22:24:19 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Tạo điều kiện để nhân tài phát triển và phục vụ đất nước
Nhân tài là người có năng lực đặc biệt xuất sắc, có khả năng phát hiện ra vấn đề mà những người khác không thấy, có thể làm rất tốt công việc với tinh thần sáng tạo cao mà người bình thường trong những điều kiện tương tự không thể làm được như vậy.
1. Nhân tài là người có năng lực đặc biệt xuất sắc, có khả năng phát hiện ra vấn đề mà những người khác không thấy, có thể làm rất tốt công việc với tinh thần sáng tạo cao mà người bình thường trong những điều kiện tương tự không thể làm được như vậy.
Sự bộc lộ của tài năng cũng rất khác nhau ở mỗi một nhân tài, vào những lứa tuổi khác nhau và trong những hoàn cảnh, môi trường khác nhau. Sự bộc lộ tài năng sớm ở lứa tuổi trẻ em dưới dạng "năng khiếu" hoặc "thần đồng" là khá phổ biến và dễ thấy. Song, cũng có không ít trường hợp tài năng "chìm", được phát lộ muộn và bất ngờ, lại có tài năng bị che khuất bởi những cá tính "xấu" của người tài, mà chỉ những ai có cái tâm trong sáng và trí tuệ cao mới phát hiện ra được.
Nhân tài nào cũng đều gắn với sự nỗ lực, sự đam mê, một bản lĩnh, một nghị lực phi thường đối với công việc mình làm. Tầm quan trọng đặc biệt của những yếu tố này đối với sự phát triển của nhân tài đã được Ê-đi-xơn nâng lên thành công thức: Tài năng: 99% là do lao động mà có. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh đến tư chất thông minh ở mỗi nhân tài. Một người, dù có nỗ lực đến mấy, mà thiếu tư chất thông minh thì cũng không thể trở thành người tài được. Tư chất thông minh là điều kiện cần để con người có thể trở thành người tài. Việc nhìn thấy, hoặc cao hơn nữa là việc phát hiện được tư chất thông minh trong mỗi nhân tài cũng là việc không dễ dàng gì, và đôi khi xảy ra rất tình cờ. ấy là chưa kể người có tài hay có tật, rất dễ bị thành kiến, bị đánh giá sai. Điều này đã và sẽ còn dẫn đến việc bỏ sót hoặc lãng phí nhân tài.
Nói tóm lại, người tài phải là người có tư chất thông minh, đồng thời có sự nỗ lực cá nhân, tự học, tự rèn luyện, sự đam mê, nghị lực phi thường đối với công việc của mình làm, lại được sống trong một môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tài năng.
Tư chất thông minh do đâu mà có? Đây là yếu tố bẩm sinh, gắn với gen và di truyền, hoặc có người nói là do "thiên phú". Đương nhiên, sự rèn luyện của bản thân hoặc môi trường, điều kiện sống có tác động lớn đến mức độ thông minh của một con người.
Không phải ai có tư chất thông minh cũng đều say mê với công việc, cũng đều có những nỗ lực cá nhân cần thiết để đạt tới tài năng. ở đây đòi hỏi sự tu luyện của bản thân, công tác giáo dục của gia đình, xã hội và môi trường sống tốt.
Vai trò của nhà trường và xã hội trong việc tạo nên điểm tựa cho tài năng nảy nở và phát triển là rất lớn, chẳng khác nào hạt giống tốt được nảy mầm và lớn lên trên mảnh đất màu mỡ. Người tài là những cá biệt, có năng lực đặc biệt xuất sắc, có những cá tính khác thường, và do vậy cần được chăm sóc theo điều kiện đặc biệt, được giáo dục theo một chương trình đặc biệt, được hưởng những chính sách, chế độ đặc biệt (kể cả học và thi vượt cấp).
Ở thời nào cũng vậy, nhân tài có vai trò đặc biệt quan trọng, nhiều khi là vai trò quyết định đối với quốc gia, đối với từng ngành, từng địa phương. Họ là những người đi tiên phong mở đường, dẫn dắt mọi người tiến tới. Chính vì vậy mà người xưa đã khẳng định: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" (bia Văn Miếu năm l442). Nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp kém. Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và phồn vinh.
2. Một số "tật" và đặc tính của người tài
a. Hay nói và làm ngược với người thường, tính tình ngang ngang, thất thường.
b. Tự trọng, thẳng tính, nóng nảy, thái độ bất cần đời, ghét sự xu nịnh, coi khinh những kẻ cơ hội, những kẻ hay đố kị, ganh tị. Tôn trọng, bảo vệ chân lí đến cùng. Ghét hình thức, trọng thực chất.
c. Thích sự yên tĩnh, ngại tiếp xúc, không thích tham gia hoạt động xã hội. Hay lơ đễnh.
d. Thường khiêm tốn, ít tự bộc lộ là mình có tài.
3. Tài và Đức
Tài năng là một phẩm chất thuộc cá nhân. Song, cái tài chỉ thực sự có ích khi nó được dùng để phục vụ cho lợi ích của xã hội. Do vậy, người có tài phải có đức. Dân ta rất coi trọng cái đức của con người, thể hiện qua câu nói: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
Người có tài mà thiếu đức là người dễ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của mọi người. Họ sẽ không phải là người cần cho xã hội và có thể trở thành người nguy hiểm khi dùng cái tài của mình vào việc xấu, thậm chí tới mức tàn bạo, mà điển hình là bọn trùm phát xít hiếu chiến, đã từng đẩy nhân loại đến chiến tranh, chết chóc và hủy diệt.
Do vậy, người tài phải luôn luôn tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân để đạt tới đỉnh cao của đạo đức, để có "tài cao, đức trọng" để trở thành "hiền tài". Nhà trường, gia đình và xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tư cách, đạo đức của người tài.
4. Việc sử dụng người tài
Để sử dụng có hiệu quả người tài, trước hết cần hiểu những "tật" và đặc tính của người tài và sau đó:
- Đánh giá đúng năng lực, thế mạnh, thế yếu của người tài.
- Tin người tài khi giao việc cho họ, giao quyền chủ động cao cho họ: "Có tin thì mới dùng. Đã dùng thì phải tin".
- Tạo điều kiện và môi trường tốt cho người tài làm việc và cống hiến (mối quan hệ tốt trong tập thể, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện giao lưu, tiếp xúc, đời sống vật chất và tinh thần).
Đánh giá và tôn vinh đúng sự cống hiến và thành quả lao động của người tài.
5. Để "minh họa" cho những lập luận nêu ở phần trên, dưới đây xin được dẫn ra một vài ví dụ
Anh-xtanh - nhà vật lí học thiên tài của nhân loại đã từng nhiều lần thi trượt đại học và phải vào học một trường kỹ thuật trung cấp.
Tác giả của Thuyết tiến hóa nổi tiếng - nhà sinh học Đác-uyn bị đuổi khỏi trường đại học ở năm thứ ba với lời phê: "Không có khả năng học tập".
Đã lâu rồi, tôi được đọc tiểu sử của nhà toán học Xô viết Na-tan-sơn.
Chuyện kể rằng, ở các lớp học dưới, ông thường bị điểm kém về môn toán và mọi người, kể cả chính ông, cũng không tin rằng ông có khả năng toán học. Sự bừng sáng về tài năng toán học của ông chỉ bắt đầu khi gặp được một thầy giáo dạy toán ở lớp trên. Người thầy này đã phát hiện ở ông những tư duy toán học độc đáo và đã giúp ông phát triển tài năng và trở thành nhà toán học. Như vậy, ông là người có tư chất thông minh. Song không phải ai cũng có con mắt tinh đời để nhìn ra được tư chất ấy. Nếu không gặp được người thầy giáo nọ thì có lẽ cuộc đời của Na-tan-sơn đã rẽ theo hướng khác!
Năm 1979, tôi được tham dự Hội nghị của các Viện Hàn lâm khoa học của các nước xã hội chủ nghĩa tại Thủ đô Ta-lin của nước Cộng hòa Et-stô-ni (thuộc Liên Xô cũ). Tại buổi liên hoan chia tay, các đoàn đại biểu đều có quà lưu niệm cho ông Tổng Thư kí Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô - người chủ tọa Hội nghị. Món quà đặc sắc nhất của Viện Hàn lâm khoa học Et-stô-ni là bản sao cuốn học bạ thời học phổ thông tại Ta-lin 70 năm về trước của một Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Skriabin, cụ thân sinh của ông Tổng Thư kí. Điều làm cho cả Hội nghị đặc biệt thích thú là trong học bạ có ghi những điểm số kém về môn Tiếng Nga mà sau này Viện sĩ Skriabin trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.
Nhà vật lí được Giải thưởng Nô-ben Cat-slen (A. Kastlen) và nhà toán học được Huy chương Fields Svac (Laurent Schawartz) cũng đã từng thổ lộ: Thời còn là học sinh, các ông không phải là những người học giỏi nhất. Tài năng của các nhà khoa học này đã được nảy nở và phát triển ở bên ngoài trường học, trong giai đoạn tự học, tự nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu không có tư chất thông minh, họ không thể làm nên những điều kì diệu trong khoa học.
Còn ép-phen (Gustav Eiffel) - tác giả của công trình để đời là cái tháp nổi tiếng giữa Thủ đô Pa-ri, cao 300m, sử dụng hết 9.700 tấn thép gồm 15.000 mảnh, được tán bằng trên một triệu chiếc đanh ri-vê; người đã tham gia thiết kế chiếc cầu Long Biên của Việt Nam - đã từng trượt kì thi tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Paris. Tài năng của ép-phen cũng chỉ nảy nở sau khi ông tốt nghiệp đại học.
Pôn-tria-ghin, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô là nhà toán học nổi tiếng thế giới. Ông bị mù do tai nạn từ lúc l3 tuổi. Nghĩa là ông trở thành nhà toán học hàng đầu thế giới, nhưng chưa khi nào nhìn thấy các công thức toán học cao cấp như chúng ta vẫn nhìn thấy. Cả khối lượng đồ sộ kiến thức toán học của loài người ông đã tiếp thu qua con đường tự học, và cũng cả một khối lượng công trình nghiên cứu lớn về toán học mà ông để lại cho loài người, trong đó có những ngành khá trừu tượng như Tô-pô hình học, lí thuyết điều khiển, là kết quả của những năm tháng miệt mài lao động sáng tạo.
Trần Đại Nghĩa là một nhân tài của Việt Nam. Bác Hồ đã nhận thấy tài năng và đức độ của ông, mời ông từ Pháp về giúp nước. Bác đã giao cho ông trọng trách lớn: Chế tạo vũ khí cho quân đội diệt giặc, đã giao cho ông toàn quyền hành động, đã tạo cho ông mọi điều kiện có thể có trong thời buổi vô cùng khó khăn của chiến tranh. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã được tôn vinh là Anh hùng Lao động, được phong Tướng chỉ sau hai năm nhập ngũ!
Nhà toán học trẻ của Việt Nam, Ngô Bảo Châu (32 tuổi) vừa cùng người thầy của mình được nhận Giải thưởng Clay - một giải thưởng lớn về toán học của thế giới. Ngô Bảo Châu có tư chất thông minh và là người luôn luôn nỗ lực, say mê nghiên cứu toán học. Song Châu chưa chắc đã thành đạt như ngày nay, nếu không được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng. Đó là vào năm 1990, khi Châu đang chuẩn bị đi học đại học tại Hungari, nhân dịp Viện sĩ, Tổng Thư kí Viện Hàn lâm khoa học Pháp - Paul Germain, nhà cơ học nổi tiếng thế giới, sang thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Thư kí Viện Khoa học Việt Nam, Hội Cơ học Việt Nam đã đề nghị Viện sĩ cấp học bổng cho Ngô Bảo Châu sang học đại học tại Pháp. Châu đã có điều kiện làm việc tại một trung tâm toán học lớn nhất của châu Âu, được nghiên cứu toán học với những nhà toán học hàng đầu thế giới và được tiếp cận với những thông tin mới nhất về sự phát triển của toán học hiện đại. Cần nhấn mạnh là người tài phải được tạo điều kiện, được sống trong môi trường thuận lợi mới có thể phát huy cao được tài năng của mình.
Tổng thống Nga Putin (Vladimir Putin) cũng là một người tài và tài năng của ông được phát hiện rất muộn, ở độ tuổi năm mươi với lời cầu khẩn của người Tổng thống tiền nhiệm: "Volodia, hãy cứu lấy nước Nga?". (Volodia là cách gọi tên Vladimir một cách thân mật của người trong gia đình, hoặc của bạn thân, hoặc của các đấng bề trên). Còn tuổi thiếu thời của ông thì sao? Theo bà giáo chủ nhiệm Vera Dmitrievna thì Putin từng là một học trò cá biệt của mình. Trong lớp, ông hay mải làm việc riêng, không chép kịp bài, thường xuyên nghển cổ sang trái, sang phải, quay ra đằng sau hoặc chồm tới đằng trước để xem vở các bạn... Năm học lớp 5, Volodia kết bè kết bạn với đám trẻ con lêu lổng ngoài đường phố.
May sao, chỉ một thời gian ngắn, Volodia đã nhận thức được sự việc và kiên quyết giã từ đám bạn bè bất hảo nọ...
6. Thay lời kết
Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự cạnh tranh kinh tế đang diễn ra quyết liệt trên quy mô toàn cầu. Các nước kém phát triển sẽ chịu sự lệ thuộc vào các nước phát triển. Một kiểu nô lệ mới. Phát hiện, tạo điều kiện để nhân tài phát triển và phục vụ đất nước là một yêu cầu cấp bách, không thể chậm trễ, vì sự thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

 GS.VS NGUYỄN VĂN ĐẠO - Nguyên Giám đốc ĐHQGHN - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC