Tham gia hội nghị có GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TW cùng các Phó Giám đốc ĐHQGHN: GS.TSKH Vũ Minh Giang và GS.TS Nguyễn Hữu Đức.
Trong báo cáo sơ kết năm học, về công tác đào tạo, PGS.TS Phạm Gia Lâm - Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh: “Quá trình chuyển đổi đào tạo theo tín chỉ của trường đang được triển khai một cách toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu, lộ trình nhìn chung được thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ và đạt được một số kết quả khả quan”. Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh các hệ được tiến hành đúng tiến độ, đúng quy chế, không để xảy ra sơ suất. Ngoài hệ chính quy, không chính quy, các phương thức đào tạo liên kết, đào tạo theo hiệp định chính phủ, đào tạo ngắn hạn vẫn được duy trì và mở rộng. Đây cũng là năm đầu tiên nhà trường triển khai tuyển sinh và tổ chức đào tạo ngành Ngôn ngữ học theo chương trình đạt trình độ quốc tế với 19 sinh viên, trong đó có 3 sinh viên nước ngoài. Công tác biên soạn chương trình, giáo trình, bài giảng đã hướng đến đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trọng tâm trong năm học là tập trung mọi nguồn lực cho việc chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ. Công tác đổi mới phương pháp giảng dạy và công tác kiểm định chất lượng đào tạo được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Công tác hướng nghiệp, việc làm cho sinh viên năm học vừa qua đã được chú trọng triển khai thông qua các điều tra cụ thể về sinh viên tốt nghiệp, tổ chức hội thảo đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, tổ chức nhiều chương trình ngoại khoá bồi dưỡng ngoại ngữ, nghiệp vụ chuyên môn và các kỹ năng mềm, liên kết chặt chẽ với một số địa phương trong việc giới thiệu việc làm cho sinh viên tốt nghiệp...
Về đào tạo sau đại học, quy mô và cơ cấu đào tạo có bước phát triển mới. So với năm học 2007-2008, quy mô đào tạo thạc sĩ tăng 22,4%, đào tạo tiến sĩ tăng 42,1%, nâng quy mô đào tạo sau đại học của nhà trường lên trên 25% quy mô đào tạo chính quy. Trường ĐHKHXH&NV đang triển khai 28 chương trình đào tạo tiến sĩ, 29 chương trình đào tạo thạc sĩ. Các đơn vị trong trường đã thực hiện tốt việc chuyển đổi theo tín chỉ toàn bộ chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
Thành tích nổi bật của hoạt động nghiên cứu khoa học năm nay là đề xuất được các nhiệm vụ khoa học công nghệ mang tính khả thi cao. Năm học 2008 - 2009 cũng là năm nhà trường có số đề tài cấp Nhà nước nhiều nhất: 5 đề tài.
Về hợp tác quốc tế, Nhà trường tiếp tục duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động như: ký hợp tác với 6 đối tác mới, mở thêm hình thức hợp tác đào tạo cấp bằng, triển khai và mở rộng các dự án quốc tế...
Về công tác tài chính, việc phát triển nguồn thu, quản lý và sử dụng tài chính được thực hiện đúng nguyên tắc, hoàn thành đúng kỳ hạn quyết toán ngân sách. Nhà trường cũng có những điều chỉnh kịp thời về quy chế chi tiêu nội bộ và quy định sử dụng các nguồn học phí cho phù hợp với thực tiễn. Về công tác hành chính - quản trị, Nhà trường đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Quy định về phân cấp quản lý và quy trình hoạt động quản lý trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các báo cáo tại hội nghị chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong năm học tới: công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ; tiến độ thực hiện kế hoạch đào tạo, quản lý hồ sơ sinh viên, hoạt động tư vấn sinh viên, kế hoạch đào tạo sau đại học,…
Năm học 2009 - 2010 được coi là năm bản lề để thực hiện thành công 6 chương trình tiến tới chuẩn hoá các hoạt động và Kế hoạch phát triển trường đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Trên cơ sở đó, phương hướng hoạt động chung của Trường ĐHKHXH&NV là:
- Kiện toàn bộ máy tổ chức từ cấp trường đến các đơn vị, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
- Tiếp tục triển khai sâu rộng phương thức đào tạo theo tín chỉ cho các khoá, các hệ đào tạo; mở rộng quy mô đào tạo chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế và liên kết quốc tế, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.
- Tập trung xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn; nâng cao chất lượng và giá trị thực tiễn của các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô.
- Tiếp tục cải cách hành chính; tăng cường tin học hoá công tác quản lý; tìm giải pháp tăng thêm nguồn thu; tiếp tục mở rộng diện tích giảng đường và tăng cương đầu tư chiều sâu về cơ sở vật chất;
- Thực hiện phong trào dạy tốt, học tốt; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của trường ở trong và ngoài nước. |