Theo dòng lịch sử 16:09:22 Ngày 16/04/2024 GMT+7
NOBEL 2021 đến câu chuyện giáo dục Đại học, Khoa học và Xã hội

CÁC NHÀ KHOA HỌC ĐOẠT GIẢI NOBEL 2021

Mọi người hẳn đều có thể nhanh chóng nắm được danh sách giải thưởng được trao cho những nhà khoa học nào và họ đến từ đâu. Vâng, tất cả 10 nhà khoa học thắng giải năm nay đều là nam giới (vào năm 2020, 3 trong số họ là phụ nữ), và như một thường lệ khi từ trước đến nay chỉ có 25 nhà khoa học nữ nhận giải thưởng danh giá này.

Những nhà khoa học được vinh danh năm 2021 công tác tập trung tại 3 quốc gia - 7 người làm việc tại Hoa Kỳ, 2 người tại Đức và một người đang công tác tại Ý. Bên cạnh đó, 03 người làm việc tại các viện nghiên cứu (02 người ở Viện Max Planck của Đức và 01 người ở Viện Y khoa Howard Hughes của Hoa Kỳ) và 07 người đến từ các trường đại học có danh tiếng hàng đầu về nghiên cứu, thu hút nhiều nguồn tài trợ và được công nhận, chẳng hạn như Đại học Stanford và Đại học Princeton. Thú vị là, thực tế chỉ có 2 người sinh ra tại Hoa Kỳ, các nhà khoa học khác đến từ nhiều nước khác nhau. Các chặng đường sự nghiệp của các học giả ưu tú này cũng rất phong phú và sở hữu nhiều kinh nghiệm làm việc tại đa quốc gia.

KHOA HỌC MANG TÍNH QUỐC TẾ, NHƯNG CŨNG ẨN CHỨA GIỚI HẠN VÀ PHÂN TẦNG

Học vấn và sự nghiệp của những nhà Nobel năm 2021 cho thấy rằng các nhà khoa học hàng đầu có sự lưu động trong môi trường quốc tế. Một số đã tổ chức các cuộc hội họp tại những cơ sở hàng đầu ở một số quốc gia và họ có xu hướng hướng đến các quốc gia có các tổ chức khoa học tiên tiến nhất, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Sự nghiệp của những người đoạt giải Nobel năm nay mang tính quốc tế, nhưng nằm trong một vòng tròn ưu tú, cho thấy mức độ khoa học toàn cầu và tầm quan trọng của việc ươm mầm chéo các ý tưởng. Hành trình học tập và con đường sự nghiệp của những nhà khoa học hàng đầu này, đặc biệt là về khả năng di động của sinh viên sau đại học, trao đổi học giả và một số trường hợp hợp tác quốc tế chung, có thể dự báo một sự thay đổi trong diện mạo của các học giả hàng đầu của thế giới học thuật khi bộc lộ nhiều đặc điểm của quốc tế hóa nghiên cứu.

Tương tự như những năm trước, các cơ sở công tác của các nhà khoa học Nobel 2021 giới hạn trong phạm vi một vài quốc gia và không có đại diện từ bất kỳ nơi nào ngoại trừ Châu Âu và Hoa Kỳ. Thú vị là có một vài trường hợp khi nghiên cứu dẫn đến giải Nobel lại diễn ra tại một tổ chức hoặc quốc gia tách biệt với cơ quan hoặc nơi định cư của người đoạt giải.

Có rất ít dấu hiệu cho thấy sự "trỗi dậy của châu Á", bất chấp sự đầu tư lớn vào nghiên cứu của Trung Quốc và các trường đại học được xếp hạng cao ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore. Nhiều người cho rằng giải Nobel là một “chỉ số tụt hậu” về thành tựu khoa học, nhưng người ta vẫn mong đợi sự “gần như” độc quyền của Bắc Mỹ và Tây Âu trong giải thưởng này nên bị cắt giảm vào thời điểm hiện tại.

NOBEL NĂM 2021 DẠY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ VỀ CÁCTRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ KHOA HỌC?

Rõ ràng là Hoa Kỳ thống trị các giải Nobel trong các ngành khoa học. Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu làm việc tại các trường đại học Hoa Kỳ đã giành được 07 trong số 10 giải thưởng. Tất nhiên, không phải tất cả những người chiến thắng đều sinh ra hoặc tốt nghiệp bậc đại học ở Mỹ. Trong năm nay, chỉ có hai người sinh ra ở Hoa Kỳ và có bằng đại học - mặc dù sáu người đã nhận bằng tiến sĩ từ các trường đại học Hoa Kỳ. Điều này không có gì lạ và cho thấy sức hút của các trường đại học nghiên cứu của quốc gia này.

Nobel cho thấy khoa học cơ bản vừa tập trung vừa phân tầng. Trong hai thập kỷ qua, 103 nhà khoa học sinh ra ở Hoa Kỳ và 38 người được sinh ra ở các nước nói tiếng Anh khác đã đoạt được giải thưởng này, trên tổng số 230 giải Nobel trong bốn lĩnh vực khoa học.

Đây không phải một điều tồn tại từ đầu. Trước Thế chiến thứ hai, các nước nói tiếng Đức được xếp hạng cao - nhưng chế độ Đức quốc xã đã phá hủy sự thống trị của nền khoa học Đức. Thật vậy, cho đến năm 1948, Đức thường dẫn đầu về số lượng giải thưởng theo quốc tịch. Vào giai đoạn đó, Vương quốc Anh cũng dẫn đầu trong một số năm cho đến khi Hoa Kỳ vượt qua về số lượng vào năm 1960, một phần do sự nhập cư của các nhà khoa học Do Thái và các nước khác trốn chạy khỏi sự áp bức của Đức quốc xã.

Liệu Mỹ và các nước nói tiếng Anh khác có thể mất đi vị trí thống trị của mình trong những năm tới không? Bất chấp sự ‘trỗi dậy của Trung Quốc’ và một số bằng chứng cho thấy sự mở rộng về mặt địa lý của nghiên cứu cơ bản thì khả năng cán cân sẽ thay đổi trong tương lai gần như là không có.

Hệ sinh thái của các trường đại học hàng đầu của Mỹ luôn ổn định - cơ sở hạ tầng tốt, văn hóa nghiên cứu xuất sắc, mức lương cao (theo tiêu chuẩn học thuật toàn cầu), kinh phí nghiên cứu có sẵn và cạnh tranh, tự do học thuật và quyền tự chủ hợp lý, quan trọng là khả năng, sự sẵn sàng thu hút và giữ chân những nhân tài hàng đầu trên toàn cầu.

Một số thay đổi là có thể xảy ra và rất đáng mong đợi. Mở rộng nghiên cứu cơ bản mang tính đột phá trên toàn cầu sẽ đa dạng hóa các chủ đề và con người. Làn sóng các sáng kiến xuất sắc trong học thuật đang diễn ra ở 15 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và các nước khác, trong thời gian gần có thể củng cố vị thế của các trường đại học nghiên cứu tốt nhất.

Việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ khoa học toàn cầu đã nâng tầm sân chơi bằng cách mang lại cho cộng đồng khoa học toàn cầu một ngôn ngữ chung, đồng thời không thể phủ nhận điều này cũng mang lại lợi thế cho những quốc gia sử dụng tiếng Anh.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGHIÊN CỨU CƠ BẢN

Nghiên cứu tầm cỡ giải Nobel rõ ràng vận hành trong một tầng bình lưu đã được kiểm chứng của khoa học toàn cầu. Và trong bầu không khí học thuật ‘định hướng kết quả’ ngày nay, lối tư duy dài hạn và định hướng về nghiên cứu cơ bản được hầu hết các chính phủ và trường đại học coi là một thứ xa xỉ không thể chi trả được.

Tuy nhiên, như các hội đồng của Nobel công nhận mỗi năm, nghiên cứu cơ bản mang lại kết quả thực tế tuyệt vời nhất về dài hạn. Chẳng hạn như công trình của David Julius và Ardem Patapoutian về việc khám phá ra các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác. Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, gợi ý rằng kết quả nghiên cứu có thể hỗ trợ sự phát triển các phương pháp điều trị đau đớn.

Điều đáng xem xét là trong nỗ lực hỗ trợ quốc tế hóa nghiên cứu thông qua các chương trình tài trợ, trao đổi và hợp tác, chúng ta có nên đánh giá lại cách tiếp cận của mình trong việc hỗ trợ nghiên cứu cơ bản ở quy mô toàn cầu hay không.

 Phương Thục (Biên dịch từ University World News) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC