Đô thị Hòa Lạc 02:05:42 Ngày 20/04/2024 GMT+7
“4V” với vai trò dẫn dắt KHCN và GDĐH Việt Nam
Vừa qua, 4 trụ cột khoa học công nghệ (KHCN) và giáo dục đại học (GDĐH) - gọi tắt là "4V "- bao gồm: Viện KHCN Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam, ĐHQGHN, ĐHQG Tp.HCM đã ký kết hợp tác toàn diện. Đây được xem là cú hích quan trọng cho sự phát triển KHCN và GDĐH Việt Nam. Là một nhà quản lý, nhà khoa học xuất sắc, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách, chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và khoa học công nghệ. GS.TSKH Vũ Minh Giang đã tham gia Hội đồng Lý luận Trung ương khóa X, XI. Nhân dịp này, Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Vũ Minh Giang xung quanh vấn đề về vai trò của "4V "trong việc dẫn dắt nền KHCN và GDĐH Việt Nam.
Kinh nghiệm thế giới
Thưa Giáo sư, kinh nghiệm thế giới cho thấy, nhiều nước tập trung nguồn lực để xây dựng những đơn vị trụ cột về KHCN và GDĐH, coi đây là hoa tiêu và sức mạnh trong chính sách phát triển. GS có thể cho biết đôi nét về vấn đề này?
KHCN và GDĐH chất lượng cao có vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Trong nền kinh tế tri thức, KHCN và GDĐH cung cấp tri thức, nhân lực và các yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế, vì vậy phát triển KHCN và GDĐH không những được coi là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội mà đã trở thành xu hướng lựa chọn tất yếu của nhiều quốc gia. Quá trình phát triển các quốc gia trên thế giới đã chứng minh rằng quốc gia nào nắm giữ và làm chủ được công nghệ và tri thức mới, quốc gia đó sẽ phát triển. Bài học thành công từ một số nền công nghiệp phát triển tại Châu Á gần đây như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đều có chung một cách đi là phát triển dựa vào KHCN và GDĐT. Với một thời gian không dài nhưng nhờ có chính sách phát triển dựa vào KHCN và GDĐT, cùng với giải pháp hợp lý, các quốc gia này không những đã thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu mà còn đuổi kịp các nước châu Âu và Bắc Mỹ có lịch sử phát triển KHCN và GDĐT hàng trăm năm.
Để có được thành công, ngoài việc chăm lo và đầu tư cho hai lĩnh vực này, các quốc gia đã đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển một số trung tâm nghiên cứu và đại học đỉnh cao, làm hạt nhân nòng cột, đầu tàu để thúc đẩy sự phát triển cho toàn bộ hệ thống, đồng thời coi đó là diện mạo quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi để các trung tâm phát triển.
Nhiệm vụ của những “trụ cột” này là gì, thưa Giáo sư?
Các trụ cột KHCN và GDĐH có nhiệm vụ đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ tương xứng với vai trò và sứ mệnh của mình, đồng thời được Chính phủ tin tưởng giao thực hiện các nhiệm vụ quan trọng liên quan đến vận mệnh và tương lai phát triển của đất nước. Ví dụ, Chính phủ đã đặt hàng và các nhà khoa học Trung quốc thực hiện thành công chiến lược chiếm lĩnh và làm chủ không gian, các nhà khoa học Hàn quốc đã thành công với nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực đóng tàu, thiết bị điện tử dân dụng... Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng các sáng kiến khác nhau để gia tăng các yếu tố cạnh tranh. Từ năm 2000, Nhật bản đã khởi động Chương trình xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc cho thế kỷ 21. Đến năm 2008, chương trình này được phát triển thành Sáng kiến xây dựng các Trung tâm nghiên cứu quốc tế hàng đầu thế giới. Hàn quốc thúc đẩy kế hoạch xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế thông qua việc thực hiện chương trình BK21 “Brain Korea 21” từ năm 1999 và từ năm 2008 triển khai Chương trình WCUs. Malaysia thực hiện Chương trình tăng tốc đến Tuyệt hảo “Accelerated Programme for Excellence” hướng đến việc có được một trường đại học nằm trong nhóm 100 các trường hàng đầu của thế giới.
Với vai trò đặc biệt quan trọng như vậy, hẳn sự quan tâm đầu tư từ chính phủ cũng phải đặc biệt?
Sự khác biệt của các trung tâm nghiên cứu và đại học này trước hết là ở địa vị pháp lý cao. Đối với KHCN, mặc dù có mô hình tổ chức khá đa dạng, nhưng một số quốc gia đã rất thành công như CNRS (CH Pháp), KIST (Hàn quốc), Academia Sinica (Đài Loan),… Đối với GDĐT, ở nhiều nước như Liên bang Nga và Cộng hòa Phillipin, địa vị pháp lý của ĐHQG được luật quy định là cơ quan trực thuộc Tổng thống. Tại một số quốc gia khác, các đại học hoa tiêu cũng do Tổng thống hoặc Thủ tướng bổ nhiệm, thậm chí, có trường hợp Tổng thống còn trực tiếp là người đứng đầu của đại học. Với địa vị pháp lý cao như vậy, các trung tâm nghiên cứu và đại học hoa tiêu đã thực hiện xuất sắc sứ mệnh được giao.
Ngoài việc xác định vị trí pháp lý và quyền tự chủ cao, Chính phủ còn tạo các cơ chế phù hợp để các trụ cột KHCN và GDĐT triển khai thực hiện các phương thức hợp tác hiệu quả với nhau và với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo khác trong việc kết hợp đào tạo sau đại học, thiết lập hệ thống các phòng thí nghiệm phối thuộc, thực hiện các chương trình nghiên cứu hỗn hợp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và tạo ra các chuỗi giá trị gắn kết trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao. Trong kỷ nguyên phát triển mới của khoa học liên ngành và xuyên ngành, sự hợp tác đã trở thành một nhu cầu tự thân của các đơn vị. Thông qua việc thực hiện hợp tác, ngoài việc phát huy được các nguồn lực dùng chung, gia tăng được giá trị khoa học công nghệ và đào tạo của mình và của hệ thống, các các trụ cột còn thực hiện được vai trò đầu tàu trong việc chuyển giao các kinh nghiệm đổi mới quản lý, tri thức mới, công nghệ mới tới cộng đồng.
Giải pháp đột phá cho Việt Nam
Ở Việt Nam thì sao, thưa Giáo sư?
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển KHCN và GDĐT đã được khẳng định và thực hiện nhất quán trong thực tiễn kể từ khi đất nước mới giành được độc lập cho đến nay. Trong quá trình lãnh đạo đất nước đổi mới toàn diện, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có chủ trương hết sức sáng suốt và đúng đắn là xây dựng một số trung tâm nghiên cứu và đại học tiên tiến, được ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế nhằm tạo nên các điểm nhấn tiêu biểu của KHCN, GDĐH cũng như trí tuệ và văn hóa Việt Nam, làm trụ cột và đầu tàu trong hệ thống nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao tri thức của đất nước. Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, Chính phủ đã thành lập bốn đơn vị nghiên cứu và đào tạo đại học trụ cột (gọi tắt là 4V) của đất nước với vị thế pháp lý và quyền tự chủ cao: Viện KHXHVN, Viện KHCNVN, ĐHQGHN và ĐHQG TpHCM. Hai viện khoa học là hai đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chính phủ. Hai đại học quốc gia trực thuộc Thủ tướng với vị thế pháp lý đã được quy định trong Luật Giáo dục Đại học vừa được Quốc hội thông qua (6/2012).
”4V” đã khẳng định vai trò của mình như thế nào đối với sự phát triển của đất nước, thưa Giáo sư?
Cho đến nay, mặc dù mức độ đầu tư còn rất hạn chế, nhưng nhờ sự quan tâm, động viên của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp, tạo điều kiện của các bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương, bốn trụ cột KHCN và GDĐT đã phát huy được quyền tự chủ cao trong mọi hoạt động, chủ động xây dựng thành công mô hình các đơn vị sự nghiệp KHCN và GDĐT có thực thể hữu cơ, với hệ thống tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo đa dạng, vị thế hành chính hợp lý, đáp ứng nhanh yêu cầu nghiên cứu khoa học và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, đáp ứng nhu cầu cao của xã hội, vừa thực hiện được sự liên thông, liên kết, vừa phát huy tính sáng tạo, tự chủ. Từ chỗ chưa có tên trong bất cứ bảng xếp hạng nghiên cứu và đại học nào trên thế giới, trong bảng xếp hạng SCImago năm 2011 cho 3.000 cơ sở nghiên cứu mạnh trên thế giới, Viện KHCNVN và hai ĐHQG đã có tên trong danh sách. Năm 2012, theo bảng xếp hạng đại học của tổ chức QS, ĐHQGHN đã được xếp hạng vào nhóm 250 đại học tiên tiến của châu Á; Việt Nam có 3 lĩnh vực lọt vào top 100 của châu Á, đó là lĩnh vực khoa học tự nhiên (vị trí 61), khoa học sự sống và y sinh (vị trí 84) của ĐHQGHN và lĩnh vực khoa học tự nhiên của ĐHQG TpHCM (vị trí 93). Bên cạnh đó, hai lĩnh vực khác là công nghệ và kỹ thuật (Engineering and Technology) và khoa học xã hội và quản lý (Social Sciences and Management) của ĐHQGHN vẫn tiếp tục nằm trong top 200 của châu Á.
Với đội ngũ cán bộ khoa học chiếm gần 30% cả nước, bốn trụ cột đã giữ vai trò then chốt, thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước giao phó. Trước hết, 4V thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên, về khoa học xã hội và phát triển công nghệ theo các hướng trọng điểm của Nhà nước; hướng đến các sản phẩm KHCN tầm cỡ quốc gia và tiếp cận chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với các kết quả tiêu biểu về nghiên cứu cơ bản toán học và vật lý; công nghệ sinh học, công nghệ gen và tế bào gốc; công nghệ vật liệu và công nghệ nanô; công nghệ chip... 
Đồng thời, 4V cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các công trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHXH&NV trực tiếp góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, chấn hưng đất nước, trong đó có những công trình trực tiếp góp phần vào công cuộc đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng cương lĩnh và đường lối của Đảng; xác lập cơ sở cho việc hình thành ngành Hồ Chí Minh học; góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là các vấn đề về chủ quyền, vùng đất phía Nam, trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; đóng góp tích cực cho sửa đổi Hiến pháp 1992...
Bên cạnh đó, 4V cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, phát triển các chương trình đào tạo mới (đặc biệt là các chương trình đào tạo liên ngành), mô hình đào tạo mới hướng đến chuẩn quốc tế và hội nhập (đào tạo tài năng, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đào tạo phối hợp...). Đặc biệt, 4V đã tiên phong đổi mới công tác quản lý các hoạt động KHCN và quản trị đại học tiên tiến, đề xuất các cơ chế nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động KHCN và GDĐT. 4V cũng tiên phong triển khai đánh giá kết quả NCKH và kiểm định chất lượng giáo dục theo thông lệ quốc tế.
Những thành quả đó là minh chứng hiệu quả của việc hợp tác giữa 4 đơn vị trụ cột, vậy xin Giáo sư cho biết cụ thể?
Bốn cơ quan (4V) đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW2 khóa VIII về mô hình hợp tác trường - viện - doanh nghiệp, coi đó vừa là phương thức vừa là mục tiêu nhằm tới sự phát triển của từng đối tác, sự phát triển chung của sự nghiệp khoa học - công nghệ và giáo dục đại học của nước nhà. Giữa các trụ cột đã có các văn bản hợp tác song phương và ở cấp các đơn vị thành viên.
Hợp tác giữa 2 ĐHQG đã có truyền thống, nề nếp và phát huy hiệu quả trong việc hoàn thiện và phát triển mô hình và cơ chế hoạt động, phối hợp đào tạo và nghiên cứu các vấn đề quan trọng của đất nước, các lĩnh vực khoa học công nghệ mới phát triển.
Viện KHXHVN và ĐHQGHN đã hợp tác tổ chức các Hội thảo quốc tế về Việt Nam học, Hội thảo "Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại"... ĐHQG TpHCM và Viện KHCNVN đã phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế về Khoa học và Công nghệ nanô, Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano... Đây là các hội nghị, hội thảo có tiếng vang lớn, thu hút hàng ngàn nhà khoa học danh tiếng trong và ngoài nước tham gia, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Đặc biệt, ĐHQGHN và Viện KHCNVN đã hợp tác triển khai và vận hành có hiệu quả mô hình “Khoa phối thuộc" và "Phòng thí nghiệm phối thuộc" để tổ chức đào tạo một số ngành/chuyên ngành khoa học – công nghệ mũi nhọn như Công nghệ thông tin và truyền thông, Công nghệ vật liệu và linh kiện nanô; Công nghệ cơ điện tử, Công nghệ hàng không vũ trụ,...
Bốn đơn vị trụ cột đang hợp tác xây dựng và phối hợp triển khai các chương trình nghiên cứu tầm cỡ quốc gia như Chương trình nghiên cứu Tây Bắc, Tây Nam bộ, nghiên cứu biển đảo...
Trong thời gian tới, 4 đơn vị có những giải pháp đột phá gì để tiếp tục phát triển hợp tác lên tầm cao mới, thưa Giáo sư?
Là bốn cơ quan sự nghiệp GDĐT và KHCN hàng đầu, các bên thống nhất xác định cùng có vị trí trụ cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức của đất nước. Bốn cơ quan có trách nhiệm phải tiên phong đổi mới, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; sáng tạo ra các yếu tố cạnh tranh cho quốc gia và giải quyết các thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đất nước. Đây vừa là vai trò và trách nhiệm của mỗi bên, vừa là vai trò và trách nhiệm của nhóm hoa tiêu.
Phát triển hợp tác bốn bên với tầm nhìn mới, phương thức và nội dung mới là tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết TW2 khóa VIII về mô hình hợp tác trường - viện – doanh nghiệp, và là hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo”, “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học, công nghệ, xem đó là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả của khoa học, công nghệ”.
Bốn cơ quan sự nghiệp khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo thực hiện hợp tác nhằm xây dựng trụ cột triển khai chiến lược phát triển KHCN và GDĐT giai đoạn 2012-2020, làm chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng và Nhà nước trong việc tư vấn chính sách KHCN và GDĐT, đóng góp nhiều hơn vào thành tích hoạt động KHCN và GDĐT của nước nhà, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.  
Để thực hiện thành công sứ mệnh và nhiệm vụ của mình, bốn cơ quan mong muốn Chính phủ cho phép được thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao phù hợp với địa vị pháp lý, sứ mệnh và thực thể của 4 cơ quan do Chính phủ thành lập.
Xin cảm ơn Giáo sư!

 

 Đức minh (thực hiện) - Bản tin số 258
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC