Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX,
Huân chương Sao vàng,
Huy hiệu 60 năm tuổi đảng,
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tân tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 7 giờ 40 phút, ngày 11 – 6 – 2008, thọ 86 tuổi.
Đồng chí Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23 – 11 – 1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, hoạt động trong phòng trào Thanh niên phản đế.
Hoạt động cách mạng liên tục 70 năm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đồng chí Võ Văn Kiệt có vai trò và ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành, xây dựng và phát triển hai Đại học Quốc gia - đại học có quyền chủ động cao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy.
Để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Võ Văn Kiệt, Website Đại học Quốc gia Hà Nội xin trân trọng giới thiệu bài viết của cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo – nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về nhà lãnh đạo xuất sắc Võ Văn Kiệt:
Viết về một nhà lãnh đạo đã từng đảm nhiệm những trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước như đồng chí Võ Văn Kiệt là một việc rất khó, bởi tính da dạng và phức tạp của những công việc mà đồng chí đảm nhiệm, từ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng đến đối ngoại... ở đây, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một khía cạnh nhỏ trong công tác lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt mà chúng tôi được trực tiếp chứng kiến - công tác giáo dục đại học - thể hiện tầm nhìn, trí tuệ và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo.
Việc nhìn lại và đánh giá những cống hiến của đồng chí Võ Văn Kiệt ở thời điểm này chắc chắn là dễ khách quan, trung thực hơn, vì đồng chí không còn giữ bất cứ cương vị gì trong bộ máy của Nhà nước và Đảng. Tuy nhiên, trong bài viết này chúng tôi vẫn gọi đồng chí là Thủ tướng, vì trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình thì những năm ở cương vị Thủ tướng Chính phủ đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người dân Việt Nam và bè bạn quốc tế. Trong con mắt và trái tim của chúng tôi, Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo xuất sắc, một Thủ tướng tiêu biểu cho tầm nhìn, trí tuệ và phong cách lãnh đạo mới. Trí tuệ của Thủ tướng, một phần do bẩm sinh, nhưng quan trọng hơn là Thủ tướng đã biết tập hợp, khai thác trí tuệ của các chuyên gia, của tập thể, biết phân biệt đúng sai, phải trái trong muôn vàn ý kiến khác nhau đó để cuối cùng trở thành chủ trương đúng đắn của mình. Có chủ trương rồi, Thủ tướng đã thể hiện lòng dũng cảm, bản lĩnh cao cường để thực hiện cho bằng được cái chủ trương đó, đặc biệt là khi nó được đưa ra trong bối cảnh còn có những ý kiến trái ngược nhau. Và cuối cùng, tất cả những nỗ lực của Thủ tướng đã được thể hiện bằng hiệu quả của việc làm, đưa lại lợi ích cho dân, cho nước.
|
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các Phó thủ tướng: Phan Văn Khải, Nguyễn Khánh, Trần Đức Lương họp bàn về quy hoạch chung chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây trong đó có khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh chụp năm 1995) |
Một trong những thành tựu đáng kể của giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây là sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của Đại học Quốc gia Hà Nội - một đại học có quyền chủ động cao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy.
Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học có thể so sánh như một thứ “Khoán 10” trong giáo dục đại học. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng, phù hợp với quy luật phát triển đại học trên thế giới, đặc biệt là trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão - “một ngày bằng hai mươi năm”. Khi trao đổi với các nhà khoa học giáo dục nước ngoài, đặc biệt là các nước có nền giáo dục tiên tiến như Nga, Mỹ, Nhật, Pháp, Anh..., về ý tưởng, mô hình tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi đều nhận được sự tán đồng và sự hợp tác nhiệt tình vì chỉ với mô hình đại học có quyền tự chủ cao như Đại học Quốc gia Hà Nội, trường đại học mới có thể phát triển nhanh, đạt chất lượng cao, mới theo kịp trình độ đại học của các nước phát triển.
Dưới đây, qua việc trình bày ý kiến về giáo dục đại học và Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi muốn phản ánh những suy nghĩ và tầm nhìn chiến lược của đồng chí Võ Văn Kiệt về các vấn đề này.
|
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một buổi làm việc tại ĐHQGHN |
Những năm trước đây, các trường đại học của nước ta mặc dầu đã có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng giành độc lập tự do và thống nhất đất nước, cho công cuộc xây dựng nền kinh tế và phát triển xã hội, song do cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp nên việc quản lý các trường đại học quá chặt chẽ, kém hiệu quả, không phát huy được tính chủ động sáng tạo của cơ sở đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, yêu cầu nhân lực có trình độ đại học thay đổi, đòi hỏi sự trang bị kiến thức rộng, dễ dịch chuyển nghề, thông thạo ngoại ngữ, tin học... Do vậy, việc tổ chức, quản lý đào tạo theo kiểu cũ không còn thích hợp nữa.
Mỗi trường đại học là một trung tâm trí tuệ. Nếu khơi dậy được tiềm năng này thì trường đại học sẽ phát triển mạnh. Mỗi trường đại học có đặc thù riêng. Các trường đại học phải năng động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, đặc biệt là trong điều kiện hạn hẹp của các nguồn nhân lực và tài chính của Nhà nước. Các trường đại học phải đua tranh nhau phát triển, nâng cao uy tín của trường mình trong xã hội bằng chất lượng đào tạo. Do vậy, việc phát huy cao độ quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học là biện pháp hàng đầu để phát triển nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo. Đây chính là “Khoán 10” trong giáo dục đại học. Vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất lớn và quan trọng. Song Bộ không nên làm thay chức năng của các trường đại học. Chỉ có như vậy, nền giáo dục đại học của nước ta mới phát triển nhanh, có chất lượng cao. Quá trình chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đòi hỏi phải có phương thức quản lý, đảm bảo tính năng động, sáng tạo của những tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ trong hành lang pháp luật. Điều này được thể hiện rất rõ trong lĩnh vực kinh tế. Những khái niệm về các tổ chức sản xuất, kinh doanh “trực thuộc bộ”, “bộ chủ quan” đã tỏ ra lỗi thời, cản trở sản xuất phát triển. Thay vì sản xuất theo chỉ tiêu kế hoạch do Bộ giao trước kia, xí nghiệp phải tự tìm hiểu nhu cầu của thị trường, phải tự tổ chức sản xuất với chất lượng do người tiêu dùng yêu cầu, tiêu thụ được sản phẩm và phải tự đảm bảo doanh thu để giải quyết đời sống cho cán bộ, công nhân viên của xí nghiệp và phát triển sản xuất. Chính vì vậy, mà Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra biện pháp quan trọng: “Chấm dứt sự can thiệp trực tiếp của bộ quản lý ngành và các bộ chức năng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên”. Tình hình này cũng đúng trong lĩnh vực giáo dục.
Ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải là một bộ phận tiên tiến nhất của xã hội, phải nhạy cảm nhất và đi đầu trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Tiếc rằng, cho đến nay chúng ta vẫn đang trong trạng thái trì trệ, những vấn đề lớn về quản lý đại học về cơ bản vẫn theo cách cũ, từ thời bao cấp. Các trường đại học vẫn còn chịu bó tay trước nhiều việc cần làm và có khả năng làm. Giáo dục nước ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
|
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với cán bộ và sinh viên ĐHQGHN |
Chủ trương tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới trường dại học và cao đẳng, xây dựng các Đại học Quốc gia, đã được đặt ra từ lâu (Quyết định 73/HĐBT) và được làm nhiều lần, ở nhiều cấp, nhưng trong một thời gian dài không triển khai được. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đại học Quốc gia với những ý tưởng mới về một nền giáo dục đại học. Sự ra đời của hai Đại học Quốc gia là mốc đổi mới sâu sắc trong cơ cấu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện loại trường đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Việc xây dựng ĐHQG nhằm mục tiêu để Việt Nam ta nhanh chóng có những trung tâm đại học mạnh, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các đại học Quốc gia được xây dựng sẽ có tác dụng thúc đẩy đối với toàn bộ hệ thống đại học của nước ta.
Về cơ cấu, Đại học Quốc gia là một trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Ưu điểm nổi bật nhất của đại học đa ngành, đa lĩnh vực là sự hỗ trợ mạnh mẽ giữa các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo khác nhau, cùng nhau sử dụng chung đội ngũ cán bộ, sử dụng chung các trang thiết bị, phương tiện giảng dạy và do vậy nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác đào tạo đại học cũng như nghiên cứu khoa học. Xây dựng các đại học đa ngành, đa lĩnh vực là cách làm phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Cần có một cơ chế tự chủ để một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực phát huy được năng lực sáng tạo của mình trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục.
Xét về mặt tổ chức, ĐHQG là cấp trên trực tiếp của các trường thành viên. Không nên biến ĐHQG thành một cấp hành chính trung gian giữa các trường thành viên và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Muốn vậy, phải xoá bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với ĐHQG, bởi vì nếu ĐHQG có bộ chủ quản thì đương nhiên nó trở thành cấp trung gian cồng kềnh giữa Bộ và các trường thành viên khác.
Các nhiệm vụ cơ bản được đặt ra đối với ĐHQG Hà Nội rất lớn: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở trình độ đại học và trên đại học. Đặc biệt chú trọng đào tạo nhân tài trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ mũi nhọn và giáo dục. Tiến hành nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu các vấn đề khoa học công nghệ mũi nhọn, thẩm định về mặt khoa học và công nghệ các dự án, công trình lớn cấp quốc gia, góp phần đưa những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sản xuất và đời sống, gắn bó chặt chẽ giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 10/12/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt dã ký Nghị định thành lập ĐHQGHN. Tiếp theo đó là thời gian hoàn thiện ý tưởng và mô hình ĐHQG, thể hiện trong văn bản quy chế đầu tiên của ĐHQGHN được ban hành vào ngày 5/9/1994. Quy chế này đã phản ánh khá đầy đủ những ý tưởng chiến lược của Thủ tướng về giáo dục đại học.
Tư tưởng đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục đại học như đã nói ở trên đã gặp không ít khó khăn khi thực hiện ở trong ngành cũng như ở bên ngoài, do nhận thức, do thói quen và cả do lợi ích cục bộ nữa. Mặc dù vậy, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đưa ra những ý kiến quyết định vào các thời điểm khó khăn nhất đối với ĐHQGHN. Đồng chí trước sau như một vẫn kiên quyết chỉ đạo việc xây dựng ĐHQGHN theo tinh thần đổi mới đã đề ra và đã đạt được thành công to lớn.
Nhờ được quyền tự chủ cao và được tạo điều kiện thuận lợi, ĐHQGHN đã phát triển vượt bậc, nâng cao chất lượng mọi mặt công tác, đã mở ra những ngành đào tạo mới, mở hệ đào tạo cử nhân tài năng, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển công tác nghiên cứu khoa học, tăng nhanh cơ sở vật chất và trang thiết bị. Học sinh của ĐHQGHN đã đạt được nhiều giải cao trong các kỳ thi Toán, Lý, Tin, Vật lý, Hoá quốc tế, đem lại niềm vinh quang và tự hào cho Tổ quốc. So với năm đầu mới thành lập, ngày nay kinh phí cho hoạt động khoa học đã tăng gấp 20 lần, số diện tích lớp học, nơi làm việc, ký túc xá xây mới bằng tổng diện tích đã xây được trong 50 năm trước đó...
Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất của ĐHQG cho đàng hoàng, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc. Đích thân Thủ tướng đã đi tìm địa điểm để xây dựng ĐHQGHN. Cán bộ và sinh viên của ĐHQGHN rất xúc động khi được biết rằng vào một ngày chủ nhật Thủ tướng đã đi thị sát các địa điểm có thể xây dựng ĐHQGHN. Đến một nơi, do không được thông báo trước nên cổng thường trực không mở. Thế là Thủ tướng và cả đoàn tuỳ tùng đã phải leo qua hàng rào để vào tận nơi quan sát khu đất và ngày nay khu đất ấy đã được xây dựng thành trung tâm điều hành khang trang của ĐHQGHN, nơi đã đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhiều nguyên thủ các quốc gia. Sau nhiều ngày suy tính về tương lai của một đại học lớn, Thủ tướng đã quyết định dành cho ĐHQGHN một khu đất đẹp, rộng trên 1000ha tại Hòa Lạc. Khi đó có những cán bộ thắc mắc sao lại đi xa vậy? Song bây giờ mọi người đều nhận ra sự sáng suốt của việc lựa chọn địa điểm này: ĐHQG phải có môi trường sinh hoạt rộng thoáng, phải đáp ứng cho nhu cầu phát triển của cả trăm năm sau, xứng đáng là một đại học lớn trong khu vực và trên thế giới. Ngày nay, nhờ việc mở ra con đường cao tốc Láng - Hòa Lạc (cũng do Thủ tướng chủ trương) mà cả phía Tây của Hà Nội đang phát triển mạnh và thời gian đi từ Hà Nội đến Hoà Lạc chỉ còn 30 phút, nghĩa là còn nhanh hơn đi trong nội thành vào những giờ cao điểm. Việc hình thành quyết định này một phần là do Thủ tướng đã quan sát kỹ các trường đại học lớn ở các nước mà Thủ tướng đã đi thăm. Tôi còn nhớ, Thủ tướng đã có ấn tượng rất mạnh sau khi đi thăm một khu đại học lớn ở Mianma với thời gian xây dựng chỉ có 3 năm. Sau đó, Thủ tướng đã chỉ thị cho chúng tôi sang nghiên cứu kinh nghiệm của nơi này.
Nói đến con đường Láng - Hoà Lạc để phát triển miền Tây Hà Nội, thiết tưởng cũng nên nhắc đến con đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài (cũng được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Nhớ lại thủa nào, việc đi về giữa sân bay Nội Bài và Hà Nội là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người Việt Nam và người nước ngoài. Thời gian đi từ Nội Bài đến Hà Nội có khi phải mất đến 2 giờ. Có lần, khi chia tay với chúng tôi rời nước bạn để về Hà Nội, người ta chúc chúng tôi không bị tắc đường trên cầu Long Biên. Ngày nay, ai có việc phải đi máy bay thì hoàn toàn có thể yên tâm, chỉ cần 30 phút từ Hà Nội đến sân bay Nội Bài theo con đường cao tốc Thăng Long.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người rất cương quyết khi chỉ đạo thực hiện, xong cũng là người lãnh đạo biết lắng nghe, gần gũi cán bộ dưới quyền mình.
Đồng chí đã nhiều lần gặp gỡ cán bộ khoa học, giúp tháo gỡ những khó khăn mà họ đang gặp, động viên họ hoàn thành nhiệm vụ. Về tác phong này của các đồng chí lãnh đạo, tôi thích nhắc đến câu chuyện do chính Viện sĩ Trần Đại Nghĩa kể lại: Mỗi lần gọi điện xin gặp Bác Hồ, anh Nghĩa đều phải chuẩn bị sẵn ô tô và người lái xe, bởi vì nếu không bận việc thường Bác Hồ cho anh Nghĩa đến gặp Bác ngay tức khắc.
Chỉ ít ngày sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt bổ nhiệm tôi giữ chức vụ Giám đốc của ĐHQGHN, Thủ tướng đã tiếp tôi tại Văn phòng Chính phủ, vào lúc 17 giờ của một ngày làm việc, ngày 30/5/1994, đúng như đã hẹn, mặc dù đồng chí đang chủ trì cuộc họp của Thường vụ Chính phủ. Sau này, tôi đã có nhiều lần được làm việc với đồng chí Thủ tướng và lần nào đồng chí cũng rất đúng hẹn. Điều này gây cho chúng tôi ấn tượng tốt rằng mình được tôn trọng. Được tiếp xúc với đồng chí, chúng tôi cảm thấy mình sáng hơn về nhận thức, cao hơn về quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và học hỏi được nhiều hơn về công tác lãnh đạo.
Suốt gần 10 năm qua, được làm việc dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt, khi thì ở cương vị Thủ tướng Chính phủ, khi thì ở cương vị Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng và cả khi đồng chí không còn giữ chức vụ gì nữa, trong tôi vẫn một lòng ngưỡng mộ nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta - đồng chí Võ Văn Kiệt. ở con người đồng chí luôn luôn có những ý tưởng lớn, táo bạo nhưng có cơ sở khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau và dám chịu trách nhiệm, kiên quyết tổ chức thực hiện bằng được những ý tưởng đó với động cơ trong sáng vì dân, vì nước. Những nhà lãnh đạo hội tụ được cả hai phẩm chất trên đây đều đã từng làm nên những câu chuyện thần lỳ ở nhiều nước, nhiều thời đại. Một đất nước muốn phát triển nhanh phải luôn luôn có những chương trình lớn, đúng đắn và người lãnh đạo phải có bản lĩnh, khả năng tổ chức thực hiện bằng được những chương trình đó. Ngược lại thì đất nước chỉ có từ từ tiến mà thôi và theo tốc độ vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong thời đại ngày nay, sẽ rơi vào tình trạng tụt hậu, mãi mãi thua kém người. Tô tin chắc rằng, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn luôn cảm thấy bức xúc trước những khả năng tiềm tàng to lớn của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam và tình trạng còn tụt hậu của Việt Nam ta so với thế giới.
Để kết thúc bài viết này, tôi muốn nêu lên một cảm nhận tốt đẹp khác về đồng chí Võ Văn Kiệt. ấy là vào dịp dự Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi được đọc trong bản khai lý lịch của đồng chí dòng chữ: Trình độ văn hoá: Tiểu học. Tôi thừa hiểu rằng đây chỉ là điểm xuất phát của đồng chí cách đây 60 năm mà thôi. Cuộc đời của đồng chí là cuộc đời tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo. Các công trình nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế, phát triển xã hội, phát triển giáo dục của đồng chí trong thời gian qua nhiều người có bằng cấp, học vị cao vẫn chưa vươn tới được. Riêng cái sự khiêm tốn của đồng chí về học vấn đã là một bài học lớn cho anh em khoa học chúng tôi, những người được học hành có hệ thống, có bài bản, đạt được nhiều bằng cấp, học vị cao, nhưng chưa đóng góp được bao nhiêu cho đất nước.
Nhân ngày sinh thứ 80 của đồng chí Võ Văn Kiệt, chúng ta xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành một nhà lãnh đạo xuất sắc đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc, vì sự phồn vinh của dân tộc. Xin kính chúc đồng chí dồi dào sức khoẻ để tiếp tục phục vụ đất nước. |