Đô thị Hòa Lạc 14:14:56 Ngày 18/04/2024 GMT+7
“Cảm ơn các cậu đã nhớ đến mình”
Tôi viết đôi dòng tri ân thầy Hiệu trưởng xưa vào dịp kỷ niệm thầy “Bách Tuế”. Thầy mà tôi nói tới ở đây là GS Ngụy như Kontum, hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà nội trong gần ba mươi năm:1956-1982, nhà khoa học khả kính, giàu tình cảm và bậc trưởng lão của làng đại học nước ta.
Cuôi xuân năm 1951, lúc ấy tôi mới gần 8 tuổi, gia đình tôi tản cư theo cơ quan kháng chiến ở Thanh Hóa, cha tôi đang làm hiệu phó trường Sư phạm Liên khu 4 đào tạo giáo viên cho sáu tỉnh. Nhiều giáo sinh, sau khi học xong khoác balô vào vùng địch hậu Bình Trị Thiên khói lửa để dạy học. Trước đó, năm 1949 có hội nghị giáo dục toàn quốc họp ở Yên Mô ( Ninh Bình), đang họp thì giặc Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm nên phải sơ tán. Đến năm 1951 thì Bộ mới họp lại ở Thanh hóa. Trường cha tôi được tham gia tổ chức hội nghị. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và cùng nhiều vụ và ban hữu quan đã lặn lội từ Việt Bắc và các tỉnh về họp.
Một hôm, tôi đang tha thẩn chơi cạnh hội trường thì thấy cha tôi dẫn một đoàn đại biểu tới thăm ngôi trường tranh tre nứa lá, đi đầu là một người thấp, dáng mập và ăn mặc tươm tất, cười nói vui vẻ. Tò mò tôi theo vào hội trường và được nghe giới thiệu: Thạc sỹ (Agrégé) Ngụy Như Kontum, Tổng giám đốc Trung học vụ và Chánh chủ sự Bộ Giáo dục đến thăm trường. Sau lời giới thiệu, nghe thấy ông nói:” Chúng tôi từ Việt Bắc vừa đi bộ cả tháng về đây thăm anh chị em” thì thấy mọi người đứng dậy vỗ tay hoan hô. Lúc ra, tò mò tôi chạy đàng trước phái đoàn đi thăm cơ sở để ngoái nhìn người có tên lạ. Về nhà, tôi hỏi cha tôi: “ Bác ấy là người tây hay ta”. Cha tôi giải thích: “ Bác ấy người Hà Tĩnh, nhưng sinh ở tỉnh Kontum nên bố mẹ đặt tên như vậy để kỷ niệm. Cha tôi còn nói thêm: “ Bác ấy học cao lắm ở trường đại học bên Pháp.” Còn tôi thì thuở ấy cũng chưa hình dung ra được tỉnh Kontum ở đâu.
Mười năm sau. 1960, tôi đang học cuối cấp phổ thông. Một hôm, tôi chở cha tôi đến văn phòng Mặt trận Tổ Quốc tỉnh để họp các ứng viên sắp tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 2. Trong số các nhân sỹ tôi thấy có cụ Cử Nguyễn Đình Ngân, BS Hoàng Sử và một bác trông quen nhưng tôi không nhớ là ai,… mãi đến khi cha tôi chào hỏi và bắt tay thân mật thì nghe bác đó nói:” Vậy là đã mười năm anh nhỉ ” thì tôi mới nhớ ra Thạc sỹ Ngụy như Kontum. Nay bác là GS Giám đốc trường Đại học Tổng hợp, ở Hà nội vào. Mới tuổi năm mươi nhưng tóc bác đã bạc trắng và chớm nét khắc khổ.
Lại đúng một năm sau, 1961, tôi thi vào trường Đại học Tổng hơp Hà Nội, khoa Ngữ Văn. Cha tôi đang ở Hà Nội gửi về cho tôi thông tin trúng tuyển và giấy báo nhập học do thầy giám đốc Ngụy Như Kontum ký. Tôi vui, tự hào rời tỉnh lẻ đến chốn kinh đô và náo nức đến trước nhà trường 19 Lê Thánh Tông để mong được thấy thầy giám đốc, nhưng không được thấy vì trường đang vào tuần nghỉ lễ Quốc khánh.
Sáng 4 tháng 9, chúng tôi đến trường sớm, tề tựu nơi sân lớn. Trời mưa to. Các tân sinh viên được đưa vào giảng đường lớn, nay mang tên thầy. Chúng tôi, kẻ đi dép, người đi chân đất vào chốn giảng đường cao sang không khỏi ngỡ ngàng và thiếu tự tin. Một lúc sau thì có tiếng hô:” Đứng dậy, chào đón ban Giám đốc và các Giáo sư”, chúng tôi vội đứng lên thì đã thấy đoàn nghi lễ bước vào. Đi đầu là thầy Giám đôc Ngụy như Kontum, tôi nhận ra thầy ngay nhờ mái đầu bạc. Thầy có đôi mắt to, sáng và điềm đạm mặc một áo sơ mi ngắn tay sáng màu có hai túi áo có nắp. Hình ảnh này đã trở thành biểu tượng về thầy trong tâm trí tôi suốt cho đến tận hôm nay. Thầy đáp lễ rồi giới thiệu ban giám đốc và các GS khoa trưởng rồi lịch sự, nhỏ nhẹ đọc một bài diễn văn ngắn chào mừng các sinh viên mới nhập học. Chúng tôi sung sướng vì chưa bao giờ được tôn trọng như thế. Cuối buổi, thầy bước ra sảnh cùng các GS Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Hoán, Dương Hữu Thời chia nhau ân cần dẫn các lớp chúng tôi đi thăm thư viện ( phòng đọc lúc đó nay là giảng đường Lê văn Thiêm) và các phòng thí nghiệm, khu hành chính trên gác,…Có lẽ ngày nay, trong một hoàn cảnh khác, các em sinh viên không có được cơ hội như chúng tôi ngày ấy.
Thầy Ngụy như Kontum là một nhân sỹ trí thức ngoài Đảng ở trường thầy luôn nhận được sự kính trọng và tin tưởng của Đảng ủy và giới trí thức học giả. Thầy thực hiện trách nhiệm rất đúng nguyên tắc và nhờ đó điều hành các hoạt động của trường rất có kết quả trong thời bình cũng như thời chiến. Tôi nhớ, lúc đó trường có thêm một cơ sở mới ( cơ sở 3) ở làng Láng cho khoa Khoa học Xã hội ( nay là khuôn viên của cả hai trường Đại học Ngoại Thương và Học viện Ngoại giao) bị coi là đi xa. Thầy thường xuyên xuống thăm, kiểm tra và giải quyết cac việc tại chỗ một cách ân cần. Một lần, tôi thấy thầy xuống văn phòng khoa Văn và Sử, sau khi đánh vài ván bi-a ở hành lang với khoa trưởng, thầy họp cán bộ, phê bình nhắc nhở vệ sinh môi trường và chăm lo bữa ăn của sinh viên. Thầy ở lại ăn cơm trưa nhưng không ngồi ở phòng ăn các thầy mà tớỉ nhà ăn sinh viên với chúng tôi để biết đời sống học trò (thuở ấy thường bữa chỉ có cơm ngô, canh rau cải nấu suông và mỗi suất hai miếng đậu phụ kho tương cho mỗi người). Cứ nhìn thấy cái xe con hiệu Maxcơvich đời 1946, nhỏ hơn cả xe Matiz, ngày nay là chúng tôi biết hàng tuần thầy Hiệu trưởng xuống kiểm tra định kỳ. Có lần đi qua nhà cấp 4 của lớp tôi thấy lối đi trước nhà quá rộng, thầy đã gợi ý với khoa là nên thu hep các lối đi để lấy đất trồng rau, cải thiện bữa ăn cho sinh viên. Vài tháng sau lớp tôi đã có thêm những củ su hào để luộc ăn buổi tối từ mảnh đất tiết kiệm.
Những năm tháng tạm thời hòa bình, nghèo nhưng rất vui. Thể thao đại học rất phát triển, các đội bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn của trường Tổng hợp đã đoạt chức quán quân, chúng tôi đi cổ vũ hò hét không biết mêt. Năm 1963 có đá bóng giải quân đôi các nước Xã hội chủ nghĩa ở Hà nội. Chúng tôi ao ước có được vé xem nhưng gần như vô vọng vì mình chỉ là sinh viên nghèo (“Ăn đói, mặc rét, thầy hét, dân la”) lấy đâu ra tiền và tiêu chuẩn gì mà được phân phối vé? Thế rồi như có phép lạ bỗng tôi có được một vé xem trận Tiệp khắc gặp Rumani. Số là thầy Ngụy như Kon tum, trong khi rất ủng hộ phong trào thể thao sinh viên, đã có sáng kiến dùng uy tín cá nhân liên hệ với bên Tổng cục Thể thao để trường mua được một số vé xem. Khi có vé rồi, thầy quyết định giao cho Hội sinh viên trường phân phối về các khoa và nói chỉ dành vé đó để khen thưởng động viên các sinh viên tiên tiến.
 Thầy không có nhà riêng mà ở trong tập thể, một căn biệt thự chia cho nhiều gia đình ở số 28 Nguyễn Lai Thạch ( sau đổi tên phố thành Nguyễn Huy Tự). Gia đình thầy ở căn phòng dài tầng một, chẳng lhả là trong lớp tôi có bạn Diệp Minh Tuyền ( Nhạc sỹ Diệp Minh Tuyền) người Nam bộ con bác Diệp Tư là Phó Giám đốc, nhà ở tầng 2. Chúng tôi hay đến nhà Tuyền chơi, nghe nói thầy Hiệu trưởng có một thứ nữ rất xinh xắn nhưng chúng tôi chưa biết mặt. Một lần, ở gác hai xuống, nhóm chúng tôi gặp một thiếu nữ rất xinh đẹp đi ngược lên, chúng tôi vội dạt sang một bên để nhường đường. Xuống tầng một tôi hỏi Tuyền:”Ai vậy?”. Tuyền bảo:” Con thầy Kontum đấy”. Chúng tôi ồ lên. Một đứa nói:” Đúng là lá ngọc cành vàng rồi, ai dám làm ứng viên nào?”, thiếu tự tin một đứa khác cất giọng hát luôn một câu trong bài hát của Tuyền mới viết: ” Chúng ta đoàn sinh viên công nông, là con nhân dân lao động anh dũng đất nước ta,…”. Mấy chục năm sau, chị Tuyết Nhung, con gái thầy là PGS trường Tự nhiên nay đã nghỉ hưu chắc khi nghe chi tiết này cũng buồn cười. Phu nhân của thầy là cô Đỗ làm ở phòng Giáo vụ, nghe nói thuở xưa cồ là một hoa khôi danh giá, nhưng cô thật là một cán bộ hiền hậu, nghiêm túc và tận tụy trong công vụ suốt mấy chục năm. Nhớ lần tôi và anh Lân (GS Mã Giang Lân, khoa Văn học) được báo lên phòng đào tạo vì hai lý do: Tôi thì đánh mất thẻ sinh viên phải xin làm lại. Thẻ sinh viên lúc đó rất quý vì mọi sinh hoạt, học tập trong trường đều nằm trong thẻ đó cả. Còn anh Lân, thì nghe nói là trong hồ sơ lưu trữ chưa có ảnh nên người ta nhắn anh phải gửi cái ảnh lên trường. Thuở nghèo, không có ảnh mới, anh Lân kiếm được một tấm ảnh gửi lên, không ngờ đó là một tấm ảnh toàn thân, chụp anh mặc quần ta, đứng cạnh cây dừa, bên lại có chum nước trên đó lại có cả cái gáo(!). Trường có ý phê bình vì nghi là không nghiêm túc, nhưng khi gặp cô Đỗ ở phòng giáo vụ thì chúng tôi rất ngạc nhiên là cô làm lại cho tôi tấm thẻ rất nhanh, còn anh Lân thì cô cười và nhắc nhẹ vì thông cảm cái khó thời đó. Mấy năm sau, chính anh Lân trở thành cán bộ phòng giáo vụ, ngồi một bàn bên cạnh bàn cô Đỗ.
Những ngày hòa bình qua đi rất nhanh. Rồi chiến tranh lan đến miền Bắc. Mùa hè năm 1965, lớp chúng tôi, năm thứ tư ra trường vội vã trong tiếng bom rền nổ gần Hà nội. Cuộc sống chuyển sang thời chiến. Tôi và một số bạn ( Nguyễn Duy Tiến, Vũ Ngọc Ban, Phạm Văn Ty, Nguyễn Nguyên Hy,…) được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.
Trường có lệnh tản cư lên Việt Bắc. Chiến dịch chuyển trường lên huyện miền núi Đại Từ nay nghe lai cứ như chuyện cổ tích. Thầy Ngụy như Kontum, thầy Lê văn Thiêm và lãnh đạo trường lên rừng rất sớm để điều hành làng đại học mới, một làng đại học “ vô tiền khoáng hậu”:
 “ Trường tôi mây chắn, núi bưng,
 Mai nứa trên rưng kết lá ngụy trang”
 ( Ca dao kháng chiến)      
Thầy hiệu trưởng để lại Hà Nội chiếc xe Maxcơvich đời 1946 thân quen, thay vào đó là chiếc xe đạp già nua thầy đạp xe đi khắp các khoa để kiểm tra , động viên thày và trò. Riêng đến khoa tôi ( Ngữ văn ) và khoa Lịch sử còn phải vác xe lội qua một con suối lớn, thày vẫn không quản. Sinh viên Văn K.8 viết “ Sơ tán diễn nghĩa” đã có cả một hồi:
“Ngụy hiệu trưởng dắt xe lên non, Hoàng chủ nhiệm cưỡi trâu qua suối”. Hoàng chủ nhiệm là thầy Hoàng Xuân Nhị, chủ nhiệm khoa Ngữ văn.
Đời sống thời chiến miền sơn cước thật khó khăn nhưng cũng có những cái vui. Một lần tôi đi củi rừng về để nộp cho nhà bếp tập thể, dọc đường về, xuống chân núi tôi thấy một nhóm người quần xăn, chống gậy đi phía trước. Đến gần, tôi nhận ra người mặc áo ca rô tay cầm gậy là GS Tạ Quang Bửu, bộ trưởng bộ Đại học, người đi bên cạnh là thầy hiệu trưởng theo sau là các tùy tùng. Thầy đưa Bộ trưởng đi thăm các lớp học. Tôi hạ vác củi lễ phép chào. Thầy Kontum hỏi tôi mỗi tháng nộp cho công đoàn bao nhiêu củi để góp cho bếp ăn tập thể. Tôi thưa thầy:” Sáu chục cân củi khô ạ, mỗi ngày hai cân, nộp hai lần ạ”. Thầy Bửu nhẹ nhàng nói: “ Thế thì số củi nặng hơn người đấy, à mà này, em còn rất trẻ gắng học ngoại ngữ cho tốt nhé, để mà nhìn xa”. Tôi nhớ mãi lời động viên này và đã cố gắng trong những năm tháng sau đó.
Đầu hè 1967 nhà tôi ở tỉnh bị bom, may là không can hệ, cha tôi thì đang ốm. Tôi quyết định chuyển gia đình ra Bắc. Muốn vậy phải chuyển hộ khẩu ra Hà Nội, mà việc này đang thời chiến còn khó hơn “tìm đường lên trời”. Tôi làm đơn xin trường cho một công văn gửi về tỉnh. Thầy hiệu trưởng gọi tôi lên, cầm tờ đơn của tôi và bản thảo công văn trong tay, thầy nói chậm:” Tôi ủng hộ anh, nhưng công văn viết thế này chưa ổn, cần phải mạnh mẽ hơn”. Rồi thầy gọi anh Quỳnh ở phòng Tổ chức sang ( anh Quỳnh cũng là bạn tôi, nay mới mất) giao trách nhiệm: Thầy đọc chậm cho anh nội dung công văn mới, bảo về làm để thày ký. Anh Quỳnh đi rồi, thầy hỏi tôi:” Anh Đức là con bác Liên (cha tôi) đấy à ?”. Đến nay thầy mới biết do đọc đơn của tôi. Tôi thưa:” Thưa vâng ạ” , thầy nói:” Bác hơn tôi gần chục tuổi, là người nghiêm cẩn lắm, nay thời chiến, lại ốm đau vất vả quá ”. Một năm sau, tôi xin chuyển được hộ khẩu và lương hưu của cả cha mẹ tôi về Hà Nội. Tôi nhớ mãi bản công văn của trường do thầy ký năm ấy đã góp phần đỡ đần cho tôi trong cơn khó khăn.
Rồi thời hậu chiến cũng đến.
Hơn mười năm tiếp theo theo là thời kỳ trường Đại hoc Tổng hợp vô cùng vất vả, một tay thầy chèo chống trên cương vị hiệu trưởng.
Từ Việt Bắc trở về, trường không có đất. Khu Mễ trì đã có chủ mới là Tổng công ty viện trợ cho Lào. Cám cảnh, bộ Đại học chạy vạy xin cho trường được một chốn cũ của trường trung cấp kỹ thuật I điêu tàn mà lại cũng bị một cơ quan khác đang chiếm giữ, trường đành phân tán tá túc ở ngoại ô chờ giải phóng, mãi mới lấy được hai phần ba cơ sở, phần còn lại các hộ dân cư nhảy dù và cơ quan khác nhất định không trả. Tất cả chen chúc nhau ở Thượng đình trong cảnh nghèo khó. Trường xưa ở Lê Thánh Tông Bộ Giáo dục mượn tam rồi cũng thoái thác không trả, đến lúc trả lại bớt xén một phần làm nhà khách cho đến nay. Trong nội bộ nhà trường thì mất đoàn kết nghiêm trọng và kéo dài mấy năm rồi kết thúc trong bi kịch,… thật là họa vô đơn chí. Vậy mà thầy trò toàn trường vẫn cùng thầy hiệu trưởng kiên trì và từng bước cải thiện tình hình, hoàn thành nhiệm vụ đào tạo cho tiền tuyến và hậu phương cho đến ngày hòa bình thống nhất.
Cụ Ngụy Như Bích, thân sinh GS. Ngụy Như Kontum, trước Bưu điện Huế. Cụ Bích đứng giữa.Qua thời gian, những năm tháng làm việc căng thẳng và thiếu thốn vật chất đã làm thầy hiệu trưởng từ chỗ đậm người đã gầy đi trông thấy. Dáng thầy chậm hơn, thầy cũng ít dí dỏm hơn xưa, nhưng nghị lực thì vẫn mạnh mẽ trong công tác quản lý. Thầy vẫn xuống các khoa thường xuyên và luôn nhắc nhở các thầy giáo cô giáo phải cố gắng trong công việc trồng người. Chúng tôi cảm động khi một lần Thủ tướng Phạm văn Đồng đến thăm trường. Thủ tướng cởi cái áo khoác lộn ngược hai túi rồi giơ cao, vỗ vai thầy hiệu trưởng tâm sự đại ý:” Nhà nước ta cũng đang lúc khó khăn lắm, cạn hết túi rồi, không ai tiếc các đồng chí cả phải đồng cam cộng khổ thôi ”.
Thầy hiệu trưởng nghỉ hưu năm 1982 khi vào tuổi thất thập và đêm hôm trước công cuộc Đổi mới, vậy là cương vị của thầy với nhà trường nằm trọn trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước ta trong chiến tranh và hòa bình. Nghỉ hưu rồi, thầy vẫn quan tâm đế trường và cho mảnh đất Vật lý học, chuyên môn của thầy. Một lần vào năm 1988, khi phụ trách khoa Tiếng Việt, nhân có một sự kiện vui, nhớ tới thầy tôi mời thầy đến dự. Và thầy đã đến. Sau buổi gặp mặt chúng tôi mời thầy ở lại xơi cơm rồi tôi lấy xe đạp chở thầy về nhà. Ngồi sau xe, thầy bỗng nhỏ nhẹ nói một câu lam̀ tôi rất cảm động: “ Cảm ơn các cậu đã nhớ đến mình”.
Năm 1991 thầy ra đi. Thời gian này tôi vắng nhà. Nghe nói thầy được rất đông học trò, bạn bè và đồng nghiệp tiễn đưa trọng thể từ tòa nhà 19 Lê Thánh Tông, lâu đài khoa học mà thầy đã có mấy chục năm gắn bó trên cương vị chủ sự.
Nhà tôi ở hiện nay rất gần con đường mang tên thầy. Mỗi bận ngồi uống cà phê ở Làng sinh viên Hacinko trông ra ngã tư Ngụy Như Kontum và Lê văn Thiêm, tôi thầm nghĩ hai thầy thật là tri kỷ khi sinh thời cũng như khi đã khuất. Tôi vẫn như mường tượng được hai bậc thức giả trên chiếc xe Commăngca “đít vuông” già nua đỏ bụi đường kháng chiến trong cuộc trường chinh năm nào.
 PGS.TS Đinh Văn Đức - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC