ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 12:16:05 Ngày 14/10/2024 GMT+7
Giang sơn nhỏ lệ khóc anh hùng!
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu đã đi vào cõi vĩnh hằng. Dẫu biết mấy năm nay ông đã tuổi cao và sức rất yếu, nhưng tin ông ra đi vẫn làm nghẹn ngào xúc động nhiều người, nhất là giới trí thức và các thế hệ học trò và đồng nghiệp của ông.

Sinh thời, ông từng nói: đời ông chỉ có hai người Thầy đích thực, một người hữu danh là Bác Hồ, một người vô danh là Lịch sử. Quả là như thế!

Trần Văn Giàu – vị anh hùng đích thực

Năm 2003 Giáo sư Trần Văn Giàu được Nhà nước công nhận Anh hùng Lao động. Tôi được vinh dự theo các thầy ở Trường ÐHKHXH&NV (ÐHQGHN) vào mừng Thầy. Trên chuyến bay thầy Ðinh Xuân Lâm nói với tôi: “Bây giờ mới phong Anh hùng cho Cụ là quá muộn!” Tôi thưa: “Vâng ạ, từ lâu Thầy Giàu đã là một vị Anh hùng đích thực rồi!”

Người Anh hùng Trần Văn Giàu bắt đầu xuất hiện khi ông cùng với hàng chục sinh viên trí thức yêu nước Việt Nam biểu tình trước điện Elysé đòi chính phủ Pháp xóa bản án tử hình đối với các chiến sĩ yêu nước vừa bị bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Vì hành động này, ông và nhiều sinh viên bị đuổi học, bị trục xuất về nước. Trước đó ông đã là đảng viên Ðảng Cộng sản Pháp, về nước ông lại gia nhập Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Năm 1931, ông được cử đi học ở Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp Trường Phương Ðông, ông về nước hoạt động và bị thực dân Pháp bắt vào năm 1935. Sau những đòn tra khảo, thực dân Pháp đưa ông ra tòa xét xử. Khi viên quan tòa ra giọng hách dịch yêu cầu ông khai báo nhân thân, ông đã hùng hồn đáp: “Ông nhớ ngồi cho vững, bám tay vào thành ghế mà nghe tôi nói đây: tôi đã học Trường Ðại học Phương Ðông đấy!” Và quả thật, tên quan tòa hống hách kia đã phải giật mình trước khí phách hiên ngang của Trần Văn Giàu.

Rồi sau đó ông bị cầm tù suốt 7 năm, hết nằm trong xà lim ở Khám Lớn (Sài Gòn) lại bị đày đọa ở căng “an trí” Tà Lài. Ở Khám Lớn, người tù nhân mang số tù 6826 mpp đã trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù: công khai, ông được anh em cử làm Tổng đại diện, luôn sẵn sàng đương đầu với chúa ngục, đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt của tù nhân; bí mật, ông chính là vị “Giáo sư đỏ”, hằng đêm miệt mài xoay trần trên sàn bê-tông biên soạn tài liệu huấn luyện chính trị và khi có dịp lại trực tiếp “giảng bài” cho cán bộ, đảng viên ở trong tù. Bản lĩnh thép của ông được tôi luyện trong môi trường như thế.

Từ hè năm 1940 ông bị đày lên căng Tà Lài. Giữa chốn “rừng thiêng, nước độc”, ông được anh em tôn làm người đứng đầu, kiên cường đấu tranh chống lại những thủ đoạn đàn áp thâm độc của kẻ thù. Câu chuyện sau đây được ông kể lại trong tập hồi ký (chưa xuất bản) là một trong những hành động tiêu biểu cho khí phách anh hùng của người chiến sĩ cách mạng.

Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, tên chủ tỉnh Biên Hòa La Rivière đích thân dẫn lính lên căng Tà Lài trấn áp các chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm ở đây. Tới nơi, y tập trung anh em lại, mặt đằng đằng sát khí thông báo: “Hãy nghe ta đây! Vừa qua, thừa lúc nước Pháp bại trận ở châu Âu và bị rối ở biên giới Thái Lan, Ðảng cộng sản của các người đã nổi lên toan đánh đổ chính quyền Pháp ở Nam Kỳ. Ðảng của các người đã hoàn toàn thất bại. Chính phủ đã và đang thẳng tay đàn áp, đàn áp không thương tiếc. May lắm 10, 15 năm nữa, Ðảng của các người mới có thể ngóc đầu dậy.” Sau đó, y nhìn thẳng vào các tù nhân nói: “Bây giờ các người hãy trả lời cho ta câu hỏi sau đây: Các ngươi ở căng Tà Lài tán thành hay phản đối cuộc bạo động vừa qua?”

Rõ ràng đây là một đòn cân não nham hiểm của kẻ thù. Là người đứng đầu anh em, Trần Văn Giàu phải nhanh chóng tìm cách hóa giải tình thế này. Ông kể lại: “Mấy trăm cặp mắt ngó vào tôi như bảo phải trả lời sao cho vừa giữ thanh danh của đoàn thể, vừa tránh khủng bố đẫm máu cho anh em ... Nhưng khó trả lời quá: nói tán thành khởi nghĩa thì thằng chủ tỉnh có thể sẽ ra lệnh bắn. Lúc này, bắn chết năm, bảy chục, một hai trăm người, tụi Tây ở đâu cũng dám làm ... Còn nói không tán thành hay phản đối cuộc khởi nghĩa, mặc dầu khởi nghĩa đã nổ ra rồi, đã thất bại rồi, thì hóa ra mình hèn quá, Tây nó khinh mình mà mình cũng xấu hổ với anh em...” Nghĩ nhanh như chớp, Trần Văn Giàu đã tìm ra cách ứng phó riêng của mình: “Tôi sè tay làm dấu hiệu bảo anh em đứng thưa ra hơn nữa (để nếu địch xả súng thì đỡ tổn thất). Rồi tôi bước tới mấy bước, đứng lên một tảng đá lớn, khá cao, với ngụ ý là, nếu tôi bị bắn, tôi sẽ đổ từ trên xuống, chớ không phải ngã bẹp.” Rồi với giọng nói hùng hồn và cách lập luận cực kỳ khôn ngoan, ông đáp lời tên chủ tỉnh:

“Này ông chủ tỉnh!... Ðông Dương của chúng tôi từ mấy chục năm nay ở dưới quyền thống trị của nước Pháp, cũng như mấy tháng nay nước Pháp yêu dấu của các ông bị quân Ðức Hitler xâm chiếm, dày xéo, thống trị. Chúng ta, ông cũng như tôi, đồng cảnh ngộ mất nước ... Ở góc trời Ðông Dương xa xăm này, vì tấm lòng yêu nước Pháp, vì ý thức bảo vệ danh dự người Pháp, ông tuy không thể nói ra, mà ông thật sự một lòng với những người Pháp kháng chiến trong nội địa nước Pháp. Thì, nói giấu chi ông, ở cái xó Tà Lài rừng núi này, tôi sao lại không thông cảm với đồng bào của tôi trong biến cố tháng 11 vừa qua ở Nam Kỳ?”

Tên chủ tỉnh nín thinh, tay thôi không chống nạnh nữa, mắt ngó xuống đất. Lúc này, Trần Văn Giàu nói tiếp: “Còn như ông bảo rằng may ra 10, 15 năm nữa Ðảng chúng tôi mới sống lại được. Thì, ông ơi, làm sao biết được 15 năm nữa hay 5 năm nữa, cuộc diện thế giới và cuộc diện Ðông Dương sẽ biến đổi hoàn toàn. Ông còn sống, tôi chắc cũng còn sống, mọi người ở đây cũng còn sống, chúng ta tất cả là chứng nhân của lịch sử, chúng ta nhất định sẽ vui mừng thấy được nước Ðức của Hitler bị bẻ gẫy xương sống, nước Pháp của các ông và nước Việt Nam của chúng tôi đều được tự do.”

Nghe đến đây tên chủ tỉnh mất hết vẻ hùng hổ, quay lưng bỏ đi cùng toàn bộ tốp lính. Anh em tù xúm lại mừng thắng lợi của trận đấu trí. Bản lĩnh, khí phách và trí tuệ Trần Văn Giàu là thế!

Vượt ngục Tà Lài, ông mang toàn bộ khí phách, bản lĩnh, trí tuệ và tài năng ấy gây dựng lại cơ sở Ðảng, xây dựng lực lượng, chớp thời cơ làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn và Nam Kỳ. Khi giặc Pháp quay lại, ông lại kiên cường, hiên ngang lãnh đạo “Nam bộ thành đồng” đương đầu với quân địch.

Học giả lớn , người thầy lớn

Tháng 11 năm 1954, Trường Ðại học Sư phạm Văn khoa và Trường Ðại học Sư phạm Khoa học được thành lập, Trần Văn Giàu là Bí thư Ðảng ủy đầu tiên của Ðảng bộ trường, giảng dạy các môn khoa học Chính trị, Triết học, Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam. Năm học 1955 - 1956, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư đợt đầu tiên. Giữa năm 1956, Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được cử giữ chức vụ Bí thư Ðảng ủy nhà trường và là một trong những bậc thầy khai sáng của hai ngành sử học và triết học hiện đại ở nước ta.

Những năm tháng đó, GS. Trần Văn Giàu và các GS. Ðào Duy Anh, GS. Trần Ðức Thảo, GS. Cao Xuân Huy khai nền, mở nghiệp cho ngành sử và ngành triết thật gian nan. Thiếu thầy, thiếu sách vở, nhất là thiếu các sách công cụ, giáo trình. Không thể chần chừ, Trần Văn Giàu cùng các học trò và đồng nghiệp phải “xắn tay áo” biên soạn ngay những bộ giáo trình đầu tiên. Lạ thay! Trong điều kiện như vậy mà bộ giáo trình do ông chủ biên về Lịch sử cận đại Việt Nam, cho đến nay, sau nhiều thập kỷ vẫn có thể được xem như bộ giáo trình cơ bản, sâu sắc và có tầm nhất. Bên cạnh đó, ông phải soạn gấp các sách như Triết học phổ thông, Lịch sử chống xâm lăng rồi Miền Nam giữ vững thành đồng vv... vừa được dùng như tài liệu tham khảo trong nhà trường, vừa được dùng như tài liệu tuyên truyền, như tiếng kèn hiệu kêu gọi đồng bào, đồng chí xông pha vào Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vượt qua giai đoạn đó, đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, GS. Trần Văn Giàu bắt tay vào những công trình khảo cứu công phu, cẩn trọng về lịch sử Việt Nam. Bộ sách đầu tiên của ông là bộ “Giai cấp công nhân Việt Nam” (3 tập). Ðây là công trình khảo cứu công phu, hệ thống đầu tiên về lịch sử phong trào công nhân Việt Nam. Sau hơn 4 thập kỷ, ngày nay có thể thấy ở chỗ này chỗ kia bộ sách cần có sự bổ khuyết và hiệu chỉnh về sử liệu, song quan trọng nhất là những đóng góp của GS. Trần Văn Giàu về phương pháp. Với bộ sách này, lần đầu tiên lịch sử Việt Nam không chỉ còn là lịch sử của các lãnh tụ, các chính đảng hay các tôn giáo mà thực sự là lịch sử của quần chúng nhân dân, do nhân dân sáng tạo ra.

Tiếp đó, GS. Trần Văn Giàu lại tự lãnh nhận về mình một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, trước đó chưa ai đủ sức làm: biên soạn một bộ lịch sử tư tưởng Việt Nam. Tự mình, ông cũng thấy đây là việc rất khó, nhưng không thể từ nan. Ðây là lời ông tự bạch khi tập I của bộ sách ra đời: “Ðơn thương độc mã đi vào lĩnh vực lịch sử tư tưởng, ít ra là trong những bước đầu, thật là đáng lo, đáng sợ, không phải không có lúc chùn chân. (...) ở đây vấn đề thì rất hấp dẫn, việc làm lại rất khó khăn, cái gì cũng mới lạ, chỉ có một cái quen thuộc là phương pháp luận, nhưng các nguyên lý của phương pháp luận ứng dụng vào lịch sử tư tưởng Việt Nam thì sao là đúng, chắc chắn phải vào việc một hồi lâu mới biết rõ được."

Cứ theo cách đó, sau nhiều năm miệt mài khảo cứu, cuối cùng bộ sách gồm 3 tập “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam đã ra đời”. Ðánh giá về bộ công trình đồ sộ này, David G. Marr, một trong những sử gia nổi tiếng thế giới và là chuyên gia hàng đầu về Việt Nam viết: “Trong số các công trình đã xuất bản bằng mọi thứ tiếng trên thế giới thì đó là bộ sử tốt nhất về tư tưởng Việt Nam." Thiết nghĩ, lời nhận xét trên đây của một sử gia phương Tây lớn như David G. Marr đã đủ nói lên chân giá trị của công trình mà Trần Văn Giàu “đau thiết” hơn 20 năm để hoàn thành, không cần phải bình luận gì thêm. Cũng với hai bộ công trình này, GS. Trần Văn Giàu đã được Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, năm 1996.

GS. Trần Văn Giàu chưa bao giờ bằng lòng với những gì mình đã làm được. Năm 1991, khi thăm lại Khoa Lịch sử, ông đã bộc lộ ước muốn viết lại lịch sử Việt Nam, “sao cho mai sau thấy được Cụ Hồ, ông Giáp là những người bằng xương bằng thịt, sao cho một đứa bé đọc sử Việt Nam, má nó gọi đi ăn cơm nó phải xin cho nó đọc nốt đoạn này rồi mới đi ăn”. Năm 2003, ông đã ngoài 90 tuổi, khi chúng tôi tới thăm vẫn còn thấy bậc tôn sư của mình miệt mài bên trang bản thảo dở dang. Ai cũng biết ông là bậc Thầy đã đào tạo nên những bậc Thầy lớn, như Ðinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Vũ Dương Ninh, Phan Ðại Doãn, Lê Mậu Hãn vv... nhưng phải nói thêm rằng cũng có không ít người nhờ đọc sách ông mà nên người, mà trưởng thành trong nghề nghiệp. Ông đã thuộc về hàng những bậc Thầy thực xứng đáng được tôn xưng là “vạn thế sư biểu”!

Trái tim nhân ái – con người của những niềm đau

Ai từng biết Trần Văn Giàu mà chỉ thấy, chỉ nhớ gương mặt rạng ngời, ánh mắt lấp lánh niềm vui, cái cười hào sảng và sự hóm hỉnh pha chút cao ngạo của ông mà chưa biết đôi chút về những niềm đau của ông thì có thể nói chưa từng biết về ông vậy. Tuổi thanh xuân ông đã hăng hái lên đường, dấn thân theo Cụ Hồ làm một “nhà cách mạng chuyên nghiệp”. Ðiều đó có nghĩa là ông đã không chỉ sẵn sàng dâng hiến đời mình cho Tổ quốc, cho Cách mạng, mà còn hy sinh cả những hạnh phúc riêng tư. Cha ông mất khi ông ở tù, phút cuối cùng còn gắng gọi tên Sáu Giàu. Vậy mà mấy năm sau ông cũng chỉ kịp lén về lạy mồ cha nơi góc ruộng. Rồi mẹ ông cũng ra đi âm thầm khi ông đang làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, đi qua nhà cũng không kịp ghé thắp nén nhang. Ðau đớn nhất là vợ ông, Bà Ðỗ Thị Ðạo, một người phụ nữ xinh đẹp và hiền thục nổi tiếng, đã mòn mỏi tuổi xuân chờ chồng, có lúc phải vào chùa đi tu để cho nhẹ bớt lời ong tiếng ve. Sau này ông bà cũng có sinh con, nhưng cũng vì điều kiện khó khăn của những ngày kháng chiến mà lâm vào cảnh “hữu sinh, vô dưỡng”.

Tôi viết những dòng này để tưởng nhớ Thầy và để mong rằng đừng có ai đơn giản đến mức cho rằng những người cách mạng như Cụ Hồ, Cụ Giàu một khi đã xác định hy sinh hạnh phúc riêng cho sự nghiệp chung thì đã “miễn dịch” với những nỗi đau nhân thế kể trên. Không! Các cụ vẫn rất đau, có điều những nỗi đau đó được giấu kín để người thường như chúng ta không dễ nhận ra. Nhưng nếu có ai từng đọc kỹ bức thư Cụ Hồ viết gửi về quê khi Cụ Cả Khiêm từ trần, nếu có ai từng nghe bà Ðinh Xuân Thu, con gái nuôi của Cụ Giàu, kể rằng lúc hầm hập sốt rét ở Hòa Bình, Cụ Giàu từng thốt nên “Phải chăng Giàu có một đứa con!” thì sẽ hiểu nỗi đau nhân thế của những con người vĩ đại đó.

Nhưng đó mới chỉ là những niềm đau nhỏ. Cụ Giàu là vị anh hùng đích thực, cả trong trận chiến đấu sinh tử với quân thù và cả trong sự nghiệp khảo cứu khoa học và rèn dạy con người.. Cụ bị bắt, bị tù đày, rồi suốt nhiều năm bị nghi là kẻ phản bội. Những nỗi nghi ngờ cứ lơ lửng trên đầu không dễ minh oan. Ðã có lúc con người từng kiên cường, hào sảng đến mức chọn cả tư thế chết lẫm liệt cho mình trước họng súng kẻ thù – nếu cần phải hy sinh, nhưng lại từng muốn nhảy xuống trầm mình ở dòng sông Phó Ðáy để rửa sạch oan khiên! May thay, có ít nhất một người đã hiểu và tin ông. Người đó là Cụ Hồ - người cũng từng nhiều năm “oan khiên khôn rửa” ở Mạc Tư Khoa và ngay giữa đồng chí của mình. Cụ Hồ đã tin và giữ Cụ Giàu ở lại với Cách mạng, với Tổ quốc, với Khoa học, với các học trò của mình, để hôm nay: Giang sơn nhỏ lệ khóc Anh hùng!

 PGS.TS Phạm Hồng Tung - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 393) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC