Tin tức 13:49:49 Ngày 04/12/2024 GMT+7
ĐHQGHN và ĐH Ma Cao (Trung Quốc) đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực Quản trị Du lịch và Y Dược
Ngày 23/10/2024, tại Hà Nội, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Giám đốc ĐH Ma Cao Tống Vĩnh Hoa đã ký kết văn bản ghi nhớ toàn diện và thỏa thuận hợp tác về trao đổi sinh viên. Đây cũng là tiền đề để hai bên cùng nhau triển khai các họat động hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và phát triển hơn trong tương lai.

Tham dự Lễ Ký kết, về phía ĐH Ma Cao có Giám đốc Tống Vĩnh Hoa; Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Đới Ninh Di; Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe Thẩm Hán Minh; Văn phòng Hợp tác Quốc tế Phù Quốc Dĩnh. Về phía ĐHQGHN có Giám đốc Lê Quân; Phó Giám đốc Đào Thanh Trường; Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Lê Ngọc Thành; Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Chử Đức Trình; Trưởng Ban Khoa học Công nghệ Trần Thị Thanh Tú; Trưởng Ban Hợp tác Phát triển Lê Tuấn Anh.

Trong những năm qua, ĐHQGHN đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong hoạt động liên quan tới đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Hoạt động hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu bao trùm tất cả các đơn vị thành viên và trực thuộc của ĐHQGHN. ĐHQGHN cũng đã thiết lập mối quan hệ đối tác với gần 30 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc như: ĐH Bắc Kinh; ĐH Thanh Hoa; ĐH Giao thông Thượng Hải; ĐH Chính pháp Trung Quốc;…

Hiện nay, số lượng sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các đơn vị trong ĐHQGHN là gần 600 sinh viên, trong đó tập trung nhiều tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với gần 400 sinh viên, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật và Trường ĐH Ngoại ngữ. Hình thức học tập chính là đào tạo chính quy, lấy bằng của ĐHQGHN là gần 100 sinh viên, phần còn lại là tham gia giao lưu văn hóa và thực tập nghiên cứu sinh.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân bày tỏ sự vui mừng khi hai bên đã đi tới những thỏa thuận hợp tác quốc tế, điều này sẽ thúc đẩy việc giao lưu và trao đổi học thuật giữa cán bộ, giảng viên hai đại học. Đây cũng là một thỏa thuận quan trọng với ĐHQGHN, nhất là trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vừa thông qua Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Ma Cao là địa chỉ uy tín của nhiều nhà đầu tư về công nghệ, và Việt Nam cũng là một điểm đến đầu tư của nhiều doanh nhân tại Ma Cao, do đó, việc hợp tác giữa hai đại học cũng tạo một tiền đề lớn cho việc phát triển các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng kinh tế. Quan hệ ngoại giao Việt – Trung hiện đang rất tốt đẹp, và ĐHQGHN đóng vai trò là một đơn vị trụ cột, triển khai các hợp tác liên quan đến khoa học công nghệ và văn hóa, ông mong rằng hai bên sẽ liên kết, đẩy mạnh một số lĩnh vực, bên cạnh giải trí thì các lĩnh vực khác như y dược, du lịch, khách sạn… cũng sẽ là chủ đề mà hai bên quan tâm triển khai.

Giám đốc Lê Quân đề nghị, bên cạnh các hoạt động hợp tác nghiên cứu về giáo dục nói chung, hai bên sẽ có thêm nhiều chương trình hợp tác, trao đổi sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu giảng dạy. Giám đốc ĐHQGHN mong muốn thời gian tới hai bên sẽ hợp tác mở trung tâm nghiên cứu chung tại Việt Nam về internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo… đó là một trong những lĩnh vực mà ĐH Ma Cao có thế mạnh.

Trong những năm gần đây, du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng cho việc tạo việc làm và sinh kế của người dân tại Việt Nam. Giám đốc ĐHQGHN đề xuất, trong năm tới, ĐH Ma Cao và ĐHQGHN sẽ hợp tác mở chương trình đào tạo hệ cử nhân cho ngành Quản lý Khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Thực tế tại Việt Nam cho thấy, ngành du lịch đang phát triển rất mạnh mẽ, tuy nhiên chưa đáp ứng được nguồn nhân lực có trình độ và chuyên môn cao trong lĩnh vực này, vì vậy, việc mở một chương trình đào tạo cử nhân về Quản lý du lịch nghỉ dưỡng tại ĐHQGHN, kết hợp với chương trình thực tập tại Ma Cao sẽ giúp ĐHQGHN nói riêng và Việt Nam nói chung sớm có được nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao theo chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này.

Đại diện phía ĐH Ma Cao, Giám đốc Tống Vĩnh Hoa cũng bày tỏ niềm vui mừng khi tới thăm ĐHQGHN, ngôi trường đầu tiên mà ông tới khi đến Việt Nam. Được thành lập vào năm 1981, Đại học Ma Cao là một trường đại học công lập, với nhiều sinh viên quốc tế, 80% giảng viên của trường đến từ bên ngoài Macao. Với tiếng Anh là phương tiện giảng dạy chính, trường đại học cam kết sinh viên tốt nghiệp có tính sáng tạo cao với tinh thần trách nhiệm với xã hội, tư duy toàn cầu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Giám đốc Tống Vĩnh Hoa cũng gửi gắm mong muốn, thời gian tới, cụm ba trường đại học gồm ĐH Thanh Hoa, ĐHQGHN và ĐH Ma Cao sẽ liên kết hợp tác, làm sâu đậm thêm mối quan hệ và liên kết mở các chuyên ngành đào tạo thiết thực. Giám đốc ĐH Ma Cao cũng hoàn toàn đồng ý với việc hợp tác giữa hai đại học trong lĩnh vực Du lịch và Y Dược, nhất là trong bối cảnh ĐH Ma Cao đã từng có rất nhiều những hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, với mạng lưới giảng viên, nghiên cứu sinh tại nước ngoài.

Biên bản thỏa thuận lần này giữa ĐHQGHN và ĐH Ma Cao sẽ là tiền đề để hai bên cùng nhau triển khai các hoạt động hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và phát triển hơn trong tương lai, đóng góp vào nền giáo dục đại học. Đây cũng là cơ hội để hai bên trao đổi học thuật, cán bộ, giảng viên, sinh viên giữa hai đại học, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ các ngành trọng điểm. Thỏa thuận lần này cũng sẽ tạo tiền đề để ĐHQGHN và ĐH Ma Cao chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược quốc tế hóa, thu hút nguồn lực, đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đạt trình độ tiên tiến.

ĐH Ma Cao (UM) là một trường đại học quốc tế có khuôn viên đa văn hóa và mô hình quản trị hiện đại. Tiếng Anh là phương tiện giảng dạy chính tại trường đại học. Trường đại học tuyển dụng giảng viên quốc tế, với 80% trong số họ đến từ bên ngoài Macao. Những đặc điểm quốc tế này đã thu hút sinh viên xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới, thúc đẩy một khuôn viên trường sôi động và đa văn hóa.

Các đơn vị giảng dạy của UM bao gồm Khoa Nghệ thuật và Nhân văn, Khoa Quản trị Kinh doanh, Khoa Giáo dục, Khoa Khoa học sức khỏe, Khoa Luật, Khoa Khoa học và Công nghệ, Khoa Khoa học Xã hội, Trường Cao đẳng Danh dự, Khoa Sau đại học. Các viện nghiên cứu bao gồm Viện Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Vật lý Ứng dụng và Kỹ thuật Vật liệu, Viện Khoa học Y học Trung Quốc, Viện Hợp tác Đổi mới, Viện Vi điện tử, Học viện Kinh tế và Quản lý Châu Á - Thái Bình Dương và Trung tâm Nghiên cứu Ma Cao.

UM có hơn 14.650 sinh viên. Đối với giáo dục đại học, trường đại học áp dụng mô hình giáo dục hợp tác 4 trong 1, bao gồm giáo dục theo chuyên ngành, giáo dục phổ thông, giáo dục nghiên cứu và thực tập cũng như giáo dục cộng đồng và đồng đẳng. Ở cấp độ sau đại học, UM nhấn mạnh tích hợp kiến ​​thứcđổi mới hợp tác, nhằm thúc đẩy hội nhập liên ngành, thúc đẩy nghiên cứu đổi mới, trau dồi tài năng đổi mới cho xã hội và tạo ra kết quả nghiên cứu có tác động cao.

Hiện nay, UM cung cấp hơn 120 chương trình cấp bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm văn học, ngôn ngữ, quản trị kinh doanh, tiếp thị, kế toán, tài chính, quản lý khu nghỉ dưỡng tích hợp quốc tế, khoa học , giáo dục, khoa học y sinh, luật, lịch sử, kinh tế, tâm lý học, xã hội học, truyền thông, kỹ thuật, khoa học máy tính và khoa học y học Trung Quốc.

>>> Các tin bài liên quan:

ĐHQGHN và ĐH Chicago ký biên bản thỏa thuận hợp tác

ĐHQGHN và ĐH Bắc Kinh trao đổi thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc

ĐHQGHN và ĐH Hạ Môn (Trung Quốc) ký kết hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu

 Ngọc Anh - Quốc Toản - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 393) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC