Tin tức 21:51:05 Ngày 22/01/2025 GMT+7
Chú trọng phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong giáo dục đại học
Ngày 11/12/2024, tại Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN và Trường ĐH CMC phối hợp cùng Câu lạc bộ các Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam) tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục đại học - AI4Edu”.

Hội thảo đã mang đến một bức tranh tổng quan về cơ hội và những thách thức của việc ứng dụng và giảng dạy trí tuệ nhân tạo (viết tắt là AI) tại bậc đại học. AI4Edu 2024 được bảo trợ bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Tin học Việt Nam sự đồng hành tài trợ của Tập đoàn VNPT. 

Hội thảo năm nay có sự tham gia của các diễn giả là những nhà giáo dục, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, đến từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu cũng như doanh nghiệp hàng đầu đất nước về trí tuệ nhân tạo. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam Nguyễn Thanh Thuỷ cho biết: Với hơn 150 đơn vị thành viên trải dài trên cả nước, kể từ khi thành lập, FISU Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng CNTT năng động, sáng tạo. FISU luôn nhận được sự đồng hành, chỉ đạo của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin Truyền thông và các tổ chức quốc tế, tổ chức thành công các sự kiện quan trọng với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của AI trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong giáo dục đại học. AI4Edu là một cột mốc quan trọng trong việc đánh dấu nỗ lực không ngừng của cộng đồng CNTT trong cả nước, với mục tiêu định hình ứng dụng và ảnh hưởng trí tuệ nhân tạo đến nền giáo dục trong tương lai. Hội thảo lần này cũng là một diễn đàn mở, giúp các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực CNTT có thể trao đổi các nghiên cứu, ứng dụng đạt hiệu quả trong việc đưa AI ứng dụng trong giáo dục đại học, hướng tới tầm nhìn xa hơn trong việc đổi mới giáo dục đại học. 

Hội thảo năm nay sẽ tập trung vào các nội dung chính như: Thảo luận về những tiến bộ mới nhất trong AI và các cơ hội ứng dụng trong giảng dạy và nghiên cứu; Đưa ra những mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao; Phân tích thách thức trong việc tích hợp AI vào hệ thống giáo dục, từ giảng dạy cá nhân hoá đến quản lý thông minh; Xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn để đảm bảo Việt Nam không chỉ là người sử dụng, mà còn là người sáng tạo công nghệ AI trên bản đồ thế giới. 

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định: "Tại thời điểm này đặt ra vấn đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục là rất phù hợp. Bởi đây là một vấn đề sẽ còn nhiều tranh cãi và phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác. Đây cũng đồng thời là một không gian tiềm năng, tạo ra lợi thế riêng với các nguồn dữ liệu mang tính chủ quyền của Việt Nam trong phát triển trí tuệ nhân tạo".

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết: Ông ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến của hội thảo. Với mục tiêu đưa công nghệ thông tin và AI ứng dụng trong cuộc sống, trong hơn 2 năm qua, với sự phát triển của Generative AI, nhận thức của toàn xã hội trong việc đưa AI vào cuộc sống đang ngày càng được nâng cao.  Vai trò của AI trong giáo dục đại học gồm 3 khía cạnh, bao gồm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức với mục tiêu hỗ trợ giảng dạy chuyên sâu. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để AI phát triển hơn trong giáo dục đại học là nguồn nhân lực giảng viên, chuyên gia chất lượng cao, có trình độ chuyên môn cao về AI, đồng thời, mỗi cơ sở đào tạo cần có một hạ tầng công nghệ và nguồn lực tài chính bền vững. Vai trò của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các khoa, trường, viện cần được phát huy tối đa trong việc đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho yếu tố này. Phó Giám đốc ĐHQGHN cũng nhấn mạnh, việc đưa AI vào giảng dạy không chỉ đơn thuần là bổ sung các thiết bị công nghệ, mà cần thay đổi cách thức đào tạo, áp dụng một cách có hiệu quả các công cụ khoa học công nghệ phục vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đồng thời áp dụng AI trong các lĩnh vực khác của nhà trường, bao gồm công tác quản lý, lưu trữ,…

Trí tuệ nhân tạo AI đã trở thành một trong những công nghệ quan trọng nhất của thời đại, đóng vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, tài chính, công nghiệp đến giáo dục. Vì thế, trách nhiệm của những nhà khoa học, người đào tạo thuộc lĩnh vực công nghệ cần được chú trọng đẩy mạnh hơn nữa. Cùng với đó, việc hợp tác giữa các CLB, khoa, viện, trường có chuyên ngành đào tạo về CNTT cũng sẽ tạo nên một mạng lưới hợp tác khăng khít, với mục tiêu trao đổi tri thức, hỗ trợ lẫn nhau trong việc ứng dụng AI vào quá trình dạy và học tại các cơ sở đào tạo. 

Ông cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, FISU sẽ tiên phong triển khai xây dựng bộ dữ liệu riêng biệt tại Việt Nam, tạo dựng một hạ tầng tính toán với sự hỗ trợ, góp sức từ phía các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tạo lập một mô hình với mục tiêu chia sẻ giữa Trường ĐH và doanh nghiệp. ĐHQGHN cam kết sẽ đồng hành, cùng triển khai các sáng kiến, ý tưởng của các nhà khoa học, viện nghiên cứu trong toàn ĐHQGHN, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Giáo dục & Đào tạo,…

Tại phiên tham luận, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký FISU Việt Nam Bùi Thu Lâm đã có những báo cáo đề dẫn về nhu cầu ứng dụng cũng như giảng dạy AI tại các trường ĐH ở Việt Nam với những thách thức và cơ hội mới. Theo ông, AI đã trở thành một trong những công nghệ quan trọng nhất của thời đại, đóng vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, tài chính, công nghiệp đến giáo dục. Nhu cầu ứng dụng AI trong giáo dục, nhất là giáo dục đại học ngày càng tăng, đặc biệt sau sự bùng nổ của giáo dục trực tuyến trong đại dịch Covid19.

AI trong giáo dục hiện đang tập trung vào một số ứng dụng chính như: Cá nhân hóa học tập; Hỗ trợ quản lý hành chính; Tự động hoá đánh giá và phản hồi. Tại Việt Nam, mặc dù AI chưa được ứng dụng rộng rãi ở tất cả các trường ĐH, nhưng nhiều cơ sở giáo dục lớn đã bắt đầu tích hợp công nghệ này vào chương trình dạy. Tuy nhiên, những thách thức về khung pháp lý, hay hạ tầng công nghệ và nguồn tài chính hạn chế, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đã khiến công tác áp dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào đào tạo, giảng dạy trở nên khó khăn hơn. PGS.TS Bùi Thu Lâm cũng đã chia sẻ một số chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các thế mạnh giúp cải thiện vấn đề này. 

Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra Tọa đàm với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường đại học giữa các chuyên gia, nhà khoa học bao gồm: Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Đặng Văn Huấn; Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam Nguyễn Thanh Thủy; Phó Tổng giám đốc tập đoàn VNPT Ngô Diên Hy; Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN Chử Đức Trình; Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT, ĐHQG TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Tú Anh; Phó Hiệu trưởng Trường ĐH CMC Nguyễn Thanh Tùng; Trưởng ban Đào tạo, ĐH Bách Khoa Hà Nội Nguyễn Thanh Hùng; Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN Trần Quốc Long.

Theo Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, được ban hành năm 2021, đã vạch ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về AI ở Đông Nam Á và toàn cầu vào năm 2030. Các diễn giả khẳng định, sự kết hợp giữa công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI và các vấn đề khoa học, học thuật sẽ tạo ra những tiềm năng rất lớn cho sinh viên, học viên có thể tiếp cận những cơ hội mới trong quá trình phát triển nghề nghiệp, cho các nhà nghiên cứu trong việc sáng tạo và hợp tác học thuật, hướng tới sản phẩm công bố quốc tế có thứ hạng cao trên thế giới.

Hội thảo mang ý nghĩa quan trọng khi đưa ra những phương hướng và chiến lược liên quan tới nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI để cải thiện chất lượng giáo dục đại học, tập trung vào việc xây dựng năng lực AI cho sinh viên và giảng viên, tối ưu hóa quy trình giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục, hướng đến một hệ sinh thái giáo dục đổi mới và hiệu quả hơn.

Một số hình ảnh tại Hội nghị: 

>>> Các tin bài liên quan:

Khẳng định vai trò nòng cột của giáo dục đại học Việt Nam

Nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Tiên phong đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên thông minh

 Ngọc Anh - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 395) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC