ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 05:58:51 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Hỏi chuyện phóng viên trẻ nhất từng phỏng vấn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Lê Ngọc Sơn mặc vest đen, đeo kính đen, đi giày không những đen mà còn bóng. Thoạt nhìn vậy trông anh có vẻ nghiêm túc một cách khô cứng hoặc khô cứng một cách nghiêm túc. Thế nhưng trò chuyện với anh, mới thấy những điều khác với vẻ ngoài có phần chỉn chu đó.
Năm 2008, cuốn “đối thoại chính khách” của anh được xuất bản, anh cho biết những nguyên nhân nào khiến anh lựa chọn theo đuổi đề tài phỏng vấn chính khách?
Tôi quan niệm học báo như học làm thợ. Người thợ có thể làm được nhiều thứ: cầu, nhà, đường… Tuy nhiên tùy từng trường hợp mà làm cái gì. Sinh viên Việt Nam là một tuần báo. Một tuần báo đòi hỏi phải sâu hơn báo ngày, hấp dẫn, lạ hơn báo ngày thì mới có thể tồn tại được.
Và câu hỏi: Làm gì để khác biệt với các báo khác là một câu hỏi sống còn với một tờ báo. Một trong những chuyên mục có tính khác biệt trên Sinh viên Việt Nam là “Khách mời” hay “Trò chuyện đầu tuần”, mà sau này có nhiều chuyên mục phát sinh như “Mỗi tuần gặp một tiến sĩ”.
Sinh viên Việt Nam muốn chuyển tải đến các bạn không chỉ đời sống sinh viên mà còn là đời sống chính trị, những hơi thở chính trị của cuộc sống và một trong những điểm khác biệt là phỏng vấn các chính trị gia. Ở các báo khác cũng có phỏng vấn chính trị gia nhưng không có một chuyên mục cố định.
Với các tờ báo có vị thế chính trị không lớn lắm thì phỏng vấn các chính trị gia sẽ tạo thêm sức nặng cho thông tin trên báo mình.
Cho đến nay anh đánh giá bài phỏng vấn chính khách nào của mình là thành công nhất?
Cuộc phỏng vấn tôi cho là thành công nhất là cuộc phỏng vấn Thủ tướng đầu tiên của thời kỳ đổi mới: Bác Võ Văn Kiệt. Năm 2007, tôi có gọi điện gặp thư ký của bác trong Thành phố Hồ Chí Minh. Sau vài lần hẹn cũng gặp được. đó là một kỷ niệm. Không! Là một may mắn thì đúng hơn.
 
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần tiếp báo chí tại Hà Nội, 2006. Ảnh: Bùi Tuấn
 
Ba giờ sáng tôi mới bay vào đến Thành phố Hồ Chí Minh mà 7 giờ sáng đã có cuộc hẹn với bác Kiệt tại Văn phòng chính phủ, trụ sở 2. Hôm đó tôi thức trắng đêm chờ đến giờ hẹn.
Tôi phỏng vấn bác Kiệt trong 3 tiếng đồng hồ. Ba giờ liền viết được 3 bài, mỗi bài hơn 2000 từ. Tôi chưa bao giờ thấy bút lực mình dồi dào đến thế. Sau này được biết mình là phóng viên trẻ nhất đã từng phỏng vấn bác Kiệt.
Tôi còn có bộ sưu tập chữ ký của các chính trị gia. Chắc đến khi dày dặn lên chút sẽ bán đấu giá làm từ thiện.
Thế có bài phỏng vấn chính khách nào anh không ưng ý không?
Trong 100 bài mình viết ra thì có 2 đến 3 bài không được đăng. Tuy nhiên, nhiều bài được đăng nhưng mình vẫn không hài lòng. Ví như mình hỏi theo một hướng thì những người có kinh nghiệm phỏng vấn họ lái mình theo hướng họ muốn. Những lúc ấy mình đã bị cuốn theo người ta mà.
Rồi còn nhiều khi đi phỏng vấn chỉ nhận được toàn thông tin rỗng tuếch không dùng được. Nhưng số lượng này ít thôi.
Anh nói rằng với nghề báo, anh sẽ theo đuổi rồi sau đó sẽ thay đổi. Vậy, anh sẽ thay đổi những điểm gì?
Những người làm báo có hai dạng rất quan trọng: máy photocopy và con tằm. Một sự kiện được “dán” lên mặt báo y nguyên như nó đã diễn ra thì báo chí chẳng khác gì máy photo. Dạng “photo” thể hiện đúng chức năng của báo chí là thông tin, nhà báo là người đưa tin. Còn “con tằm” thì nhả tơ. Và nhà báo nên trở thành một “con tằm” nhả tơ về tri thức chứ không nên chỉ là một chiếc máy photo. Ví như thay vì đi phỏng vấn một chuyên gia tại sao anh không tự biến mình thành một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đấy? Cả hai dạng nhà báo này đều quan trọng.
Làm báo, mỗi người có một mục tiêu khác nhau. Và nhiều nhà báo đã nâng tầm mình lên chuyên gia.
 
Nghĩ như một triết gia, làm như một người thợ
Anh có thể chia sẻ những yếu tố quan trọng giúp tạo nên một bài phỏng vấn thành công?
Một bài phỏng vấn sẽ thành công khi có được đề tài mới; lối khai thác có phong cách riêng của tác giả; vấn đề liên quan, ảnh hưởng nhiều người.
Anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm khi đi phỏng vấn chính khách không?
Khi mà bạn liên hệ với nhân vật mà nhân vật đồng ý thì đã được đến 60% thành công của cuộc phỏng vấn. Do đó, việc gọi điện hay email xin phỏng vấn rất quan trọng. để được đồng ý cũng là một vấn đề. Nhưng hình như tôi có duyên trong việc hẹn gặp thì phải. Tỷ lệ xin gặp mà không được nằm ở dưới ngưỡng 1%.
Có một nguyên tắc trong phỏng vấn là phải tôn trọng người mình cần gặp. Kể cả với người tù nhân hay người quét rác cũng phải tôn trọng. Có tôn trọng, có biết lắng nghe thì mới thành công.
Và trong một cuộc phỏng vấn mà có nhiều câu hỏi nhạy cảm thì bạn cũng có thể bắt đầu bằng những câu hỏi kém nhạy cảm hơn. – Anh làm trong nghề này lâu chưa? đó là những câu hỏi xã giao, nền tảng cho cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, câu hỏi không được nhạt nhẽo. Rồi từ những câu hỏi tạo nền đó mà ta bắt đầu những câu hỏi của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn, chuyện xưng hô cũng rất quan trọng. Mình khuyến khích cách xưng hô là: anh – em. Bởi khi đi phỏng vấn chúng ta đang mặc một chiếc áo công vụ vô hình. Nhưng trong một số trường hợp rất đặc biệt như các nguyên thủ chẳng hạn thì ta không thể anh – em được. Xưng hô cần kéo gần khoảng cách nhưng phải tùy trường hợp và tùy nhân vật mình hỏi mà linh hoạt lựa chọn cách xưng hô.
Và, nếu có thể và phù hợp thì bài phỏng vấn phải làm bật lên cá tính của nhân vật. Cười, vui, buồn, suy tư… Tất cả những điều đó cần được khai thác được từ nhân vật của mình.
Tháng 6/2010, trong buổi tọa đàm “Nghề làm báo và tuyên dương phóng viên, cây viết trẻ tiêu biểu”, anh đã từng phát biểu: “Nghĩ như một triết gia, làm như một người thợ”. Anh có thể chia sẻ thêm về phương châm trên không?
Thực ra đây không phải phương châm mà mình nghĩ ra. Lô-gô của một trường đại học nổi tiếng bậc nhất thế giới - có hình một triết gia đang cầm một cái búa. Ý nghĩa của nó là sinh viên trường này được đào tạo có tầm suy nghĩ như một triết gia nhưng làm công việc thì tỉ mẩn, cụ thể nhất như một người thợ. Biết nghĩ những điều lớn hơn tầm mắt nhưng làm thì đừng làm những việc viển vông.
Nếu nhìn vào những việc mình đã làm thì tôi thấy cũng đã cố gắng làm theo phương châm trên. Tôi tự đánh giá mình là một người chăm chỉ.
 
 Đỗ Ngọc (thực hiện) - Bản tin số 243, tháng 5/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC