ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 21:15:30 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Giáo dục đại học Việt Nam – Những vấn đề chất lượng và quản lý
Theo đánh giá của Hội đồng khoa học, các nhà nghiên cứu giáo dục, Báo cáo thường niên Giáo dục Việt Nam năm 2011 do Trường ĐHGD, ĐHQGHN xây dựng với chủ đề "Giáo dục Đại học Việt Nam - Những vấn đề về chất lượng và quản lí" đã cung cấp các thông tin quan trọng về giáo dục đại học của đất nước với những phân tích, lí giải khoa học thuyết phục và là một tài liệu có giá trị phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy cho giảng viên, học viên cao học, NCS của nhà trường. Phóng viên Bản tin ĐHQGHN đã có dịp trò chuyện với GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHGD, đồng chủ trì Báo cáo Thường niên này.
Giáo sư có thể cho biết ý tưởng xây dựng Báo cáo Thường niên Giáo dục Việt Nam?
Cũng như nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam, giáo dục là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Trong thời kì đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, Giáo dục Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém: Hệ thống giáo dục thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, chưa tạo điều kiện học tập suốt đời cho người dân. Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu của đất nước. Trong những năm gần đây xã hội đã chứng kiến những luồng đánh giá không thống nhất, thậm chí trái ngược nhau, về bức tranh giáo dục Việt Nam. Có những ý kiến thiên về, thậm chí cường điệu những thành tích trong giáo dục. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến thể hiện sự lo ngại hoặc phê phán gay gắt hiện trạng giáo dục,... Một số nhà khoa học và nhà hoạt động xã hội bày tỏ mong muốn một cuộc "cải cách thực sự và toàn diện về giáo dục" trong những năm tới. Có lẽ chưa bao giờ như lúc này xã hội cần được nghe những thông tin chính xác, những nhận định bình tĩnh và những phân tích lí giải khoa học, khách quan hơn về giáo dục nước nhà. Với nhiệm vụ đào tạo xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, nghiên cứu các vấn đề giáo dục của đất nước, Trường ĐHGD, ĐHQGHN cho rằng, cần phải cho ra đời một ấn phẩm xuất bản đều đặn hàng năm dưới hình thức báo cáo thường niên về giáo dục, bàn tới các vấn đề của giáo dục ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lí, các nhà giáo và tất cả những ai quan tâm đến giáo dục.
Dường như cũng có nhiều bài viết khoa học về giáo dục Việt Nam, vậy nhóm tác giả đã làm gì để tạo sự khác biệt?
Báo cáo Thường niên được xây dựng trên 2 tiêu chí, thứ nhất, phải tập hợp xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh gồm các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành, các nhà quản lí giáo dục Việt Nam có uy tín trong cả nước.
Thứ hai, phải đảm bảo tính thuyết phục, tính khách quan, tính phù hợp trên cơ sở tham khảo các hệ thống GDĐH tiên tiến trên thế giới cùng với kinh nghiệm lịch sử GDVN. Nghiên cứu giáo dục hiện đại để soi vào GD VN điều chỉnh sao cho phù hợp với sự phát triển của đất nước và hội nhập với phát triển của thế giới.
Xây dựng ấn phẩm Báo cáo thường niên Giáo dục Việt Nam năm 2011, Trường ĐHGD đã thu hút được nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành về giáo dục trong và ngoài nước tham gia, như GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, GS.TS Phạm Phụ, GS.TS Nguyễn Đức Chính, GS.TS Phạm Duy Hiển, GS.TS Nguyễn Hữu Châu, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến và nhiều nhà khoa học khác... Tất cả các GS đã có nhiều công trình nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn trong quản lí GDĐH VN.
Với mục đích phản ánh bức tranh toàn cảnh về GDĐH Việt Nam năm 2011, báo cáo đã phân tích, lí giải các vấn đề một cách khách quan, dựa trên cơ sở luận cứ khoa học chứ không phân tích theo cảm tính, chủ quan suy nghĩ của nhà nghiên cứu, không phê phán hay đánh giá những hiện tượng hay sự kiện chất lượng GDĐH cũng như quản lí GDĐH mà đặt chúng trong các mối quan hệ với kinh tế học, xã hội học, văn hoá học, chính trị học, tâm lí học,... Có lẽ đây là điểm khác biệt của Báo cáo Thường niên GDVN của Trường ĐHGD.
Trong quá trình triển khai nhóm tác giả có gặp khó khăn và thuận lợi gì không? 
Chúng tôi đã gặp khó khăn rất nhiều, thứ nhất là các nhà khoa học đều có chính kiến riêng của họ, ai cũng khẳng định và muốn chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, nhưng để tập hợp, xâu chuỗi lại thành tiếng nói chung là không đơn giản; thứ hai là về vấn đề tài chính, sự đầu tư kinh phí của nhà nước cho mỗi chuyên đề nghiên cứu theo định mức còn thấp, mà chất lượng đòi hỏi cao nên việc thực hiện chi trả cho các nhà khoa học là rất tế nhị, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu đều là những người nổi tiếng, đó cũng là một thách thức trong việc mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia.
Bên cạnh những khó khăn đó, thì chúng tôi cũng có những thuận lợi nhất định, chúng tôi nhận được sự ủng hộ của ĐHQGHN tin tưởng giao phó cho Trường ĐHGD thực hiện nhiệm vụ khó khăn nhưng rất quan trọng và ý nghĩa này. Sự ủng hộ không chỉ dừng ở cơ chế, tài chính, mà còn có ý nghĩa quan trọng hơn đó là nguồn động viên, động lực thúc đẩy công trình sớm thành công. Cùng với đó, là lòng nhiệt tình, tâm huyết của các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia, với mong muốn đóng góp một phần sức mình cho nền GDĐH Việt Nam ngày càng chất lượng hơn.
Giáo sư có thể giới thiệu nội dung cơ bản của báo cáo, cũng như quá trình lựa chọn những vấn đề giáo dục để phân tích?
Trước khi bắt tay viết, chúng tôi phải xây dựng một quy trình thực hiện rất công phu. Ban đầu, nhóm nghiên cứu phải tổ chức các hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà quản lí, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Từ đó nhóm nghiên cứu khu trú dần các vấn đề nổi bật, vấn đề "nóng" trong bối cảnh hiện nay để đi sâu nghiên cứu. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu thảo luận vấn đề ở phạm vi hẹp hơn để các tác giả có cơ hội được trao đổi, bàn luận với các nhà khoa học về cấu trúc, phương pháp của vấn đề. 
 
Ấn phẩm đầu tiên với tên gọi Báo cáo Thường niên Giáo dục Việt Nam 2011, tập trung vào các vấn đề của giáo dục đại học. Các bài viết trong báo cáo đề cập đến những vấn đề đang được quan tâm nhất của giáo dục đại học. Báo cáo được xây dựng 4 phần: Phần 1: đề cập đến những vấn đề chung về hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ở phần này hình thành các khái niệm về kinh tế giáo dục, phát triển con người và những nhiệm vụ đặt ra cho GDĐH ở Việt Nam để nâng cao HĐI. Bên cạnh đó, các tác giả phân tích khái quát về GDĐH Việt Nam trong sự phát triển của GDĐH thế giới cho chúng ta thấy những vấn đề lớn của cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành hệ thống GDĐH Việt Nam, từ đó, đưa ra những đề xuất "phân tầng" cho giáo dục sau trung học ở Việt Nam.
Phần 2: Đi sâu vào phân tích chất lượng giáo dục đại học, chỉ ra được những điểm mạnh và điểm yếu trong chương trình GDĐH ở Việt Nam (chủ yếu là tiếp cận dựa trên nội dung, sự chia cắt giữa nhiều môn học, những bất cập trong phương pháp dạy học và đánh giá ở đại học) từ đó những đổi mới cơ bản được đề xuất tập trung vào khâu thiết kế, thực thi các chương trình đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo. Trong phần này, các tác giả đã giải bài toán về chất lượng trong GDĐH Việt Nam và đưa ra các giải pháp cần phải cải tiến quản lí hệ thống đại học, cải tiến tổ chức phân loại, phân tầng trong hệ thống giáo dục đại học nước ta và tăng cường tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Phần 3 là Quản trị GDĐH Việt Nam, sự cần thiết của cơ chế hội đồng trường, đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng để quản trị trường đại học, cách thức để hội đồng trường giao quyền cho người đứng đầu bộ máy điều hành và kiểm tra đánh giá việc sử dụng đúng quyền được giao. Đồng thời các tác giả chỉ ra nguyên nhân của tình trạng bất cập trong tự chủ đại học ở nước ta hiện nay đã không chú ý đến điều kiện đảm bảo để nhà trường được trao quyền tự chủ; điều kiện về năng lực quản lí để quyền tự chủ được thực thi có hiệu quả; điều kiện về trách nhiệm giải trình để xác lập niềm tin của nhà nước và xã hội đối với nhà trường sau khi thực thi quyền tự chủ. Hoàn thiện thể chế giáo dục đại học với ý nghĩa bảo đảm tính mềm dẻo, tính thích ứng về tính hiệu quả của khung pháp lí đối với hệ thống GDĐH đang ngày trở nên phức tạp về cấu trúc hệ thống cũng như về động lực phát triển. Những nỗ lực và bất cập cộng với những điều chỉ cần thiết trong việc ban hành văn bản quy phạm, thực hiện chính sách và quản lí chất lượng đối với các cơ sở GDĐH ngoài công lập.
Phần 4 đề cập về tài chính và đầu tư cho giáo dục đại học Việt Nam, với việc giả định một số kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đến năm 2035 (kịch bản gốc; kịch bản có sự thay đổi nguồn lực; kịch bản dựa theo phân tích khu vực dịch vụ trong đó có giáo dục... ). Những phân tích cho thấy "chỉ có những giải pháp thay đổi công nghệ, thay đổi hành vi tiêu dùng của xã hội mới có hiệu quả làm thay đổi các tỉ trọng các dịch vụ trong cơ cấu kinh tế trong đó có giáo dục. Tăng đầu tư của Chính phủ mà không thay đổi được công nghệ sẽ không có hiệu quả trong thay đổi cơ cấu của nền kinh tế. Có thể nói đây là một công trình mang tính tổng hợp về thực trạng giáo dục đại học, chứa đựng những đánh giá, những ý tưởng, những tư liệu quý báu... Ngoài các phần trên, phần phụ lục cung cấp tới người đọc nhiều số liệu và thông tin cần cập nhật có liên quan tới Giáo dục Việt Nam nói chung và Giáo dục Đại học Việt Nam nói riêng.
Thưa Giáo sư, vậy ứng dụng của báo cáo thường niên như thế nào đối với GDĐH Việt Nam?
Mục tiêu của báo cáo thường niên muốn là một tiếng nói khách quan chuyển đến những cá nhân và tổ chức liên quan, những nhà hoạch định chính sách, những cơ quan ra quyết định ảnh hưởng đến đối tượng mà trong báo cáo đề cập đến. Làm thế nào để họ thấy đây là những ý kiến hỗ trợ giúp họ có cái nhìn đầy đủ hơn, khách quan hơn trước khi ra quyết định về quản lí cũng như điều chỉnh quản lí, hay là một tư liệu tham khảo giúp họ có thêm thông tin về công việc của mình. Báo cáo Thường niên Giáo dục Việt Nam là luận cứ khách quan khoa học. Vì có rất nhiều người ở các tầng lớp, lĩnh vực khác nhau đều có thể nói về giáo dục với những tiếng nói khác nhau, nên cần có một cái nhìn hệ thống, đầy đủ, khách quan hơn để giúp cho bất cứ ai dù đứng ở góc độ nào cũng nhìn thấy tính toàn vẹn của nó, không bị phiến diện. Như vậy, về giá trị cũng như ứng dụng của báo cáo thường niên đối với GDĐH Việt Nam như thế nào thì vẫn phải chờ phản hồi của xã hội, đặc biệt là phản hồi và ý kiến của những nơi mà trong báo cáo khuyến nghị.
Giáo sư có kì vọng gì ở báo cáo này và những báo cáo lần sau?
Mong muốn của chúng tôi là báo cáo thường niên này trở thành một nhiệm vụ ổn định, để những người biên soạn, những nhà nghiên cứu có thể chủ động hơn trong công việc và có sự chuẩn bị, tích luỹ thường xuyên hơn. Nếu chỉ xem báo cáo là một đề tài khoa học thông thường thì khó đạt được kết quả tốt như chúng ta mong đợi.
Với báo cáo này, chúng tôi cũng mong muốn những kết quả nghiên cứu của mình sẽ đến được tận tay tất cả những ai quan tâm đến giáo dục ở tất cả mọi tầng lớp trong xã hội bằng các hình thức truyền thông khác nhau. Hi vọng, công trình sẽ được dịch sang tiếng nước ngoài để các đồng nghiệp quốc tế có cơ hội chia sẻ và hiểu nhiều hơn về giáo dục Việt Nam.
Kì vọng của tôi là trong tương lai, báo cáo thường niên sẽ thu hút thêm được nhiều nhà khoa học trẻ, để có thêm những chia sẻ mới hơn, khách quan hơn về giáo dục mà không bị những kinh nghiệm quá khứ chi phối. Nói chung, những chia sẻ ý tưởng cũng như những cái nhìn mới mẻ của các nhà khoa học trẻ, các nhà quản lí có kinh nghiệm rất quan trọng. Cần phải có một chính sách phù hợp để thu hút cũng như nuôi dưỡng những nhà khoa học trẻ, có như vậy công trình khoa học của chúng ta mới bảo đảm được tính quy luật diễn tiến liên tục giữa quá khứ và tương lai.
Xin cảm ơn Giáo sư!
 
GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư kí Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước
Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhiều tổ chức quốc tế đều có những báo cáo thường niên về giáo dục. Ở Việt Nam còn có rất ít các tài liệu đánh giá bài bản và đều đặn như vậy. Trường ĐHGD, ĐHQGHN, là đơn vị đi đầu trong việc này. "Báo cáo Thường niên Giáo dục Việt Nam năm 2011, Giáo dục ĐH - Chất lượng và quản lí" không chỉ cung cấp các thông tin quan trọng về giáo dục đại học của đất nước với những phân tích, lí giải khoa học, thuyết phục người dân, các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách giáo dục và các chính sách liên quan đến giáo dục mà còn là một tài liệu có giá trị phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy của nhà trường, học viên cao học, của NCS ngành quản lí, lãnh đạo giáo dục. Vì thế chúng tôi đánh giá cao ý nghĩa học thuật và đóng góp thực tiễn của báo cáo này.

 

GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư kí Trung ương hội khuyến học Việt Nam
Báo cáo thường niên Giáo dục đại học 2011 là một công trình khoa học được xây dựng công phu, với một khối lượng tư liệu rất quý. Đọc xong cuốn báo cáo dày 600 trang tôi thấy các tác giả đã đưa ra một bức tranh phát triển giáo dục đại học mang tính toàn cảnh về giáo dục đại học 2011. Về giáo dục đại học, một số nhà nghiên cứu đã có những tác phẩm hay, bổ ích, nhưng sự ra mắt công trình này được nhiều nhà nghiên cứu, nhiều cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lí GDĐH quan tâm và coi như một tài liệu tham khảo có giá trị lớn. Tôi tin rằng, trong các thư viện cũng như các tủ sách riêng của nhiều nhà khoa học và quản lí khoa học, công trình sẽ có chỗ đứng xứng đáng.

 

 Việt Hà (thực hiện) - Bản tin số 266 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC