22:00:46 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Đa dạng hóa hình thức đào tạo điện ảnh
Ông Trần Hinh, chủ nhiệm Dự án điện ảnh, đồng Chủ nhiệm bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, vừa có chuyến thăm các trường đại học và cơ sở đào tạo điện ảnh tại một số bang của nước Mỹ. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên chúng tôi với ông về một số vấn đề của đào tạo điện ảnh.
Ông có thể cho biết một số nét khái quát về hình thức đào tạo điện ảnh ở các trường đại học của Mỹ mà ông đã đến thăm trong chuyến đi vừa qua?
Có thể nói, chuyến thăm các trường đại học Mỹ cho tôi nhiều cảm nhận mới mẻ. Điều làm tôi suy nghĩ nhiều nhất là mô hình đào tạo điện ảnh ở các trường đại học Mỹ rất đa dạng. Mỗi nơi tôi đến lại thấy có những mô hình riêng. Ngoài ra, ở rất nhiều trường tôi đã ghé qua, việc sinh viên các chuyên ngành khác như văn học, lịch sử, địa lí, hóa học, vật lí...tham gia các khóa học điện ảnh trong cùng thời gian học chuyên ngành của mình là điều bình thường. Tôi có cảm giác, các trường đại học Mỹ rất biết tận dụng thế mạnh của điện ảnh trong thời đại nghe nhìn như hiện nay. Đào tạo điện ảnh có thể ra đời muộn hơn so với một số chuyên ngành khoa học và nghệ thuật khác, nhưng lại có thế mạnh. Người Mỹ đã biết tận dụng thế mạnh đó.
Qua khảo sát và tìm hiểu, tôi đã nhận ra rằng, nước Mỹ sở dĩ có được một ngành công nghiệp điện ảnh đồ sộ và hấp dẫn như hiện nay, ngoài tiềm lực kinh tế lớn lao của họ, thì việc họ đầu tư vào đào tạo điện ảnh là rất đáng nể. Người Mỹ không quan niệm, các trung tâm đào tạo điện ảnh thì cứ phải đào tạo ra các nhà làm phim chuyên nghiệp. Không phải ai học điện ảnh ra cũng đều trở thành các siêu sao Hollywood. Họ quan niệm, bất cứ ai, làm nghề gì, sống trong một thế giới nghe nhìn như ngày nay, việc được trang bị các kiến thức điện ảnh, luôn là cần thiết. Bởi lẽ, để có được một nền điện ảnh lớn, ngoài việc đào tạo người làm điện ảnh (đạo diễn, biên kịch, diễn viên...), còn rất cần phải đào tạo người xem điện ảnh (khán giả). Mà người xem, người thưởng thức mới thực sự chiếm số đông trong xã hội. Vai trò của điện ảnh và công nghệ nghe nhìn ngày nay thì ai cũng biết tầm quan trọng của nó rồi. Việc đa dạng hóa mô hình đào tạo điện ảnh ở Mỹ luôn được khích lệ. Vì vậy, gần như ở bất cứ trung tâm đào tạo đại học nào ở Mỹ, người ta cũng đưa môn học điện ảnh vào chương trình.
Ông nhận định thế nào về việc đào tạo điện ảnh trong nước hiện nay?
Ở nước ta có hai cơ sở dạy và học về điện ảnh lớn là Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội và Cao đẳng Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, theo tôi biết, ở một số trường Cao đẳng nghệ thuật khác cũng có chuyên ngành đào tạo điện ảnh. Gần đây, trường Nghệ thuật Quân đội cũng mở khoa Lý luận và biên kịch điện ảnh. Chỗ Tiến sĩ Văn Giá, trường Đại học văn hóa cũng đang xúc tiến mở chuyên ngành này. Trong khi đó, theo tôi biết, Hàn Quốc có không dưới 40 cơ sở đào tạo điện ảnh chuyên nghiệp (cả khoa và trường). Trong khi đó, một đất nước có tới gần 90 triệu dân như nước ta, việc đào tạo điện ảnh như hiện nay còn quá mỏng và quá yếu. Tầm cỡ như ĐHQGHN đến lúc này, không có chuyên ngành đào tạo điện ảnh, theo tôi là quá muộn và rất đáng tiếc.
Qua chuyến khảo sát vừa rồi, chắc hẳn ông có ý định đa dạng thêm mô hình đào tạo sân khấu và điện ảnh tại Trường ĐHKHXH&NV?
Mục đích chuyến khảo sát vừa rồi của chúng tôi ở một số trung tâm đào tạo điện ảnh Mỹ là muốn tìm hiểu một mô hình đào tạo điện ảnh phù hợp nhất cho Trường ĐHKHXH&NV. Không phải ngẫu nhiên, trong đoàn đi của chúng tôi còn có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo của trường. Chúng tôi muốn biết ngoài mô hình đào tạo chuyên ngành như Đại học Sân khấu và Điện ảnh, đào tạo điện ảnh ở nước ta còn có thể ứng dụng một mô hình đào tạo nào khác nữa.
Khoa Văn học của Trường ĐHKHXH&NV vốn là một đơn vị đào tạo chuyên ngành văn học, tại sao lại mở một dự án điện ảnh?
Khoảng những năm 2003-2004, Quỹ Ford, sau khi đã tài trợ có hiệu quả cho Hội Điện ảnh, cụ thể là trung tâm TPD, một số dự án làm phim, đã nghĩ đến việc tài trợ một dự án đào tạo điện ảnh cho khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV. Tại sao lại chọn khoa Văn thì tôi không thật rõ nhưng tôi cũng đoán chừng rằng, TS. Michael DiGigrigoria, cán bộ chương trình của Quỹ Ford lúc bấy giờ, muốn có một mô hình đào tạo điện ảnh khác đi. Đó cũng chính là mô hình mà tôi thấy được qua chuyến khảo sát vừa qua ở Mỹ. Dự án điện ảnh khoa Văn học Trường ĐHKHXH&NV ra đời trên cơ sở đó. Trong 6 năm qua, chúng tôi đào tạo theo hình thức ngắn hạn (10 tháng) chủ yếu theo phương pháp nước ngoài với gần 200 sinh viên. Họ đều là những người đã tốt nghiệp một chuyên ngành đại học nào đó. Rõ ràng sự có mặt của một lớp sinh viên điện ảnh được đào tạo theo mô hình mới đã làm đa dạng và phong phú hơn cho điện ảnh trong nước. Những sinh viên này đã có đóng góp ít nhiều cho sự đa dạng và phong phú nền điện ảnh nước nhà, cho dù chỉ là trong vai trò biên kịch phim truyền hình. Một số kịch bản phim do họ thực hiện với sự giúp đỡ kèm cặp của một số nhà biên kịch chuyên nghiệp như Lập trình trái tim, Những người con rể nhà họ Lê...cũng gây được ấn tượng với người xem. Chúng tôi cũng đã gửi đào tạo thạc sĩ một số sinh viên của dự án tại trường Đại học Nghệ thuật Điện ảnh Nam California. Chúng tôi hy vọng, cùng với thời gian, sự trưởng thành và đóng góp của họ cho điện ảnh Việt Nam cũng sẽ lớn dần lên. Và quan trọng hơn, sau chúng tôi sẽ còn có nhiều trường đại học khác trong nước cũng sẽ mở chuyên ngành đào tạo điện ảnh. Đó cũng là một mô hình hơi khác một chút với trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh.
Khoa Văn học có định tiếp tục dự án điện ảnh lâu dài hay không và những định hướng sắp tới sẽ như thế nào?
Dự án điện ảnh với sự tài trợ của Quỹ Ford đã sắp kết thúc khóa thứ 6. Chúng tôi không nghĩ sẽ tiếp tục dự án này lâu dài. Và tất nhiên Ford cũng không thể tài trợ cho chúng tôi mãi được. Nhưng sau khi dự án này kết thúc, sẽ có một chuyên ngành mới được mở ra ở trường. Chúng tôi tạm hình dung, khoa Văn học hiện có hai chuyên ngành truyền thống là Hán nôm và Văn học. Sắp tới đây sẽ có chuyên ngành thứ ba cùng ở trong khoa. Đó là Nghệ thuật học, trong đó có Điện ảnh học, dựa trên nền tảng của phương pháp đào tạo chúng tôi đã thực hiện tại dự án 6 năm qua. Chúng tôi đang xúc tiến triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ điện ảnh để tận dụng lực lượng sinh viên học các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn. Như vậy là, chúng tôi không chỉ tiếp tục dự án điện ảnh mà còn nâng cao nó.
Xin cảm ơn ông!
 
 N.X.H (thực hiện) - Bản tin số 249 - Tháng 11/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC