13:23:47 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Tiếng đàn cứu rỗi nỗi bất hạnh
Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, thật vậy, trong nỗi đau đớn, tuyệt vọng, nhờ chiếc đàn ghi ta, có một chàng trai mù đã tìm được ánh sáng cùng khát vọng sống và có được hạnh phúc gia đình dẫu còn bao gian truân, vất vả.
Trong cái nắng gắt buổi trưa hè xứ Nghệ, chúng tôi đến thăm căn nhà nhỏ của gia đình anh Vi Văn Ngữ ở xóm 5, xã Nghi Liên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An lúc anh đang chờ xe về quê. Dò dẫm rót chén nước mời khách, anh Ngữ vừa cầm đàn, vừa dành chút thời gian ít ỏi để nói về hơn nữa cuộc đời vật vả đã qua.
 Niềm tin và khát vọng
Sinh ra trong một gia đình có anh chị em. Ban đầu, Ngữ cũng lành lặn như bao bạn bè cùng trang lứa, từng ước mơ đến một ngày cầm súng bảo vệ quê hương. Trong một lần chăn trâu trên cánh đồng ở xóm Khe Thần, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, một quả mìn nằm gần mặt đất bất ngờ phát nổ đã cướp của Ngữ đôi mắt và cánh tay phải.
Qúa đau buồn trước tai nạn giáng xuống đầu con trai, bố mẹ Ngữ lâm bệnh nặng rồi lần lượt qua đời. Bốn anh em Ngữ chưa kịp trưởng thành đã chịu cảnh mồ côi. Không tin vào số phận nghiệt ngã, suốt 6 năm ròng trong cô độc, Ngữ đã đóng chặt cánh cửa với thế giới bên ngoài và không ít lần nghĩ đến cái chết. để động viên, giúp Ngữ vơi bớt buồn phiền và chán nản, ngày ngày, một nhóm thanh niên trong xóm thường mang đàn ghi ta đến nhà Ngữ ca hát. Trong một lần một mình trong căn nhà quạnh quẽ, đôi chân của Ngữ vô tình vấp phải một vật rắn khiến anh đau điếng, đưa tay dò dẫm, sờ nắn, anh mới biết đó là chiếc đàn ghi ta của nhóm thanh niên để lại. Vừa ôm đàn, vừa lần tìm những sợi dây, những âm thanh phát ra từ chiếc đàn nghe thật vô hồn như chính cuộc sống chỉ một màu tăm tối của Ngữ. Không biết vì sao, những âm thanh ấy lại khiến Ngữ không khỏi nghĩ suy về ước mơ trở thành nhạc công và quyết tâm học đàn.
Học đàn với người không có năng khiếu đã khó, với người mù hai mắt, lại bị mất một tay lại càng khó hơn. Những ngày đầu mò mẫm với chiếc đàn, năm ngón tay của Ngữ ứa máu. Nhưng không nản chí, Ngữ học ngày, học đêm quên ăn, quên ngủ. Tiếng đàn, lời ca đã giúp Ngữ có thêm niềm tin và khát vọng sống. Từ chỗ ban đầu chỉ là những tiếng đàn đơn điệu, dần dà trong căn nhà nhỏ bé của chàng thanh niên bất hạnh, Ngữ đã làm xôn xao xóm nhỏ một xã miền núi huyện Tân Kỳ với những tiếng đàn lay động lòng người. Không lâu sau, Ngữ gia nhập Hội Người mù của huyện. Trong môi trường mới, anh nhận thấy không ít mảnh đời còn éo le, bất hạnh hơn mình. Năm 2000, Vi Văn Ngữ được Hội Người mù tỉnh Nghệ An cử đi tham dự cuộc thi “Tiếng hát từ trái tim” do Hội Người mù Việt Nam tổ chức và anh đã gây bất ngờ lớn khi đoạt Huy chương Vàng với ca khúc “Giai điệu tổ quốc” của nhạc sỹ Trần Tiến. Hai năm sau, anh lại đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Nghệ thuật quần chúng do Bộ Lao động - TBXH tổ chức.
Cũng đành, xin làm người hát rong!
Thành tích của một tấm thân tàn phế Vi Văn Ngữ trên con đường âm nhạc là một điều ai cũng hằng mơ. Dù không còn mặc cảm với số phận nhưng tận trong sâu thẳm tâm hồn, Ngữ chưa một lần dám nghĩ đến có một ai đó có thể cùng mình lo toan những bộn bề của cuộc sống. Hạnh phúc cũng đã mỉm cười với Ngữ, trong một lần xuống Vinh biểu diễn văn nghệ năm 2000, anh đã gặp Nguyễn Thị Hương, cô giáo dạy chữ Brai, giọng ca của Hội Người mù Nghi Lộc. Hai người cùng cảnh ngộ, thấy có nhiều điểm tương đồng nên sau một thời gian tìm hiểu, họ tiến tới hôn nhân.
Cưới nhau về không một tấc đất cắm dùi vì căn nhà cũ cha mẹ để lại đã nhường cho em trai, vợ chồng Ngữ lang thang phiêu bạt nay đây mai đó, khi Tân Kỳ, lúc Yên Thành, Diễn Châu. Ngày qua ngày, người ta thấy một đôi vợ chồng mù dẫn nhau đi đây đó bán tăm, đũa mưu sinh. Năm 2001, đứa con gái đầu lòng của anh chị chào đời lành lặn trong niềm vui khôn tả của đôi vợ chồng mù khốn khó và được đặt tên là Thương. Tên của con gái cũng là tình thương, gắn chặt thêm tình cảm vợ chồng anh Ngữ, cũng là niềm tri ân với anh chị em Hội người mù tỉnh Nghệ An – nơi có những người luôn động viên, giúp đỡ anh chị vượt qua mọi gian nan, thử thách. Một thời gian sau, anh cùng vợ lại dắt díu nhau xuống Vinh. Thương con, năm 2003, mẹ vợ anh chia cho hai người mảnh đất nhỏ ở xóm 5-Nghi Liên, ngôi nhà nhỏ đã được dựng lên bằng tiền đóng góp của anh chị em trong Hội Người mù và bà con lối xóm.
Nhưng giá cả sinh hoạt ngày càng tăng cao, gánh nặng cơm áo gạo tiền càng thêm đè nặng lên đôi vai gầy yếu của đôi vợ chồng mù. Thời gian này, số đối tượng giả danh bán tăm tình thương càng nhiều khiến việc bán tăm đũa của anh chị thêm phần khó khăn. Bao đêm trăn trở, anh Ngữ chợt nhớ đến cây đàn ghi ta, thứ nhạc cụ giúp anh chiến thắng số phận và có được người bạn đời. Bây giờ, nó lại là chiếc “cần câu cơm” để vợ chồng anh tiếp tục cuộc mưu sinh. “Biết làm răng được hả chú. Tui cũng muốn đứng trên sàn diễn nhưng nào có ai chấp nhận một kẻ mù loà, cụt tay chơi đàn. Nếu không hát rong, hát xẩm thì biết làm chi để nuôi mẹ già, con dại”, anh Ngữ phân trần. Những bước chân không mỏi của đôi vợ chồng mù đã đi qua biết bao con phố, bao ngôi nhà, quán xá của thành phố Vinh,thị xã Cửa Lò… để cất lên lời ca, tiếng xẩm hòng mong sao kiếm được đồng tiền cho cuộc sống đầy những lo toan, tất bật. “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Sống cuộc đời răng là nhục là vinh...”
 Hồ Duy - Bản tin ĐHQGHN số 246 tháng 8/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC