06:58:59 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Tham nhũng trong giáo dục đại học
Tham nhũng đang là “chủ đề nóng” đối với mọi quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, bản thân khái niệm “tham nhũng” cũng chưa được thống nhất nếu xét theo ngành, nghề, lĩnh vực, phạm vi. đối với giáo dục đại học, dường như khái niệm tham nhũng còn phức tạp hơn thế. Bản tin ĐHQGHN trân trọng giới thiệu bài viết của Stephen P.Heyneman, giáo sư chuyên ngành chính sách giáo dục quốc tế, Đại học Vanderbilt về lĩnh vực này.
Trường đại học vẫn được coi là nơi tôi luyện cho thế hệ mai sau. Dù cho môi trường chính trị có bất ổn hay nền kinh tế - xã hội có tồi tệ đến đâu thì việc đầu tư giáo dục vẫn luôn được xếp vào vấn đề bất khả xâm phạm. Tuy vậy, những nghiên cứu gần đây cho thấy, tham nhũng trong giáo dục cũng tồn tại như bất kỳ lĩnh vực nào khác và tính công bằng, trong sạch vốn được cho là đặc tính cơ bản của lĩnh vực này đang ngày càng bị xâm phạm bởi các lợi ích cá nhân, nhóm cá nhân, bởi cả các gia đình hay tổ chức.
Tham nhũng được định nghĩa là việc lạm dụng quyền lực để đạt được những lợi ích cá nhân. đối với giáo dục đại học, có thể kể ra các loại hình tham nhũng sau đây: thu lời bất hợp pháp từ hàng hóa, dịch vụ; gian lận trong việc thực hiện các chức năng như tuyển sinh, cho điểm, công nhận tốt nghiệp, nhà ở hay sản phẩm tri thức; những sai phạm mang tính chuyên môn như thiên vị thân nhân, lạm dụng tình dục, không công bằng trong điểm số, đạo văn; trốn thuế và gian lận trong việc sử dụng tài sản của trường đại học.
Mức độ phổ biến
Một khảo sát đối với sinh viên tại Bulgari, Moldova và Serbi gần đây cho thấy có đến 35 – 45% số người được hỏi tin rằng việc tuyển sinh vào đại học cần được bỏ qua. Gần 1/5 số người được hỏi thú nhận rằng đã từng hối lộ giảng viên; riêng tại Moldova, tỷ lệ này lên tới 2/5. Các trường đại học khác nhau thì tồn tại các hình thức hối lộ khác nhau. Những ngành nghề được cho là có nhu cầu xã hội cao như kinh tế, tài chính và luật – nơi có cạnh tranh đầu vào, học phí và tiềm năng xin được việc làm có thu nhập cao thì tồn tại nhiều tham nhũng hơn các ngành khác.
Tham nhũng trong giáo dục là vấn đề chung nhưng hình thức tham nhũng lại khác nhau theo từng vùng, lãnh thổ. Ở Bắc Mỹ, hình thức tham nhũng phổ biến là đạo văn và gian lận trong thi cử đối với sinh viên và giảng viên. Những vi phạm khác có thể kể đến như việc lên lớp muộn, phân biệt chủng tộc, quốc tịch, bất bình đẳng giới….
Đối với các quốc gia ngoài Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tham nhũng trong giáo dục xảy ra thường xuyên hơn nhưng lại dưới các hình thức khác. Ở Việt Nam, Cam-pu-chia, Nam Á, đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ, vấn đề chính thường là việc “ăn tiền đen”. Việc nhận tiền này thường nhằm mục đích đổi lại điểm cao hơn, cấp chứng nhận hoặc cho phép nhập học. Tại các nước châu Phi phía dưới sa mạc Xa-ha-ra, tham nhũng thường diễn ra dưới hình thức lạm dụng tình dục hoặc sai phạm về chuyên môn trong giảng đường.
 “Văn hóa tham nhũng”
Nhiều người cho rằng tham nhũng và gian lận là một phạm trù văn hóa và nó có khi không vượt quá những chuẩn mực đạo đức của cộng đồng. điều này có nghĩa là sinh viên hưởng ứng việc tham nhũng và không cảm thấy xấu hổ khi thực hiện. Tuy nhiên, nhìn chung, sinh viên sau đó sẽ cảm thấy xấu hổ và hối lỗi. Tại Croatia, 89% sinh viên cho rằng gian lận trong thi cử là sai trái và số lượng tương đương ở Mỹ cũng đồng ý với điều này. Mặt khác có một số báo cáo khác chỉ ra rằng sinh viên Mỹ đã gian lận trong thi cử vẫn cảm thấy không day dứt với đạo đức lương tâm của mình. điều này có nghĩa là, trong nhiều trường hợp, gian lận đã trở thành điều bình thường và hoàn toàn không liên quan gì đến việc đánh giá đạo đức cá nhân.
Ảnh hưởng kinh tế xã hội
Tham nhũng có thể làm tăng tính hiệu quả khi giá cả (ở đây bao gồm học phí, chi phí và lương) bị đóng khung bởi các quy định. Một số trường đại học đổ đồng lương cho giảng viên đối với mọi ngành nghề, lĩnh vực. Vì thế việc thu hút chất xám đôi khi đòi hỏi những khoản chi không theo quy định; tuy nhiên, tổng lợi nhuận của việc tham nhũng ít khi tồn tại ở các trường đại học bởi vì song song với nó, tham nhũng lại tác dụng ngược lại những mục tiêu xã hội khác nhằm thu hút đầu tư cho giáo dục. Bởi vì các trường đại học là nơi được cho là chuẩn mực của các hành vi xã hội; vì vậy, việc để các trường đại học bị tha hóa tức là sẽ dẫn đến việc trả giá đắt hơn trong các lĩnh vực khác.
Bởi vì một trong những mục đích của trường đại học là dạy con người ta cách cư xử; nên nếu trường đại học bị tha hóa, thì tất yếu, các công dân tương lai cũng bị tha hóa theo.
Tham nhũng còn để lại những ảnh hưởng xấu đối với chất lượng. Trường đại học sẽ trở thành một nơi đắt đỏ và chất lượng kém; khi mà các giảng viên chấp nhận việc cho điểm cao cho những người kém năng lực. Thay vì làm sao để thúc đẩy cạnh tranh nội bộ, tham nhũng lại làm cản trở nó. Một khi trường đại học đã có tiền lệ về việc tham nhũng, thì tất yếu sinh viên của họ sẽ bị thiệt thòi trong việc tìm kiếm công việc sau này. điều này, đặc biệt nghiêm trọng đối với khu vực tư nhân hơn là đối với các cơ quan công quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, tham nhũng lại dẫn đến một hệ quả xấu là các tổ chức tư nhân và xã hội sẽ không muốn đầu tư cho giáo dục nữa. Nếu sinh viên có thể mua điểm, họ sẽ đánh mất động lực để học. Doanh nghiệp sẽ không biết được rằng liệu sinh viên đó tốt nghiệp nhờ vào năng lực bản thân hay nhờ vào việc anh ta đã hối lộ giáo viên. Tấm bằng đại học sẽ trở nên mất giá trị. Và doanh nghiệp buộc phải sử dụng những biện pháp khác như kiểm tra, thử việc hoặc các phương án sàng lọc khác để tránh rủi ro. Sinh viên mới tốt nghiệp buộc phải chấp nhận mức lương thấp cho đến khi họ chứng minh được năng lực của bản thân thông qua các trải nghiệm công việc thực tế. Sinh viên tốt nghiệp ở các trường bị nghi ngờ là có tham nhũng sẽ khó được nhận vào các vị trí quan trọng.
Ai có thể ngăn được tham nhũng?
Trong bối cảnh mà tham nhũng đã trở thành chuyện phổ biến, thì không còn ai quan tâm đến điều này nữa. Nhưng sẽ vẫn có những giảng viên “chống lại” điều này, ngay cả trong môi trường tha hóa nhất. Họ vẫn coi trọng chuẩn mực nghề nghiệp chung, trong đó bao gồm lời hứa sẽ đối xử với sinh viên công bằng như nhau. Bên cạnh đó, nó đòi hỏi việc ưu tiên các chuẩn mực chung thay vì thiên vị người thân, gia đình và bạn bè. Nói theo cách đơn giản và ý nghĩa, các giảng viên này, những người dường như trở nên đơn độc trong trường của họ, lại đang đóng vai như những “người hùng thầm lặng”. Họ bảo vệ những nguyên tắc của họ, mà không cần hỗ trợ về luật pháp, quản lý, và cũng không nhằm nhu cầu nhận phần thường, và được ghi nhận; thay vào đó, họ chỉ có một mục tiêu duy nhất là bảo vệ sự công bằng và thậm chí đôi khi phải chống lại giới quản lý cấp cao.
Các thành tố tạo nên đạo đức học thuật
Làm sao để trường đại học phải giữ vững những nguyên tắc chung? Một trường đại học không thể hiện thái độ về vấn đề này thì sẽ chứng tỏ họ đang coi thường chuẩn mực chung. Có một số cách có thể giảm bớt khả năng tham nhũng và xóa đi quan niệm rằng hệ thống giáo dục có thể bị tha hóa. Ví dụ như việc ban hành chuẩn mực hành vi đối với giảng viên, các nhà quản lý, sinh viên và điều này lại được tuyên thệ công khai trên các trang web của trường và trong các báo cáo hàng năm công khai những thay đổi về mặt số lượng.
Chúng ta có thể làm gì?
Nhiều nước đang cố gắng tạo ra các bằng cấp đại học tương đương nhau cũng như thúc đẩy việc trao đổi tín chỉ. Khó có thể hình dung ra việc một trường đại học có tiếng tăm trong khối EU lại đồng ý chấp nhận tương đương bằng cấp với một trường đại học khác đang có nhiều vấn đề về tham nhũng. Mặt khác, Hệ thống kiểm định chất lượng châu Âu hoặc các hệ thống khác sẽ cần bổ sung minh chứng về việc chống tham nhũng như là một tiêu chí để tham gia vào quá trình kiểm định trong toàn châu Âu. Vì thế, bản chất của quá trình này sẽ được sử dụng như một công cụ để làm trong sạch hệ thống giáo dục đại học.
Một cách khác, liên quan đến các tổ chức đầu tư cho giáo dục đại học. Các đơn vị này cần phải cân nhắc lại những đầu tư của mình cho những hệ thống tồn tại tham nhũng cao. Tuy nhiên, để sự can thiệp về mặt chính sách có hiệu quả, thì cần phải có đầy đủ thông tin và chi phí. Việc điều tra thường xuyên với sinh viên và giảng viên là hữu ích. Một điều tra ở một trường đại học ở 2 thời điểm khác nhau cũng cho thấy những tín hiệu khả quan đối với vấn đề tham nhũng. điều này cũng chỉ ra rằng khi tính minh bạch và đạo đức nghề nghiệp trở thành phổ biến thì tỷ lệ tham nhũng cũng giảm theo.
 
 NL (dịch) - Bản tin ĐHQGHN số 246 tháng 8/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC