Trải dọc theo các cung bậc lịch sử, các nhà tư tưởng đã cố gắng bước vào vương quốc của ánh sáng để giải mã những bí mật của nó.
Từ thời cổ đại và xuyên suốt các nền văn hóa, ánh sáng luôn được con người sử dụng như một công cụ quyền uy. Sức mạnh của ánh sáng hiện diện trong tất cả các truyền thống tâm linh lớn trên Trái đất. Những tín ngưỡng tôn giáo đón nhận ánh sáng với một sức mạnh tâm linh vô tận. Lần đầu tiên, ánh sáng được người Hy Lạp (Empedocles) ví như linh hồn của Chúa và phát khởi từ ngọn lửa nội tại bên trong mỗi chúng ta. Chẳng hạn, đối với Cơ đốc giáo, ánh sáng là hiện thân sức mạnh tinh thần của Chúa. Những thánh đường thời Trung Cổ mang kiến trúc gothic như những cung điện ngập tràn ánh sáng để tưởng nhớ vinh quang đấng tối cao.
Những nhà nghệ thuật cảm thụ ánh sáng như một sự phô diễn thẩm mỹ của con người về vũ trụ. Cezanne, bên bờ sông thơ mộng, đã vẽ những cảnh giống nhau dưới những tông màu khác biệt. Còn Monet chìm đắm trong suy ngẫm suốt hàng giờ đồng hồ về những hành xử của ánh sáng và các bóng đổ trên tác phẩm điêu khắc trước mặt tiền của thánh đường Rouen. Dù trên phương diện nào đi nữa, ánh sáng cho phép chúng ta thưởng ngoạn và tương tác với thế giới. Ánh sáng đóng một vai trò quan trọng khi những người họa sỹ muốn trải nghiệm thế giới qua những bức tranh. Mỗi khi chúng ta đắm chìm trong các bức họa của những danh họa nổi tiếng như Rembrandt, Hokusaï, van Gogh hay Monet đều cảm nhận rõ điều đó. Nhưng có một sự khác biệt về các luật phối cảnh dựa trên sự truyền thẳng của tia sáng giữa trường phái hội họa phương Đông và trường phái hội họa phương Tây.
Đối với các nhà triết học và khoa học, ánh sáng là cầu nối thông tin. Trong khoa học, ánh sáng đóng một vai trò quan trọng, là sứ giả mang thông tin giữa con người và vũ trụ, cho phép loài người vươn tới các vì sao. Bằng việc giải mã những mật mã vũ trụ mà nó mang theo các nhà khoa học nhận biết các thành phần hóa học của các thiên hà cũng như sự giãn nở không-thời gian. Ánh sáng cũng hé lộ cho chúng ta một quá khứ xa xăm, hiện tại và cả tương lai tối hậu của vũ trụ.
Ban đầu, con người cho rằng, chúng ta nhìn thấy vạn vật là do đôi mắt chiếu các tia sáng lên mọi vật trong thế giới. Nhưng 1500 năm sau, nhà khoa học Arab Alhazen đã thay đổi suy nghĩ về sự truyền của tia sáng và cho rằng, tia sáng phản chiếu từ vật đến đôi mắt thay vì ngược lại. Xuyên suốt các thế kỷ tiếp sau, những cuộc luận bàn sôi nổi về bản chất của ánh sáng vẫn không dứt. Trong khi Newton cho rằng ánh sáng có bản chất hạt thì Young, Faraday và Maxwell nghĩ rằng, ánh sáng là các sóng truyền trong một môi trường đặc biệt, một một chất bí mật, gọi là “ether”, choáng đầy không gian. Thật may mắn, đầu thế kỷ 20, Planck và Einstein đưa ra ý tưởng về các lượng tử ánh sáng, và cơ học lượng tử đã dung hòa hai quan điểm đối cực này. Ngay sau khi Borh đưa ra “nguyên lý bổ sung” thì hai mặt của ánh sáng bổ sung cho nhau. Thực tại mất dần tính khách quan và trở nên chủ quan. Bởi vì ánh sáng, cũng giống như Janus, sẽ là sóng hay hạt hoàn toàn phụ thuộc vào cách thế mà ta quan sát cho nên không thể nói nó hiện hữu như một thực thể tự thân. Một lần nữa chính Einstein đã tống khứ quan niệm về “ether”. Đường truyền của tia sáng đã vẽ lên bức tranh về sự cong của không-thời gian gây bởi lực hấp dẫn của vật chất phân bố trong vũ trụ.
Các nhà sinh học đã nỗ lực để hiểu được “cỗ máy” tuyệt diệu là đôi mắt, và tái thiết lại quá trình tiến hóa của Darwin dẫn tới những tế bào nhạy cảm ánh sáng hoàn hảo. Còn các nhà thần kinh học nghiên cứu quá trình những thông tin cảm nhận từ đôi mắt, truyền tới bộ não cho phép chúng ta một một miêu tả về thế giới bên ngoài.
Ngược về cội nguồn
Vũ trụ tràn ngập và được trang hoàng bởi ánh sáng. Những tia sáng khởi thủy được sinh ra trong thời khắc đầu tiên của Big Bang, từ một điểm không gian vô cùng nhỏ choáng đầy bởi năng lượng. Trải qua những pha tiến hóa bi hùng của vũ trụ, chính ánh sáng đã dệt nên toàn bộ bức tranh vũ trụ mà chúng ta thưởng ngoạn ngày nay. Rồi sau đó những viên gạch vật chất gắn kết với nhau để hình thành nên những ngôi sao, những quả cầu khí khổng lồ phát ra ánh sáng từ trung tâm bằng việc đốt cháy các nguyên tử thông qua những phản ứng hạt nhân. Người thợ hấp dẫn, tiếp theo, lại nhào nặn nên các thiên hà, đám thiên hà từ những vì sao lấp lánh. Sau quá trình tiến hóa kéo dài 13,6 tỷ năm, vũ trụ chúng ta quan sát được chứa hàng trăm tỷ thiên hà, mỗi thiên hà lại cấu thành bởi hàng trăm tỷ ngôi sao. Con đường từ một vũ trụ đồng đều gần như hoàn hảo (đã được đo bởi sự thăng giáng nhiệt độ trong phông bức xạ nền với giá trị 10-5), sau đó, vũ trụ đã tự tổ chức và dệt nên một tấm thảm phì nhiêu với những bức tường thiên hà trải dài hàng trăm triệu năm ánh sáng bao quanh những khoảng trống khổng lồ. Tất cả đã dệt nên một bức thảm vũ trụ tuyệt mỹ. Trong bức tranh vũ trụ đó có một thiên hà gọi là Dải Ngân Hà, gần vùng ngoại ô của nó có một ngôi sao mang tên Mặt trời, trong đó tồn tại một hành tinh đặt tên là Trái đất. Rồi tên hành tinh nhỏ bé bỏng đó con người xuất hiện, những sinh vật có khả năng đặt những câu hỏi về vũ trụ, gán cho nó một nguồn gốc và đánh giá vè đẹp cùng sự hài hòa của nó.
Mặc dù ánh sáng và năng lượng vô cùng cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta, nhưng vật chất sáng nhìn thấy chỉ cấu thành 0,5% tổng khối lượng và năng lượng của toàn vũ trụ, 99,5% còn lại là vật chất tối và chỉ nhận biết được thông qua ảnh hưởng hấp dẫn trực tiếp của nó. Bên cạnh đó, tồn tại thế hệ các hạt vật chất ngoại lai cũng được sinh ra cùng với ánh sáng trong phần tỷ tỷ giây đầu tiên khi vũ trụ chào đời. Rồi đâu đó trong khắp cõi vũ trụ mênh mông, ấn chứa những nhà tù ánh sáng, những lỗ đen với sức hút ma quái không hề ban phát cho ánh sáng một ân huệ để chốn thoát.
Con đường từ một vũ trụ đồng đều gần như hoàn hảo (đã được đo bởi sự thăng giáng nhiệt độ trong phông bức xạ nền với giá trị 10-5), sau đó, vũ trụ đã tự tổ chức và dệt nên một tấm thảm phì nhiêu với những bức tường thiên hà trải dài hàng trăm triệu năm ánh sáng bao quanh những khoảng trống khổng lồ.
Suối nguồn của cuộc sống
Ánh sáng mang lại cho chúng ta cảm xúc. Một ngày u ám đè nặng tâm hồn chúng ta trong khi những tia nắng Mặt trời làm cho trái tim chúng ta ngập tràn niềm hạnh phúc. Ánh sáng là suối nguồn của sự sống trên quả đất. Không có người mẹ Mặt trời, chúng ta không có mặt ở đây. Sự sống được nuôi dưỡng bởi quá trình quang hợp. Ánh sáng Mặt trời được hấp thụ bởi các phân tử diệp lục, mang màu xanh cho cây cối, chuyển nước trong thân cây và CO2 trong khí quyển thành oxy và đường. Chặng đường tiến hóa dài dằng dặc của Hệ mặt trời cùng với các quá trình địa chất, hóa học, sinh học…có sự tham gia của ánh sáng đã mang tới sự sống ngập tràn trên Trái đất sau 4,6 tỷ năm. |