Văn hóa  Văn học 07:01:56 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Số phận ngắn ngủi của truyện ngôn tình
Ngoài văn học kinh điển, chính thống, một bộ phận bạn đọc trẻ tìm đến văn học mạng, văn học chớp nhoáng như một thú giải trí nhẹ nhàng, ảo diệu, quên đời. Và truyện ngôn tình đáp ứng được nhu cầu đó.
Từ nhu cầu giải trí
Không được công nhận về mặt đóng góp cho nền văn học Trung Quốc, nhưng những cây bút trẻ như Cố Mạn, Minh Hiểu Khê, Tào Đình, Dịch Phấn Hàn...vẫn đặc biệt được trân trọng bởi những tác phẩm thực sự dành cho lứa tuổi teen đa quốc gia. Những câu chuyện tình yêu bay bổng, lãng mạn, nhiều kịch tính, biến động nhưng kết thúc có hậu của họ luôn chiếm được tình cảm của đông đảo bạn đọc trẻ.
Ở tiểu thuyết ngôn tình, giới trẻ tìm thấy tiếng nói của một thế hệ năng động, với nhiều liên tưởng, ước vọng. Với những bạn trẻ ưa thích khám phá, truyện ngôn tình có thể mở ra không gian cổ đại, trung đại, ngược dòng thời gian...Dòng chảy gấp gáp, nhanh nhạy của thời hiện đại cũng được phản ánh khá rõ nét và cá tính trong các tác phẩm ngôn tình.
Ở một thời đại nơi mà các phát ngôn, quan điểm được cổ súy thể hiện một cách khá rõ ràng, tự do, những lời lẽ ướt át, mơ mộng của truyện ngôn tình đánh trúng tâm lí của các bạn trẻ. Và thực tế, không chỉ gói gọn trong một thể loại của một dòng sách, truyện, tiểu thuyết ngôn tình còn có những bước phát triển khá nhanh chóng, bất ngờ. Nhiều tác phẩm đã được dựng thành phim được giới trẻ vô cùng hoan nghênh, hâm mộ như Bong bóng mùa hè (Minh Hiểu Khê), Anh có thích nước Mỹ không? (Tân Di Ổ)...
Kéo theo sức nóng của truyện ngôn tình là những trào lưu “móc xích”, ăn theo. Ở Việt Nam cũng đã xuất hiện những cây bút viết theo xu hướng ngôn tình như Trần Thu Trang (Coiktail tình yêu, Phải lấy người như anh), Hồng Sakura (Xu Xu đừng khóc, Bạch mã hoàng tử, Đài các tiểu thư, Lãng tử gió...), Meggie Phạm (Người xa lạ và em, Giám đốc và em, Hoàng tử và em...), Nguyễn Thị Thu Hiền (Khi lấy chàng) Thậm chí tiểu thuyết Xin lỗi em chỉ là con đĩ (Tào Đình) đã được chuyển thể thành một vở kịch khá nổi tiếng trên sân khấu Việt Nam.
Những băn khoăn lo ngại
Thời gian này truyện ngôn tình không còn gây sốt như trước. Nhiều bạn đọc sau khi lạc vào “mê hồn trận” của dòng văn học ít nhiều có chất gây nghiện này đã nhận ra mô- tip quen thuộc, thậm chí nhàm chán của các tác phẩm ngôn tình. Những câu chuyện tình đẹp như mơ ấy quá hiếm trong đời sống thực với muôn vàn phức tạp. Phần lớn những tác phẩm ngôn tình đều có xuất phát điểm từ văn học tiếp nối, văn học mạng. Giá trị ngôn từ, thời đại và giáo dục không được rèn giũa. Đó cũng là một trong những lí do khiến nhiều bạn đã “đoạn tuyệt” hẳn với dòng sách này bởi thấy mình quá phí phạm thời gian vào những gì phi thực tế, thiếu tư duy và không giúp nâng cao các kỹ năng sống.
Ngày càng lệch chuẩn so với những bước đi ban đầu, các tác phẩm ngôn tình chú trọng sâu vào khai thác yếu tố sex thiếu nghệ thuật và không phù hợp lứa tuổi bạn đọc. Hàng loạt những tác phẩm đi vào “con đường tối” này đã không biện minh nổi cho mục đích ngày càng thiếu trong sáng của các tác phẩm ngôn tình. Đó là Đồng lang cộng chẩm, Đồng lang cộng hôn (Diệp Lạc Vô Tâm), Thục nữ PK xã hội đen (Thuấn Gian Khuynh Thành), Kẻ thù của xử nữ (Tâm Lam), Quan hệ nguy hiểm (Khiêu Dược Hỏa Diệm)...
Một điều đáng lưu ý nữa, đến từ bộ phận dịch thuật là rất nhiều những tác phẩm ngôn tình Trung Quốc được dịch sang tiếng Việt thường chọn những cái tên gây sốc, khêu gợi, sơ sài. Ngoài hai tác phẩm Xin lỗi, em chỉ là con đĩ; Kiếp trước, em đã chôn cất cho anh (Tào Đình) còn phải kể đến Yêu nghiệt nhà ta (Cầu Mộng), Nữ hoàng tin đồn (Thẩm Thương My), Shock tình (Kawi), Yêu anh hết thuốc chữa (Mật Kiến), Nương vị nào là cha cục cưng (Di Lục Các), Tay ôm con, tay ôm vợ (Hạ Nhiễm Tuyết), Chết! sập bẫy rồi (Diamond Baby)...
Trong số những cây bút trẻ của Việt Nam ảnh hưởng bởi xu hướng ngôn tình, may ra chỉ có Dương Thụy với những tác phẩm kết hợp thông minh, khéo léo giữa sự ăn khách của ngôn tình và năng khiếu, kiến thức sâu sắc về văn chương, cuộc sống. Những Oxford thương yêu, Venise và những cuộc tình Gondola, Nhắm mắt thấy Paris, Trả lại nụ hôn... với chất lãng mạn, kiến văn rộng mở và văn minh đã đưa tên tuổi Dương Thụy trở nên quen thuộc trong văn hóa đọc của người trẻ.
Cho dù truyện ngôn tình đang có dấu hiệu lũng đoạn văn hóa đọc của người trẻ Việt, nhưng rõ ràng văn chương xa rời đời sống có tuổi thọ thật ngắn ngủi. Thiết nghĩ, số phận của truyện ngôn tình cũng không nằm ngoài quy luật đó.
 Sa Nam - Bản tin số 260 - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC