Đô thị Hòa Lạc 16:11:28 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Người thầy với mái tóc bạc trắng huyền thoại
Cách đây 40 năm, vị Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay, là Giáo sư Vật lý học Ngụy Như Kontum.
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, các trường đại học xây cổng rất thấp, thậm chí không có cổng nhưng thí sinh thời ấy vẫn truyền nhau một câu thơ nghe rất tội nghiệp: "Cổng trường đại học cao vời vợi" và chả rõ căn cứ gì mà đánh giá, xếp hạng cho các trường đại học rất lỗ mỗ thế này: "Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua...". Như vậy là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội không được xếp hạng đầu bảng. Nhiều người cho rằng Trường Đại học Tổng hợp không được xếp vào đó vì hai chữ "tổng hợp" khó hiệp vần. Còn tôi, tôi giải thích theo hướng rất vênh vang thế này: Đại học Tổng hợp Hà Nội là ngoại hạng, đừng đùa, thi vào Đại học Tổng hợp khó, học cũng khó, phân công công tác cũng khó, vì vậy mà Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nằm ngoài tầm ngắm thực dụng của học sinh lớp 10 khi đó mà thôi.
Chọn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để thi, tôi xuất phát từ một ý nghĩ rất hồn nhiên, cảm tính thế này: Đây là trường đại học có một hiệu trưởng nổi tiếng, từng là nghiên cứu sinh của nhà bác học đoạt giải Nobel F.Joliot Curie tại Pháp: GS. Ngụy Như Kontum. Thử hỏi có trường nào mà tên thầy hiệu trưởng dài như thế, đọc lên ngân nga, thi vị như thế? Khi nhận được giấy gọi nhập học, tôi còn được nhấm nháp một điều thú vị nữa: Tên thầy hiệu trưởng của tôi không viết bằng chữ C quê mùa, như lâu nay tôi viết, mà viết bằng chữ K, viết liền một mạch: "Kontum". Thế mới hiện đại, thế mới khoa học, xứng với tầm vóc của trường.
Tôi đeo ba lô lên tàu ra Hà Nội nhập trường với niềm kiêu hãnh và ước mơ được tận mắt trông thấy thầy hiệu trưởng. Nhưng tới nơi, tôi thất vọng. Đại học Tổng hợp Hà Nội mới từ nơi sơ tán trở về, học rất phân tán nên không tổ chức lễ khai giảng. Khoa Ngữ văn chỉ đón sinh viên năm thứ nhất chúng tôi trong một căn phòng đầy bụi đất. Còn thầy giáo lên chúc mừng và dặn dò bọn tôi dĩ nhiên không phải là thầy Ngụy Như Kontum mà là một thầy Phó chủ nhiệm khoa ăn mặc giản dị, xềnh xoàng, không hơn bố tôi ở quê.
Suốt mấy tháng của học kỳ I, tôi nung nấu một "âm mưu" là: phải học thật giỏi, được khen thưởng thì mới có cơ hội được thầy hiệu trưởng bắt tay... Nhưng lần thứ hai tôi lại thất vọng. Dù thi đạt điểm giỏi nhưng tôi không được nhà trường thoả mãn cái nguyện vọng tương tự, vốn có ở hàng trăm sinh viên các khoa. Trường đang có hàng trăm việc cần làm. Hơn nữa, chỉ tiêu của Bộ chỉ huy quân sự Thủ đô đã rót xuống: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phải tuyển chọn, cung cấp 400 sinh viên cho các chiến trường. Tên tôi, sau buổi khám nghĩa vụ, đã đứng đầu danh sách trúng tuyển.
Ấy là những ngày thu năm 1971, đêm đêm mặt đường Hà Nội rậm rịch tiếng chân người. Bộ đội hành quân, sinh viên, học sinh, dân quân tự vệ cũng hành quân luyện tập. Lá những hàng cây xà cừ trong ký túc xá Mễ Trì trở thành thứ lá dùng để kết vòng ngụy trang đẹp nhất và xanh lâu nhất. Bạn bè Khoa Văn, Khoa Lịch sử chúng tôi có nhiều người viết đơn tình nguyện nhập ngũ, ký tên bằng máu. Sợ mang tiếng là kẻ hèn, tôi cũng viết đơn tình nguyện, nhưng trong thâm tâm tôi... tiếc lắm, không muốn tí nào.
Đầu tháng 9 năm đó, Hà Nội và vùng Bắc Bộ vừa trải qua một trận lụt lớn. Tôi đã tham gia chuyển sách thư viện từ tầng một lên tầng tư, đề phòng đê sông Hồng bị vỡ. Xong việc thư viện, tôi và những người trúng tuyển tặng sách vở, quần áo đang mặc cho những người ở lại, đi người không ra dự lễ xuất quân.
Buổi lễ được tổ chức trên sân vận động Thượng Đình, nay đã thành vườn hoa của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Các "cán bộ khung", tức là các đồng chí bộ đội đi đón đám tân binh chúng tôi về đơn vị, phải vất vả lắm mới xếp chúng tôi được vào hàng vào lối. Họ phải tách chúng tôi ra khỏi cha mẹ, người thân đưa tiễn. Tôi ở quê xa, không có gia đình ra tiễn nên chỉ vừa bắt tay, vừa đá đít đám bạn trai mấy cái là nhảy vào hàng, đứng nghiêm chỉnh, nhìn lên khán đài trước mặt.
Thầy Ngụy Như Kontum đã bước lên rồi. Tôi đứng hàng đầu nên nhìn thầy rõ lắm. Đúng là một giáo sư hiệu trưởng bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Đây là lần đầu tiên tôi được đứng ngắm thầy lâu như thế. Lần thứ nhất tôi chỉ thấy thấp thoáng nửa người thầy trong dịp Khoa Vật lý đón khách quốc tế, thầy đến dự. Lần này thì tôi đứng đối diện hẳn hoi. Có ai đó đọc quyết định nhập ngũ tập thể, ai đó đọc quyết tâm thư. Tôi nghe lơ đễnh, tâm trí dồn vào khuôn mặt vị giáo sư mà tôi ngưỡng mộ.
Thầy có đôi mắt trong, cái nhìn ấm áp. Đôi môi hơi dày, cười không lộ răng, hiền lành, đôn hậu. Thầy đứng trên đài cao nên ngay trên đầu thầy là lá cờ đỏ và nền trời xanh. Đang chính thu nên trời xanh lắm, chỉ có vài vệt mây trắng lang thang lướt trong gió sớm. Nếu khán đài dựng cao, hoặc tôi đứng sát khán đài, hẳn sẽ thấy tóc thầy lẫn vào mây trắng.
Ngoài câu nói: "Chiến thắng trở về, Trường sẽ mở rộng cửa đón các em", tôi không nhớ thầy hiệu trưởng nói thêm gì nữa.
Mấy trăm sinh viên đợt ra quân ấy một số vào các đơn vị công an võ trang, còn phần lớn được đưa vào đoàn 325 huấn luyện gấp rút để bổ sung cho các chiến trường phía nam. Tiểu đoàn sinh viên chúng tôi khi hát tập thể bài "Vì nhân dân quên mình" đến đoạn "...ngày ngày lo sao cho toàn dân ấm, toàn dân no, được học hành" là tất cả lại tủm tỉm cười, dồn hơi, hét thật to ba tiếng cuối: "được học hành, được học hành...". Các cán bộ chỉ huy rất bực mình vì cái tiếng thét "thiếu lập trường ấy" của lính tráng sinh viên. Nhưng ngẫm lại, tiếng thét nghịch ngợm ấy là tiếng lòng đích thực, bộc lộ nguyện vọng chính đáng, sâu xa của tuổi trẻ khi phải cầm súng ra trận. Mọi cuộc chiến tranh đều là cái nhất thời để hướng tới cái muôn thuở là hoà bình, tình yêu, là học hành, sáng tạo. Riêng tôi, trong những ngày tháng khốc liệt của chiến dịch Quảng Trị năm 1972, tôi luôn tự động viên mình rằng: tôi và đồng đội chiến đấu không chỉ giải phóng miền Nam mà còn để bảo vệ chính Trường Đại học Tổng hợp của mình, bảo vệ những toà nhà mà sau chiến tranh chúng tôi sẽ trở về học tiếp. Khuôn mặt buồn bã của thầy Ngụy Như Kontum cùng tiếng thét của các bà mẹ tiễn con lên đường hiện ra trong tôi như một ám ảnh. Sau nhiều lần chết hụt, cuối cùng rồi bị thương, tự nhiên tôi có một ý nghĩ rất chủ quan rằng: tôi không thể chết được và những sinh viên trẻ chúng tôi không chết, chúng tôi sẽ thắng. Cờ suý đổ, nhưng sinh viên Tổng hợp chúng tôi ra quân sẽ chiến thắng trở về. Chúng tôi sẽ trở về để xua đi nỗi buồn trên gương mặt thầy hiệu trưởng.
Đám cưới GS. Ngụy Như Kontum với vợ là Bà Nguyễn Thị Đỗ
Ảnh cưới của GS. Ngụy Như Kontum
Mà đúng vậy, sau chiến tranh, cùng dân tộc, chúng tôi đều là những người chiến thắng. Tuy nhiên, chúng tôi không về hết. 400 người xuất quân ngày ấy, khoảng năm chục người không về, nằm lại rải rác trên các nghĩa trang Quảng Trị. Chúng tôi - những người may mắn trở về trường học tiếp và lại được gặp thầy hiệu trưởng. Sau chiến tranh, khuôn mặt ông không còn được hồng hào như trước, duy chỉ mái tóc là vẫn thế. Nó vốn đã bạc từ xưa, không thể bạc hơn được nữa.
Chúng tôi học tiếp chương trình đại học, và "học như điên", truy lĩnh khoảng thời gian đã mất trong chiến tranh. Tôi có một anh bạn đồng hương, cùng vào đại học, cùng đi bộ đội, nhưng học ở ngành Địa chất. Anh học giỏi được giữ lại Khoa Địa, nhưng cứ nằng nặc xin công tác ở Lào Cai. Anh từ chối Bộ môn, phần vì không thích cuộc sống Hà Nội tù túng, phần vì cuộc sống của cán bộ giảng dạy Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc bấy giờ eo hẹp, khó khăn quá. Cái nguyên nhân kinh tế này anh đã vô tình thú nhận vào một dịp hai chúng tôi cùng gặp thầy Ngụy Như Kontum.
Hôm ấy, từ Lào Cai trở về, anh đến ký túc xá Mễ Trì rủ tôi đi ăn phở. Giữ sĩ diện là cán bộ giảng dạy đại học, tôi định bụng sẽ trả tiền phở, quyết không để khách đãi chủ. Để làm được điều này, tôi bí mật vay tiền, hẹn người ta đầu tháng sẽ trả, chuẩn bị đón anh. Hai chúng tôi đang đèo nhau trên xe đạp qua khu Thượng Đình - Cao Xà Lá thì anh nhảy xuống xe, bảo tôi chờ một lát. Tôi chờ, một lúc sau anh quay lại, mồ hôi nhễ nhại. "Cậu làm gì thế?" - tôi hỏi. "Giúp thầy Kontum, thủ trưởng cậu đấy!". "Làm gì mà giúp?". "Đẩy xe cho Thầy, cậu không thấy à? Nhưng đẩy mãi không nổ, tớ thôi. Cậu không thấy Thầy đang đi bộ theo xe kia à?".
Tôi nhìn theo xe anh chỉ. Đúng là chiếc xe màu sữa đã ngả màu cháo lòng quen thuộc của Trường Đại học Tổng hợp đang được 3 người còng lưng đẩy. Cách đó một quãng, Giáo sư Kontum cũng đang cố rảo chân bước theo xe, có vẻ như sợ xe nổ được máy thì nó chạy mất, bỏ mình ở lại. Anh bạn Địa chất bảo tôi: "Cậu thấy chưa, tiếng tăm lừng lẫy như Thầy là cùng, thế mà vẫn phải vừa đi vừa đẩy ô tô. Cậu là cái thá gì, xin chuyển công tác, ra khỏi trường đi!".
Ăn phở xong, anh kiên quyết giữ cổ tay tôi lại, không cho trả tiền. Anh bảo: "Nói thế thôi, chứ cấm cậu bỏ trường. Phải ở Hà Nội cho tớ có chỗ thỉnh thoảng đi về, mắng mỏ cho sướng miệng".
Thực hiện lời dặn của anh, tôi vẫn ở lại trường giảng dạy, cam chịu phận nghèo. Năm 1982, GS. Ngụy Như Kontum về hưu, chuyển sang làm chuyên viên cho Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Viện Khoa học Việt Nam, đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam. Thỉnh thoảng tôi lại trông thấy Thầy dưới bóng mấy cây bàng đầu hồi nhà Liên hợp. Mỗi năm bước chân thầy một chậm lại. Nhịp sống thời hậu chiến cũng chậm lại như bước chân người già. Thắng lợi về quân sự dễ trở thành tiền đề cho những ảo tưởng về kinh tế. Sự vụng về, khinh suất của ta trong quản lý và phát triển kinh tế thời ấy làm nông dân chán ruộng, trí thức thiếu gạo ăn. Một hôm, tổ Bộ môn Lý luận và Văn học Việt Nam chúng tôi tổ chức liên hoan cho GS. Hoàng Xuân Nhị về hưu. Vì là liên hoan cấp bộ môn nên chỉ có kẹo vừng và mấy chiếc bánh cốm, đặt trên dãy bàn học long chân trong một căn phòng "bỏ hoang" ở tập thể Lò Đúc. GS. Hoàng Xuân Nhị khi ấy rất vui, vừa ăn, vừa cười, vừa kể chuyện rất sôi nổi. Một lát sau, chúng tôi giật mình vì có vị khách đột ngột rẽ vào phòng. Đó là GS. Ngụy Như Kontum. Hai vị giáo sư già ôm nhau sung sướng như đôi tình nhân xa nhau lâu lắm. Hai vị chuyện trò không dứt, thỉnh thoảng lại suỳ ra một tràng tiếng Pháp. Có vẻ như hai cụ đang ôn lại một thời trai trẻ oanh liệt ở các học đường Paris. Thầy Nhị bóc bánh cốm cho thầy Kontum ăn.
Năm 1991, tôi đi nghiên cứu sinh về nước được mấy tháng, chưa có dịp gặp lại thầy đã nghe tin thầy mất. GS. Hoàng Xuân Nhị mất trước, GS. Ngụy Như Kontum mất sau. Hai người như rủ nhau đi. Lễ viếng thầy Ngụy Như Kontum được tổ chức tại 19 Lê Thánh Tông - nơi 35 năm trước (năm 1956), thầy đã long trọng khai giảng khoá học đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội, một đại học khoa học cơ bản đầu ngành mà mình phải giữ trọng trách Hiệu trưởng hơn một phần tư thế kỷ.
Với cảm giác trống vắng vì sự mất mát, tôi cúi mặt viếng linh cữu của thầy. Tôi cố tình không nhìn lần cuối gương mặt thầy qua tấm kính áo quan. Biết đâu... khuôn mặt Người đã khác quá xa khuôn mặt mà tôi và bao sinh viên Đại học Tổng hợp từng hồi tưởng trong những đêm mất ngủ ở chiến trường! Tôi sợ cái quy luật sinh hóa nghiệt ngã đã phá vỡ gương mặt đôn hậu của thầy.
Không được trực tiếp học thầy và gần gũi thầy, tôi không thể, và cũng không muốn xây dựng một chân dung khoa học hay "chân dung lãnh đạo" trang trọng về thầy. Vì sao vậy? Vì tôi yêu những chuyện đời thường của các danh nhân. Nhưng tôi lại thích ngắm nhìn con người từ một khoảng cách xa xa, ngắm người như ngắm sông, ngắm núi. Có thể vì vậy mà, mãi mãi, hình ảnh GS. Ngụy Như Kontum với mái tóc trắng màu huyền thoại vẫn sống mãi trong tôi như một ông tiên trong cổ tích.
 PGS.TS Phạm Thành Hưng - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC