ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 12:14:27 Ngày 14/10/2024 GMT+7
Hồn cốt Việt qua bóng nước Hồ Gươm
Con người Thăng Long - Hà Nội là sản phẩm tổng hoà dưới những tác động phức hợp của những điều kiện tự nhiên, môi trường, xã hội, được tích lũy qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Phẩm chất, nhân cách đặc trưng, truyền thống của người Thăng Long - Hà Nội, một mặt phản ánh những tính cách, bản sắc dân tộc nói chung, mặt khác, mang những nét đặc thù của một vùng có vị thế kinh đô của một nước.

Nơi nuôi dưỡng mầm dân tộc

Với vị thế một kinh đô lâu đời, một đô thị thủ phủ lớn nhất nước, Thăng Long - Hà Nội là một lò luyện hợp, nơi hội tụ kết tinh những tinh hoa văn hoá của những vùng miền, địa phương khác nhau trong cả nước. Đó là một hình mẫu điển hình cho con người Việt Nam truyền thống và hiện đại.

Việt Nam thuộc nền văn hoá phương Đông, trong đó con người tìm đến sự thích ứng an trú, hoà đồng với môi trường xung quanh, hơn là tìm cách đấu tranh giải phóng cho bản ngã. Con người Việt Nam nói chung, con người Thăng Long - Hà Nội nói riêng cũng mang trong mình những tính chất chung đó.

Tính chất hoà đồng với thiên nhiên của người Thăng Long - Hà Nội đã tạo điều kiện giúp họ giữ gìn được bản chất thuần hậu chất phác của con người Việt Nam trong một xã hội nông nghiệp. Thiên nhiên trở thành một phần không thể thiếu của con người Hà Nội. Trong thơ văn của những tác gia Thăng Long - Hà Nội vịnh tả thiên nhiên qua các danh lam thắng cảnh là chủ đề quan trọng và được ưa chuộng, có thể giúp con người ta lấy lại sự thanh thản nơi phồn hoa đô hội, bụi bặm thị thành. Người Hà Nội không giấu giếm tình cảm thiết tha, thiêng liêng và cả niềm tự hào của mình đối với mảnh đất mình đang sống. Trong kho tàng văn học Việt Nam còn lưu giữ rất nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu của dòng văn học bác học Thăng Long thể hiện khí phách, bản lĩnh, trí tuệ cả tài hoa của người Hà Nội. Trong thời đại ngày nay, chắc chắn không có nơi đâu sở hữu nhiều bài hát hay, nổi tiếng về vùng đất của mình như Hà Nội. Dù các tác giả là ai, thậm chí đến từ đâu đi nữa, các tác phẩm của họ cũng toát lên tình yêu tha thiết đối với con người và cảnh vật Hà Nội, qua đó là tình yêu và niềm tự hào đối với đất nước.

Người Thăng Long - Hà Nội cũng như người Việt Nam nói chung, là những con người dễ hoà đồng với môi trường xã hội, mang tính cộng đồng rất cao. Khác với phương Tây, nơi cá nhân được quan niệm như một chủ thể, tồn tại độc lập, tự khẳng định, tự xác lập thì ở phương Đông, cá nhân là một bộ phận, một thành viên của cộng đồng, chỉ có ý nghĩa tồn tại trong những quan hệ gắn bó với cộng đồng. Cũng như người dân ở mọi miền, sự hoà đồng, gắn kết với cộng đồng là một trong những bản tính và còn là một yêu cầu tồn tại cơ bản của người Hà Nội. Người dân dù có đến Hà Nội lập cư lâu đến mấy họ vẫn thường xuyên duy trì những mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng làng quê gốc: đi lại thăm nom, chăm sóc cưu mang họ hàng, đóng tiền công ích, kể cả nộp sưu thuế cho địa phương. Nhiều nhà thờ họ, thờ thành hoàng, thờ ông tổ nghề được xây dựng ở Hà Nội. Nhiều lễ hội mang tính đặc trưng của làng quê cũng được tổ chức tại đất Kinh Kỳ. Tất cả những sinh hoạt tô đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian trong đời sống tinh thần của người dân Thủ đô là một bằng chứng về khả năng gắn bó với cội nguồn, thông qua đó gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc của người Hà Nội.

Người Thăng Long - Hà Nội rất coi trọng gia đình, dòng họ, gắn kết, hoà hợp và giúp đỡ nhau với cộng đồng họ chung sống. Trong các phố phường Thăng Long - Hà Nội xưa, tính chất chuyên nghề, chuyên mặt hàng theo đó một cộng đồng người thân thuộc đã từng gắn bó trong những quan hệ họ hàng làng xóm ở quê cũ nay lại cùng chung sống, sinh hoạt, làm ăn sản xuất, buôn bán trong cùng một không gian xã hội mới càng củng cố và tăng cường tính cộng đồng cố kết đó. Ngày nay, trong thời đại mà các siêu thị đang thi nhau mọc lên thì sự phân chia thành các khu phố, các “phường” chuyên một loại mặt hàng với những quan hệ “buôn có bạn, bán có phường” vẫn có xu hướng duy trì, thậm chí có đà phát triển.

Từ ý thức về gia đình, phường nhóm, ý thức về cộng đồng của người Thăng Long- Hà Nội đã vươn tới một quy mô rộng lớn nhất, trở thành lòng yêu nước. Sống ở trung tâm đầu não của đất nước, người Hà Nội đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng âm thanh chủ đạo vẫn là tiếng nói hào hùng, là hào khí Thăng Long. Hào khí đó được tạo nên từ “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo đến “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chủ tịch. Tinh thần yêu nước và sự bất khuất hi sinh cho lòng yêu nước ấy đã biểu hiện ở tính kiên cường, tính đoàn kết trong những cuộc kháng chiến, đấu tranh chống ngoại xâm và đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này. Không thể quên được những ngày toàn quốc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, người Hà Nội mang giường tủ, bàn ghế, tất cả đồ đạc ra ngoài đường để chặn quân địch. Rồi những ngày chống Mỹ cứu nước, hàng vạn thanh niên Hà Nội cùng thanh niên cả nước cầm súng lên đường bảo vệ tổ quốc, người ở lại thành phố “thắt lưng buộc bụng”, bám thành chống trả quân giặc làm nên những thiên anh hùng ca bất hủ mà chiến tháng 12 ngày đêm năm 1972 là đỉnh điểm. Có thể tinh thần anh dũng hi sinh đó của người Thăng Long - Hà Nội đã bén rễ rất sâu, rất chặt và được nuôi dưỡng bởi tinh thần cộng đồng cao của những con người cùng chung một tổ tiên, một nền văn hoá và cùng chung số phận.

Với tư cách của vùng đất Kinh Kỳ, nơi hộ tụ tinh hoa của đất nước, Hà Nội là cái nôi của nền giáo dục Việt Nam. Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam được xây dựng ở Hà Nội với chế độ khoa cử chặt chẽ nhằm đào tạo và tuyển chọn hiền tài phục vụ đất nước. Thăng Long - Hà Nội hàng trăm năm qua đã trở thành cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước, đồng thời phục vụ nhu cầu cao về phát triển tài năng, phát triển trí tuệ của chính người Hà Nội. Có thể nói từ xưa người Thăng Long - Hà Nội được đánh giá trình độ học vấn cao. Ngày nay cũng vậy, nền dân trí của người Hà Nội vẫn là cao nhất cả nước, không chỉ ở trình độ phổ cập giáo dục cao, tỉ lệ người có trình độ học vấn cao và cả ở mật độ và sự phong phú của các phương tiện phục vụ giáo dục, cung cấp thông tin giúp nâng cao đời sống tình thần và tri thức của con người. Không chỉ có vậy. Việt Nam là một dân tộc ham học, hiếu học với nhiều danh sĩ, nho sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng. Nhưng trong số họ, rất nhiều người từ các vùng khác đã tìm đến Thăng Long - Hà Nội để lập nghiệp. Và cũng chính mảnh đất này đã nuôi dưỡng, nâng đỡ chắp cánh cho tài năng của họ có cơ hội phát triển.

Bản sắc độc đáo của người Thăng Long - Hà Nội

Là mẫu hình tiêu biểu của nhân cách Việt, người Thăng Long - Hà Nội còn tự khẳng định mình ở cấp độ cao hơn với vị thế “thứ nhất Kinh Kỳ”, “người Tràng An”, “đất lề Kẻ Chợ”, tự hào là người dân của một đô thành “địa linh nhân kiệt”, “trái tim của đất nước”. Họ có ý thức bảo vệ để xứng đáng với thương hiệu, danh hiệu “người Hà Nội”.

Là một thủ đô có lịch sử tròn 1.000 năm tuổi, Hà Nội là sự hội tụ tất cả tinh hoa của đất nước. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh từng cho rằng “Hà Nội có cái duyên dáng của Bắc Ninh, cái cứng cỏi của Nghệ Tĩnh, cái phóng khoáng của Nam Bộ, cái chân chất của những xứ Thượng xa gần”. Nhận xét đó thật sâu sắc, bởi với cách tiếp cận như vậy có thể thấy hết được đặc điểm của Hà Nội mà người dân sống ở đó là đại diện tiêu biểu nhất. Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận những yếu tố tốt đẹp, tích cực của các vùng khác. Tuy vậy, đây không phải là một sự tiếp nhận xô bồ, tùy tiện mà thông qua một quá trình chọn lọc tự nhiên nhưng nghiêm khắc để rồi phát triển lên, hoàn thiện hơn, tạo nên những “sản phẩm” riêng, độc đáo. Từ ngày xưa, dân Kẻ Chợ vẫn nổi tiếng là “khéo tay hay nghề”, cùng một loại mặt hàng, nhưng sản xuất tại Hà Nội thì yêu cầu về chất liệu, độ tinh xảo về kĩ thuật và mĩ thuật cao hơn những nơi khác. Người Hà Nội luôn muốn hướng tới sự hoàn thiện, hoàn mĩ, chất lượng cao trong các mặt sinh hoạt. Văn hoá ẩm thực Hà Nội nổi tiếng với những món ăn ngon, sạch và đẹp mắt với những món quà độc đáo, cách thưởng thức cầu kì, lịch sự. Người Hà Nội cũng nổi tiếng sành điệu trong cách phục sức, áo quần chải chuốt, đẹp mà nền nã, cũng như trong cung cách giao tiếp thanh lịch, hào hoa, hiếu khách, lịch sự mà không xô bồ. Và tất cả những cái đó một khi đã được hình thành thì được duy trì, bảo tồn, gìn giữ, tạo thành bản sắc riêng không dễ phá vỡ, tạo nên bản tính “khép” của người Hà Nội.

Với vùng đất được coi là “tứ chiếng”, tập hợp nhiều người ở khắp các miền đất nước về sinh sống làm ăn, rồi lập nghiệp lâu dài, Hà Nội luôn chứng kiến một quá trình biến đổi, giao hoà, ổn định và phát triển giữa các đặc trưng của người Hà Nội “gốc” và người dân nhập cư. Hàng chục vạn dân của các địa phương đến Hà Nội hàng năm mang luôn cả phong tục tập quán, thói quen, lối sống vùng quê của họ. Có thể bắt gặp không ít hiện tượng chưa đẹp trên đường phố gây bức xúc cho nhiều người như đi lại tự do không tuân thủ luật lệ giao thông, nói năng chưa văn hoá, thậm chí còn văng tục nơi công cộng, phong cách ứng xử quá phóng khoáng hoặc tuỳ tiện... Để thích ứng với môi trường, hoàn cảnh mới, đặc biệt là những chuẩn mực văn hoá mới, họ phải cố gắng nhiều trong việc tự “điều chỉnh”. Sự điều chỉnh này có thể thấy từ việc đổi giọng nói từ tiếng địa phương sang tiếng Hà Nội của không ít người, thay đổi trang phục văn minh hơn, sử dụng các phương tiện cá nhân hiện đại hơn... cho tới thay đổi cả thói quen trong sinh hoạt, trong quan hệ ứng xử cộng đồng. Sau một thời gian “ngụ cư”, với những nỗ lực tự thay đổi theo những chuẩn mực mới, những thành phần cư dân này dần trở thành những người Thăng Long - Hà Nội, cùng với gia đình, con cháu của họ, mang trong mình những phẩm chất, nhân cách đặc trưng của người Hà Nội. Đồng thời, bản thân những yếu tố vốn được coi là đặc trưng của người Hà Nội cũng được phát triển hơn, mở rộng hơn khi tiếp thu những yếu tố tích cực của các vùng văn hoá khác để rồi lại được hoàn thiện hơn.

Bên cạnh Người Hà Nội như một khái niệm, một thương hiệu, một biểu tượng, còn có “Người Hà Nội” mang tính chất động, với những đặc trưng nổi trội trong những thời điểm lịch sử, trong những hoàn cảnh nhất định. Như GS. Phong Lê đã nói: “Có Hà Nội trong thời chiến và Hà Nội trong thời bình, có Hà Nội nơi công sở và Hà Nội nơi ngõ chợ, Hà Nội trung tâm và Hà Nội ngoại ô, Hà Nội tôn nghiêm và Hà Nội lam lũ, Hà Nội ở mặt tiền và Hà Nội ở ngõ sâu...” Và tương ứng với “những Hà Nội” đa dạng như vậy là những con người Hà Nội với những tính cách lối sống khác nhau. Có cậu thanh niên thư sinh Trường Bưởi, nhưng cũng có anh tự vệ dũng cảm trực chiến trên nóc nhà. Có những cô gái lịch lãm trong văn phòng của tòa nhà cao ốc, nhưng cũng có những chị nông dân tần tảo sớm tối bên ruộng rau, ruộng hoa Ngọc Hà. Có những cô tiểu thư đài các trong các biệt thự sang trọng phố Nguyễn Du, nhưng cũng có cô hàng xén duyên dáng, đằm thắm với gánh hàng ở chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi….

Đã có không ít nhà nghiên cứu cố gắng phác thảo một số tính cách cơ bản nhất của người Hà Nội. Mỗi người xuất phát từ một góc độ khác nhau, song về cơ bản lại khá thống nhất trong việc đưa ra một số tính chất điển hình. Tôi chia sẻ với phác thảo bản chất người Hà Nội của tác giả Đức Uy: Chất trí tuệ, văn hiến, hàn lâm; Chất hào hoa, phong nhã, tài tử; Chất kẻ sĩ; Tính hoà đồng; Tính chừng mực, trung dung, vừa phải; Tính tế nhị, tinh tế, kín đáo; Tính bền bỉ, kiên trì; Thanh lịch, văn minh.

Có lẽ trong các đặc trưng trên, cái nổi lên rõ nhất, mang tính chung nhất cho người Thăng Long - Hà Nội, đó là đặc trưng “thanh lịch”. “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Đặc tính này được phản ánh trong cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân đất Kinh Kỳ. Đã có rất nhiều công trình của các nhà nghiên cứu bàn luận, mô tả với những biểu hiện cụ thể, thuyết phục về bản chất này của người Hà Nội. Đó là sự thanh nhã, là sự thanh cao trong tư duy, tình cảm, tâm hồn, là sự lịch lãm trong cách ứng xử mang tính văn hóa ở bậc cao, mang tính chuẩn mực, là sự sành điệu, tinh tế từ trong cuộc sống thường nhật đến những hoạt động văn hóa đỉnh cao. Thật khó có thể giãi bày, gọi tên một cách thật cụ thể tính chất này, chỉ biết rằng cái đó kết tinh được từ những đặc tính tiêu biểu của người Việt Nam nhưng lại được ăn sâu, thấm vào trong tác phong của người Hà Nội và là tiêu chí rất dễ nhận diện khi phân biệt một người Hà Nội với một người địa phương khác.

Tôi nhớ có một lời trong bài hát “Hà Nội và tôi” của nhạc sĩ Lê Vinh, đại ý nói rằng người Hà Nội “mộc mạc thôi …” Một số người cho rằng nói như vậy chưa thực sự chuẩn vì từ xưa người Hà Nội vốn nổi tiếng là kĩ tính và sành điệu. Tôi cũng cảm thấy như vậy. Từ khi còn nhỏ, quan sát bà tôi nấu ăn, tôi thấy thật “phiền phức”. Các món ăn trên mâm không nhiều, nhưng được kén chọn từ những nguyên liệu ngon, với cách chế biến có phần cầu kì. Trong gia đình, phụ nữ được dạy dỗ kĩ lưỡng về kĩ thuật nấu nướng và chịu trách nhiệm chính trong các dịp giỗ Tết. Tôi đã từng được bà nội dạy dỗ một cách nghiêm khắc cách nấu một mâm cỗ “bốn bát sáu đĩa”. Không chỉ nấu ngon, sạch, thanh. Bầy biện một đĩa xào, đĩa giò, một bát canh bóng, canh măng như thế nào cũng được coi là một quy tắc ai cũng phải tuân thủ. Rồi vào bữa ăn, việc mời chào phải theo thứ tự tuổi tác, người bậc dưới phải mời lần lượt hết người bậc trên. Thanh thiếu niên không được phép nói leo. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là quy định luôn được nhắc nhở…Còn biết bao nhiêu “quy tắc” nữa vẫn được duy trì một cách chặt chẽ trong các gia đình Hà Nội gốc, ngay cả vào những năm tháng chiến tranh, đi tản cư rồi đi sơ tán ở nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh sự “phức tạp, rắc rối” biết bao cô gái đi làm dâu phải lo lắng đó, người Hà Nội lại rất dễ thể tất cho những khiếm khuyết không mang bản chất, rất dễ thương những người nghèo, người cơ nhỡ, rất kín đáo, tế nhị khi muốn thể hiện tình cảm, rất hay lảng tránh trước những rắc rối có thể liên lụy bản thân,… Phải chăng đó là sự “mộc mạc” mà bài hát nổi tiếng trên muốn nói đến.

Bên cạnh những ưu điểm, những mặt tích cực mang tính nổi trội của người Hà Nội, cũng có thể thấy một số mặt được coi là khiếm khuyết, là hạn chế. Chất kẻ sĩ “Bắc Hà”, chất trung dung, “vừa phải” nhiều khi làm ảnh hưởng đến động lực phấn đấu vươn lên. Nhiều người cảm thấy ngại va chạm, nhất là trong những cuộc tranh đua, thấy khó, thấy phiền nhiễu thì chọn con đường khác đơn giản hơn, đỡ phiền phức hơn mặc dù biết là hiệu quả không thật cao. Bên cạnh đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống truyền thống, nếp sống thanh lịch văn minh của người Hà Nội. Một bộ phận không nhỏ thanh niên có lối sống “vọng ngoại”, sùng bái văn hóa nước ngoài một cách mù quáng, học đòi theo “mốt”, ăn chơi phóng túng, thực dụng dẫn đến đánh mất bản sắc dân tộc, đánh mất thuần phong mĩ tục, để những ham muốn thấp hèn lấn át, tạo cơ hội cho những hành vi suy thoái đạo đức có cơ hội tồn tại và phát triển. Một bộ phận cư dân mang những biểu hiện không lành mạnh như thói kiêu bạc, xa xỉ, thói chơi trội, ưa thời thượng, chuộng lạ quá mức, chạy theo lợi nhuận kinh tế bất chấp tình nghĩa. Rồi cũng có một bộ phận trở thành những gương mặt phản diện khi từ bỏ bản chất tốt đẹp vốn có của người Hà Nội, “đánh mất mình”, nhường chỗ cho thói cơ hội, xu nịnh, lòng tự hào, tự trọng bị đánh đổi thành tiền bạc, chức quyền. Cấu trúc gia đình, quan hệ vợ chồng, cha con mang tính truyền thống tốt đẹp có biểu hiện bị vi phạm nghiêm trọng… Nhiều người Hà Nội có lương tâm lo lắng, băn khoăn khi thấy chuẩn mực văn hóa của người Hà Nội vốn được lưu giữ, được bảo tồn từ lâu đời có xu hướng bị xuống cấp, bị hủy hoại.

Làm thế nào để khắc phục được những yếu tố tiêu cực, gìn giữ được thương hiệu, uy tín của người Hà Nội? Làm thế nào để tiếp tục phát huy hơn nữa phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội? Đó là những điều trăn trở của các nhà quản lí cũng như mỗi người dân Hà Nội. Điều này càng trở nên bức thiết khi Hà Nội cùng với cả nước bước vào thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Vừa bảo tồn truyền thống tốt đẹp đã được tích lũy từ 1.000 năm, vừa lựa chọn những tinh hoa của nhân loại về lối sống, nhất là lối sống công nghiệp, năng động, sáng tạo, thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường, phát huy, xây dựng nên những phẩm chất tốt đẹp mới của người Hà Nội, đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của mỗi người dân Hà Nội chúng ta.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Sự phát triển vượt bậc về quy mô dẫn đến tình trạng gần như vượt ra khỏi tầm kiểm soát về mặt văn hoá - xã hội hiện nay không chỉ đơn giản là đáng báo động. Đứng tại thời điểm kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội này, chúng ta cần phải có những hành động thiết thực để trả lại cho Hà Nội những nét đẹp trong tính cách mà người Hà Nội vốn có. Hãy bớt ngợi ca những cái đẹp của ngày hôm qua mà hôm nay đã không còn. Chính quyền đô thị và người dân Hà Nội hãy tuyên chiến với những thói xấu mà việc để nó len lỏi vào có phần lỗi của mỗi chúng ta.

 PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 393) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC