Nhân dịp đầu xuân, Báo GD&TD xin gửi tới bạn đọc những suy nghĩ của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định xây dựng Đại học Quốc gia ở nước ta.
PV: Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập đến nay đã được hơn 10 năm và đã đạt được những thành tựu nhất định. Xin Nguyên Thủ tướng cho biết chủ trương của Chính phủ khi quyết định thành lập Đại học Quốc gia thời điểm đó.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Bất cứ một chủ trương nào mà cầm chắc gọi là đúng thì cũng phải có thời gian kiểm nghiệm. Quyết định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã được hơn 10 năm. Tới nay, nói chung chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định đó là chủ trương đúng. Bởi lẽ nước ta trong tiến trình đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hóa, hội nhập khu vực và thế giới, thì điều quan trọng hàng đầu là đào tạo con người, xây dựng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức trẻ có tâm và tài, đủ năng lực bắt kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến. Khi cân nhắc, lượng sức mình thì thấy không có cách nào khác hơn là chọn một số trường mũi nhọn để nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện còn khó khăn đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển. Chính vì thế, sau khi lấy ý kiến của các nhà khoa học, giáo dục có uy tín, lúc bấy giờ Chính phủ quyết định thành lập hai đại học là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ở hai trung tâm kinh tế , chính trị, xã hội lớn của đất nước, tạo cho mỗi trường một số điều kiện thuận lợi và trao cho mỗi trường một quy chế tự chủ rộng rãi.
|
|
Chủ trương đúng cần phải có con người thực hiện. Lúc bấy giờ chúng tôi rất mừng là các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhất trí ngay với chủ trương đó. Các nhà khoa học tên tuổi như GS. Nguyễn Văn Hiệu, GS. Nguyễn Văn Đạo và một số chuyên gia về đào tạo cũng lên tiếng ủng hộ . Đi kèm với đó là một đội ngũ tâm huyết , khi đó là GS. Nguyễn Văn Đạo, rồi kế tiếp là GS. Đào Trọng Thi và một số cán bộ quản lý và giảng dạy đã hết lòng thực hiện chủ trương này. Đến nay, từ hai Đại học Quốc gia, chúng ta có thể rút được nhiều kinh nghiệm về cơ chế quản lý, về nội dung và phương pháp đào tạo, về quan hệ đối ngoại của trường. Đó là điều đáng quý .
Tôi là người có tham gia trong chủ trương ấy, rất muốn cám ơn những người đã ủng hộ và những người trực tiếp tổ chức thực hiện. Ra quyết định đúng nhưng chưa phải là đủ, phải có những người tổ chức thực hiện, đó mới là cái quyết định.
PV: Là người có vai trò quan trọng đối với sự ra đời của ĐHQGHN từ khi còn giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, cho đến nay, đồng chí luôn quan tâm theo dõi, góp ý kiến xây dựng để ĐHQGHN lớn mạnh theo như mong muốn của mình. Vậy xin đồng chí cho biết suy nghĩ của mình về ĐHQGHN hiện nay và trong tương lai.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Qua theo dõi, điều đáng mừng như tôi nói ở trên, các anh các chị ở ĐHQGHN đã có một bước phấn đấu rất lớn trong điều kiện xây dựng ban đầu. Với quy mô của một đại học quốc gia thì điều kiện cơ sở vật chất như thế còn quá khiêm tốn, hoàn toàn chưa đủ. Lẽ ra chúng ta phải đầu tư xây dựng ĐHQGHN ở Hoà Lạc sớm hơn. Đến nay tiếc là tiến độ còn chậm. Nếu trong vòng 10 năm tới, chúng ta có thể xây dựng hoàn thiện ĐHQGHN trên diện tích đã được quy hoạch ở Hoà Lạc thì rất tốt. Chính đó mới xứng với tầm cỡ, đúng với ý nghĩa của Đại học Quốc gia Hà Nội, một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của Thủ đô và cả nước. Cơ chế tự chủ phải phù hợp với một đại học lớn, tầm cỡ như thế. Nhiều trường đại học của các nước xung quanh ta, chưa nói là một trường đại học danh tiếng, đều đã thực hiện như vậy. Điều này cho thấy rõ việc xây dựng cơ chế tự chủ cho đại học quốc gia, cũng như cơ chế tự chủ cho các trường đại học khác, kể cả dân lập cần được đẩy mạnh hơn.
Sau hơn 10 năm hoạt động, ở ĐHQGHN chất lượng giảng dạy được nâng cao, sinh viên được chủ động hơn trong tiếp thu các phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học mới. Cán bộ, giảng viên có điều kiện hơn trong việc giao lưu, quan hệ quốc tế với các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Nhưng để đáp ứng yêu cầu của đất nước, ĐHQGHN cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Đây không phải là một mong muốn duy ý chí của riêng ai, mà là mong muốn chung của nền giáo dục quốc gia. Nếu nhìn ra thế giới có thể thấy, người ta đã đi trước mình nhiều rồi. Những kinh nghiệm tiên tiến của thế giới có thể vận dụng sáng tạo phù hớp với nước ta, không đòi hỏi quá nhiều về đầu tư các mặt, kể cả tiền vốn. Tôi cho rằng, ĐHQGHN nói riêng và nền đại học của chúng ta nói chung, biết phát huy đội ngũ thầy giáo và sinh viên, các cơ sở vật chất, các điều kiện học tập, nghiên cứu khoa học với ý chí vươn lên không ngừng, chắc chắn sẽ đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có đủ năng lực đuổi kịp với thế giới. Các trường đại học của nước ta sẽ bắt kịp trường đại học lớn ở nước ngoài, ít nhất là như trong khu vực.
|
|
PV: Trong điều kiện hiện nay, Nguyên Thủ tướng có ý kiến gì về những việc cần làm đối với Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Tôi nghĩ có một số yêu cầu đối với ĐHQGHN trong những năm tới, đặc biệt là giai đoạn 2006-2010. ĐHQGHN cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy đủ tầm cỡ, có thể tiếp cận ngay trình độ và mức độ đào tạo ngang bằng với các nước trong khu vực ASEAN. Đối với cán bộ giảng dạy, không phải như cán bộ quản lý hành chính, vấn đề tuổi tác không thành vấn đề. Chúng ta có thể mời nhiều cán bộ trẻ được học tập có bài bản, được tiếp cận với các nền khoa học tiên tiến trên thế giới đang học tập, nghiên cứu, giảng dạy và làm việc ở nước ngoài cùng tham gia. Nhiều anh em người Việt đang giảng dạy tại các trường đại học lớn của các quốc gia trên thế giới: Pháp, Mỹ, Đức..v.v. đều sẵn lòng hợp tác xây dựng nền giáo dục Việt Nam. Nếu tập hợp những người này, cùng với những chuyên gia có kinh nghiệm giảng dạy, những nhà giáo dục có uy tín trong nước đến giảng dạy tại ĐHQGHN, thì chắc chắn chất lượng và uy tín sẽ được tăng thêm . Có thể nói, trong thế giới ngày nay, con người, trí tuệ, khả năng gần như là của chung. Nếu có yêu cầu, chúng ta có thể huy động được những người giỏi và giàu tâm huyết, vấn đề là có dám nghĩ và dám làm hay không.
Có đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy rồi thì phải có điều kiện vật chất cần thiết để cho người ta làm việc, vì vậy, tiếp theo, cần tập trung đầu tư thích đáng để sớm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của ĐHQGHN đúng tầm của nó. Đó là một cơ sở đào tạo mới, với một diện tích hợp lý. Điều đó, tự thân các đại học quốc gia không thể giải quyết được, mà phải coi đó như một công trình trọng điểm cũng như các công trình trọng điểm khác của đất nước giai đoạn 2006 – 2010. Nhà nước phải có sự quan tâm đặc biệt để có sự đầu tư thích đáng, xem đây là sự đầu tư cho con người, nhân tố quyết định của sự phát triển đất nước trong bất cứ giai đoạn nào của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là trong giai đoạn của sự phát triển trong thời đại của nền kinh tế tri thức và nền văn minh trí tuệ thế kỷ XXI.
Tôi có mấy suy nghĩ đối với ĐHQGHN mà tôi tin rằng, nếu nói trong tầm tay thì nghe dễ dàng quá, nhưng quả thật không nằm ngoài khả năng của mình. Một lần nữa tôi xin nhắc lại, nếu bản thân ĐHQGHN phấn đấu quyết liệt để vươn lên, và các cấp quản lý coi Đại học Quốc gia là một công trình trọng điểm cấp quốc gia thì năm 2010 chúng ta có một Đại học Quốc gia đúng tầm ở Thủ đô Hà Nội.
PV:Xin cám ơn nguyên Thủ tướng .
|