Ông là người tham gia phát hiện các di tích đầu tiên của văn hoá Sơn Vi có niên đại hậu kỳ đá cũ, là nguồn gốc của văn hóa Hoà Bình. Ông cũng là người đầu tiên phân lập văn hoá Bàu Tró, một văn hoá hậu kỳ đá mới ở miền Trung Việt Nam, sơ bộ phân chia các loại hình văn hoá của văn hoá này, và chứng minh văn hoá Bàu Tró là bắt nguồn từ văn hoá Quỳnh Văn. Ông tham gia phân lập văn hoá Hà Giang, một văn hoá hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí ở vùng Việt Bắc. Ông nghiên cứu kỹ nghệ Ngườm, một kỹ nghệ hậu kỳ đá cũ ở Việt Nam với nhiều phát hiện khoa học. Ông đã phát hiện cũng như phiên dịch nhiều văn bản cổ, đặc biệt là nhiều văn minh trên bia đá, chuông đồng, từ đó có những đóng góp mới cho lịch sử Việt Nam. Ông đã có những công trình nghiên cứu về loại hình kiến trúc quen thuộc của văn hoá Việt Nam như: “Chùa Việt Nam”, “Đình Việt Nam”, được đánh giá cao ở trong và ngoài nước…
Những công trình khảo cổ học và lịch sử Việt Nam của ông đã là đặc biệt xuất sắc, có tính khoa học cao, nhiều luận điểm mới, có đóng góp lớn cho khoa học khảo cổ và lịch sử Việt Nam và khu vực. Các học giả nước ngoài rất chú ý theo dõi cũng như đã trích dẫn, đánh giá và trao đổi về các công trình của ông.
GS Hà Văn Tấn có hơn 200 công trình nghiên cứu và sách đã công bố từ năm 1959 tới nay. Cuốn sách “Theo dấu các văn hoá cổ” của ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
GS Hà Văn Tấn sinh năm 1937, quê ở Hà Tĩnh, nhà giáo Nhân dân.
|