Đô thị Hòa Lạc 10:38:42 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Lấy cái đức trung với nước hiếu với dân làm lẽ sống
Hơn nửa thế kỷ sống bên cạnh người cha đáng kính, ông Ngụy Hữu Tâm – người con cả của GS. Ngụy Như Kon Tum – những kỷ niệm và hình ảnh người cha mẫu mực luôn hiển hiện trong lòng. Người cha ấy luôn giữ mình ngay thẳng, trung thực, luôn lấy cái đức trung với nước, hiếu với dân làm lẽ sống. Trong giây phút xúc động, ông đã chia sẻ với bản tin ĐHQGHN.
Ông là con cả trong gia đình?
Bố mẹ tôi sinh được 4 người con, tôi là con trưởng, sinh tại Thành phố Thanh Hóa một năm ngay sau năm 1943, năm cưới bố mẹ tôi tại Hà Nội. Sau tôi 2 năm là cô em Ngụy Tuyết Nhung, rồi Ngụy Hữu Dũng sinh sau 2 năm nữa nhưng mất ngay khi đang còn ẵm ngửa vì sự ác liệt của chiến tranh thời đó, do thiếu thốn thuốc men và điều kiện y tế nói chung.
Năm 1951 gia đình chúng tôi sang Nam Ninh, Trung Quốc, khi bố tôi đang làm Giám đốc Trung học vụ thuộc Bộ Giáo dục, được cấp trên điều động sang công tác: xây dựng Khu học xá Trung ương để đào tạo những cán bộ cốt cán cho ngành giáo dục và nhiều ngành khác. Ở bên đó, tuy điều kiện có khá hơn ở nước ta một chút, nhưng vẫn rất nghèo nàn, đơn sơ, nên mẹ tôi mắc bệnh lao và chỉ đến đầu 1955, khi về lại Hà Nội mẹ tôi mới được điều trị khỏi hẳn. Mãi 1956 mới sinh cậu út: Ngụy Hữu Chí.
Dưới sự dìu dắt của của người cha đáng kính, tất cả anh chị em của ông đều trở thành những trí thức yêu nước?
Trong chiến tranh, cậu em út, sau khi đã phải bỏ giữa chừng Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Miền Nam, về học lại, rồi đi nghiên cứu sinh tại Đức, sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ 1989, giờ đã định cư cùng gia đình tại Munich, CHLB Đức. Cô em Ngụy Tuyết Nhung cũng đã nghỉ hưu 7 năm nay, nhưng vẫn là một nữ trí thức đầy nhiệt huyết, vẫn hoạt động khoa học với tư cách phó giáo sư, tiến sĩ - vẫn tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và vẫn hoạt động xã hội ở tư cách giám đốc một doanh nghiệp tư nhân.
Còn bản thân tôi, sau bao năm cống hiến cũng đã về hưu từ 8 năm nay và vẫn đang tích cực công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy trong ngành du lịch và báo chí.
Người cha hẳn là người có ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với sự trưởng thành của ông và các em?
Nhờ sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, nhất là sự ảnh hưởng từ người cha “tài đức vẹn toàn“ , mà chúng tôi đã được như ngày nay, dù mỗi người đều đi theo những con đường riêng. Dù ở bất cứ vị trí nào trong xã hội, làm bất cứ việc gì, chúng tôi luôn lấy việc phụng sự gia đình, đất nước làm trọng. Chính cha tôi đã rời bỏ nước Pháp để về phụng sự đất nước còn hết sức nghèo nàn, lạc hậu theo lời khuyên của người thầy Pháp, một chiến sĩ cộng sản. Bố tôi đã dành trọn cuộc đời cho khoa học và cũng đã hướng con cái đi theo con đường đó.
Ấn tượng sâu sắc nhất của ông về người cha đáng kính của mình?
Đối với chúng tôi, ấn tượng sâu sắc nhất ở ông là luôn chân thành, tận tụy, vui vẻ, cởi mở và điều đáng quý nhất là đức trung thực. Tôi nghĩ có lẽ đó là đức tính quí nhất ở mỗi con người.
Bố tôi hết sức giản dị, đời thường, không màng công danh, địa vị, có lẽ chính vì thế mà ngay khi phải quyết định có nhận chức bộ trưởng hay không, bố tôi đã từ chối. Cũng vì lẽ đó mà riêng cá nhân tôi luôn tự hào về người cha của mình. Có lẽ ông được mọi người yêu quí, kính trọng là nhờ bản tính hiền hòa, ghét bạo lực, không bao giờ có dã tâm với ai. Ông đủ tài, đủ đức, đủ thông minh để có cách thuyết phục cấp dưới.
GS. Ngụy Như Kontum với chị gái và hai em trai tại Huế, năm 1932
GS. Ngụy Như Kontum (ngoài cùng bên phải) với chị gái và hai em trai tại Huế, năm 1932.
Bố tôi luôn thấm đẫm triết lý Phật giáo trong người. Bố tôi kể, thời Nhân văn Giai phẩm, có sinh viên quá khích đòi “lấy máu“ bố tôi, Người bình tĩnh giơ cánh tay ra bảo: “đây máu tôi đây, anh muốn thì cứ lấy đi!“. Tôi nghĩ để thành đạt ở đời, nói theo nghĩa rộng nhất là đạt đến hạnh phúc, trước hết phải là biết dẹp cái ác, tăng cái thiện trong chính con người mình.
Không chỉ dành trọn cuộc đời phụng sự Tổ quốc, GS. Ngụy Như Kon Tum còn là người cha mẫu mực?
Dù ở bất cứ nơi nào, chúng tôi luôn tự hào là con, là cháu của GS. Ngụy Như Kon Tum, trước hết ở tình yêu nước thể hiện ngay ở tình cảm chân thành, nhân ái, dù cho cha tôi đã ra đi đã 22 năm.
Chúng tôi không bao giờ phụ ơn người cha đáng kính, luôn giữ mình là người ngay thẳng, trung thực, luôn lấy cái đức trung với nước, hiếu với dân làm lẽ sống. Ở đời có biết bao cái vụn vặt, tầm thường nhưng lại đầy ma lực cám dỗ như tiền tài, quyền lực và danh vọng, nhưng chúng tôi đều đã vượt qua được để ngày hôm nay có thể ngẩng cao đầu mà nói rằng, mình đã không phụ công ơn bậc sinh thành. Chúng tôi đã cố gắng hết mình để không hổ thẹn với lương tâm và trước hết không hổ thẹn là được làm con cháu Giáo sư Ngụy Như Kontum.  
Cảm ơn ông về những chia sẻ!
 Đức Minh (thực hiện) - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC