹp kể về Guido Orefice, một người Do Thái, chủ tiệm sách, đang sống cuộc sống giản dị với vợ và con trai. Một ngày cả gia đình bị bắt vào trong trại tập trung tàn khốc của phát xít Đức. Giữa những hố chôn người, những phòng hơi ngạt, những họng súng, người cha lạc quan để bảo vệ tính mạng con đã, một cách thông minh và hài hước, làm cho đứa bé hiểu đây là một trò chơi có thưởng. Rồi anh tìm cách phát được bản tình ca kỷ niệm lên chiếc loa hướng sang phía trại giam nữ nơi vợ anh đang ở, người vợ mỉm cười, chứa chan hạnh phúc vì biết đấy chỉ có thể là anh. Giây phút tuyệt vời lãng mạn và cảm động ấy khiến ta không thể nghi ngờ về sự thiết yếu của âm nhạc, đồng thời hiểu rằng cuộc sống là tươi đẹp, khi ta biết cách sống. Tôi cũng nhớ đến cuốn Thời gian để sống và thời gian để chết của Erich Maria Remarque, đọng lại trong tôi không phải là cái bóng gớm ghiếc của chiến tranh, mà là khả năng xoay xở lấy những phút giây hạnh phúc của anh lính Ernst Graeber. Graeber đã tìm mọi cách để cùng với cô gái anh yêu tận hưởng cuộc sống giữa thời khắc dữ dội cuối cùng của Thế chiến II: bữa ăn ngon, chai rượu nồng, bộ cánh đẹp, cốc cà phê, tuổi trẻ và tình yêu. Graeber đã chơi khăm chiến tranh, bằng cách sống cho ra sống và hạnh phúc bất cứ khi nào có thể. Khi Graeber mua một bó hoa thủy tiên cho cô gái anh yêu và bước đi trên con phố đổ nát vì bom đạn, giữa những khuôn mặt nhàu nát đau khổ, anh nhận về đầy ánh nhìn trách móc và cảm thấy hổ thẹn. Điều này có lẽ giống như cảm giác xấu hổ vì đọc sách và nói về sách lúc này của tôi. Nhưng Graeber đã không từ bỏ, và tôi thấy anh có lý.
Cuối cùng tôi xác quyết rằng, điều mình có thể làm tốt nhất lúc này là chuyên chú tận độ vào những gì mình đang theo đuổi. Tôi không thờ ơ về dịch bệnh nhưng không để mình bị nhấn chìm trong nó. Một cuốn sách quan trọng mà tôi là biên tập viên phụ trách, tôi phải chăm chút nó kỹ càng. Tôi đã ráo riết hoàn thành cuốn truyện thiếu nhi mình đang viết dở. Tôi điều phối các cuộc tọa đàm online về sách. Là một biên tập viên có chút uy tín, tôi hay được mời trả lời phỏng vấn, hoặc nhờ vả những việc nhỏ nhỏ khác. Mọi khi tôi sẽ cân nhắc trả lời có hoặc không, nhưng hiện giờ tôi nhận lời hết. Tôi nhận trả lời phỏng vấn của vài sinh viên ngành xuất bản đang làm luận văn tốt nghiệp, tôi nhận trả lời phỏng vấn cho tạp chí, tôi nhận nói trên đài phát thanh… Tôi không ngại ngần đăng ảnh và ghi cảm nhận về những cuốn sách mình vừa đọc lên facebook nữa. Là một biên tập viên sách, tôi cần đọc để phát triển kiến thức. Là một người viết, một diễn giả, tôi nói và viết về những cuốn sách mình đọc để chia sẻ tình yêu đọc sách, khi mà tỉ lệ đọc sách trung bình ở Việt Nam thấp đáng sợ. Là một người mẹ, tôi đọc để trẻ con nhà mình học theo. Là một người đọc, tôi tận hưởng sự đọc. Tôi vừa hoàn thành cuốn Trắng của Han Kang, viết về những thứ màu trắng trong một đời người, tuyết, ánh đèn, ngôi nhà trắng, tấm vải liệm, đàn cá cơm dưới biển, hơi thở làn khói..., cuốn sách này mỏng mảnh mà tinh tế đến bất ngờ, và thứ nó mang lại là cảm giác sâu sắc về sự thuần khiết. Tôi đọc xong Trốn chạy của Alice Munro, Moby Dick Cá voi trắng của Herman Melville, Cây cam ngọt của tôi của José Mauro de Vasconcelos, Kiến, chuột và ruồi của Nguyễn Quang Lập. Trong khi đó chồng tôi đọc Nam hoa kinh của Trang Tử, Những tù nhân của địa lý của Tim Marshall. Con gái lớn của tôi đọc Nghìn lẻ một đêm, và những lúc rảnh tôi và chồng tôi đọc Bác sĩ Aibolit, Totto-chan cô bé bên cửa sổ cho cô con gái nhỏ.
Một hội nghị trực tuyến giữa cơ quan quản lý, các nhà xuất bản và báo chí vừa được mở, trong đó các nhà xuất bản đã đề xuất đưa sách vào danh mục hàng thiết yếu. Tôi nghĩ xác nhận sách là thiết yếu từ phía chính quyền ngay trong lúc này chính là cách truyền thông tốt nhất để người dân thay đổi nhận thức về sách. Tôi đang luộc rau muống cho bữa trưa, món ăn thông dụng nhất của người Việt. Tôi rất tập trung, luộc rau muống không hẳn khó nhưng nếu lơ là sẽ không ra món được như ý, luộc chưa tới rau sẽ mất đi màu xanh mướt, mà luộc kỹ quá rau sẽ nát ăn mất ngon. Ở Việt Nam không có thứ rau nào phổ biến và kỳ diệu như rau muống. Rau muống có thể làm nộm ăn sống, luộc, nấu canh, hoặc xào. Rau muống có thể có một ngàn cách kết hợp với các loại thực phẩm khác, nấu xương nấu thịt, nấu với cá với cua với tôm, với ngao sò ốc hến, có thể đem nhúng lẩu gà lẩu bò lẩu vịt. Rau muống sống được cả trên cạn và cả dưới nước, mọc cả mùa đông mùa hè, mọc thành từng đám, lan nhanh vô cùng. Rau muống đi vào vần vè ca dao nước Việt nhiều nhất. Hơn bao giờ hết, vào chính lúc này, tôi nghĩ rau muống cũng giống như người Việt, có sức sống mãnh liệt, linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, giàu tình yêu thương và ý thức cộng đồng. Nhìn hình ảnh khắp các vùng dịch mọi người tặng nhau rau muống, những bó rau muống trao tay, đặt trước cửa từng nhà, trên các chuyến xe cứu trợ, hay bày cả đống ở sảnh chung cư ai cần thì lấy, tôi nghĩ Việt Nam rồi cũng sẽ ổn thôi.
|