21:03:13 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Phát triển năng lượng sạch
Không chỉ được biết đến là nơi “sản sinh” nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích, Khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN còn là một trong những đơn vị ở Việt Nam dám đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu nhiên liệu sinh học. Những kết quả ban đầu đã được các chuyên gia đánh giá đột phá cả về chất lượng và giá thành, sẵn sàng chuyển giao vào cuộc sống.
Chiến lược cấp bách
Là một người luôn trăn trở ước mơ phát triển nhiên liệu thân thiện môi trường, PGS.TSKH Lưu Văn Bôi - Chủ nhiệm Khoa Hóa học - cho biết, Việt Nam đang tiêu thụ hàng năm chục triệu tấn nhiên liệu từ dầu mỏ, phần lớn trong số đó là nhập khẩu. Nhiên liệu hóa thạch là loại không tái tạo được và sẽ bị cạn kiệt trong vài thập kỷ tới. Khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân cơ bản gây biến đổi khí hậu. Bởi vậy, theo ông, một trong những biện pháp chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam là phát triển các nguồn năng lượng sạch... Việc nghiên cứu phát triển năng lượng sạch, tái tạo được để thay thế nhiên liệu hóa thạch là một trong những nhiệm vụ chiến lược cấp bách.
PGS.TSKH Lưu Văn Bôi cho biết, năng lượng tái tạo là dạng năng lượng có nguồn gốc tự nhiên, như ánh sáng mặt trời, gió, mưa, thủy triều và địa nhiệt, có thể tái bổ sung được. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khả năng tiềm tàng để phát triển năng lượng tái tạo. Theo đánh giá của chuyên gia về năng lượng tái tạo Roman Ritter, Việt Nam có thể đảm bảo 100% điện từ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên so với thế giới, cả ba mặt trận: nghiên cứu, sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo của Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Theo PGS.TSKH Lưu Văn Bôi, nhiên liệu Biodiesel (BDF) là một phần quan trọng của nhiên liệu sinh học và tái sinh 100%. BDF là một trong các phương án tốt nhất để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. “BDF không chứa lưu huỳnh, lượng khí CO2 mà diesel sinh học thải ra khi bị đốt cháy chỉ bằng 50% nhiên liệu hóa thạch. Bụi trong khí thải cũng giảm một nửa và hợp chất hyđrocacbon được giảm đến 40%. BDF thân thiện với môi trường, vì nó như một mắt xích nằm trong một vòng tuần hoàn kín của khí CO2”, PGS.TSKH Lưu Văn Bôi cho biết.
Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất BDF. Tuy nhiên, theo PGS.TSKH Lưu Văn Bôi, có nhiều nguyên nhân hạn chế phát triển sản xuất BDF ở Việt Nam, như chưa có luật và chính sách cụ thể về năng lượng tái tạo; chưa có cơ chế chính sách rõ ràng khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực BDF nói riêng và nhiên liệu sinh học nói chung như đối với kinh doanh xăng dầu hoá thạch; dân cư thiếu thông tin, chưa thấy được lợi ích của việc phát triển vùng nguyên liệu; nhưng quan trọng hơn cả là ta chưa có công nghệ sản xuất phù hợp để tận dụng các loại nguyên liệu sẵn có.
Những thành công vượt bậc
Thấy rõ được tầm quan trọng cũng như tiềm năng BDF, Khoa Hóa học đã nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất loại nhiên liệu sinh học. Nói về quy trình tạo ra BDF, PGS.TSKH Lưu Văn Bôi giải thích, BDF được tạo thành từ phản ứng chuyển đổi este giữa triglycerit trong dầu mỡ động thực vật với ancol, như metanol, etanol… với xúc tác axit hoặc kiềm. Trong công nghệ thông thường, các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn khi xử lý sự xà phòng hóa. Xà phòng hóa làm cho độ chuyển hóa thấp, dẫn đến việc tách biodiesel khỏi glyxerin mất nhiều thời gian, tốn năng lượng, nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường, do đó chất lượng BDF không cao.
Để khắc phục hạn chế đó, trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật với Nhật Bản, được sự tài trợ của tổ chức phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới (NEDO) các nhà khoa học của khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN và Khoa Công nghệ, Đại học Osaka Prefecture đã nghiên cứu phát triển công nghệ sạch - đồng dung môi để sản xuất BDF chất lượng cao. Nói về kết quả đạt được, PGS.TSKH Lưu Văn Bôi khẳng định, so với các công nghệ thông thường, công nghệ đồng dung môi có hiệu quả vượt trội.
Hiện tại ở khoa Hóa học đang tiến hành sản xuất BDF quy mô pilot. Mỗi mẻ sản xuất được 350kg B100, thời gian phản ứng chỉ khoảng 30 phút, thời gian tách glyxerin khoảng 30 phút. Sau khi rửa một lần bằng nước và sấy khô, BDF có chất lượng vượt tiêu chuẩn ASTM D6751 của Mỹ.
Được biết, BDF sản xuất đã dùng chạy thử cho các máy phát điện, máy cày, máy bơm nước và xe công nông trong thời gian dài đạt độ an toàn cao. Hiện tại, công nghệ đồng dung môi trên đã được hoàn chỉnh cả về quy trình và thiết bị, sẵn sàng chuyển giao cho các cơ sở và địa phương có nhu cầu phát triển BDF ở mọi quy mô.
Ngoài “Công nghệ đồng dung môi” dùng sản xuất BDF, trong thời gian qua khoa Hóa học đã lập kế hoạch nghiên cứu phát triển năng lượng sạch tập trung vào các hướng chính là nghiên cứu sản xuất pin nhiên liệu và nghiên cứu chuyển hóa khí cacbonic thành etanol bằng năng lượng mặt trời. Đây cũng là những lĩnh vực nghiên cứu đang “hot” trong bối cảnh hiện nay.

 

 HỒNG NGỌT - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC