Sinh viên  Lăng kính sinh viên 08:30:31 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Nếu có hai điều ước...
Đang lom khom bên đống rác to gấp nhiều lần thân hình của mình, chú bé chợt dừng lại khi phát hiện ra ánh mắt tò mò của chúng tôi. “Sao muộn thế này em vẫn chưa về?” “Dạ! con còn phải lượm thêm vì dịp này ve chai bán được tiền...”.
Hầm đá 621, những cảnh đời…
Chúng tôi đã từng được nghe đến cái tên hầm đá 621 nằm ở phía đông con đường dẫn vào khu nội trú sinh viên ĐHQG TP.HCM. Men theo một lối mòn, sỏi đá gồ ghề, bụi bặm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nơi ấy, ấp Tân Lập, xã đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Hầm đá 621, ai đã đặt tên cho đất đai, cuộc sống nơi này mà đúng thế? Hơn chục căn nhà lá lụp xụp, cọc chống, phên liếp tứ bề, mái lá xác xơ gội mưa nắng từ bao đời. Lối đi cỏ và cây dại mọc chen nhau, đất lấn nền sân và những mảnh vườn lơ thơ cây bụi. Như tách hẳn khỏi nhịp sống sôi động, hối hả và tráng lệ của thành phố, dường như không khí náo nhiệt không đến được ấp này. Buồn tẻ, vắng lặng đến ảm đạm, nơi đây có những đứa trẻ, những số phận đang sống một cuộc đời nghèo khó, âm thầm.
Dựng chiếc xe đạp cà tàng lỉnh kỉnh hàng hóa đồ nhựa gia dụng vào vệ đường, ngả chiếc mũ cối bạc màu quạt liên hồi, anh Tống Duy Chung, một cư dân của hầm đá thở dài: “Vất vả lắm các chú ạ! đạp xe còng cọc cả ngày, bạc cả mặt mà hàng hóa có bán được là bao. Vợ tui bị bệnh mất sớm, một tay nuôi 4 đứa nhỏ, lo ăn được cho chúng ấm bụng 2 bữa một ngày đã hụt hơi, nói gì đến chuyện sắm sửa quần áo, sách vở học hành. Chẳng riêng gì mấy nhỏ nhà tui, tụi trẻ con ở cái ấp hầm đá này đều như thế...!”. Anh đưa mắt nhìn ra xa xăm nơi bãi rác, có mấy cô cậu tí hon tay xách túi, tay cầm que đang bới rác, nhặt ve chai. Tất cả các em quần áo đều nhếch nhác, mặt mũi lem luốc, vóc dáng khô gầy, đen đúa chỉ có tiếng cười là còn hồn nhiên. đến hầm đá 621, chúng tôi không khỏi bị ám ảnh bởi những số phận, những cảnh đời. Chị Huyền, đẩy cánh cửa liếp xọc xạch mời chúng tôi vào nhà, giọng buồn buồn. “đất đai ở đây bạc lắm, cằn cỗi đến mức trồng lúa không mọc, trồng rau cũng chẳng lên. Ba mẹ con tôi từ Kiên Giang lên đây đã mấy năm. Ở dưới quê, tôi phải đi làm mướn cho người ta, nhưng cả năm chỉ có 1 đến 2 vụ, mỗi vụ chỉ được 5 - 8 ngày nên chẳng đủ ăn…”. Cách không xa “cái tổ” của chị Huyền là ngôi nhà lá ba gian xập xệ của vợ chồng anh Tá, chị Lý cùng 4 đứa con nhỏ. Anh Tá kể về cuộc sống hiện tại của mình: “Ngày ngày chúng tôi đi đập đá mướn cho công trường. Những lúc ít việc lại đi làm phụ hồ hoặc đốt đồng thuê cho người ta, nghề gì có tiền là làm. Mấy đứa con tôi, đứa thì đi đánh giày, đứa thì đi lượm ve chai. Lao động cực nhọc là thế mà có bao giờ đủ ăn đâu…”. Câu nói của người đàn ông tắc nghẹn, rơi vào khoảng không tĩnh lặng.
Con trẻ cùng những nỗi lo già…
Chúng tôi gặp bé Hùng (con trai anh Tá) khi em đang ngồi mệt mỏi bên hòm đồ nghề đánh giày. Bữa trưa của em chỉ có một cái bánh mì khô khốc. “Con chỉ mong sao có thể phụ giúp ba, má lo cho các em no bữa. Kiếm được vài ngàn đồng ở thành phố này thực không đơn giản. Con cũng từng được đi học đến lớp 3 mới phải nghỉ, nhiều lần ngồi đánh giày bên hè phố bị tụi bạn học cũ nhận ra, vừa buồn tủi, vừa khó xử…”. Em bé 13 tuổi ngừng nói và nén tiếng thở dài. Khi nhìn thấy ống kính máy ảnh của chúng tôi đưa lên, Hùng đứng dậy đeo chiếc hòm gỗ lên vai và xua tay: “Con không thích chụp hình đâu. Con không muốn bạn bè và nhiều người nhìn thấy con thế này...”.
Ở cái ấp hầm đá 621 này, điều chúng tôi day dứt nhất không chỉ là thu nhập ít ỏi của những con người lao động mà chính là cuộc sống của những đứa trẻ. Nghèo, đói, thiều thốn là thế nhưng các em rất ngoan. Câu chào cửa miệng: “Con chào thầy, con chào cô” cùng cử chỉ khoanh tay, cúi đầu lễ phép, các em đã khiến tất cả chúng tôi rất ngạc nhiên. “Các em học ở trường nào?”. Cậu bé có cái tên là Phong lắc đầu: “Dạ! tụi con không học trường nào hết ạ!”. “Thế các em có biết chữ không?” “Dạ! tụi con có biết sơ sơ”. “Thế ai dạy các em học chữ?”. Mắt cậu bé Phong sáng lên: “đó là những thầy cô giáo mặc áo xanh ạ!”. Thì ra, người đem chữ đến với tụi trẻ nghèo nơi đây chính là những sinh viên tình nguyện Khoa Ngữ Văn, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG TP.HCM). Cùng là người miền Tây, thương các em bé nghèo thất học nên các bạn đã tranh thủ mỗi tuần bỏ ra vài buổi để dạy các em đọc, viết, cộng, trừ, nhân, chia. Giờ học của các em thường vào buổi chiều từ 17 giờ - 18 giờ 30, không dạy được buổi tối vì nhà các em không có đèn, còn ban ngày các em phải đi lượm ve chai, đi đánh giày. Bàn ghế cho tụi trẻ học cũng không có bởi vậy các thầy cô tình nguyện thường dẫn các em ra hầm đá, dùng mấy tảng đá tương đối bằng phẳng làm bàn học. Những khi trời mưa thì các em tập trung ở một nhà, không có bàn ghế thì nằm nhoài giữa nhà mà viết bài. Ông Huy, một cư dân cao tuổi ở ấp này tâm sự: “Tụi trẻ ham học lắm. Tuy ít tuổi nhưng đứa nào cũng ý thức được vai trò của cái chữ. Chúng nhìn thấy nỗi cơ cực của ông, của cha vì không biết chữ mà nghèo, mà khổ nên vất vả cách mấy cũng phải học…”.
Hỏi về thu nhập từ việc lượm ve chai hàng ngày của những đứa trẻ, một cô bé gái tên Hoài cho biết: “Ngày nào trung bình tụi con cũng kiếm được khoảng chục ngàn, có khi hên còn được cả hai chục ngàn…”. Quả thực để có được số tiền ít ỏi đó, các em phải có mặt ở bãi rác từ 5 giờ sáng để bới ve chai, mặc cho thời tiết như thế nào. Vào nhà bé Hoài, ngồi trên sàn nhà gồ ghề, chúng tôi được nghe lời tâm sự của anh Tín, bố bé: “Nhìn các con vất vả trước tuổi, cha mẹ nào mà không đau lòng, sót ruột. Nhưng hoàn cảnh bắt buộc phải thế biết làm sao…”. Trong câu nói trầm tư ấy có cả nỗi lòng day dứt, ân hận của bậc làm cha, làm mẹ đã không lo được cho con cái một cuộc sống bình thường.
Chúng tôi rời hầm đá 621, chia tay với thành phố phương Nam đầy nắng và gió nhưng trong tâm trí vẫn luôn hiển hiện bóng hình của những đứa trẻ nghèo. Tôi còn nhớ câu nói của bé Phong khi được hỏi: “Nếu được ước 2 điều, em sẽ ước gì?”. Phong đã không ngần ngại trả lời: “Con ước tụi con sẽ được đi học để mai này trở thành sinh viên được vào ở trong ký túc xá và con ước rằng các em của con khi lớn lên sẽ không phải đi đánh giày, đi lượm ve chai và không còn phải lo về những bữa phải nhịn đói như con bây giờ…!”

PDF

 Ánh Bình - Khánh Trang - Bản tin ĐHQGHN số 245, tháng 7/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC