08:31:47 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân- nhân tố quan trọng làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”
Cách đây 40 năm, vào nửa cuối tháng 12-1972, quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, làm nên Chiến thắng lừng lẫy “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng bắt nguồn từ nhiều nhân tố, song có thể khẳng định, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam chính là nhân tố quan trọng làm lên kỳ tích lịch sử này. Sức mạnh ấy được thể hiện hết sức sống động, cụ thể là:
Trước hết, chúng ta đã phát huy sức mạnh truyền thống cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc; chủ động xây dựng thế trận phòng không nhân dân, nghiên cứu đề xuất kịp thời cách đánh B-52.
Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân ở các mức độ khác nhau, đã đánh bại nhiều kẻ thù hung bạo.

 

Thiếu tướng
Nguyễn Kim Sơn
Sau cách mạng tháng Tám thắng lợi, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đến sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Người dạy: “Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn, không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó thì không thể thắng được…”
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để thúc đẩy chiến tranh nhân dân phát triển hơn nữa, Người nhấn mạnh: “Động viên toàn dân đoàn kết chống Mỹ” đồng thời phải nâng cao kiến thức quân sự cho toàn dân; “giáo dục nhân dân từ các cháu thiếu nhi đến ông, bà già về chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân”, tạo điều kiện để nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu.
Quán triệt tư tưởng chiến tranh nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân hai miền Nam - Bắc phát huy trí tuệ, sức mạnh chiến đấu. Trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, sức mạnh chiến tranh nhân dân càng được thể hiện rõ từ khâu chuẩn bị đến suốt quá trình 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt.
Trước hết nói về chuẩn bị thế trận phòng không nhân dân và nghiên cứu cách đánh B-52. Từ năm 1964, khi Mỹ bắt đầu sử dụng B-52 trên chiến trường miền Nam, ta đã nghiên cứu, đánh giá tình hình và kết luận rằng Mỹ sẽ sử dụng loại vũ khí chiến lược này để tấn công miền Bắc trong những thời điểm lịch sử. Năm 1965, trước sự leo thang đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có nhận định rằng không sớm thì muộn Mỹ cũng sẽ tấn công Hà Nội bằng B-52. Cũng chính vì thế, từ tháng 5-1966, theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không- Không quân (PK-KQ) đã cử một trung đoàn tên lửa cơ động phục kích tại chiến trường Vĩnh Linh, nghiên cứu quy luật hoạt động, cách bố trí đội hình của B-52 và các tốp máy bay tiêm kích bảo vệ…để tìm ra phương thức đánh B-52. Những đánh giá ban đầu về B-52 được báo cáo về Bộ Tổng tham mưu để chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, luyện tập và lập phương án đối phó.
Năm 1968, theo lệnh của Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng PK-KQ bắt đầu xây dựng Kế hoạch tác chiến chống cuộc tập kích bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội. Tháng 1-1969, ta đã hoàn thành bản "Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B-52" và tổ chức triển khai tại một số đơn vị tên lửa; cao xạ tầm cao và không quân tiêm kích đánh chặn. Sau đó, nhiều trung đoàn tên lửa và phân đội máy bay tiêm kích đã được bố trí chiến đấu tại Quân khu 4 để tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh bản dự thảo. Đến tháng 9-1972, sau nhiều lần chỉnh sửa, bản Kế hoạch đánh máy bay B-52 của Quân chủng PK-KQ đã được cơ bản hoàn chỉnh.
Như vậy, ta đã hoàn toàn chủ động xây dựng thế trận phòng không nhân dân, nghiên cứu, đề xuất kịp thời cách đánh B-52. Đây là nhân tố vô cùng quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu để quân và dân ta đánh thắng cuộc tập kích đường không của Mỹ.
Hai là, tổ chức hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa các lực lượng; kết hợp vũ khí tương đối hiện đại và hiện đại, đánh địch bằng nhiều mưu kế sáng tạo.
Trước khi sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh vào miền Bắc nước ta, nhà cầm quyền Mỹ tin rằng nó sẽ giành ưu thế tuyệt đối trên không và B-52 không thể bị bắn hạ. Tuy nhiên, bằng đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, chúng ta đã xây dựng được được thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, tạo thành sức mạnh to lớn để đánh thắng kẻ thù. Trong thế trận đó phải kể đến vai trò của các lực lượng sau:
Bộ đội Ra-đa là lực lượng trinh sát, quản lý vùng trời đã phát hiện chính xác địch trên không; thông báo, báo động kịp thời cho các lực lượng PK-KQ chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu và cho nhân dân kịp thời sơ tán, trú ẩn; cung cấp tình báo cho các đơn vị hỏa lực, dẫn đường cho không quân đánh địch trên không. Chúng ta đã hình thành mạng hệ thống mạng ra-đa, mạng quan sát mắt cho các hướng. Và ngay trong đêm đầu của Chiến dịch, bộ đội ra-đa đã phát hiện, thông báo sớm B-52, giúp các lực lượng kịp thời chuyển cấp chiến đấu và nhân dân Hà Nội nhanh chóng sơ tán, phòng tránh.
Bộ đội không quân tiêm kích là lực lượng hỏa lực có khả năng cơ động cao, tầm hoạt động xa, đánh địch bay từ bất cứ hướng nào tới; có khả năng chi viện cho các khu vực tác chiến mà ở đó lực lượng phòng không mỏng. Tuy không quân Mỹ tập trung đánh phá toàn bộ các sân bay nhằm vô hiệu hóa khả năng cất cánh của không quân ta, nhưng chúng ta chủ động cơ động, sơ tán, bố trí máy bay ở các sân bay dã chiến và đã bất ngờ xuất kích 24 lần chiếc đánh chặn địch từ xa khi chúng chưa kịp triển khai đội hình. Lực lượng không quân của ta đánh “bóc vỏ”, đánh tiêu hao từ xa, làm cho đội hình địch bị phá vỡ, chỉ huy rối loạn, tạo điều kiện cho tên lửa của ta “làm bàn” tiêu diệt.
Bộ đội tên lửa phòng không là lực lượng chủ yếu đánh B-52 trong Chiến dịch. Tuy lực lượng tên lửa ở miền Bắc có hạn nhưng đã được tập trung bố trí ở những hướng chủ yếu, quan trọng. Riêng khu vực Hà Nội đã bố trí tới 50% lực lượng. Khi biết rõ ý đồ địch chủ yếu dùng B-52 đánh ban đêm, ta đã sử dụng pháo phòng không và không quân tiêm kích tập trung đánh vào ban ngày nhằm bảo vệ các mục tiêu và các trận địa tên lửa. Các đơn vị tên lửa được ưu tiên chủ yếu để đánh ban đêm. Ngay đêm 18-12, khi Mỹ bắt đầu mở chiến dịch tập kết đường không, các đơn vị tên lửa đã ra quân đánh trận mở màn và lập chiến công xuất sắc, bắn rơi 3 máy bay B-52.
Bộ đội pháo phòng không là lực lượng đông đảo và rộng khắp, với nhiệm vụ bắn máy bay bay thấp, bay bằng, bổ nhào, ném bom cả ở độ cao cao, thấp và trung bình. Trong Chiến dịch, các lực lượng pháo phòng không đã phát huy hỏa lực, tập trung đánh các loại máy bay chiến thuật của Mỹ khi chúng đánh phá các sân bay, trận địa tên lửa và các mục tiêu quan trọng vào ban ngày. Còn ban đêm pháo phòng không trực tiếp tham gia đánh các máy bay chiến thuật bay thấp, bay gây nhiễu và hộ tống trong đội hình B-52. Ta đã sử dụng cả pháo 100mm đánh B-52.
Lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ rộng khắp, đánh máy bay địch bay thấp, hoạt động theo tốp nhỏ, chiếc lẻ, trực tiếp bảo vệ các mục tiêu quan trọng của các địa phương. Ngoài nhiệm vụ tập trung bắn máy bay, đây còn là lực lượng báo động phòng không nhân dân, chỉ đạo và tổ chức sơ tán, phòng tránh, bắt giặc lái nhảy dù. Trong Chiến dịch, ta đã tổ chức 364 phân đội dân quân tự vệ với 1.428 khẩu pháo và súng máy phòng không các loại, tổ chức trên 100 trận địa pháo phòng không, 36 đài quan sát xa, 414 đài quan sát bổ trợ, tạo thành thế trận phòng không nhân dân rộng khắp.
Quân, dân Hà Nội bên xác chiếc B-52 bị bắn rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám
trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972. Ảnh tư liệu
Ngoài ra còn phải kể đến một lực lượng rất rộng lớn, đó là dân quân tự vệ và nhân dân các địa phương. Tuy không tham gia bắn máy bay nhưng đã tham gia những nhiệm vụ hết sức quan trọng như san lấp hố bom, sửa chữa sân bay, làm trận địa tên lửa cao xạ, ra-đa, ngụy trang, cất giữ vũ khí, khí tài, đào hầm trú ẩn, cấp cứu, cứu thương...
Có thể nói, việc kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và các loại vũ khí hiện có đã tạo ra lưới lửa phòng không ở các tầm cao thấp khác nhau, khiến cho không quân Mỹ dù bay ở độ cao nào cũng bị tiêu diệt. Đây thực sự là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, thể hiện sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Với thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp và cách đánh thông minh sáng tạo, kết thúc Chiến dịch, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 chiếc B-52.
Ba là, chúng ta đã kết hợp đúng đắn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao.
Sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch còn được thể hiện ở chủ trương, đường lối của Đảng trong kết hợp đúng đắn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao.
Cuộc chiến 12 ngày đêm giữa quân và dân ta với không quân nhà nghề Mỹ là cuộc đối đầu không cân sức chưa từng có trong lịch sử. Ngoài ý chí quyết tâm, cách đánh mưu trí sáng tạo của quân và dân ta, chúng ta còn nhận được sự giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế về cả vật chất và tinh thần. Những vũ khí, trang bị hiện đại của Liên Xô, Trung Quốc là yếu tố quan trọng để chúng ta hiện thực hóa quyết tâm chiến đấu. Khi bom Mỹ trút xuống Hà Nội, Hải Phòng, hàng loạt nước và tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo trên thế giới đã gửi điện thăm hỏi động viên, gửi thuốc men giúp nhân dân ta khắc phục hậu quả; đồng thời tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Mỹ. Những cuộc biểu tình rầm rộ của hàng chục nghìn người dân tiến bộ Mỹ ngay trên các đường phố nước Mỹ thực sự là đòn giáng mạnh vào bộ máy cầm quyền của Ních-xơn và làm sa sút nghiêm trọng tinh thần chiến đấu của phi công Mỹ.
Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao, ta đã làm cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu rõ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta. Khi Mỹ cố tình dây dưa để chối bỏ dự thảo Hiệp định Pa-ri đã được hai bên thỏa thuận, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã kịp thời ra tuyên bố về “tình hình cuộc đàm phán về Việt Nam hiện nay”. Bản tuyên bố nói rõ những diễn biến của cuộc đàm phán; những vấn đề chủ yếu của Hiệp định Pa-ri đã được hai bên thỏa thuận và vạch rõ thái độ thiếu nghiêm chỉnh, thiếu thiện chí của Mỹ đã gây ra tình hình rất nghiêm trọng đe dọa phá vỡ việc lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bằng những sách lược kịp thời, đúng đắn trong đấu tranh chính trị, ngoại giao, ta đã tận dụng các diễn đàn quốc tế để đấu tranh cô lập Mỹ. Khi Mỹ dùng không quân chiến lược B-52 đánh Hà Nội, Hải Phòng để ép ta, do nắm chắc âm mưu của Mỹ, ta vẫn kiên định mục tiêu cách mạng, giữ vững những điều đã thỏa thuận trong văn bản do ta soạn thảo trước đó. Cuối cùng phía Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân về nước. Đó là minh chứng hùng hồn về trí tuệ sáng suốt và tài năng của Đảng trong kết hợp đúng đắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao.
Những bài học quý báu về chiến tranh nhân dân được đúc rút từ Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” không chỉ có giá trị lịch sử mà còn giữ nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

 

 Thiếu tướng NGUYỄN KIM SƠN, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu - QĐND Online
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC