Sinh viên  Giảng đường - Cuộc sống 15:25:58 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Cơ hội ở cuối con đường
Tốt nghiệp loại khá khoa Tài chính – Ngân hàng của một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội với một thành tích học tập nổi trội cộng thêm sự nhanh nhẹn năng động trong mọi hoạt động, ai cũng nghĩ sau khi ra trường tôi sẽ xin được một chỗ “ngon” tại một ngân hàng nào đó.
Ai cũng bảo số tôi là số sướng, nhưng tôi đã khước từ tất cả để tự thân vận động muốn xem khả năng tự xoay sở của mình tới đâu, đối với tôi những gì do mình làm ra mới thực sự quý, những gì dễ đạt được cũng dễ mất đi.
Mở đầu cuộc hành trình tìm kiếm việc làm là một chi nhánh của Maritime Bank với vị trí Quan hệ khách hàng. Tôi thực sự tỏ ra khá tự tin, chủ động trong cuộc phỏng vấn nhưng gần kết thúc chị trưởng phòng hỏi thêm: Nhà em có ai làm trong ngân hàng không? Bố mẹ làm nghề gì? Nhà có ở thành phố không?
Câu trả lời của tôi là: “Không thưa chị, bố mẹ em chỉ là nông dân bình thường”. Trên đường về nhà tôi chợt nhận ra mình đã vô tình bị trượt ở 3 câu trả lời cuối bởi một sinh viên mới ra trường không có mối quan hệ, nhà không có điều kiện thì làm sao huy động được vài tỉ đồng trong vòng 1 tháng.
Tiếp tục nộp hồ sơ xin việc vào mấy ngân hàng nữa với nhiều vị trí khác nhau, vượt qua vòng thi viết dễ dàng tôi lại tới vòng phỏng vấn của HD Bank với vị trí Giao dịch viên.
Tôi là người trẻ tuổi nhất chưa có kinh nghiệm, các ứng viên còn lại đều đã đi làm được ít nhất 1 năm. Cũng có đôi chút lo lắng nhưng tôi vẫn giữ vững tinh thần đợi tới lượt mình.
Sau hồi giới thiệu bản thân là hàng loạt câu hỏi của một bà tuổi ngoài 40 dáng vẻ lù khù nhưng ánh mắt đầy tinh anh: “Nhà em có mấy anh chị em? Em ở trọ với ai? Em có biết hát không? Có tham gia cuộc thi văn nghệ nào không? Có thể em hát thử nghe một bài được không?…”.
Mấy câu này nằm ngoài dự tính của tôi nhưng rồi tôi cũng hát vì tôi biết hát và hát cũng khá hay. Cuộc phỏng vấn kéo dài 7 phút bao gồm 5 phút hát và 2 phút trả lời những câu hỏi liên quan tới cuộc sống đời thường.
Tôi tự nhủ có khi nào mình hát hay quá họ lại nhận không nhỉ? Hay họ đã chọn đủ người rồi chỉ phỏng vấn cho có hình thức và bắt mình hát như một trò giải khuây vì lúc tôi phỏng vấn cũng đã qua 17h và hội đồng ai cũng đã thấm mệt.
Về kể với lũ bạn đứa nào cũng bảo tôi đùa còn tôi thì nghĩ mình không nên hi vọng vào chỗ đó nữa. Hóa ra mình đã bị mang ra mua vui mà không hề hay biết, mình còn non dại quá, còn cuộc đời ngoài kia phức tạp quá.
Tôi cũng nộp thêm hồ sơ sang một số công ty tài chính, bất động sản khác thông qua các website việc làm.
Có lần tìm thấy một công ty đăng tuyển trên mạng vị trí quan hệ khách hàng và phải liên hệ qua điện thoại trước khi nộp hồ sơ, tôi gọi theo số điện thoại đã đăng, người nhận tự xưng là trưởng phòng nhân sự và bảo tôi gửi hồ sơ, ảnh chân dung, ảnh thẻ qua mail.
Tôi cũng đã gửi và nghĩ rằng vị trí này cần ngoại hình nên chắc họ cần cả ảnh chân dung nữa. Ngày hôm sau tôi nhận được mail phản hồi từ người đó như sau: “Vị trí em ứng tuyển đã hết, chỉ còn vị trí phó phòng thôi. Nếu em gửi cho tôi vài tấm ảnh gợi cảm của em thì vị trí đó thuộc về em”. Tôi chỉ còn biết cay đắng cười nhạt.
Đã nhiều tháng sau tốt nghiệp trôi qua mà tôi vẫn phải nhận những đồng tiền của bố mẹ. Nhìn những đồng tiền nhầu nhĩ, thấm đẫm mồ hôi, công sức của bố mẹ mà tôi cay đắng nuốt nước mắt.
Mãi đuổi theo những công việc đúng với chuyên ngành của mình, đã đến lúc hai chân tôi muốn ngã quỵ. Thế nhưng, bố mẹ luôn an ủi tôi rằng thời buổi kinh tế khó khăn thì phải biết kiên trì và chờ đợi.
Tôi tiếp tục đi kiếm việc làm tạm để trang trải chi phí thì được một người quen giới thiệu phỏng vấn tại một công ty với vị trí bán hàng trong siêu thị. Tưởng mọi chuyện đơn giản nhưng tôi lại thêm một phen choáng váng.
Phỏng vấn tôi có tất cả 3 người, sau màn giới thiệu bản thân là một liveshow của nhà tuyển dụng xoay quanh chuyện bằng cấp của tôi. Họ tỏ ra kinh ngạc khi tôi lại nộp hồ sơ vị trí này: “Trời ơi, em tốt nghiệp bằng này, khoa này, trường này mà lại làm cái nghề này sao? Em có biết suy nghĩ không vậy? Em không thấy tiếc tiền của bố mẹ nuôi em 4 năm đại học à? Em không thấy hoài công của mình sao?”
Liên tiếp 3 người thay nhau không ngừng đặt câu hỏi chỉ trích tôi và tấm bằng đại học. Tôi chỉ còn biết im lặng và lắng nghe cho tới khi họ dừng lại.
Lúc đó tôi gần như sắp òa khóc, mất 5 giây cả hai bên im lặng, tôi hít nhẹ một hơi thật sâu và bắt đầu nói: “Thưa các chị, bất cứ một sinh viên nào khi ra trường cũng đều muốn được làm đúng ngành nhưng khối kinh tế đào tạo tràn lan, do đó mới có gần 80% người sau khi ra trường phải làm trái ngành thậm chí không có việc làm. Thậm chí có nhân viên bán hàng trong công ty chị cũng đã từng tốt nghiệp khoa kế toán và họ cũng vẫn làm việc bình thường đấy thôi. Em không thấy hoài công khi học 4 năm đại học đơn giản là vì em ra truờng đúng lúc nền kinh tế đi vào suy thoái và cơ hội chưa thực sự đến với em, đúng với ngành mình học nhưng có ai lại biết trước cơ hội sẽ tới lúc nào chứ. Em vẫn phải làm việc và tồn tại để tìm kiếm cơ hội cho mình, biết đâu cơ hội lại bắt đầu từ những việc làm bình dị nhất”.
Lúc nói xong mặt tôi nóng ran lên và tôi biết chắc họ sẽ không bao giờ tuyển tôi vì tôi chỉ muốn làm tạm mà họ cần người làm lâu dài.
Tôi chạy ra khỏi công ty, vừa chạy vừa òa khóc, nước mắt lăn dài. Dường như mọi chuyện trước mắt quá đỗi u ám, dường như mọi cánh cửa đã đóng lại khi tôi chỉ mới đang bắt đầu.
Thế nhưng, tôi vẫn luôn tin rằng mình đã đi đúng con đường lựa chọn, dù khó khăn đến đâu tôi vẫn chưa đi hết nó và biết đâu cơ hội đang chờ tôi ở phía cuối con đường đó…
 Huỳnh Anh - Bản tin số 262-263 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC