Tin tức  Tin tức chung 14:33:41 Ngày 16/04/2024 GMT+7
10 thành tựu nổi bật của ĐHQGHN năm 2011
1. Các công trình KHCN được ghi nhận
- 2 giải thưởng Hồ Chí Minh, 3 giải thưởng Nhà nước đã được Hội đồng cấp Nhà nước bỏ phiếu thông qua.
- 4 giải thưởng cấp ĐHQGHN.
- Giải thưởng Bảo Sơn.
Ngày 14/12/2011, lần đầu tiên Giải thưởng Bảo Sơn vì sự nghiệp phát triển kinh tế bền vững đã được trao cho Dự án “Điều tra, đánh giá, thống kê, quy hoạch các khu bảo tồn vùng đất ngập nước có ý nghĩa quốc tế, quốc gia”, do nhóm tác giả các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Địa chất, Địa lý, Môi trường, Sinh học, ĐHQGHN hợp tác với Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên môi trường thực hiện trong thời gian 3 năm từ 2005 - 2007. Đây là giải thưởng của Quỹ Bảo Sơn dành cho các công trình khoa học – công nghệ xuất sắc, có giá trị học thuật cao, thể hiện rõ tính mới, tính sáng tạo và tính ứng dụng thực tiễn về các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, văn học nghệ thuật và y học.
2. Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011 (Tiếng Việt, tiếng Anh)
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm khoa học chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN thực hiện. Công trình nghiên cứu này bắt đầu được thực hiện từ năm 2009 và được công bố dưới dạng một chuỗi các báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn của năm trước, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời.
Tiếp nối thành công của những năm trước, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011 ra đời trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chứa đựng nhiều diễn biến phức tạp, đi liền với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Với tựa đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường”, Báo cáo năm 2011 đề cập đến một loạt vấn đề trọng yếu mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt khi bước vào một thập niên mới.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011 bao gồm 9 chương và 2 phụ lục.
3. Dự án nghiên cứu, chế tạo Biodiezen thành công, đang sử dụng thí điểm tại Vịnh Hạ Long
ĐHQGHN hợp tác với khoa Công nghệ hóa học, Đại học Osaka Prefecture (Nhật Bản) đã xây dựng được công nghệ mới hiệu quả kinh tế cao sản xuất Biodiesel từ các loại dầu mỡ thực vật và động vật phi thực phẩm có độ chuyển hóa trên 98%. So với quy trình hiện có, quy trình công nghệ mới đã tạo được sự đột phá: thời gian ngắn, nhiệt độ thấp, tiết kiệm năng lượng, chất thải ít. Chất lượng Biodiesel sản xuất được đáp ứng hoàn toàn tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản (JIS K2390), tiêu chuẩn Hội đồng châu Âu (EN 14214) và tiêu chuẩn Mỹ ASTM D 6751 – 06.
4. Khởi động và thành công bước đầu mô hình 1+a của Nhiệm vụ chiến lược
Tổ chức đào tạo chương trình đạt chuẩn quốc tế trong Nhiệm vụ chiến lược theo mô hình đào tạo (1+a) trên cơ sở liên thông, liên kết sâu rộng và hợp tác toàn diện giữa các đơn vị, phát huy cao độ thế mạnh đặc thù của từng đơn vị, phát triển tầm nhìn, năng lực tổng hợp liên ngành, tinh thần cộng đồng cho giảng viên, cán bộ và người học. Theo mô hình này, “1” có nghĩa là năm thứ nhất chương trình đạt chuẩn quốc tế sinh viên được học tập và quản lý tập trung tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN; “a” là số năm còn lại sinh viên được học tập và quản lý tập trung tại các đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế. Đối với chương trình đào tạo cử nhân khoa học, “a” tối đa là 3,5 năm; đối với các ngành học khác sẽ được xác định phù hợp với yêu cầu đào tạo đạt chuẩn quốc tế của ngành. Mô hình này đã được thực hiện năm đầu tiên cho khóa QH 2010 và đã chứng minh được ưu thế nổi bật. Hiện nay các sinh viên đã được chuyển về học tại các trường có chương trình đạt chuẩn quốc tế và Trường Đại học Ngoại ngữ đã tiếp nhận, quản lý, đào tạo cho sinh viên năm thứ nhất QH 2011.
5. Ban hành quy chế đào tạo sau đại học; Quy định về Nhiệm vụ chiến lược   
- Quy chế đào tạo sau đại học: Do yêu cầu của giai đoạn II áp dụng các yếu tố của phương thức đào tạo theo tín chỉ, ngày 25/5/2011, Giám đốc ĐHQGHN đã kí Quyết định số 1555/QĐ-ĐHQGHN ban hành Quy chế đào tạo Sau đại học ở ĐHQGHN, thay thế cho Quy chế 3810/KHCN ban hành ngày 10/10/2007. Quy chế mới năm 2011 gồm 13 chương với 71 điều tập trung vào những nội dung sau: Chương trình đào tạo; Tuyển sinh; Tổ chức đào tạo; Tiểu luận thạc sĩ, luận văn, luận án; Công nhận học vị và cấp bằng; Nghĩa vụ và quyền lợi của giảng viên, của người học; Tài chính cho đào tạo; Kiểm định chất lượng và công khai điều kiện đảm bảo chất lượng; Thanh tra, kiểm tra và giải quyết các vi phạm... Quy chế này đã tích hợp các quy định quản lý các hoạt động đào tạo, kiểm định chất lượng và công khai hóa với tư tưởng chủ đạo của ĐHQGHN là nâng cao chất lượng và hiệu quả theo chuẩn đầu ra, đẩy mạnh liên thông liên kết, tổ chức đào tạo theo phương thức tín chỉ.
- Quy định về Nhiệm vụ chiến lược: Quy định về xây dựng và phát triển ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế (theo Quyết định số 3599/QĐ-ĐHQGHN, ngày 5/12/2011 của Giám đốc ĐHQGHN). Đây là sản phẩm có tính chất đột phá, tập trung được trí tuệ của lãnh đạo quản lý các cấp, các đoàn thể của ĐHQGHN, quản lý giảng viên và người học thuộc các đề án thành phần Nhiệm vụ chiến lược. Xuất phát từ thực tiễn triển khai các đề án thành phần Nhiệm vụ chiến lược, Quy định tạm thời về việc xây dựng và phát triển một số ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế (theo Quyết đinh số 1022/QĐ-ĐHQGHN, 5/3/2011 của Giám đốc ĐHQGHN) có nhiều bất cập, yêu cầu phải ban hành nhiều văn bản bổ sung, hướng dẫn, chỉ đạo gây lúng túng cho Ban chỉ đạo cũng như các đơn vị trong việc thực hiện. Quy định mới ban hành tích hợp tất cả các văn bản liên quan đã ban hành, đồng thời bổ sung, điều chỉnh và thống nhất một số nội dung theo hướng hợp lý hóa, tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả Nhiệm vụ chiến lược theo lộ trình thích hợp, khả thi. Quy định mới ra đời sẽ thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng và phát triển các ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế trong chiến lược phát triển ĐHQGHN.  
6. Hoàn thiện thêm cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN
Với mục đích từng bước hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, trong thời gian qua, ĐHQGHN đã thành lập một số đơn vị trực thuộc mới như: Trung tâm Nhân lực Quốc tế; IFI - khai giảng khóa đầu tiên; Khoa Y - Dược; Trung tâm Năng lượng và Công nghệ nano; Trung tâm Phát triển ĐHQGHN; Trung tâm Hợp tác và chuyển giao tri thức.
7. Phát triển tài nguyên số đạt chuẩn top 10% các đai học tiên tiến thế giới
Lần đầu tiên hệ thống tài nguyên số được xây dựng theo chuẩn quốc tế bao gồm 8 Dspace thành phần của chung ĐHQGHN (tainguyenso.vnu.edu.vn); 6 trường đại học thành viên: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (data.hus.vnu.edu.vn), Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (lib.ussh.vnu.edu.vn), Trường đại học Ngoại ngữ (data.ulis.vnu.edu.vn), Trường đại học Công nghệ (data.uet.vnu.edu.vn), Trường đại học Kinh tế (dl.ueb.vnu.edu.vn), Trường đại học Giáo dục (tainguyenso.education.vnu.edu.vn) và Trung tâm Thông tin thư viện (lic.vnu.edu.vn:8086/spui). Hệ thống dữ liệu các file pdf và doc tăng 15 lần (từ 3.600 lên 51.000 files). Số lượng thư tịch khoa học ghi nhận bởi Google Scholar tăng 50 lần (từ 225 lên 10.800 files), tương đương số lượng thư tịch khoa học của Đại học Quốc gia Singapore. Kho tài nguyên này góp phần phản ánh đúng kết quả hoạt động học thuật của ĐHQGHN trong không gian số, từng bước xây dựng ĐHQGHN theo định hướng đại học số hoá.
8. Phát triển các dự án quốc tế có quy mô lớn
Lễ kí kết biên bản hợp tác giữa ĐHQGHN và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong việc thực hiện Dự án “Phương pháp đa lợi ích nhằm giảm biến đổi khí hậu ở Việt Nam và các nước Đông Dương thông qua phát triển năng lượng sinh khối". Đây là dự án trong khuôn khổ của Hiệp định về hợp tác kỹ thuật giữa Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ trong tài khóa 2011. Mục tiêu tổng quát của Dự án này là phát triển nhiên liệu sinh học, cải tạo đất, góp phần giảm thiểu khí nhà kính, giảm thiểu biến đổi khí hậu để góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam và các nước Đông Dương thông qua việc trồng cây lấy dầu sản xuất nhiên liệu sinh học.
9. ĐHQGHN đạt giải nhì khối thi đua Bộ, ngành Trung ương
Ngày 8/6/2011, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Tại buổi lễ, Chính phủ đã trao Cờ thi đua cho một số bộ, ngành và địa phương đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua toàn quốc 2010. Tổng số giải thưởng gồm 17 giải nhất, 19 giải nhì, 22 giải ba cho các tập thể, cá nhân. Giám đốc ĐHQGHN đã nhận Cờ Thi đua của Chính phủ tặng cho ĐHQGHN - đơn vị đạt giải Nhì trong phong trào thi đua toàn quốc năm 2010 do Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan trao tặng. Đây là sự ghi nhận những thành tựu ĐHQGHN đã đạt được trong các lĩnh vực công tác, đồng thời đã hoàn thành xuất sắc vai trò Khối trưởng Khối thi đua các bộ, ngành Khoa học - Văn hóa - Xã hội.
10. Lần đầu tiên 4 lĩnh vực khoa học - công nghệ của ĐHQGHN được xếp vào top 200 trường đại học tiên tiến châu Á
Ngày 23/5/2011, Bảng xếp hạng QS của các trường đại học châu Á đã được công bố.   Đứng đầu Bảng xếp hạng là Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. Đặc biệt, lần đầu tiên 4 lĩnh vực của ĐHQGHN lọt vào nhóm 200 các trường đại học châu Á bao gồm: Khoa học tự nhiên - Natural Sciences (xếp thứ 146), Kỹ thuật và Công nghệ - Engineering & Technology (xếp thứ 147), Khoa học Xã hội và Quản lý - Social Sciences & Management (xếp thứ 157), Khoa học Sự sống và Y sinh - Life Sciences & Medicine (xếp thứ 173). Qua đó, ĐHQGHN vẫn tiếp tục khẳng định vị trí số 1 trong hệ thống giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Việt Nam.

 

 VNU Media - Bản tin ĐHQGHN số 250 - 251 (1/2012)
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC