Tin tức  Tin tức chung 01:14:31 Ngày 10/09/2024 GMT+7
Tinh thần cải cách đại học của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Hy vọng rằng trong một ngày gần đây, trên bước đường phát triển, để tưởng nhớ người đã khuất và cũng để nhắc nhở các thế hệ mai sau, ĐHQG TPHCM sẽ lập ra một quỹ học bổng, hay một qhòng thí nghiệm, hay một cơ sở đào tạo… mang tên Võ Văn Kiệt, tất cả mang tính hiện đại và rộng mở, mang tầm quốc gia và quốc tế!

 

Sự ra đời của 2 Đại học Quốc gia

Việc thành lập hai Đại học Quốc Gia (Vietnam National University, viết tắt là VNU) Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1993 được xem là một di sản của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt để lại cho ngành giáo dục.

Ở cuối thập kỷ 1980, tình hình xuống cấp của nền giáo dục Việt Nam, và sự yếu kém của nghiên cứu khoa học, đã trở nên nổi cộm.

Lúc đó cuộc tranh luận trong nội bộ của chính quyền và giới giáo dục đại học, không công khai trên các phương tiện truyền thông như hiện nay, đã diễn ra xung quanh câu hỏi: để nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong nước, cần xây dựng nên một số trường đại học hoàn toàn mới, theo những chuẩn mực và tổ chức quốc tế, hay là tìm cách cải thiện các cơ sở hiện có.

Cuối cùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chọn giải pháp thứ hai: sáp nhập các trường chuyên ngành hiện có như trường Khoa học tư nhiên, Bách khoa, Sư phạm, Xã hội & Nhân văn… trong một hệ thống tổ chức mới có tên gọi là Đại Học Quốc Gia (ĐHQG). Theo quyết định thành lập, mỗi ĐHQG ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm đào tạo đại học các ngành khoa học cơ bản, đồng thời là một trung tâm đào tạo sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ đa ngành. Sau này, ngoài các trường thành viên, mỗi trường còn bao gồm các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học.

Nếu chỉ xét riêng về số lượng sinh viên, thì mỗi ĐHQG là một trường rất lớn, quá lớn... Vì vậy để có thể quản lý, cần có những cơ chế phù hợp. Mỗi trường hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, dưới sự quản lý trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Về hành chính, mỗi trường có vị trí ngang bằng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2001, mỗi ĐHQG được quyền in và cấp các loại văn bằng, chứng chỉ theo mẫu riêng. Đây là một trong những điều thể hiện cơ chế hoạt động tự chủ, chịu trách nhiệm trong công việc đào tạo, thực hiện vai trò và sứ mạng của một trung tâm đào tạo đại học.

Trên bước đường phát triển, để tưởng nhớ người đã khuất và cũng để nhắc nhở các thế hệ mai sau, ĐHQG TPHCM sẽ lập ra một quỹ học bổng, hay một qhòng thí nghiệm, hay một cơ sở đào tạo… mang tên Võ Văn Kiệt
(Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp)

Dù việc ra đời của hai ĐHQG là nhằm một phần giải quyết mối ngổn ngang của các trường đang tồn tại (do lịch sử để lại), hơn là tạo ra một mô hình tổ chức giáo dục đào tạo mới, nó cũng thể hiện một cái nhìn có tầm chiến lược lâu dài về giáo dục và đào tạo. Đó là mục tiêu tập trung nguồn lực lớn của nhà nước xây dựng những trung tâm đại học và sau đại học chất lượng cao, và nghiên cứu khoa học hiện đại, sớm có khả năng hội nhập với nền giáo dục và khoa học thế giới, nhằm liên tục đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước. Hưng thịnh và phát triển đất nước là tùy thuộc vào sự hình thành và sử dụng các thế hệ trẻ có kiến thức rộng và tri thức cao!

Nhìn chung, các ĐHQG đã tồn tại và có tác động tích cực trong suốt thời gian qua, và đã giữ được phần nào vị trí đầu đàn và chất lượng, khi nền giáo dục nước ta nói chung, giáo dục đại học nói riêng, liên tục gặp khó khăn. Mỗi ĐHQG đã có phát triển được ưu thế của một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, xây dựng tương đối thống nhất về quy trình và chương trình đào tạo giữa các đơn vị thành viên của trường.

Trên thực tế, ĐHQG TP.HCM có một đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao nhất ở địa phương, và hằng năm, trước những biến động liên tục trong giáo dục, trường này vẫn thu hút được phần lớn sinh viên xuất sắc nhất trong cả miền Nam.

Cải cách để tiến lên

Tuy nhiên, trong tinh thần Võ Văn Kiệt là luôn cải cách để tiến lên, mỗi ĐHQG cần thực hiện nhanh chóng và triệt để hơn những thay đổi về cả tổ chức và nội dung đào tạo. Hiện nay các trường thành viên của một ĐHQG đều có vị trí ngang nhau, hoàn toàn không thuận lợi cho việc phân cấp để thu hút sinh viên và có kế hoạch đầu tư phù hợp.

Trong một hệ thống như ĐHQG, thiết nghĩ nên tổ chức theo hình tháp: nên cải cách theo chiều hướng tổ chức lại mỗi ĐHQG thành một hệ thống đại học nhiều tầng, trong đó có trường nghiên cứu (cho bằng cao học và tiến sĩ), có trường chỉ cho đến bằng cử nhân; và có thể có trường chỉ có hai năm (như các đại học cộng đồng ở Mỹ).

Việc tuyển nhận sinh viên vào từng trường sẽ khác nhau; giáo sư và nhân viên giảng dạy cũng sẽ khác nhau. Tiền học và tiền lương cũng sẽ khác nhau, và tiến đến bãi bỏ việc giáo sư hưởng lương theo số giờ dạy. Việc phân cấp trong trường cho phép mỗi sinh viên có điều kiện tổ chức lại việc học của mình.

Một sinh viên có khả năng nhưng không được may mắn trong mùa thi tuyển có thể bắt đầu học từ một trường thấp và khi có kết quả học tập tốt có thể chuyển lên trường cao hơn để hoàn thành chương trình học (và ngược lại). Khái niệm này cũng có thể áp dụng với cán bộ giảng dạy.

Về số năm học, có thể nói chương trình đại học và sau đại học ở VN hiện nay là khá dài so với thế giới. Điều đó gây nên khá nhiều thiệt thòi cho sinh viên Việt nam khi họ ra học tiếp ở nước ngoài. Thiết nghĩ, nếu mỗi ĐHQG có được quyền tự chủ trong việc tổ chức học và phát bằng, nên nhanh chóng tổ chức lại chương trình học theo thời gian 3 + 2 + 3 = 8 năm, như hiện đang triển khai ở Âu châu: đó là chương trình bama (theo tuyên bố Bologna) gồm 3 năm cho bachelor, 2 năm cho master, và 3 năm cho tiến sĩ (Ph. D.; có nơi tổ chức theo qui trình 4 + 1 + 3).

Ngoài công tác giảng dạy, vai trò chính của một đại học còn là nghiên cứu khoa học. Khuynh hướng chung của giáo dục hiện đại là một nền giáo dục dựa trên nghiên cứu (research-based education). Mỗi giáo sư phải cùng một lúc làm cả hai việc giảng dạy và nghiên cứu. Dù rằng hiện nay, trước áp lực và tác động của phát triển kinh tế và xã hội, có nhiều hướng nghiên cứu ưu tiên khác nhau, nhưng nghiên cứu khoa học cơ bản là một sứ mệnh hàng đầu và không thể thay thế được của một cơ sở đại học đúng nghĩa và có tầm vóc.

Thành quả trong nghiên cứu khoa học là bản sắc tạo nên uy tín, danh tiếng và vị trí của một đại học. Mỗi ĐHQG có một ngân sách không nhỏ dành cho việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học (trong năm 2008, ĐHQG Hà Nội có 31 nhóm nghiên cứu,
đề xuất 16 hướng nghiên cứu tập trung vào toán, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học trái đất – môi trường và kinh tế). Nhìn chung, vì điều kiện kinh tế, con số cán bộ giảng dạy tham gia nghiên cứu còn quá nhỏ.

Lương cho cán bộ giảng dạy

Thật vậy, một thực trạng đã kéo dài trong nhiều thập kỷ qua, và vẫn tiếp tục tồn tại, là đồng lương cán bộ giảng dạy tại các trường (ngay cả ở các cơ quan nghiên cứu khác trong nước) nhận được còn quá thấp. Điều này khiến “lực lượng khoa học công nghệ cao” này không chỉ được sống với công việc ở trường, mà còn cần giành thêm nhiều thời gian cho các hoạt động khác ngoài lề nhằm tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống.

Từ đó, kết quả và chất lượng nghiên cứu, khi có được, còn khiêm tốn (vừa qua, chương trình quốc gia hỗ trợ nghiên cứu khoa học cơ bản, Nafosted, bắt đầu việc xếp hạng các nhóm nghiên cứu dựa theo số lượng và chất lượng các công trình công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Phần lớn công trình có giá trị đã công bố đều được thực hiện từ các phòng thí nghiệm nước ngoài thông qua các chương trình hợp tác hoặc/và do các nghiên cứu sinh/học viên cao học Việt nam thực hiện tại nước ngoài.

Tinh thần Võ Văn Kiệt là luôn cải cách để tiến lên, mỗi trường cần thực hiện nhanh chóng và triệt để hơn những thay đổi về cả tổ chức và nội dung đào tạo.
(Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp)

Vì vậy, để làm được vai trò của mình, ĐHQG cần có chiến lược và dành ngân sách lớn để tăng thời gian/kinh phí cho việc nghiên cứu khoa học cho cán bộ giảng dạy, để đến một lúc nào đó không còn việc phân biệt “cán bộ giảng dạy” và “cán bộ nghiên cứu”, và các giáo sư hướng dẫn hay chủ nhiệm đề tài thực sự có điều kiện để toàn tâm, toàn ý trong việc nghiên cứu…

Bên cạnh đó, cần có cơ chế để sắp xếp lại gọn nhẹ những những đơn vị sau nhiều năm hoạt động không có kết quả.

Thêm vào đó, một điều thiếu cơ bản và trầm trọng hiện nay ở các đại học Việt Nam là một cơ chế cho phép sinh viên, nghiên cứu sinh, giáo sư hướng dẫn… cùng tham gia thực hiện nghiên cứu khoa học.

Thật vậy, điều bất cập là ít các phòng thí nghiệm, các chương trình nghiên cứu có khoản ngân sách dùng để trả học bổng (hay lương) cho sinh viên, nghiên cứu sinh (NCS) và cộng tác viên. Sinh viên cao học ít khi nhận được thù lao; NCS phải làm một công việc gì khác để sống. Rất nhiều nghiên cứu sinh phải tự bỏ tiền, hay tìm tiền từ một nguồn nào khác để theo một chương trình đào tạo tiến sĩ.

Ở nhiều trường, NCS phải tự bỏ tiền mua thiết bị, hóa chất… hay tùy vào sự tử tế (và tùy tiện) của các giáo sư hướng dẫn hay chủ nhiệm đề tài. Việc SV-NCS không có đồng lương đầy đủ, ổn định, làm họ không toàn tâm, toàn ý hoạt động khoa học. Hoạt động khoa học thường đòi hỏi một sự tập trung cao nhất. Vì thế, hơn bất cứ nơi nào khác, ĐHQG cần có quy định rõ ràng về qui chế và việc trả lương/học bổng cho NCS.

Phát huy quyền tự chủ

Thiết nghĩ, mỗi ĐHQG cần thiết lập một “Trường Đào Tạo Cao Học” (TĐTCH, Graduate School). Hiện nay mỗi trường đều có một “Ban/Khoa Sau Đại học”, nhưng việc cần có là một nơi để thực sự đào tạo chứ không phải chỉ là một cơ quan hành chánh nhằm quản lý giấy tờ, chuyên đưa ra và giải quyết các thủ tục…. Việc đào tạo sau đại học hiện nay được phó thác cho các khoa, các khoa đưa về các bộ môn… (với phương tiện và ngân sách ít ỏi).

Vị trí và ngân sách của ĐHQG cho phép có một chiến lược tích cực đào tạo sau đại học ở trong nước, trong đó có việc thống nhất chế độ cho NCS, tổ chức việc đào tạo liên khoa, liên trường… (và quan hệ quốc tế trong qua trình đào tạo…). TĐTCH không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên cao học – NCS tiếp xúc, tìm hiểu về các lĩnh vực nghiên cứu, điều kiện các phòng thí nghiệm, về cán bộ hướng dẫn mà SV-NCS có thể lựa chọn, cùng tiềm lực tài chính/khả năng hỗ trợ SV-NCS thực hiện nội dung nghiên cứu của mình trong thời gian học tập…, mà còn chủ động tổ chức việc thu hút được NCS giỏi từ nhiều nơi về, vì đó là một yếu tố chính cho sự thành công.

Với qui chế tự chủ của mình, ĐHQG còn có thể cải thiện, hay thay đổi các thủ tục hành chánh liên quan đến việc trình luận án. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, chúng tôi không thể đi vào các chi tiết, nhưng thật sự mà nói, hiện còn không ít những “hủ tục” trong quá trình bảo vệ một luận án tiến sĩ, từ việc lập hội đồng chấm, việc phản biện kín, bảo vệ kín/mở.

Thời gian thường quá dài với nhiều giai đoạn (không phải giai đoạn nào cũng thật sự cần thiết), tạo điều kiện cho những tiêu cực đáng xấu hổ cho giới giáo dục và khoa học. Việc một NCS phải tốn một món tiền khá lớn (có thể lên đến hàng trăm triệu đồng) của riêng mình chỉ để trang trải cho mọi chi phí liên quan đến việc trình luận án tiến sĩ (kể cả việc trả chi phí đi lại, ăn ở,… cộng với quà cáp cho các thành viên hội đồng chấm…), nghĩ cho cùng là một điều không bình thường, thậm chí là một “hủ tục”!.

Hy vọng rằng trong một ngày gần đây, trên bước đường phát triển, để tưởng nhớ người đã khuất và cũng để nhắc nhở các thế hệ mai sau, ĐHQG TPHCM sẽ lập ra một quỹ học bổng, hay một phòng thí nghiệm, hay một cơ sở đào tạo… mang tên Võ Văn Kiệt, tất cả mang tính hiện đại và rộng mở, mang tầm quốc gia và quốc tế!

  • Giáo sư Hóa học Nguyễn Minh Thọ (Trường Đại học Leuven, Bỉ)

Vào khoảng cuối năm 1993, khi nghe tin đồn là Thủ tướng Võ Văn Kiệt có ý quyết định thành lập hai Đại học Quốc gia, tôi có viết một thư đề ngày 29-11-1993 gửi ông, và nhờ một quan chức cao cấp cầm về trao tận tay ông. Nội dung của kiến nghị của tôi là nếu việc thành lập Đại học Quốc gia được coi là cần thiết, thì nên nhân dịp đó, có một sự sàng lọc lại nhân sự, đặc biệt là cán bộ giảng dạy, có đủ tiêu chuẩn thì hãy đưa vào Đại học Quốc gia, nếu không thì cứ để họ ở cơ sở cũ, và tôi tỏ ý dè dặt trước khả năng gộp toàn bộ và nguyên xi một số trường sẵn có vào Đại học Quốc gia này.

Tôi được biết là thư tôi gửi đã tới ông trước ngày ông ký quyết định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội (10-12-1993). Trên thực tế, diễn biến sau đó là: Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập theo Nghị định số 97/ CP ngày 10 tháng 12 năm 1993 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 3 trường đại học lớn ở Hà Nội: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội I và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, và sau đó chính thức bước vào hoạt động theo Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/9/1994. Rồi tiếp theo đó, về sự thành lập Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với 8 trường đại học thành viên (chính thức ra mắt vào ngày 6-2-1996).

Ngày 2-9-1995, tôi lại có thư gửi kiểu nói trên tới Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhắc lại những kiến nghị của tôi hai năm trước đó. Sau này, có trường nhập vào rồi sau đó lại tách ra, cũng như việc sàng lọc nhà giáo « không được thực hiện » hay là « không thực hiện được », khỏi cần nhắc lại.

Là một nhà khoa học định cư ở nước ngoài, tôi nghĩ kiến nghị là phần của tôi, còn sự quyết định là ở nhà cầm quyền. Nhưng tôi cũng rất hiểu là nhà chính trị cầm quyền, bất cứ ở thể chế nào, dù có tư tưởng muốn đổi mới như ông Kiệt, cũng có những ràng buộc và không thể chỉ quyết định một mình. Trong những năm mà vấn đề cải cách về kinh tế là chuyện sống còn của đất nước, ưu tiên tất nhiên dành ở lĩnh vực đó.

Vả lại, có lẽ do sức ì vốn có ở một số đông cán bộ, việc chấn hưng giáo dục gặp khó khăn thuở đó cũng là điều dễ hiểu. Tôi chỉ muốn giữ lại ý tưởng « thoáng » của ông Kiệt nhân ngày giỗ đầu ông, mà tôi mong mỏi được duy trì. Bởi vì hiển nhiên, không thể phát triển kinh tế bền vững mà không có nhân sự có « tâm » và có « tầm ».

  • Bùi Trọng Liễu, Nguyên GS Đại học (Paris, Pháp)

>>> Các bài liên quan:

 (Theo TuanVietNam)
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 392 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC