Văn hóa  Văn học 03:33:57 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Ký ức về bộ sách giáo khoa đặc biệt
Ông Hồ Cơ năm nay 89 tuổi, quê gốc Nghệ An, sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, nguyên là Chủ tịch UBND xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ - năm 1930), nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Nguyễn Nghiêm (tỉnh Quảng Ngãi - từ năm 1947 đến 1955). Sau năm 1955, ông tập kết ra Bắc, rồi làm Trưởng phòng kiểm tra công tác các trường học sinh miền Nam ở miền Bắc (từ 1955 đến 1975). Năm 1967, ông làm Thư ký toà soạn báo Người giáo viên nhân dân - Phó trưởng ban phụ trách Trại chương trình và sách giáo khoa B (chương trình dành riêng cho học sinh miền Nam tập kết ra Bắc); rồi Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu giáo dục. Từ năm 1977 đến 1987, ông làm Phó Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam.
Ông Hồ Cơ kể: “Giữa những ngày hè 1972 khi chiến tranh diễn ra rất khốc liệt, ngành Giáo dục nhận được chỉ thị của Trung ương “về việc chi viện cho B về giáo dục”. Mấy tháng sau, chỉ thị này được thể chế hóa bằng văn bản số 247/TTg ngày 5/9/1972 do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị ký, trong đó có đoạn: “Bộ Giáo dục cần xúc tiến việc biên soạn các loại sách giáo khoa (SGK) phù hợp với yêu cầu giáo dục B; Bộ Văn hóa và Ủy ban Thống nhất có nhiệm vụ giúp Bộ Giáo dục trong việc in SGK, vận chuyển kịp thời SGK và thiết bị đồ dùng dạy học cần thiết cho B”.
Từ chủ trương của Trung ương, ngày 19/7/1972, Bộ trưởng Bộ Giáo dục có quyết định số 385/QĐ thành lập “Ban chương trình và SGK B” và cử ban phụ trách gồm: Nguyễn Sĩ Tỳ (Trưởng ban), Lê Văn Ngươn (Phó Trưởng ban), Hồ Cơ (Phó trưởng ban chuyên trách). Sau hai tháng, ban này được Bộ cải tổ thành “Trại biên soạn chương trình và SGK B” và ban phụ trách được bổ sung thêm. Cán bộ của trại thời kỳ này có 40 người (10 người được điều từ các cơ quan xung quanh Bộ Giáo dục, 23 người là giáo viên được chọn từ lớp cán bộ đang dự bồi dưỡng đi B, 7 người là cán bộ giảng dạy trường Đại học sư phạm).
Trại biên soạn chương trình và SGK B, thực chất là NXB Giải phóng – tên đã được ghi trên bìa. Trại được Ban Bí thư Trung ương giao biên soạn toàn bộ SGK phổ thông từ cấp I đến cấp III, sách bổ túc văn hóa từ cấp I đến cấp II (theo hệ thống 12 năm) phải: bảo đảm giáo dục toàn diện; về khoa học xã hội, chất lượng hơn hẳn SGK của chế độ Mỹ - ngụy, về khoa học tự nhiên thì tương đương; bảo đảm tính thống nhất trong cả nước, có chú trọng phản ánh thực tế miền Nam; khẩn trương nhưng thận trọng vì đây là bộ sách dùng để dạy ở vùng giải phóng, lan dần đến vùng tranh chấp, tiến tới cho cả miền Nam, trước mắt là công cụ văn hóa đấu tranh với địch. Phương hướng chung là chỉnh lý nhẹ nội dung SGK miền Bắc. Khi Trại chính thức triển khai nhiệm vụ đều thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu mà lãnh đạo đã nêu, riêng việc chuyển đổi hệ thống 10 năm của miền Bắc thành hệ thống 12 năm ở miền Nam với cấp I là 5 năm (miền Bắc 4 năm), cấp II – 4 năm (miền Bắc – 3 năm) quả thực là bài toán khó! Bên cạnh đó, còn phải thỏa mãn các yêu cầu về khoa học thời gian làm sách phải rất khẩn trương…
Công việc đầu tiên mà Trại triển khai là biên soạn chương trình. Thực chất công việc này là của Viện khoa học giáo dục, nhưng để tránh chờ đợi lẫn nhau, trong một thời gian làm sách rất ngắn, Bộ Giáo dục đã giao công việc này cho Trại. Sách được biên soạn 3 đợt: Sách lớp dưới được biên soạn trước; sách giáo khoa trước, sách hướng dẫn giảng dạy và sách tham khảo sau; sách phổ thông và sách bổ túc văn hóa làm song song. Trong đó, đợt I làm 77 cuốn, đợt II làm 62 cuốn, đợt III làm hơn 100 cuốn. Đến cuối năm 1974 đã hoàn thành xong đợt I và đợt II. Đặc biệt, sách của hai đợt này đều được in tại Bắc Kinh theo sự thỏa thuận giữa Chính phủ ta và Chính phủ Trung Quốc. Sách đợt III phần lớn là sách cấp III, vì bản thảo chậm và cũng vì nước bạn không nhận in nữa nên chỉ có hơn 20 đầu sách được in ở Bắc Kinh, số còn lại được in trong nước. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, Trại đã tổ chức biên soạn, xuất bản trên 160 đầu sách được in kịp thời, hình thức đẹp, với số lượng lớn (sách cấp I in hơn 1 triệu bản mỗi đầu sách; sách cấp II in hơn nửa triệu bản mỗi đầu sách; sách cấp III in hơn 10 vạn bản). Ở thời kỳ này, sách được in với khối lượng như vậy là rất lớn. khổ sách 15 x 22cm (SGK miền Bắc lúc bấy giờ phần lớn được in khổ 13 x 19cm). Không chỉ vậy, việc vận chuyển sách thành phẩm từ Bắc Kinh về Hà Nội, việc bố trí kho tàng, bảo quản và phân phối Trại đều phải quan tâm rất sát sao.
Ông Hồ Cơ nhớ lại: “Ngày khai giảng năm học đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), sách phổ thông và sách bổ túc văn hóa của NXBGD Giải phóng đã đến được tận tay giáo viên và học sinh ở tất cả các trường lớp từ Quảng Trị cho đến vùng đất mũi Cà Mau (chỉ thiếu một số đầu sách cấp III, một số sách về chính trị, đạo đức và một số sách ngoại ngữ). Trong tổng số hơn 160 đầu sách kịp thời phục vụ dạy và học, có cả một số sách hướng dẫn giảng dạy, một số sách văn học có trong chương trình, sách công cụ (từ điển). Trong đó, những đầu sách còn thiếu, được bổ sung ngay trong năm học 1975 – 1976 và các năm học tiếp theo. Đặc biệt, việc chuyên chở và phân phối sách được Bộ GD&ĐT, Ban chỉ đạo phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai tích cực trong hè năm 1975 để kịp thời phục vụ khai giảng. Thời kỳ trước 30/4/1975, đã có một khối lượng nhỏ SGK được chuyển vào miền Nam từ cuối những năm 1973 cho vùng giải phóng Quảng Trị, tiếp đến cho Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và vùng giải phóng Rạch Giá, Cà Mau…”.
Năm 1976, Trại sách B tổ chức “Tổng kết 4 năm hoạt động của Trại – NXBGD Giải phóng” đã tổ chức tổng kết và được Bộ đánh giá rất cao. Trại sách B đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đột xuất, nặng nề, phức tạp nhưng rất vinh quang. Kết quả đó không chỉ được Bộ GD&ĐT biểu dương mà còn được dư luận khẳng định, nhất là sau đợt tìm hiểu về SGK sử dụng trong năm học 1975 – 1976 của đoàn cán bộ Trại và Trung tâm biên soạn, sách Cải cách Giáo dục đầu năm 1976. Sau khi các đầu sách đến tay giáo viên và học sinh miền Nam, nhiều giáo viên đang giảng dạy ở Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác ở miền Nam (trước đây từng giảng dạy dưới chế độ cũ) đã nhận xét: Đảng và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là “tiên tri”, cầm chắc ngày toàn thắng nên ngay từ mùa hè năm 1972 đã sáng suốt tổ chức biên soạn bộ sách phổ thông rất đồ sộ!”
Cũng theo ông Cơ: Nếu năm học 1975 – 1976 sau giải phóng mà không có sách của NXBGD thì liệu xoay xở bằng cách nào? Sử dụng bộ sách của chế độ cũ ư? Trái khoáy lắm! Sử dụng bộ sách miền Bắc ư? Lại là chuyện áp đặt. Có đặt vấn đề như vậy mới thấy hết thắng lợi khi có bộ sách này. Đây không chỉ là một bộ sách chính quy, mà còn là một bộ sách có nội dung nghiêm túc, tiếp cận được với khoa học hiện đại, có hình thức hơn hẳn sách của chế độ cũ, nhất là mỗi đầu sách của phần lớn sách khoa học tự nhiên cấp III thực sự là mỗi công trình khoa học được biên soạn công phu, mà về sau khi biên soạn sách cải cách giáo dục, nhiều tác giả đã chú ý tham khảo. Và từ đầu thập niên 80 (thế kỷ XX), bộ sách Cải cách giáo dục (thống nhất trong cả nước) được thay thế cuốn chiếu từ lớp 1 đến lớp 12, kéo dài đến đầu thập niên 90 mới xong.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Trại sách B cũng gặp vô vàn khó khăn khi phải hoạt động dưới mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, đội ngũ cán bộ thiếu, không có chỗ ở, thiếu máy móc để in….Đặc biệt, 90% cán bộ làm sách của Trại không có nghiệp vụ xuất bản khi về làm việc tại Trại.
Theo ông: Những kết quả tốt đẹp nhiều mặt ấy không phải ngẫu nhiên mà có. Bởi nó xuất phát từ tầm chiến lược “tiên tri” của Trung ương Đảng, từ sự chấp hành nghiêm túc và kịp thời Chỉ thị của Đảng và Nhà nước, của Bộ Giáo dục, các Bộ, ngành liên quan, từ sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thuộc Bộ Giáo dục. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ của NXB Giáo dục trong mọi khâu, mọi công đoạn xuất bản, nhất là khâu biên tập, in ấn, phát hành, kể cả khâu thực hiện chính sách (dù nhuận bút còn ít ỏi) đối với cộng tác viên, tác giả…
Như vậy, bộ SGK của NXBGD Giải phóng ngót 20 năm đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử! Theo đánh giá của đồng chí Đào Duy Tùng, khi đó đang đảm nhiệm Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương tại buổi gặp gỡ cán bộ Trại sách B: “Sách của các anh đã góp đến một nửa phần trong việc ổn định tình hình miền Nam sau ngày giải phóng… Bộ sách đã góp phần “yên dân” sau khi đất nước giành được hoàn toàn độc lập – thống nhất Tổ quốc”.
 Hồ Cơ kể - Đài Sơn ghi - Bản tin số 259
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC