11:15:20 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Giữ vững ngọn cờ tiên phong trong lĩnh vực Khoa học cơ bản
PGS.TS Bùi Duy Cam
Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thầy và trò Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, đã viết nên những trang sử vẻ vang với một truyền thống rất đáng tự hào. Được biết đến như là trường đại học số một của Việt Nam về lĩnh vực khoa học cơ bản, thầy trò Trường ĐHKHTN hôm nay đang làm việc hết sức mình với mục tiêu xây dựng Trường ĐHKHTN trở thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến, cung cấp nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao và sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị cao cho xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển khoa học cơ bản của đất nước. PGS.TS Bùi Duy Cam, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN cho biết:
Kể từ năm 1956 đến nay, Trường ĐHKHTN luôn là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản hàng đầu về lĩnh vực khoa học tự nhiên, là nơi cung cấp chủ yếu cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu về khoa học cơ bản cho các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu. Nhiều cựu sinh viên của Trường trở thành hạt nhân chủ chốt tại nhiều cơ quan, tổ chức khoa học.
Năm 1965, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt, để chuẩn bị lực lượng khoa học kỹ thuật tài năng cho công cuộc xây dựng đất nước, Chính phủ đã giao nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu toán học bậc THPT cho Nhà trường.Từ đó đến nay, Trường THPT chuyên KHTN luôn là lá cờ đầu, là cái nôi có thành tích cao trong bồi dưỡng học sinh năng khiếu bậc THPT. Đây cũng là nơi GS. Ngô Bảo Châu từng theo học. Học sinh của Trường THPT chuyên đã đạt 37 Huy chương Vàng, 55 Huy chương Bạc và 59 Huy chương Đồng trong các kì thi Olympic quốc tế.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt đó, các nhà khoa học cũng tự tìm đề tài gắn với sự nghiệp cách mạng thiêng liêng của Tổ quốc. Khoa Toán giải bài toán vượt sông phục vụ giao thông vận tải; tính toán dòng chảy của dòng sông phục vụ công tác thủy lợi; giải các bài toán dự báo thời tiết, thủy văn, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Khoa Vật lí nghiên cứu về vấn đề truyền sóng phục vụ thông tin liên lạc; nghiên cứu chống bom laze. Khoa Hóa nghiên cứu cao su chịu dầu phục vụ quốc phòng và giao thông vận tải. Khoa sinh học ứng dụng vi sinh vật vào sản xuất nước chấm, nghiên cứu rau rừng phục vụ quân đội,...
Từ giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của trường ĐHKHTN) đã có 1333 cán bộ sinh viên “xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”. Họ đã dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc và có những người đã ngã xuống bên chiến hào làm nên một “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ”, hóa thân vào màu xanh của dáng hình xứ sở “mãi mãi tuổi hai mươi” như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Kim Giao,...
Năm 1978, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là trường đại học đầu tiên được giao nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu sinh trong nước. Đến năm học này, Trường có quy mô đào tạo sau đại học với số lượng 1350 học viên cao học, 295 nghiên cứu sinh. Đây là một trong số ít trường trong cả nước có tỉ lệ học viên sau đại học bằng hơn 30% tổng số sinh viên đại học chính quy và là cơ sở dẫn đầu về chất lượng đào tạo sau đại học.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước thực trạng hẫng hụt cán bộ khoa học giỏi của đất nước, năm 1997, Trường là đơn vị đầu tiên của cả nước đề xuất và triển khai đề án đào tạo Cử nhân khoa học tài năng. Từ đó, mô hình đào tạo cử nhân tài năng, kĩ sư tài năng được nhân rộng trong nhiều trường đại học trên cả nước. Chất lượng đào tạo của chương trình này đã được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, ngang tầm với các trường đại học tiên tiến thế giới.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục đại học, Trường chủ động áp dụng yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ; thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; đổi mới công tác quản lí đào tạo và đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học nổi tiếng của thế giới.
Bên cạnh đó, Trường còn là đơn vị dẫn đầu về thành tích nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên, về số lượng đề tài dự án, về số công trình được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín .
Những khó khăn nhà trường gặp phải, thưa Phó giáo sư?
Khoa học cơ bản vừa là truyền thống vừa là thế mạnh của Trường. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của nền kinh tế thị trường nước ta hiện nay làm lệch lạc nhận thức về khoa học cơ bản của không ít người trong xã hội. Chúng ta có đưa được đất nước trở thành một nước phát triển ngang tầm các quốc gia tiên tiến trong thế kỉ này hay không đều phụ thuộc vào sự phát triển khoa học công nghệ mà nền tảng của sự phát triển đó chính là khoa học cơ bản. Nhưng hiện nay tăng trưởng về số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học cơ bản của nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Sinh viên ngày nay thích thi vào các ngành dễ có việc làm và thu nhập cao. Các cử nhân khoa học cơ bản ra trường thường có thu nhập thấp. Hơn nữa học khoa học cơ bản lại rất khó và đòi hỏi năng lực nghiên cứu cao. Vì vậy, việc tuyển sinh viên giỏi, đam mê với khoa học cơ bản đang là thách thức đặt ra với Nhà trường. Bên cạnh đó, số giảng viên dưới 35 tuổi chiếm gần 50% tổng số giảng viên hiện có. Số lượng giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy đã đến tuổi nghỉ hưu là khá lớn. Hầu hết các ngành có môn thực nghiệm, nhưng cơ sở vật chất còn rất hạn chế, thiết bị thực hành chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Đó là những thách thức lớn mà thầy trò Trường ĐHKHTN phải đối mặt vượt qua.
Vậy Nhà trường đã có giải pháp đột phá nào?
Mục tiêu của Trường là phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu tiên tiến thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng. Trường có sứ mệnh sáng tạo, phổ biến và phát triển kiến thức, cung cấp nguồn nhân lực tài năng chất lượng cao và sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị cao cho xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển khoa học cơ bản của đất nước.
Để thực hiện thành công sứ mệnh trên, Trường ĐHKHTN xác định trước hết phải xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, có phẩm chất đạo đức tốt. Đội ngũ cán bộ có chất lượng là nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi của nhà trường. Bên cạnh đó, Trường sẽ không ngừng đổi mới quản trị đại học theo hướng chất lượng, hiệu quả. Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới từ chương trình, phương thức tổ chức đào tạo cho đến cách thức kiểm tra đánh giá, đảm bảo chất lượng sinh viên sau khi ra trường đáp ứng được yêu cầu xã hội. Thứ ba, Trường sẽ đầu tư để có nhiều công trình khoa học được công bố trên các tạp chí có uy tín, có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị thực tiễn. Kinh phí nghiên cứu khoa học sẽ phải chiếm tỉ trọng cao so với nguồn thu học phí.
Bên cạnh những nỗ lực của chính mình, Trường cũng mong muốn Đảng, Nhà nước và ĐHQGHN có chính sách, cơ chế đãi ngộ đặc biệt đối với người làm và học trong lĩnh vực khoa học cơ bản để thu hút được học sinh giỏi theo học các ngành này.
Xin cảm ơn Phó giáo sư!
Ngày 4/6/1956, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 2183/TC thành lập 12 trường trung học chuyên nghiệp và 5 trường đại học: Đại học Tổng hợp hà nội, Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Y – Dược, Đại học Nông – Lâm. Trường Đại học Tổng hợp hà nội khi đó có 3 khoa chuyên ngành: Toán – Lý, Hóa – Vạn; Văn – Sử. Năm học đầu tiên của trường đã được khai giảng trọng thể vào ngày 15/10/1956. Cũng từ đó, ngày 15/10 được chọn là ngày truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp. Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN được thành thành lập theo Nghị định số 97/NĐ-CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/1995. Sự ra đời của Trường ĐHKHTN là sự tiếp nối, kế thừa truyền thống 40 năm của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – một đại học khoa học cơ bản đầu tiền, có uy tín của Việt Nam. Ngày 15/10 hàng năm là ngày truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN.
 Việt Hà (thực hiện) - Bản tin số 249 - Tháng 11/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC